TÓM TẮT:
Ở Việt Nam, xây dựng và phát triển một nền kinh tế theo cơ chế phát triển thị trường, hội nhập với kinh tế thế giới đã tạo tiền đề nảy sinh, phát triển mạnh mẽ các nhu cầu đảm bảo bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm đã thực sự sôi động và được dự báo là sẽ phát triển trong những năm tới. Mặc dù vậy, nếu so với sự phát triển của ngành Bảo hiểm thế giới, thì ngành Bảo hiểm ở nước ta vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ. Bài viết đi sâu phân tích tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam và đưa ra một số giải pháp.
Từ khóa: Thị trường bảo hiểm, rủi ro, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ.
I. Thực trạng thị trường bảo hiểm Việt Nam1.1. Thị trường bảo hiểm nhân thọ
- Số lượng hợp đồng bảo hiểm:
Cơ cấu số lượng hợp đồng khai thác mới sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong năm 2016 như sau: hỗn hợp chiếm 39,3%; tử kỳ chiếm 35,4%; đầu tư chiếm 24,9%; sản phẩm trọn đời và sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,4%. Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong năm là 89.145 hợp đồng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng khôi phục cao là Prudential: 73.196 hợp đồng, Manulife 7.039 hợp đồng và Dai-ichi là 3.391 hợp đồng. Nhóm sản phẩm khôi phục nhiều nhất là: Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (45.373 hợp đồng) và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ (37.051 hợp đồng).
Số lượng hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ là 807.703 hợp đồng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số hợp đồng hết hiệu lực nhiều trên thị trường là Prudential với 320.583 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 210.924 hợp đồng, Manulife là 61.706 hợp đồng. Nhóm sản phẩm hết hiệu lực nhiều nhất cũng là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm 500.045 hợp đồng và sản phẩm tử kỳ 220.908 hợp đồng.
Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ là 4.764.108 hợp đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng có hiệu lực lớn là Prudential 2.016.855, Bảo Việt Nhân thọ là 1.275.369 hợp đồng, Manulife là 390.571 hợp đồng.
Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 122.694 người, Bảo Việt Nhân thọ 27.762 người và AIA 18.242 người. Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong năm 2016 là: 141.973 người tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential (49.366 người), AIA (18.950 người) và Bảo Việt Nhân thọ (16.607 người).
2. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ
Dẫn đầu là bảo hiểm xe cơ giới đạt 6.329 tỉ đồng tăng trưởng 1,59%, bảo hiểm tài sản và thiệt hại đạt 4.810 tỉ đồng tăng trưởng 7%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt 4.011 tỉ đồng tăng trưởng 22,25%, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 1.927 tỉ đồng tăng trưởng 6,2%.
Dẫn đầu doanh thu khai thác bảo hiểm gốc là Bảo Việt 5.384 tỉ đồng, PVI 4.658 tỉ đồng, Bảo Minh 2.294 tỉ đồng, PJICO 1.971 tỉ đồng, PTI 1.639 tỉ đồng. Các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu cao là Cathay 138,34%, Samsung Vina 66,80%, PTI 53,27%, ACE 48,19%.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đạt 95.796 tỷ đồng.
Trên thị trường có tổng số 58 DNBH, trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 15 DNBH nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm (BH) 6 tháng toàn thị trường ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tổng doanh thu phí BH phi nhân thọ đạt 11.878 tỷ đồng; doanh thu phí BH nhân thọ đạt 9.155 tỷ đồng.
Tổng số tiền thực bồi thường và chi trả tiền BH 6 tháng đầu năm 2016 là 8.630 tỷ đồng, trong đó các DNBH nhân thọ là 4.045 tỷ đồng; các DNBH phi nhân thọ là 4.585 tỷ đồng.
