Pháp luật hình sự về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và kiến nghị hoàn thiện

Bài báo nghiên cứu "Pháp luật hình sự về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và kiến nghị hoàn thiện" do Võ Minh Sang (Phòng Tư pháp huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện. DOI: https://doi.org/10.62831/202505021

Tóm tắt:

Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là một biện pháp tư pháp đặc thù dành cho người chưa thành niên phạm tội, được quy định trong Bộ luật Hình sự từ những phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về bản chất, mục đích và điều kiện áp dụng của biện pháp này. Bài viết phân tích về sự khác biệt giữa biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và hình phạt, đối chiếu với các chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn.

Từ khóa: biện pháp tư pháp, giáo dục tại trường giáo dưỡng, người chưa thành niên.

1. Bản chất và mục đích của biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

1.1. Sự thay đổi trong chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên

Xu hướng xử lý hình sự trên thế giới ngày càng nhấn mạnh tính nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là việc xử lý chuyển hướng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự. Trong xu thế đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi và áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục thay thế. Một sự thay đổi quan trọng là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong Bộ luật Hình sự 1999 đã được chuyển thành biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Điều này đặt ra yêu cầu làm rõ bản chất và mục đích của biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong hệ thống xử lý hình sự hiện hành.

1.2. Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là một dạng trách nhiệm hình sự

Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng chỉ áp dụng khi người dưới 18 tuổi bị xác định đã phạm tội theo Bộ luật Hình sự, do đó, đây là một hậu quả pháp lý bất lợi phát sinh từ hành vi phạm tội và được Tòa án có thẩm quyền áp dụng [1]. Điều đó cho thấy biện pháp này là một hình thức của trách nhiệm hình sự, khác biệt với các biện pháp tư pháp khác như bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản, vốn là biện pháp dân sự và không phụ thuộc vào việc có hành vi phạm tội hay không.

Mặt khác, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cũng khác với các biện pháp giám sát, giáo dục, khi miễn trách nhiệm hình sự. Việc miễn trách nhiệm hình sự thuộc nhóm biện pháp khoan hồng, còn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng chỉ áp dụng khi cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên.

1.3. Giáo dục tại trường giáo dưỡng có phải là biện pháp xử lý chuyển hướng?

Việc xác định giáo dục tại trường giáo dưỡng có phải là một biện pháp xử lý chuyển hướng cần dựa trên định nghĩa quốc tế về chuyển hướng. Theo “Bình luận chung số 24”, xử lý chuyển hướng là “các biện pháp chuyển trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp tại bất kỳ thời điểm nào trước hoặc trong quá trình tố tụng”. Đồng thời, Đoạn 18(c) của Bình luận chung số 24 khẳng định: “Các biện pháp xử lý chuyển hướng không nên bao gồm sự tước tự do” [2].

Đối chiếu với quy định trên, giáo dục tại trường giáo dưỡng không phải là một biện pháp xử lý chuyển hướng, vì đây là biện pháp mang tính tước tự do và được áp dụng sau khi người phạm tội đã trải qua các biện pháp tố tụng tại Tòa án.

1.4. Mục đích của biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Trong hệ thống xử lý người chưa thành niên, nếu không miễn trách nhiệm hình sự, Tòa án có thể lựa chọn hình phạt hoặc biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, trong khi hình phạt có mục đích trừng trị, giáo dục, phòng ngừa thì biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không nhằm trừng trị [3].

Sự ổn định trong quan điểm lập pháp về biện pháp này thể hiện qua cả 3 Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 và 2015, khi biện pháp này luôn được xác định là mang tính giáo dục, phòng ngừa chứ không phải trừng trị. Dù vậy, sự thay đổi trong Bộ luật Hình sự 2015 khi bỏ cụm từ “phòng ngừa” trong định nghĩa biện pháp này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa tính giáo dục và phòng ngừa của biện pháp.

Theo Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt khi việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa [4]. Điều này cho thấy giáo dục và phòng ngừa chính là mục đích của biện pháp này, nhưng không bao gồm trừng trị. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với hình phạt.

