Phát huy yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương - giải pháp để phát triển kinh tế tại thành phố Cần Thơ trong bối cảnh chuyển đổi số

THS. NGUYỄN THỊ KIM NHUNG (Khoa Nhà nước - Pháp luật, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT: 

Phát huy yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương là nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Sự can thiệp của nhà nước không những có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội mà còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày về quản trị địa phương và dân chủ trong quản trị địa phương, cơ sở pháp lý về dân chủ trong quản trị địa phương, thực tiễn thực hiện dân chủ trong quản trị địa phương ở thành phố Cần Thơ và đưa ra một số kiến nghị nhằm phát huy yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương ở thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.

Từ khóa: quản trị địa phương, dân chủ, phát triển kinh tế, chuyển đổi số, thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Cũng giống như các quốc gia trên thế giới, yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương được xem là nhiệm vụ quan trọng khi xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Việc đánh giá yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương được căn cứ vào 8 chỉ số nội dung theo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Bài viết này, tác giả tập trung phân tích, làm rõ 4 nhóm nội dung quan trọng: công khai, minh bạch trong ra quyết định, trách nhiệm giải trình với người dân, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử. Bởi vì trong giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện các nội dung này trong cả nước nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng chưa được hiệu quả như mong đợi.

2. Nội dung

2.1. Quản trị địa phương và dân chủ trong quản trị địa phương

“Quản trị” được hiểu là “công việc quản lý mang lại hiệu quả mà nhà quản trị mong đợi”. Quản trị ở cấp địa phương không chỉ thuộc về bộ máy chính quyền mà còn thuộc về cả cộng đồng nói chung và những tương tác giữa cộng đồng với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nhằm đạt hiệu quả cao nhất[1]. Dân chủ trong quản trị địa phương được hiểu là tiếng nói của người dân có mối quan hệ đồng đẳng với chính quyền. Hoàn thiện cơ chế, chính sách như thế nào để người dân tham gia càng nhiều vào quản lý nhà nước, đối thoại với chính quyền cơ sở, đóng góp vào xây dựng các chính sách công, nhằm hướng tới phát triển bền vững của địa phương.

Dân chủ trong quản lý cấp địa phương được xét theo hai khía cạnh: một là, về phía tổ chức của chính quyền địa phương, dân chủ là việc công khai, minh bạch về thông tin như thu chi ngân sách cấp xã, phường; quy hoạch sử dụng đất, giá đất đền bù; trách nhiệm giải trình với người dân về hiệu quả tương tác với cấp chính quyền, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thắc mắc của người dân; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.  Hai là, về phía tổ chức và hoạt động của xã hội dân sự, dân chủ là việc tham gia người dân tham gia ở cấp cơ sở hay còn gọi là quản trị bên ngoài Chính phủ. Hiện nay, chất lượng quản trị bên ngoài Chính phủ được xem là nội dung rất quan trọng trong thực hiện dân chủ trong quản trị địa phương, mà cụ thể là Chỉ số PAPI - công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền và qua đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước.

2.2. Cơ sở pháp lý để phát huy yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương

Tại Điều 5 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH, ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thực hiện theo 11 nội dung nhằm thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với nội dung mới “dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mục tiêu nhằm thực hiện bình đẳng khi tiếp cận thông tin trong nhân dân, cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước về những gì họ làm hoặc không làm khi thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Người dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Tố cáo năm 2018 đã thể chế hóa những quy định về quyền và nghĩa vụ của nhân dân khi tham gia vào công việc quản lý nhà nước.

Thứ ba, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 quy định sự cần thiết của “Quản trị điện tử”, “Chính quyền điện tử” gồm: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương; phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử. Tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền các cấp và người dân tăng cường tương tác trực tuyến, cải thiện hiệu quả hoạt động công vụ, tăng cường công khai minh bạch, giảm bớt chi phí, kể cả chi phí không chính thức.