Có thể nói, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả:
Thứ nhất, triển vọng thị trường bảo hiểm Việt Nam có khả quan. Trên thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, khủng hoảng kéo dài. Mặc dù vậy, những yếu tố đáng khích lệ là cán cân thanh toán cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, tiền đồng được giữ ổn định…, có những yếu tố tích cực đối với thị trường bảo hiểm trong nửa cuối năm 2015, đó là chính sách thúc đẩy đầu tư công, chi tiêu Chính phủ để kích cầu, tăng trưởng tín dụng đang được đẩy mạnh nhờ nỗ lực của Chính phủ bơm tín dụng vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời lãi suất huy động được dự báo tiếp tục được điều chỉnh giảm trong những tháng cuối năm sẽ là những động lực thúc đẩy kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển. Thêm vào đó, nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm hưu trí của người dân ngày càng rõ nét hơn, đem lại cơ hội phát triển sản phẩm bảo hiểm hưu trí cho các công ty bảo hiểm. Xu hướng M&A trong lĩnh vực bảo hiểm dự báo sẽ ngày càng rõ nét trong thời gian tới.
Thứ hai, chủ trương tái cơ cấu thị trường bảo hiểm cũng như định hướng phát triển thị trường bảo hiểm cũng đang là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểmhoàn thiện hệ thống quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ. Bộ Tài chính cũng chủ trương thắt chặt thêm quy định thanh tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo thị trường phát triển ổn định và bền vững. Ngoài ra, chủ trương tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước và tái cơ cấu thị trường bảo hiểm sẽ ảnh hưởng tới tình hình cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt là với các công ty bảo hiểm nội ngành. Năm 2015, khá nhiều DNBH thực hiện chiến lược tái cơ cấu gắn liền với phát triển kinh doanh có hiệu quả, mang lại thành công nhất định góp phần vượt qua khó khăn thách thức của thị trường bảo hiểm. Năm 2016, tiếp tục thực hiện đem lại sự thay đổi về chất cho DNBH và thị trường bảo hiểm.
Thứ ba, các DNBH đã mạnh dạn xử lý xong phải thu khó đòi do nợ đọng phí bảo hiểm dây dưa, trích lập dự phòng, giảm giá đầu tư chứng khoán và đầu tư khác, tạo nên tài chính lành mạnh.
Thứ tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều DNBH thành công trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vốn (mua cổ phiếu) hợp tác liên kết trong kinh doanh, hi vọng năm 2013 có nhiều DNBH làm được việc này.
Thứ năm, chú trọng phát triển nội bộ ngành. Nhiều DNBH đã chú trọng phát triển sản phẩm mới, mở rộng địa bàn chăm sóc, tiếp nhận thông tin giải quyết bồi thường cho khách hàng, chú trọng khai thác thị trường tiềm năng:Bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm trách nhiệm (nghề nghiệp, sản phẩm, cộng cộng, chung), bảo hiểm nhóm cho người lao động, bảo hiểm liên kết chung. Nhiều DNBH đãcủng cố phát triển kênh phân phốisản phẩm nâng cao chất lượng hoạt động của chi nhánh công ty thành viên, đại lý, môi giới bảo hiểm, mở rộng phân phối sản phẩm qua ngân hàng, bưu điện và các tổ chức khác. Năm 2016, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các công việc trên. Năm 2015, các DNBHtập trung vào cắt giảm chi phí, giảm bớt thủ tục hành chính, xây dựng sửa đổi lại quy trình nghiệp vụ từ khai thác, quản lý khách hàng, quản lý đối tượng bảo hiểm, giám định, bồi thường bảo hiểm, giảm phân cấp cho chi nhánh, nâng cao công việc quản lý, điều hành của trụ sở chính. Thành công này tiếp tục phát huy trong năm 2016.
Thứ sáu, các DNBH đã nhận thức được rằng con đường nâng cao năng lực cạnh tranhlà phải làm cho năng lực của DNBH ngày một mạnh hơn về tài chính, quản lý kinh doanh, phục vụ khách hàng, giữ uy tín thương hiệu đi liền với giữ gìn khách hàng truyền thống.
Thứ bảy, những cơ hội đối với các DNBH khi Việt Nam gia nhập WTO.Nền kinh tế tăng thêm tiềm năng cho ngành Bảo hiểm phát triển. Số lượng các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tăng trong đó tập quán mua bảo hiểm để an toàn trong sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài sẽ lan rộng trong khối các tổ chức kinh tế xã hội. Trình độ dân trí ngày càng nâng lên, thu nhập ngày càng cao kèm theo nhu cầu về bảo hiểm con người chăm sóc sức khỏe y tế xã hội ngày càng tăng. Chế độ quản lý nhà nước về bảo hiểm ngày càng hoàn thiện hơn làm cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động lành mạnh và người dân tin tưởng hơn doanh nghiệp bảo hiểm.