1.5. Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có tính cưỡng chế nhưng không nhằm trừng trị

Dù có mục đích giáo dục, biện pháp này vẫn mang tính cưỡng chế vì thuộc trách nhiệm hình sự. Theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Hình sự 2015, người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý của nhà trường. Điều này phản ánh tính cưỡng chế nhất định, nhưng không có nghĩa biện pháp này mang tính trừng trị, bởi nếu họ không phạm tội, họ sẽ được giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân với nguyên lý không có tính cưỡng chế.

Bên cạnh đó, biện pháp này cũng có mục đích phòng ngừa chung, nhưng phòng ngừa này phải đặt trong nguyên tắc bảo vệ lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phạm tội. Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của họ “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”, tương đồng với Khoản 1 Điều 3 của Công ước về quyền trẻ em năm 1989 yêu cầu trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu. Điều này có nghĩa không nên sử dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng để răn đe người chưa thành niên khác, mà chính việc áp dụng biện pháp này sẽ tự thân có giá trị phòng ngừa chung.

2. Căn cứ áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

2.1. Căn cứ đặc thù trong nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.

Dựa trên quy định này, khi lựa chọn biện pháp xử lý, Tòa án phải xem xét các yếu tố đặc thù sau:

Thứ nhất, về độ tuổi của người phạm tội. Độ tuổi ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ phát triển thể chất, tâm lý và nhận thức xã hội của người phạm tội. Người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tư duy, do đó càng nhỏ tuổi khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi càng hạn chế. Điều này giải thích vì sao cần xem xét độ tuổi khi quyết định biện pháp xử lý, đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm phát triển của từng cá nhân.

Quy định này cũng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, Điều 40 Công ước về quyền trẻ em năm 1989 yêu cầu các quốc gia thành viên phải xem xét đến độ tuổi của trẻ em khi quyết định các biện pháp xử lý, nhằm giúp trẻ hòa nhập và phát triển một cách tích cực trong xã hội.

Thứ hai, về khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Mặc dù độ tuổi liên quan đến khả năng nhận thức nói chung, nhưng mỗi người chưa thành niên lại có mức độ nhận thức riêng biệt về hành vi của mình. Vì vậy, căn cứ này nhấn mạnh vào sự nhận thức cụ thể của từng cá nhân về chính hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Căn cứ này cũng tương thích với khung pháp lý quốc tế. “Bình luận chung số 24” nhấn mạnh hệ thống tư pháp người chưa thành niên cần cá nhân hóa biện pháp xử lý, trong khi “Quy tắc Tokyo năm 1990” khuyến khích người phạm tội nhận thức trách nhiệm của họ đối với xã hội. Tuy nhiên, một điểm chưa rõ ràng trong quy định hiện hành là tại sao chỉ đề cập đến tính chất nguy hiểm mà không đề cập đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Theo “Quy tắc Tokyo năm 1990”, cần phải cân nhắc cả tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội [5].

Thứ ba, về nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Căn cứ này nhấn mạnh đến bối cảnh và hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội. Điều này phù hợp với Quy tắc 5.1 của “Quy tắc Bắc Kinh năm 1985”, trong đó yêu cầu các biện pháp xử lý phải tương xứng với hoàn cảnh cá nhân của người phạm tội [6]. Tuy nhiên, thuật ngữ “nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm” trong Bộ luật Hình sự 2015 có thể chưa chính xác. “Điều kiện” của tội phạm chỉ tạo môi trường thuận lợi cho hành vi phạm tội, chứ không trực tiếp gây ra tội phạm.

2.2. Căn cứ riêng biệt của biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ”. Dựa trên quy định này, có 3 căn cứ riêng biệt cần xem xét khi áp dụng biện pháp này:

Thứ nhất, về tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội là một yếu tố quan trọng để quyết định có cần áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hay không. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đầy đủ và chính xác, cần bổ sung tiêu chí về mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, bởi vì không chỉ tính chất mà mức độ nghiêm trọng cũng ảnh hưởng đến mức độ cần thiết của biện pháp này.

Thứ hai, về đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Nhân thân của người chưa thành niên phạm tội có thể bao gồm tiền sử phạm tội, thái độ cải tạo, hành vi trước khi phạm tội, môi trường sống, gia đình, xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng giúp đánh giá khả năng tái phạm và nhu cầu giáo dục trong môi trường có kỷ luật chặt chẽ.