2.3. Thực tiễn thực hiện dân chủ trong quản trị địa phương tại thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; với diện tích tự nhiên 1.438,96 km2; có 5 quận, 4 huyện, 83 xã, phường, thị trấn, dân số trên 1,25 triệu người. Năm 2021, thành phố có 25.480 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó: 1.748 cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, 22.025 viên chức và 1.707 cán bộ, công chức cấp xã[2].

Về tốc độ kinh tế - xã hội: cơ bản đều đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, điển hình như năm 2022, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 9,88%, công nghiệp và xây dựng tăng 13,32%, khu vực dịch vụ tăng 10,84%, kết quả thực hiện GRDP/người tăng 14,45%  so với năm 2021[3]. Tuy nhiên, trong năm (5) thành phố trực thuộc trung ương, GRDP của thành phố Cần Thơ tăng tưởng thấp, năm 2021 giảm 2,79%. Đây cũng là mức giảm sâu nhất so với các năm trong giai đoạn từ năm 2017-2021, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP, bị tác động nặng nề nhất đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng chung của thành phố[4].

 Về chỉ số PAPI của thành phố Cần Thơ đã: cải thiện vượt bậc về điểm số và thứ hạng từng năm. Thành phố đã đạt mục tiêu chung của chương trình nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2016 đến năm 2020, nhưng khi xét điểm của các chỉ số thành phần chưa đạt tối đa như mục tiêu đề ra. Cụ thể như sau:

Một là, công khai, minh bạch theo Điều 5 chương 2, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin của người dân, khuyến khích người dân tham gia thảo luận, góp ý kiến vào việc quyết định cũng như quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch xây dựng và phát triển ở địa phương... Tuy nhiên, kết quả công khai, minh bạch trong ra quyết định ở thành phố Cần Thơ theo khảo sát của PAPI giai đoạn 2011-2020 tăng và giảm không ổn định qua từng năm. Cụ thể, dựa vào Báo cáo số 2173/BC-SNV ngày 14/7/2021 cúa Sở Nội vụ Cần Thơ thì năm 2017 đạt 5,56 điểm, năm 2018 lại giảm còn 5,53 điểm, năm 2019 tăng lên 5,72 điểm, nhưng năm 2020 lại giảm xuống 5,35 điểm. (Xem Bảng)

Bảng. Kết quả chỉ số PAPI giai đoạn 2016-2020

STT

NĂM

2016

2017

2018

2019

2020

1

Tham gia của người dân ở cấp cơ sở

5,79

5,56

5,03

5,12

4,71

2

Công khai, minh bạch

5,94

6,12

5,53

5,72

5,35

3

Trách nhiệm giải trình với người dân

5,69

5,04

4,81

5,02

4,7

4

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

7,14

7,17

6,98

7,54

7,17

5

Thủ tục hành chính công

7,41

6,95

7,56

7,59

7,09

6

Cung ứng dịch vụ công

7,6

7,48

7,4

7,46

6,92

7

Quản trị thị trường

 

 

5,83

4,37

4,17

8

Quản trị điện tử

 

 

2,91

2,89

2,77

 

Tổng điểm

39,57

38,31

46,05

45,71

42,88

 

Xếp hạng

1

9

8

8

29

Nguồn: Báo cáo số 2173/BC-SNV ngày 14/7/2021

Hai là, trách nhiệm giải trình theo quy định tại khoản 1, Điều 112, Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa ở một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phòng Chống tham nhũng năm 2012 (sửa đổi bổ sung 2018, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2019), Luật Tiếp cận thông tin năm 2016… cơ bản được thực hiện theo cách tiếp cận mới, không chỉ thay đổi về nội dung giải trình của chính quyền địa phương mà còn tăng cường tính dân chủ nhằm phù hợp với khía cạnh dân chủ trong quản trị địa phương. Mặc dù vậy, trách nhiệm giải trình ở thành phố Cần Thơ theo khảo sát của PAPI giai đoạn 2011-2020 giảm rõ rệt qua ba (3) năm liền 2018, 2019 và 2020. Bên cạnh đó, việc giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân vẫn còn hạn chế[5].

