TÓM TẮT:
An Giang là tỉnh có lợi thế sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp, tuy nhiên kết quả mang lại chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Để thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp, bài viết tập trung phân tích thực trạng cơ giới hóa một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang năm 2022, từ đó nêu lên những vấn đề đặt ra để tiếp tục phát triển cơ giới hóa một số một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực nói riêng và phát triển nông nghiệp tỉnh An Giang nói chung.
Từ khóa: An Giang, nông nghiệp, nông nghiệp chủ lực, cơ giới hóa.
1. Đặt vấn đề
Ngày 27/6/2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó đến nay, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh được quan tâm thực hiện có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là những ngành hàng nông nghiệp chủ lực.
Trong thời gian tới, để phát triển cơ giới hóa một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang, cần thiết phải nghiên cứu thực trạng, nêu lên những vấn đề đặt ra, từ đó có những giải pháp để quá trình này tiếp tục phát triển.
2. Nội dung
2.1. Kết quả thực hiện phát triển cơ giới hóa một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang năm 2022
2.1.1. Kết quả ứng dụng cơ giới hóa trên lúa
Tỷ lệ cơ giới hóa trung bình các khâu trong sản xuất lúa đạt 61,27 % so với tổng diện tích xuống giống. Cụ thể:
Khâu làm đất được cơ giới hóa hoàn toàn 100%, với tổng số 5.573 máy cày, máy xới các loại.
Khâu gieo trồng: tỷ lệ ứng dụng cơ giới vào gieo sạ giống 30,96 % so với tổng diện tích xuống giống; có 1.661 dụng cụ sạ hàng (5,28%), 8.641 máy phun hạt giống (24,71%); 42 máy cấy (0,97%) chủ yếu phục vụ tại các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất lúa giống, chiếm 24% diện tích sản xuất lúa giống.
Khâu chăm sóc cũng được cơ giới hóa cao, tỷ lệ cơ giới hóa trung bình 41,91%, gồm: 6.516 máy sạ phân (21,30%), 20.828 máy phun thuốc (73,92 %), 203 máy bay phun xịt (30,5%). Kết quả đó phản ánh việc nông dân nhận thấy rõ lợi ích từ ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất và đầu tư ứng dụng nhiều vào sản xuất: máy bay phun xịt đã tăng 110 chiếc, máy phun thuốc tăng 1.235 máy so với năm 2021.
Khâu thu hoạch đạt tỷ lệ cơ giới hóa trên 98%, gồm: 2.095 máy gặt đập liên hợp, 1.754 máy kéo; khâu bảo quản có 876 lò sấy với công suất sấy trung bình từ 20 đến 45 tấn/mẻ, đáp ứng sấy khoảng 22,5% diện tích trồng lúa của tỉnh. Lò sấy giảm so năm 2021 là 258 lò sấy, đa số vẫn còn nhưng không hoạt động thường xuyên do nông dân bán lúa tươi cho doanh nghiệp, hoặc thương lái ngay khi thu hoạch.
Về sử dụng phụ phẩm, nông dân trong Tỉnh cũng đã đầu tư khoảng 186 máy cuốn rơm các loại, đáp ứng khoảng 25% lượng rơm thu gom được trong sản xuất lúa, tương đương khoảng 0,75 triệu tấn, góp phần giảm thiểu môi trường cũng như có thể tận dụng nguồn phụ phẩm này phục vụ trồng nấm, rau màu và chăn nuôi.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã thực hiện 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa từ nguồn kinh phí của Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, gồm: 3 mô hình sản xuất lúa theo hướng sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), có ứng dụng thiết bị bay không người lái Drone (3 trong 1) gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ (ở Tri Tôn, Châu Thành, Chợ Mới); 6 mô hình sản xuất lúa theo hướng SRP, có ứng dụng thiết bị gieo sạ cụm gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ (ở Thoại Sơn: 4 mô hình, Châu Phú: 2 mô hình)[1].
2.1.2. Kết quả ứng dụng cơ giới hóa trên rau màu, cây ăn trái
Trên rau màu, tỉ lệ cơ giới hóa trung bình đạt 31,4% so với diện tích trồng màu của tỉnh: khâu làm đất toàn tỉnh có 1.258 máy cày, máy xới đáp ứng trên 80% diện tích, có 150 máy đào, vun luống đáp ứng hơn 20% diện tích trồng màu, khâu bơm tưới chủ động đạt trên 50%.
Trên cây ăn trái tỷ lệ cơ giới hóa trung bình đạt 13,76%, gồm: 293 máy cày, máy xới, 339 máy đào, vun luống; bơm tưới đạt 15% diện tích trồng. Nông dân đã quan tâm và ứng dụng nhiều vào khâu chăm sóc: đầu tư 2.334 hệ thống tưới, 2 máy bay phum xịt, 918 máy cắt cỏ, 19.038 máy phun xịt đáp ứng được trên 50% diện tích trồng[2].
