Tóm tắt:
Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển AI (Artificial Intelligence, nghĩa là trí tuệ nhân tạo) đã mang đến những thay đổi lớn trong sáng tạo nghệ thuật và văn học, với các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo mà không cần con người can thiệp. Việc bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm AI trong thời đại số hóa rất quan trọng, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho hệ thống pháp luật. Dựa trên việc so sánh với khung pháp lý của một số quốc gia, bài viết sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.
Từ khóa: trí tuệ nhân tạo, quyền tác giả, chuyển đổi số, tác phẩm, sở hữu trí tuệ.
1. Đặt vấn đề
Một số quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm AI và đang phát triển các chính sách cụ thể để đảm bảo công bằng và thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của tác phẩm AI, việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành còn gặp nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, pháp luật hiện nay cũng chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này, dẫn đến nhiều vướng mắc trong việc bảo hộ và khuyến khích sáng tạo cho các tác phẩm AI.
Việc học hỏi từ các quốc gia tiên tiến trong vấn đề này có thể giúp Việt Nam tìm ra hướng đi phù hợp, nhưng cần điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Hiện nay, một số nghiên cứu trong nước đã đưa ra các quan điểm về sự cần thiết của khung pháp lý bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm AI. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa đưa ra đề xuất cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền tác giả đối với tác phẩm AI mà chỉ tổng hợp một số quy định của các quốc gia tiêu biểu. Bên cạnh đó, một số thay đổi mới trong pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trên thế giới vẫn chưa được các nghiên cứu cập nhật. Bài viết này sẽ tập trung phân tích pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm AI ở một số quốc gia và tổ chức tiêu biểu, qua đó rút ra những bài học và đề xuất giải pháp cụ thể để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này trong bối cảnh chuyển đổi số.
2. Pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm trí tuệ nhân tạo ở một số quốc gia tiêu biểu
Dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, các quốc gia có các quy định khác nhau về việc bảo vệ quyền tác giả cho các tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Nhìn chung, quyền tác giả của các tác phẩm được tạo ra bởi AI tại các hệ thống pháp luật của hầu hết các quốc gia tiêu biểu ngày nay đều chỉ trao cho con người. Tuy nhiên, các quy định được thiết lập theo hai hướng. Thứ nhất, luật pháp quốc gia không đưa ra quy định cụ thể về tác phẩm do AI tạo ra mà hoàn toàn dựa trên các quy định chung hiện có. Thứ hai, một số quốc gia lại đưa ra cụ thể các đối tượng được công nhận quyền tác giả với các tác phẩm AI như người tạo ra AI, hoặc người sử dụng AI.
2.1. Vương quốc Anh
Quốc gia này đã tiếp cận vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến AI một cách cụ thể từ khá sớm. Tại Điều 9(3) Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế 1988 (Copyright, Designs and Patents Act 1988 - CDPA 1988) đã quy định cụ thể như sau: “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật được tạo ra bằng máy tính, tác giả là người thực hiện những sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm đó”. Nói một cách dễ hiểu hơn, tác giả của các tác phẩm AI sẽ là các lập trình viên hay các kỹ sư công nghệ. Bên cạnh đó, tại Điều 178 của CDPA 1988 đã cụ thể hóa khái niệm của tác phẩm do AI tạo ra trong định nghĩa “tác phẩm do máy tính tạo ra”, được hiểu là “tác phẩm được tạo ra bởi máy tính trong hoàn cảnh không có tác giả là con người của tác phẩm”. Những tác phẩm như vậy sẽ được bảo hộ trong 50 năm kể từ cuối năm dương lịch mà chúng được tạo ra (Điều 12 (7) CDPA 1988). Do đó, cách tiếp cận của Vương quốc Anh tách biệt quyền tác giả và tính sáng tạo.