Thứ ba, về môi trường sống của người phạm tội. Khác với hai căn cứ trên, đây là một căn cứ riêng biệt chỉ có trong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Nếu môi trường sống của người chưa thành niên không đảm bảo điều kiện giáo dục phù hợp, họ có thể cần được đưa vào một môi trường có kỷ luật chặt chẽ hơn để giúp quá trình giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, sửa đổi quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tòa án chỉ áp dụng hình phạt nếu biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Tuy nhiên, trên thực tế biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có tính nghiêm khắc cao hơn một số hình phạt nhẹ (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ), vì người bị áp dụng biện pháp này phải chịu sự cách ly ra khỏi xã hội.

Vì vậy, cần sửa đổi Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 để đảm bảo biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bị ưu tiên hơn các hình phạt ít nghiêm khắc. Cụ thể, “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.”

Thứ hai, sửa đổi quy định về điều kiện áp dụng hình phạt tù và án treo. Theo Khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn và không cho hưởng án treo khi các biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, quy định này có hai điểm chưa hợp lý: (i) Thuật ngữ “biện pháp giáo dục khác” không rõ ràng, vì có thể bao gồm cả các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan xét xử. Vì vậy, cần sửa đổi Khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, thay thế cụm từ “biện pháp giáo dục khác” bằng “biện pháp tư pháp giáo dục” để tránh nhầm lẫn.

Thứ ba, bổ sung tiêu chí “mức độ nghiêm trọng” của hành vi phạm tội trong căn cứ áp dụng. Theo đó, cần sửa đổi Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung cụm từ “tính chất, mức độ nghiêm trọng” để đảm bảo đánh giá chính xác hơn về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, cụ thể như sau“Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ”.

Thứ tư, sửa đổi quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Bổ sung tiêu chí đánh giá hiệu quả giáo dục, phòng ngừa vào Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, bao gồm: Sự cải thiện trong nhận thức và hành vi của người phạm tội (dựa trên thái độ cải tạo, đánh giá từ gia đình, nhà trường, địa phương); Tình trạng tái phạm hoặc nguy cơ tái phạm (dựa trên tiền sử phạm tội, môi trường sống); Khả năng hòa nhập xã hội (dựa trên điều kiện gia đình, hỗ trợ từ cộng đồng)./.

Tài liệu tham khảo:

1. Võ Thị Kim Oanh, Lê Nguyên Thanh. (2014). Giáo trình Tội phạm học. Nhà Xuất bản Hồng Đức.

2. Ủy ban Quyền Trẻ em Liên Hợp Quốc. (1990). Bình luận chung số 24 về Công ước về Quyền Trẻ em.

3. Trần Thị Quang Vinh. (2019). Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung (Tái bản lần thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung). Nhà Xuất bản Hồng Đức.

4. Quốc hội (2017). Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

5. Liên Hợp Quốc (1990). Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về các biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo năm 1990).

6. Liên Hợp Quốc (1985). Quy tắc của Liên Hợp Quốc về chuẩn mực tối thiểu về hoạt động tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh năm 1985).

Ngày nhận bài: 8/12/2024

Ngày phản biện đánh giá và sửa chữa: 22/12/2024

Ngày chấp nhận đăng bài: 10/1/2025

 Legal framework for educational measures at reformatory schools: Challenges and recommendations for reform

Vo Minh Sang

Justice Department of Chau Thanh District, Dong Thap province

Abstract:

The measure of education at reformatory schools is a distinct judicial intervention for juvenile offenders, established in the Penal Code since its earliest versions. However, ongoing debates persist regarding its legal nature, objectives, and conditions for application. This study examines the fundamental differences between education at reformatory schools and criminal punishment, assessing its alignment with international juvenile justice standards. Through a comparative analysis, the study identifies existing legal shortcomings and practical challenges. Based on these findings, the study proposes legislative improvements and policy recommendations to enhance the effectiveness of this measure in rehabilitating juvenile offenders.

Keywords: judicial measures, education in reform schools, juveniles.