2.1.3. Kết quả ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi
Tổng đàn vật nuôi có xu hướng giảm so với trước đây (do giá cả biến động và diễn biến dịch bệnh phức tạp), cùng với quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó ứng dụng các giải pháp cơ giới hóa, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trung bình trên chăn nuôi đạt 17,75 % so với tổng đàn vật nuôi, chủ yếu được ứng dụng vào khâu chăm sóc. Cụ thể:
Chăn nuôi bò: Tỉ lệ cơ giới hóa trung bình đạt 26,31% so với tổng đàn, trong đó đầu tư chủ yếu máy băm cây thức ăn (23,63%), máy bơm nước rửa chuồng (66,97%), máy phun khử trùng (43,36%), 466 có hệ thống xử lý biogas. Các hộ chủ yếu chăn nuôi bò thịt, vỗ béo và bán đi nên không có đầu tư hệ thống giết mổ.
Chăn nuôi heo: Ứng dụng cơ giới hóa trung bình đạt 21,24 % so với tổng đàn, có 123 hệ thống thông gió, làm mát (15,73%), trên 600 hệ thống ăn uống tự động (17%), 24 máy trộn và chế biến thức ăn (3,39%), 1.169 máy phun khử trùng (29,18%), 399 hệ thống Biogas (30,48%).
Chăn nuôi gia cầm: Đạt tỷ lệ cơ giới hóa trung bình 5,7% so với tổng đàn, hiện có 56 hệ thống thông gió (7,61%), 124 hệ thống ăn, uống tự động (6%), 573 máy phun khử trùng (8,86%), 152 máy bơm nước rửa chuồng (12,49%), 7 hệ thống Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi (1,64%).[3] Ngoài ra, người chăn nuôi còn sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý nền chuồng, giảm nguy cơ dịch bệnh trên đàn.
2.1.4. Kết quả ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản
Tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trung bình trong nuôi thủy sản đạt 8,63%. Đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh là cá tra, tập trung ở hình thức nuôi ao là chủ yếu. Hiện các cơ sở nuôi cũng quan tâm và trang bị cơ bản đảm bảo phục vụ trong hoạt động sản xuất theo quy mô nuôi bao gồm: bơm nước, bơm điện, máy cung cấp oxy, máy phối trộn thức ăn, máy cho ăn tự động,… Đối với các cơ sở nuôi lớn, vùng nuôi doanh nghiệp thì việc đầu tư trang thiết bị cơ giới hóa trong quá trình sản xuất luôn được quan tâm đầu tư để tối ưu hóa sản xuất, năng suất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ứng dụng vào khâu chuẩn bị ao đạt trung bình 25,3% so với diện tích nuôi, khâu chăm sóc đạt trung bình 4,23%, khâu quản lý dịch bệnh đạt 4,64%[4]. Người nuôi đã mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi thủy sản: máy tạo oxy, máy tạo dòng, máy cho ăn tự động, máy và thiết bị quan trắc môi trường để cảnh báo dịch bệnh,.... Tuy nhiên, việc nuôi thủy sản hiện nay chưa thật sự bền vững, thu nhập người nuôi chưa cao vì vậy việc đầu tư các loại máy, thiết bị và công nghệ còn rất thấp so với các ngành hàng khác.
2.2. Những vấn đề đặt ra
Từ số liệu cơ giới hóa một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực tỉnh An Giang vừa đề cập trên đây cho thấy, tốc độ ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa đạt trung bình 61,27% so với tổng diện tích xuống giống, một số địa phương thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), từ đó thúc đẩy tăng năng suất và sản lượng lương thực. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa trên rau màu, cây ăn trái, cơ giới hóa trong chăn nuôi, thủy sản với tỷ lệ còn khiêm tốn, chưa tạo động lực phát triển cho các ngành này, trong khi lợi thế còn rất lớn.
Trước thực trạng nêu trên, cần tìm hiểu những hạn chế và đề xuất giải pháp để tăng cường phát triển cơ giới hóa các ngành hàng nông nghiệp chủ lực để thúc đẩy nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.
2.2.1. Một số hạn chế cần quan tâm
Thứ nhất, trình độ của người nông dân về ứng dụng máy, thiết bị, công nghệ còn thấp; điều kiện kinh tế và khả năng tiếp cận còn hạn chế; đa số hộ chưa nhận thấy rõ lợi ích từ chuyển đổi sản xuất mang lại, chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế dự phòng xử lý khi rủi ro xảy ra, cụ thể là chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi; tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp có giá trị lớn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất; việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo, chưa có chế tài cụ thể; các hợp tác xã chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng (không có tài sản đảm bảo, chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi và các hồ sơ pháp lý chưa rõ ràng,…).