Trong trường hợp của nghệ sĩ Kashtanova và tiểu thuyết đồ họa “Zarya of the Dawn” tạo ra bằng AI Midjourney, nếu cô là công dân Vương quốc Anh, tác phẩm này có thể được bảo hộ theo Điều 178 của CDPA 1988 với tư cách là “tác phẩm do máy tính tạo ra”. Ngoài ra, nếu Kashtanova sáng tạo tác phẩm này cho một công ty Anh, tại Điều 11(2) của CDPA 1988 quy định rằng: “Khi một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật hoặc phim được một nhân viên thực hiện trong quá trình làm việc thì người chủ là chủ sở hữu đầu tiên của bất kỳ bản quyền nào đối với tác phẩm đó nếu có bất kỳ thỏa thuận ngược lại nào”. Theo đó, công ty sẽ là chủ sở hữu bản quyền, trừ khi có thỏa thuận khác. Điều khoản này nhằm tạo cơ chế ngoại lệ, công nhận quyền tác giả không chỉ cho cá nhân mà còn cho tác phẩm do chương trình máy tính tạo ra, phản ánh xu hướng bảo vệ quyền tác giả trong thời đại AI và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.
Trong hơn 30 năm qua, CDPA 1988 đã bảo hộ các tác phẩm do máy tính tạo ra, bao gồm cả tác phẩm AI. Cuộc tham vấn của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) vào tháng 10/2021 kết luận rằng các quy định hiện hành đủ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác phẩm này mà không cần thay đổi luật. Điều này phản ánh mục tiêu của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy AI và vươn lên thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
2.2. Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (European Union - EU) đã thông qua đạo luật về AI đầu tiên trên thế giới vào ngày 13/3/2024 bởi Nghị viện Liên minh châu Âu với tên gọi là “Đạo luật về AI của Liên minh châu Âu” (EU AI Act). Đạo luật đặt ra các quy định cũng như hướng dẫn về việc sử dụng và phát triển AI trong các nước thành viên của EU. Đây là bước tiến quan trọng trong việc định hình và quản lý việc áp dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau. Điều đáng chú ý là đạo luật này không hướng đến việc giải quyết các vấn đề về bản quyền đối với các tác phẩm AI mà chỉ mới đề xuất đến “cá nhân, tổ chức có đóng góp quan trọng vào quá trình sáng tạo ra một tác phẩm từ AI nên được trao quyền tác giả đối với tác phẩm đó” và chưa thấy đề cập đến các vấn đề liên quan đến bảo hộ cho một tác phẩm AI hay là cách xác định mức đóng góp như thế nào được coi là “quan trọng” trong quá trình tạo ra tác phẩm AI để được trao quyền tác giả.
Khung pháp lý về bản quyền của EU hiện vẫn chưa nhận bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm AI. Trong những năm gần đây, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đồng thuận về luật bản quyền của EU, đặc biệt thông qua việc giải thích các nguyên tắc cơ bản về tính nguyên gốc. Trong các vụ án như Infopaq, CJEU đã mở rộng tiêu chí về tính nguyên gốc, không chỉ giới hạn ở các chương trình máy tính hay cơ sở dữ liệu mà còn áp dụng cho tất cả các tác phẩm theo luật bản quyền EU. Các quyết định này không chỉ giúp mở rộng phạm vi bảo vệ quyền tác giả mà còn tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ các tác phẩm sáng tạo trong kỷ nguyên số. Những quyết định này đã giúp tạo ra sự thống nhất trong cách hiểu về tính sáng tạo trí tuệ của tác giả, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập và hài hòa hóa luật bản quyền trong EU, hướng tới việc tạo ra một hệ thống bảo vệ quyền lợi công bằng cho các tác phẩm sáng tạo trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ. Mặc dù đã có đạo luật về AI đầu tiên trên thế giới, nhưng EU vẫn chưa quá chú trọng vào việc bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm AI, mà chủ yếu chỉ muốn nhằm cảnh báo với người dân về mức độ nguy hiểm của AI.
2.3. Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong phát triển AI. Mặc dù pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia này chưa có quy định cụ thể về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm AI, nhưng các vụ án gần đây cho thấy sự quan tâm của Trung Quốc đối với vấn đề này. Các vụ án như giữa Feilin và Baidu, hay giữa Shenzhen Tencent và Shanghai Yingxun, đã chỉ ra mặc dù AI cần sự can thiệp của con người, nhưng khả năng tự học và sáng tạo của AI có thể tạo ra các thuật toán mới mà không có trong kiến thức sẵn có của con người. Do đó, các tác phẩm do AI tạo ra có thể được coi có tính nguyên gốc. Thêm nữa, các tác phẩm AI trước khi công bố cũng có thể trải qua sự điều chỉnh và can thiệp của con người, từ đó tạo ra dấu ấn cá nhân, làm tăng khả năng được bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa công nhận AI hay các chủ thể không phải con người có quyền tác giả đối với các sản phẩm do AI tạo ra.