Thứ ba, kết quả khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về xây dựng thể chế, về tinh thần, thái độ phục vụ cán bộ, công chức đều đạt tốt nhưng chỉ số nội dung “sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” ở thành phố Cần Thơ không ổn định theo từng năm. Điển hình, năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh của Cần Thơ đạt 60,32 điểm, xếp thứ 14 trên bảng xếp hạng PCI và được xếp vào nhóm điều hành tốt. Năm 2013 là năm thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Cần Thơ cao nhất với 61,46 điểm, xếp thứ 9. Năm 2014, Cần Thơ giảm xuống hạng 15 với 59,94 điểm, giảm 1,52 điểm so với năm 2013. Đến năm 2017, Cần Thơ quay lại vị trí thứ 10 với 65,09 điểm, tăng 5,15 điểm so với năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2020, Cần Thơ giảm 2 hạng so với năm 2017, xếp thứ 11 với 66,33 điểm. Năm 2021, thứ hạng của địa phương không thay đổi gì so với năm 2020[6].

Thứ tư, “Quản trị điện tử”, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành của chính quyền nhằm nâng cao sự tương tác, phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu. Mặc dù số lượng người tiếp cận và sử dụng Internet tăng nhưng việc sử dụng trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương ở mức rất thấp, nhất là nội dung “phúc đáp của chính quyền địa phương qua cổng thông tin điện tử”. “Quản trị điện tử” ở thành phố Cần Thơ thực hiện từ năm 2018, nhưng số lượt người tham gia năm 2019 và năm 2020 giảm dần[7].

2.4. Một vài ý kiến góp phần phát huy yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương tạo đà phát triển bền vững kinh tế trong thời gian tới

Thúc đẩy kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng đến phát triển bền vững đang đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Do đó, việc đề ra giải pháp để phát huy hơn nữa yếu tố dân chủ tại thành phố Cần Thơ rất cấp thiết trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo 83 xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa phương cụ thể nhằm đẩy nhanh phát triển thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, niêm yết công khai những nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật để người dân biết, giám sát. Điển hình như Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ…

Hai là, sớm xây dựng và hoàn thiện quy định pháp lý về sự tham gia trực tiếp của người dân đối với những vấn đề liên quan đến dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo hướng người dân có quyền bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp hoặc trực tuyến để lựa chọn người có năng lực thực hiện. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân. Đồng thời, hiện thực hóa quy định tại Điều 28, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Ba là, cần sớm cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” bao gồm những nội dung cụ thể nào, chẳng hạn theo hướng xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng người dân phản hồi ý kiến phản hồi của người dân về sử dụng dịch vụ công; tăng cường công tác kiểm tra, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần quán triệt nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” để thấy rõ Nhà nước của dân, do dân và vì dân; mọi chủ trương, đường lối đều xuất phát từ lợi ích của Nhân dân.

Bốn là, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến để người dân sớm nhận thấy được tiện ích khi sử dụng, nhất là trong bối cảnh cả nước ra sức thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Năm là, hoàn thiện các quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát việc sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương vì hiện nay tài sản ở địa phương hiện nay bao gồm 3 loại: tài sản nhằm đảm thực thi nhiệm vụ như trụ sở, phương tiện làm việc; tài sản là ngân sách chi cho hoạt động hành chính và chi cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tài sản là tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa tại địa phương.

Sáu là, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định về quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam chủ yếu được nhìn nhận ở góc độ pháp luật hành chính, khi thực thi quyền quản lý và sử dụng tài sản, chính quyền địa phương chủ yếu chịu trách nhiệm trước cấp trên; việc giám sát chủ yếu được thực hiện bằng cơ chế giám sát hành chính, thông qua thanh tra và kiểm tra hành chính. Do vậy, để giám sát có hiệu quả, cần có cơ chế phù hợp để đảm bảo người dân có thể thực thi hiệu quả quyền giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương.

