TÓM TẮT:
Thương mại điện tử là sự phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù, có những đặc trưng khác biệt nhưng thương mại điện tử và thương mại truyền thống đều có bản chất là hoạt động thương mại. Chính vì vậy, giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử cũng được thực hiện thông qua các phương thức giải quyết được quy định trong Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên, do các đặc trưng của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống mà quá trình giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử gặp phải một hạn chế như: giải quyết tranh chấp trực tuyến, vấn đề chứng cứ, tranh chấp tên miền… Do đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về thương mại điện tử nói chung và về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững thương mại điện tử ở Việt Nam.
Từ khóa: Pháp luật, tranh chấp, giải quyết tranh chấp, thương mại điện tử.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam cũng như trên thế giới, thương mại điện tử hiện nay không chỉ là xu hướng mà còn là sự phát triển tất yếu của thương mại truyền thống. Mặc dù thương mại điện tử được phát triển trên cơ sở và có bản chất của thương mại truyền thống nhưng nếu so thương mại điện tử với thương mại truyền thống thì thương mại điện tử vẫn có những đặc trưng nhất định. Chính những đặc trưng của thương mại điện tử đã làm cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử trở nên phức tạp và có sự khác biệt nhất định so với việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thương mại truyền thống. Do đó, để đạt được mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm; đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước vào năm 2025 như trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì việc hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử nói chung và pháp luật về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử nói riêng là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng giải quyết tranh chấp
2.1. Các phương thức giải quyết tranh chấp
Thương mại điện tử có bản chất là hoạt động thương mại nên việc giải quyết các tranh chấp trong thương mại điện tử cũng có thể được thực hiện theo các phương thức được quy định tại Điều 317 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử có thể được thực hiện thông qua các phương thức:
- Thương lượng: Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp do hai bên thỏa thuận với nhau. Theo phương thức này, các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc và thống nhất giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không có sự xuất hiện của bên thứ ba.
- Hòa giải: Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp thỏa thuận với nhau. Theo phương thức này, một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận lựa chọn làm trung gian hòa giải. Bên trung gian hòa giải sẽ hỗ trợ các bên giải quyết các tranh chấp.
- Trọng tài thương mại: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại do các bên tranh chấp thỏa thuận với nhau và được thực hiện theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Theo phương thức này, hội đồng trọng tài do các bên thành lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp của các bên.
- Tòa án: Tòa án là phương thức giải quyết các tranh chấp trọng hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo phương thức này, hội đồng xét xử sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp của các bên.
2.2. Một số hạn chế trong giải quyết tranh chấp
Xét về bản chất pháp lý, có thể sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp được quy định trong Luật Thương mại 2005 để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, do có các đặc trưng của thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống mà quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại điện tử hiện nay gặp phải một số hạn chế nhất định.
- Thứ nhất, hạn chế về việc giải quyết tranh chấp trực tuyến
Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử đã dần trở nên phổ biến ở các nước. Ở Việt Nam, mới chỉ có phương thức tòa án là có các hướng dẫn để mở phiên tòa trực tuyến còn các phương thức khác như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại thì hoàn toàn chưa có các quy định cụ thể về việc giải quyết tranh chấp trực tuyến. Điều này đã gây khó khăn cho các bên chủ thể muốn tiến hành giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử của mình theo hình thức trực tuyến, chẳng hạn như Khoản 8 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có quy định: “Địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó.” Như vậy, nếu tranh chấp trong thương mại điện tử được giải quyết theo phương thức trọng tài thương mại thông qua hình thức trực tiếp thì trong nhiều trường hợp không thể xác định được địa điểm giải quyết tranh chấp.
- Thứ hai, hạn chế về giải quyết tranh chấp tên miền.
Tên miền là địa chỉ iInternet và được sử dụng một cách phổ biến để nhận diện và tìm các website trong môi trường internet. Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, tên miền đã trở thành công cụ để nhận diện đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, tên miền không chỉ đơn thuần là công cụ để nhận diện doanh nghiệp mà còn là tài sản có giá trị đến nhiều triệu USD của doanh nghiệp (ví dụ như: Medicare.com với giá: 4.800.000 USD, thời điểm bán: 5/2014; Clothes.com với giá: 4.900.000 USD, thời điểm bán: 2008; Toys.com với giá: 5.100.000 USD, thời điểm bán: 2009; Slots.com với giá: 5.500.000 USD, thời điểm bán: 2010; Diamond.com với giá: 7.500.000 USD, thời điểm bán: 2006; Fund.com với giá: 9.999.950 USD, thời điểm bán: 2008 (Hiệp hội Internet Việt Nam (2014)). Chính vì vậy, pháp luật cần có các quy định cụ thể để tránh có sự nhầm lẫn hoặc trùng lắp tên miền của các doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật cần có các quy định để xử lý các tranh chấp liên quan đến hiện tượng “chiếm dụng tên miền” (cybersquatting) đang có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là đối với các thương hiệu nổi tiếng, có giá trị lớn.
Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, website của doanh nghiệp chính là bộ mặt của doanh nghiệp trên Internet. Website của doanh nghiệp không đơn thuần là nơi cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, về hàng hóa, về dịch vụ mà còn có tác dụng tạo lập và củng cố niềm tin của khách hàng, của đối tác đối với doanh nghiệp thông qua tính chuyên nghiệp được thể hiện trên website của doanh nghiệp. Do đó, để tạo ra ấn tượng tốt đẹp của khách hàng, của đối tác, doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ tích hợp hình ảnh, âm thanh, clip, cơ sở dữ liệu, phần mềm, công cụ tra cứu... vào website của doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, pháp luật cần có các quy định cụ thể về việc sử dụng các yếu tố như cơ sở dữ liệu, phần mềm, công cụ tra cứu... trên các website thương mại điện tử để có thể bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu nhưng đồng thời vẫn có thể thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có quy định cụ thể đối với việc đặt các đường liên kết (hyperlinks) trên các website thương mại điện tử đặc biệt là các đường “liên kết sâu” (deep-linking) đến website khác.
- Thứ ba, hạn chế của pháp luật liên quan đến chứng cứ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên chủ thể khi đưa ra yêu cầu hoặc bác bỏ yêu cầu của chủ thể khác đều phải cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp và có căn cứ. Như vậy, có thể thấy yếu tố chứng cứ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình giải quyết các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại nói chung và trong thương mại điện tử nói riêng. Mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ nhưng giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo. Như vậy, cùng là thông điệp dữ liệu nhưng nếu khác nhau một trong các yếu tố như cách thức khởi tạo, lưu trữ, truyền gửi; bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; xác định người khởi tạo... thì giá trị chứng cứ cũng khác nhau. Trong khi đó, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể để xác định giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu (được sử dụng làm chứng cứ) khác nhau cũng như giữa thông điệp dữ liệu và các chứng cứ truyền thống khác. Ngoài ra, pháp luật của Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc thu thập chứng cứ trong thương mại điện tử mặc dù chứng cứ trong thương mại điện tử có sự khác biệt với chứng cứ trong thương mại truyền thống.
3. Kết luận
Thương mại điện tử và thương mại truyền thống đều có bản chất là hoạt động thương mại. Do đó, pháp luật về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử cũng như thương mại truyền thống là đều nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể đồng thời bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại. Chính vì vậy, các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp trong thương mại truyền thống đều có thể áp dụng trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, xuất phát từ các đặc trưng của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống thì pháp luật về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử ngoài các quy định giống với giải quyết tranh chấp trong thương mại truyền thống cần có các quy định cụ thể về các vấn đề sau:
- Thứ nhất, bổ sung hình thức trực tuyến cho phương thức Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại. Việc bổ sung hình thức này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bên chủ thể linh hoạt trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, hình thức này còn giúp các bên chủ thể tiết kiệm thời gian cũng như chi phí về tài chính.
- Thứ hai, bổ sung cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền. Đối với các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử thì tên miền không chỉ đơn thuần là nơi tiến hành các giao dịch mà còn là tài sản có giá trị. Bên cạnh đó, hệ thống tên miền cũng khá phức tạp (tên miền quốc tế, tên miền quốc gia, tên miền cấp 1, cấp 2, cấp 3....)
- Thứ ba, thu thập và xác định giá trị pháp lý của các chứng cứ. Trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử thì chứng cứ là căn cứ quan trọng để các tranh chấp được giải quyết một cách chính xác. Tuy nhiên, trong thương mại điện tử thì các chứng cứ thường được bảo mật (thông qua phần cứng, phần mềm) nên cần có các quy định về vấn đề giải mật (loại bỏ bảo mật) để tạo điều kiện cho các bên chủ thể cũng như cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, trong thương mại điện tử cũng tồn tại hiện tượng mâu thuẫn giữa các chứng cứ (có thể là giữa các chứng cứ điện tử với nhau hoặc giữa chứng cứ điện tử và các chứng cứ truyền thống). Do đó, để tạo ra sự thống nhất trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử thì cần có quy định cụ thể về vấn đề giá trị pháp lý một cách cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2005). Luật số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về Thương mại.
- Quốc hội (2005). Luật số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 về Giao dịch điện tử.
- Quốc hội (2010). Luật số 54/2010/QH12 về Trọng tài thương mại.
- Quốc hội (2015). Luật số 92/2015/QH13 về Tố tụng dân sự.
- Chính phủ (2017). Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về Hòa giải thương mại.
- Chính phủ (2020). Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp (2021). Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến
- Nguyễn Thành Minh Chánh (2021). Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến ngoài Tòa án trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/thuc-day-giai-quyet-tranh-chap-truc-tuyen-ngoai-toa-an-trong-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam
- Bộ Tư pháp. Giải quyết tranh chấp thương mại điện tử bằng phương pháp trực tuyến. Truy cập tại: http://tlpl.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-chuyen-de.aspx?ItemID=306&CategoryCD=CD#
- Hiệp hội Internet Việt Nam (2014). 34 tên miền đắt giá nhất mọi thời đại. Truy cập tại:https://via.org.vn/34-ten-mien-dat-gia-nhat-moi-thoi-dai
VIETNAM’S REGULATIONS ON E-COMMERCE DISPUTE SETTLEMENT
Ph.D Phi Manh Cuong
Hanoi University of Mining and Geology
ABSTRACT:
E-commerce is the inevitable development of traditional commerce. Although e-commerce has different characteristics from traditional commerce, the nature of both e-commerce and traditional commerce are commercial activities. Therefore, the settlement of e-commerce disputes is done through the settlement methods specified in the 2005 Law on Commerce. However, due to the differences in characteristics, the settlement of e-commerce disputes is facing some limitations such as: online dispute resolution, evidence, domain name disputes, etc. Hence, it is necessary for Vietnam to improve regulations on e-commerce in general and e-commerce dispute settlement in particular, contributing to the sustainable development of Vietnam’s e-commerce.
Keywords: legal regulation, dispute, dispute settlement, e-commerce.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]