Cuối cùng, các DNBH cần chuẩn bị nguồn nhân lực và bộ máy tổ chứcđể phát triển bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm nhân thọ do chủ sử dụng lao động mua cho người lao động, bảo hiểm nhà máy điện hạt nhân, bảo hiểm tàu điện ngầm và đường sắt trên cao.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại:
Thứ nhất, bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến phức tạp,rủi ro ngày càng khó lường trước, đặc biệt là rủi ro chính trị và rủi ro thị trường tài chính. Lãi suất giảm, thị trường chứng khoán hồi phục chưa chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả hoạt động đầu tư và tình hình thực hiện lợi nhuận của các công ty bảo hiểm. Về hoạt động khai thác bảo hiểm, những yếu tố thách thức đối với thị trường bảo hiểm là tăng trưởng GDP thấp, sản xuất, tiêu dùng chưa hồi phục. Ngoài ra, thu nhập suy giảm đang ảnh hưởng đến phần chi tiêu cho bảo hiểm của người dân, đồng nghĩa với thách thức cho hoạt động khai thác bảo hiểm.
Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ chưa rõ ràng. Tình hình khu vực Eurozone dự báo diễn biến khó lường và không sớm được giải quyết.
Thứ hai, thời gian tới cần sớm khắc phục những tồn tại như: Số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều song chưa đa dạng, nhiều mảng thị trường còn bỏ ngỏ hoặc chưa được quan tâm đúng mức như bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp… Còn nhiều đối tượng khách hàng chưa được quan tâm và có chế độ đúng mức, độ phủ đến khách hàng chưa rộng, đặc biệt tầng lớp lao động chân tay, nông dân,… vẫn chưa có nhiều dạng bảo hiểm phù hợp để người dân có thể hiểu và tham gia vì đây là một lực lượng, một thị trường hấp dẫn mà chưa khai thác hết.
Thứ ba, bảo hiểm xe cơ giới còn một số tồn tại: Chưa quản lý chặt chẽ ấn chỉ và ghi đủ nội dung trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, còn cạnh tranh bằng hạ phí không tương xứng với rủi ro hoặc tăng hoa hồng đại lý bằng chính sách trợ giúp kinh phí. Hiện tượng trục lợi bảo hiểm tăng và đã xảy ra tình trạng mất cắp xe không truy tìm được cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Hiện tượng cạnh tranh trong việc trả phí cao cho ngân hàng bán bảo hiểm đã xuất hiện tại một số doanh nghiệp.
Thứ tư, dịch vụ bảo hiểm là một trong những dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính nói riêng có lộ trình mở của hội nhập quốc tế nhanh nhất nhưngchưa được sự quan tâm ủng hộ nhiều của các ngành các cấp, chưa thấy hết được vai trò của ngành Bảo hiểm là bồi thường kịp thời đầy đủ tổn thất do thiên tai, tai nạn, sự cố bất ngờ xảy ra mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng và còn đầu tư vào nền kinh tế thu hút hàng trăm ngàn lao động.
Ngoài ra, ngành Bảo hiểm cũng phải đối mặt với một số thách thức, cụ thể là:
- Sự cạnh tranh sẽ diễn ra trên quy mô rộng hơn và mức độ gay gắt: Trước hết là, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam cả về sản phẩm bảo hiểm, chất lượng phục vụ, nguồn nhân lực và phát triển kênh phân phối sản phẩm. Thứ hai là, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam với các doanh nghiệp bảo hiểm tại nước ngoài về cung cấp sản phẩm bảo hiểm trong khuôn khổ đã cam kết tại WTO. Thứ ba là, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác như thu hút tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản…
- Trình độ dân trí ngày càng tăng làm cho sự lựa chọn và doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng khắt khe hơn, doanh nghiệp bảo hiểm có thương hiệu mạnh, có uy tín thực hiện đúng cam kết về phương thức, cách thức, thời hạn bồi thường, đem lại nhiều giá trị dịch vụ gia tăng cho khách hàng sẽ được lựa chọn thay cho cách hạ phí bảo hiểm và khuyến mại trước đây.