Bảy là, chính quyền địa phương cần tạo một không gian dân chủ để người dân tham gia vào việc đối thoại với chính quyền địa phương về những điểm mới hiện nay như sự phát triển bền vững của địa phương trong bối cảnh 4.0, chất lượng sống của người dân,… đồng thời, hoàn thiện quy định pháp lý về việc tiếp thu và thực hiện những phản ánh, kiến nghị của người dân. Cần cụ thể hóa Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 theo hướng đối với những vấn đề trưng cầu dân ý hay lấy ý kiến của người dân thì cần quy định rõ ràng nội dung, cách thức lấy ý kiến… Bên cạnh đó, mô hình “chính quyền thân thiện” cần được triển khai thực hiện tất cả các xã, phường để người dân thật sự an tâm và chủ động tham gia vào quá trình quản lý nhà nước.

3. Kết luận

Thực hiện thành công yếu tố dân chủ trong quản trị địa phương sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc”. Do vậy, cần xác định rằng Nhà nước là chủ thể đóng vai trò chính trong dẫn dắt, nâng đỡ xã hội phát triển. Nhà nước không thể làm thay và không cần làm thay những gì mà xã hội có thể làm và làm tốt. Vấn đề được đặt ra ở đây là phải tạo những cơ chế phù hợp, thúc đẩy tổ chức xã hội phát triển, sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp và pháp luật./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) May (2000). Decentralization and Democratic Local Governance Program Handbook định nghĩa: “Local governance is governing at the local level viewed broadly to include not only the machinery of government, but also the community at-large and its interaction with local authorities”.

(2) Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2021). Báo cáo số 503/BC-UBND ngày 24/4/2021 về thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2021, tr.11.

(3) Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2022). Báo cáo số 309/BC-UBND ngày 17/11/2022 về kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

(4) Thúy Hiền (2022). Tổng cục Thống kê: Kinh tế 5 thành phố lớn tăng trưởng không đồng đều. Truy cập tại: http://licogi18-3.vn/tong-cuc-thong-ke-kinh-te-5-thanh-pho-lon-tang-truong-khong-dong-deu.html.

(5) Báo cáo số 2713/BC-SNV ngày 14/7/2021, tr.6

(6) Ngọc Anh (2022). Năng lực điều hành kinh tế của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao trong 10 năm?; https://baomoi.com/nang-luc-dieu-hanh-kinh-te-cua-5-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-thay-doi-ra-sao-trong-10-nam/c/43637060.epi.

(7) Báo cáo số 2713/BC-SNV ngày 14/7/2021, tr.6.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Nội vụ Cần Thơ (2021). Báo cáo số 2713/BC-SNV ngày 14/7/2021.
  2. Bùi Xuân Đức (2004). Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay. NXB Tư pháp, Hà Nội.
  3. Bell, Stephen, (2002). Economic Governance and Institutional Dynamics. Oxford University Press, Melbourne, Australia.
  4. J.M Cohen & S.B Peterson (2002). Phân cấp quản lý hành chính: Chiến lược cho các nước đang phát triển. NXBChính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Lê Hải Bình (2020). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quản trị quốc gia trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Truy cập tại: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-quan-tri-quoc-gia-trong-phong-chong-dai-dich-covid19-o-viet-nam-37100.html.
  6. Nguyễn Thị Phượng (2009). Chính quyền địa phương trong việc bảo đảm thực hiện quyền công dân ở Việt Nam. NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Đáng (2021). Xây dựng nền quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Truy cập tại http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/xay-dung-nen-quan-tri-quoc-gia-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.html.
  8. Lê Minh Thông (2002). Nguyễn Như Phát, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Promoting the democratic govenance in Can Tho City - A solution for the city’s economic development in the context of digital transformation

Master. Nguyen Thi Kim Nhung

Faculty of State - Law, Can Tho City School of Politics

Abstract:

Promoting the democratic govenance is an important solution for the successful implementation of the socio-economic development strategy. State intervention is to ensure social progress and justice but it can affect the economic development. This paper is to present the local governance, the democratic govenance, legal provisions on the democracy in local governance, and practical implementation of democracy in local governance in Can Tho City. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to promote the democratic govenance in Can Tho City in the coming time.

Keywords: local governance, democracy, economic development, digital transformation, Can Tho city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12  năm 2022]