Trong pháp luật sở hữu trí tuệ Trung Quốc, quyền tác giả đối với tác phẩm AI thường phụ thuộc vào thỏa thuận trước giữa các bên liên quan. Nếu không có thỏa thuận cụ thể, quyền và lợi ích từ tác phẩm sẽ thuộc về người sử dụng nền tảng AI để tạo ra tác phẩm, không phải người phát triển nền tảng đó. Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc chưa điều chỉnh các tác phẩm AI được tạo ra ngẫu nhiên trên nền tảng trực tuyến. Mặc dù Trung Quốc có một cách tiếp cận linh hoạt và dễ thích ứng với sự phát triển của công nghệ, hệ thống pháp lý hiện tại vẫn thiếu rõ ràng và chưa đầy đủ, đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Trung Quốc cần nhanh chóng ban hành các đạo luật nghiêm ngặt hơn về bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm AI.
3. Hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm AI và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã cho ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Trong tương lai, số lượng tác phẩm được tạo ra bởi AI tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng và đặt ra những thách thức to lớn cho hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm đặc biệt này. Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình tạo ra hoặc sở hữu”. Có thể thấy, hiện pháp luật Việt Nam chỉ công nhận chủ thể của quyền tác giả là con người, nên tác giả - người có khả năng nắm giữ trí tuệ và sáng tạo ra những sản phẩm mang trí tuệ - chỉ có thể là con người. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tư cách pháp lý cho chủ thể là cá nhân hoặc tổ chức, chưa ghi nhận dạng chủ thể là máy móc hay chương trình máy tính, vậy nên cũng không thể xác định tư cách pháp lý của AI trong bảo hộ quyền tác giả. Ở đây, để tương thích với sự phát triển nhanh chóng của AI, pháp luật Việt Nam cần phải chủ động xem xét các vấn đề sau:
Thứ nhất, pháp luật sở hữu trí tuệ nên cụ thể hóa đối tượng được hưởng quyền tác giả đối với tác phẩm AI. Trên thực tế, một tác phẩm AI được tạo ra có thể liên quan đến hai trường hợp có thể thừa nhận quyền tác giả cho con người. Trường hợp thứ nhất, các lập trình viên, nhà phát triển tạo ra AI, nhờ đó mà AI có được nguồn dữ liệu thông tin để có thể tạo ra các tác phẩm, cũng có nghĩa AI phụ thuộc vào con người nên mới có dữ liệu để khai thác các thông tin nên có thể công nhận quyền tác giả cho các lập trình viên, nhà phát triển này. Trường hợp thứ hai, tác phẩm do con người tạo ra có sự đóng góp của AI, dùng AI như một công cụ để hỗ trợ tạo ra người dùng tạo ra tác phẩm. Việc xác định không rõ chủ thể có khả năng sẽ tạo ra những tranh chấp về quyền tác giả giữa các bên đối với tác phẩm đặc biệt này. Do đó, pháp luật Việt Nam cần phải xác định rõ ràng ai sẽ là người được công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm AI.
Thứ hai, theo Công ước Berne và pháp luật Việt Nam, để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cần đáp ứng 3 tiêu chí: (i) có hình thức cụ thể; (ii) là sản phẩm của sự sáng tạo trí tuệ; và (iii) có tính nguyên gốc, không phải là bản sao của tác phẩm khác. Một tác phẩm do tác giả sáng tạo với sự hỗ trợ của AI, nếu đáp ứng 3 điều kiện này, vẫn được bảo hộ. Tuy nhiên, tác giả cần chứng minh có sự đóng góp cá nhân qua kỹ năng sáng tạo của mình, chứng minh đó là sản phẩm của sáng tạo trí tuệ. Xác định sự đóng góp này khi sử dụng AI là thách thức đối với pháp luật hiện hành. Do đó, cần phát triển các tiêu chí đánh giá và xác minh sự đóng góp của tác giả trong tác phẩm AI, cũng như cơ chế đăng ký quyền tác giả cho những tác phẩm này.
Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ của AI đã tạo ra nhiều thách thức mới trong việc xác định quyền tác giả. AI giờ đây có khả năng tự tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc và văn học, khiến việc phân biệt giữa sáng tạo của con người và AI trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi cần xem xét lại vị thế pháp lý của AI trong pháp luật Việt Nam, đặc biệt là việc liệu có nên công nhận AI là một chủ thể pháp lý mới hay không, vì tính chất của nó khác biệt hoàn toàn so với các chủ thể hiện có trong hệ thống pháp luật. Một số quốc gia đã bắt đầu thảo luận về vấn đề này. Cụ thể, năm 2017, Ả Rập Xê Út đã cấp quyền công dân cho robot Sophia, mở ra nhiều câu hỏi về quyền và nghĩa vụ của AI. Cùng năm đó, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết số 2015/2103, đề xuất các quy tắc dân sự cho robot, quy định rằng AI có thể chịu trách nhiệm pháp lý khi đạt đến một mức độ tự chủ nhất định.
4. Kết luận
Công nghệ AI đang trở thành ngành mũi nhọn trong Cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra thách thức pháp lý, đặc biệt trong việc bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm do AI tạo ra. Hiện tại, AI chưa được công nhận là chủ thể pháp lý, dẫn đến quy định còn mơ hồ. Từ kinh nghiệm quốc tế, pháp luật Việt Nam cần làm rõ ai là chủ sở hữu tác phẩm AI và đóng góp của tác giả. Đồng thời, cần xem xét các mô hình AI tương lai để từng bước thừa nhận vai trò đặc biệt của công cụ này trong quyền tác giả.
Tài liệu tham khảo:
- Bảo Chi (2023). Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng AI giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/chia-se-kinh-nghiem-su-dung-tri-tue-nhan-tao-giua-vuong-quoc-anh-va-viet-nam-650597.html
- Văn Chiến (2024). Công nghệ AI nhìn từ góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ một số nước trên thế giới và Việt Nam. Truy cập tại: https://phaply.net.vn/cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-ai-nhin-tu-goc-do-phap-luat-so-huu-tri-tue-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-viet-nam-a256438.html
- Chính phủ (2024). EU thông qua dự luật AI. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/eu-thong-qua-du-luat-tri-tue-nhan-tao-102240204083843693.htm
- Nguyễn Trần Hải Đăng (2023). Có nên công nhận tư cách tác giả của AI trong bảo hộ sáng chế và quyền tác giả?. Truy cập tại: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/7974/co-nen-cong-nhan-tu-cach-tac-gia-cua-tri-tue-nhan-tao-trong-bao-ho-sang-che-va-quyen-tac-gia.aspx#
- Lê Hồ Trung Hiếu và Vũ Thị Bích Hải (2023). Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân trong việc sử dụng công cụ ChatGPT. Truy cập tại: https://danchuphapluat.vn/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-va-du-lieu-ca-nhan-trong-viec-su-dung-cong-cu-chatgpt
- Vương Khánh Huyền và Hồ Thuý Ngọc (2024). Bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm do AI (AI) tạo ra - Quan điểm của một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam. FTU Working Paper Series, 1(2), 1-15.
- Atabekov A. & Yastrebov O. (2018). Legal Status of Artificial Intelligence Across Countries: Legislation on the Move. Available at: http://doi.org/10.35808/ersj/1245.
- Chatterton E., Lung W. (2024). Legal protections for AI-generated work in China. Available at: https://www.globallegalpost.com/news/legal-protections-for-ai-generated-work-in-china-45229593#.
- James M. (2023). The Impact of Generative AI on UK Copyright Law. Available at: https://carson-mcdowell.com/news-insights/insights/the-impact-of-generative-ai-on-uk-copyright-law.
Copyright protection for AI-enerated works: Insights from international laws
and implications for Vietnam
Le Ho Trung Hieu1
Nguyen Dinh Ha Giang2
Nguyen Binh Minh
1 Lecturer at Faculty of Law, Van Lang University
2 Student at Faculty of Law, Van Lang University
Abstract:
The Fourth Industrial Revolution and the advancement of artificial intelligence (AI) have brought profound changes to artistic and literary creation, leading to the emergence of works generated by AI without human involvement. Protecting the copyright of AI-generated works in the digital age is essential but presents significant challenges for legal systems. This study compares the legal frameworks of various countries to identify key insights and propose solutions to enhance Vietnam's copyright laws, addressing the evolving landscape of digital transformation and the growing role of AI in creative industries.
Keywords: artificial intelligence, copyright, digital transformation, works.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]