- Số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam ngày càng gia tăng, số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mới được thành lập ngày càng nhiều, họ có chiến lược chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần bảo hiểm bằng nhiều hình thức trong đó có quảng cáo tiếp thị và chấp nhận lỗ kỹ thuật trong thời gian dài tạo ra sự cạnh tranh không cân sức nhưng được phép với các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại.
II. Giải pháp
Thứ nhất, điều chỉnh các điều khoản và điều kiện bảo hiểmđể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, chú trọng dịch vụ khách hàng, tăng hiệu quả khai thác của kênh phân phối hiện tại và phát triển kênh phân phối mới. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính và đẩy mạnh quản lý rủi ro hoạt động bảo hiểm và hoạt động đầu tư. Cùng với xu hướng chung của thị trường bảo hiểm thế giới và khu vực, những quy định mới về vốn và khả năng thanh toán đang dần trở thành yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Ngoài ra, yêu cầu về tăng cường năng lực quản lý rủi ro cũng trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững.
Thứ hai, ngành Bảo hiểm đang cần một thái độ ủng hộ quan tâmhơn nữa của các cơ quan công quyền. Về phía cơ quan quản lý, cần tăng cường năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời phải có cơ chế thu hút cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm gắn bó lâu dài với cơ quan quản lý.
Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và hợp tác của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Tăng cường trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hợp đồng bảo hiểm, khách hàng tham gia bảo hiểm, rủi ro và đối tượng được bảo hiểm, giám định giải quyết bồi thường và nhất là tiến tới thương mại điện tử bán hàng qua mạng.
- Phát triển nhiều sản phẩm mới ngoài những sản phẩm bảo hiểm truyền thống cần tập trung phát triển sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, y tế chất lượng cao, bảo hiểm trách nhiệm (trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm đối với sản phẩm, trách nhiệm pháp lý…) và các sản phẩm phục vụ phát triển nông thôn. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần tăng thêm sản phẩm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí và chăm sóc y tế.
- Phát triển kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua đại lý và môi giới bảo hiểm đi liền với tinh giảm biên chế cán bộ bảo hiểm khai thác trực tiếp.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, có chế độ chính sách hợp lý để giữ được đội ngũ cán bộ bảo hiểm chuyên nghiệp.
- Tạo ra nhiều dịch vụ gia tăng ngoài việc được bảo hiểm như được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế và bác sỹ nổi tiếng theo giá ưu đãi, được của bảo hiểm) tại cơ sở uy tín và được giảm giá…
- Cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục bán bảo hiểm, giám định tổn thất và bồi thường nhanh gọn chính xác.
- Chú trọng đến công tác đầu tư tài chính từ quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đem lại bảo tức ngày một tốt hơn cho khách hàng.
- Tiếp tục xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp và phong cách phục vụ tốt, đảm bảo quyền lợi tốt hơn so với mua bảo hiểm của hãng bảo hiểm không có mặt tại Việt Nam. Điều này sẽ hướng sự lựa chọn của khách hàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo Lao động thủ đô - Viết về bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế.
2. Báo Đầu tư - Bảo hiểm nhân thọ, thêm một năm 2016 tăng trưởng mạnh.
3. Tạp chí Tài chính - Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm và giải pháp công nghệ thông tin.
ANALYZING VIETNAMESE INSURANCE MARKET AND SOLUTION TO DEVELOP THIS MARKET
Master. NGUYEN THI HANH
Faculty of Business Management, University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
In Vietnam, building and developing a market oriented economy as well as integrating into the global economy has led to the boom of demand for insurance. The insurance market is forecasted to grow significantly in the coming time. However, in comparison with global insurance market, the insurance market of Vietnam is still in an initial period. This study analyzes the current development Vietnamese insurance market proposes solution to develop this market.
Keywords: Insurance market, risk, life insurance, non-life insurance.