Thứ ba, công tác phối hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển cơ giới hóa của các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chưa kịp thời; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc rà soát các số liệu, thống kê máy, thiết bị chưa đồng bộ, nhịp nhàng và đầy đủ,... các số liệu rà soát, thống kê chỉ thực hiện đối với hộ nông dân, chưa rà soát, chưa thống kê đầy đủ số liệu của doanh nghiệp, trang trại (các vùng nuôi thủy sản, các trại giống chăn nuôi, trại giống thủy sản, trại sản xuất giống cây trồng,...), vì vậy làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp và báo cáo các số liệu theo phân công tại Kế hoạch số 176/KH-UBND.
Thứ tư, hầu hết các địa phương trong tỉnh chưa triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch ứng dụng cơ giới hoá, tự động hóa trên địa bàn quản lý nên việc đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa còn hạn chế.
Thứ năm, cơ chế chính sách và nguồn lực hỗ trợ phát triển cơ giới hóa từ Nhà nước chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực sản xuất lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
2.2.2. Đề xuất giải pháp cơ bản
Một là, vận động, tuyên truyền để hình thành tư duy của chính quyền địa phương và người dân trong việc coi trọng cả nông nghiệp và công nghiệp trong phát triển, nông nghiệp và công nghiệp cần được phát triển hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau, nếu chỉ đơn thuần có sự tăng trưởng về công nghiệp sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong nền kinh tế và kết quả là các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Hai là, cơ cấu lại nông nghiệp của Tỉnh theo hướng hiện đại, không phát triển nông nghiệp kiểu truyền thống, theo chiều rộng, mà hướng đến gia tăng giá trị, chuyên môn hóa, thâm canh áp dụng khoa học - công nghệ trong nuôi, trồng, bảo quản, chế biến,... Phát triển các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. Hình thành vùng nông sản ổn định, bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản. Tại các vùng chuyên canh nông nghiệp, cần tạo điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng cũng như có chính sách để hình thành các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp và các cụm công nghiệp dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ba là, đưa công nghiệp về nông thôn và thay đổi tư duy trong quy hoạch, đưa các khu công nghiệp từ đô thị về các vùng nông thôn, phát triển các khu công nghiệp hướng vào những vùng đất cằn cỗi khó phát triển nông nghiệp.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế vùng và thị trường; xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với cây, con cụ thể. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ.
Năm là, tiếp tục tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, đào tạo, phát triển thị trường và khuyến nông; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, dịch vụ phục vụ sản xuất.
Sáu là, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế (VietGAP, GlobalGAP,…) để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công, khuyến nông trong nông nghiệp.
Bảy là, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; sau khi kết thúc mô hình có tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền, phổ biến cho nông dân trong vùng thấy được hiệu quả kinh tế, khả năng tiết kiệm lao động của mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và hiệu quả của ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.
Tám là, phát triển nguồn nhân lực chủ chốt cho các dịch vụ cơ điện ở nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, kết nối số của nông dân; thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng để gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, và cơ hội việc làm; đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhân lực cho lĩnh vực phát triển cơ giới hóa, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản phù hợp với từng thời kỳ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Chín là, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cơ điện nông nghiệp trong nghiên cứu khoa học - công nghệ; các tổ chức, cá nhân có sáng chế máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; triển khai áp dụng đồng bộ các chính sách hiện hành để hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp từ nay đến năm 2030.
Mười là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch số 176/KH-UBND, ngày 31/3/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030.
3. Kết luận
Nông nghiệp và công nghiệp không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Công nghiệp lấy nông nghiệp là đối tượng, mục tiêu phục vụ và điều này giúp cho công nghiệp có thị trường phát triển. Các loại hình nông nghiệp phát triển bền vững là mục tiêu mà tỉnh An Giang đang theo đuổi. Vì thế, công nghiệp phục vụ nông nghiệp hướng vào các loại hình nhằm cơ giới hóa nông nghiệp như: công nghệ cao, sản xuất an toàn, sinh thái, tái tạo năng lượng, tái chế phụ phẩm nông nghiệp, giảm sử dụng vật tư, phân hóa học, vô cơ, giảm phát thải, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… là xu thế phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Để kinh tế An Giang tiếp tục phát triển trong thời gian tới trong điều kiện gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, An Giang cần đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực nhằm phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung theo hướng bền vững.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (2020). Báo cáo kết quả thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012- 2019.
2,3Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (2023). Kết quả phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Kế hoạch số 176/KH-UBND của ủỦy ban nhân dân tỉnh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (2023). Báo cáo kết quả phát triển cơ giới hóa cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND tỉnh năm 2022.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (2012). Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Tỉnh ủy An Giang (2012). Nghị quyết số 09-NQ-TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Truy cập tại: https://media.angiang.gov.vn/sokhcn-portal/VAN-BAN/VBPQ/TINH-SO/2017/1.09-NQ-TU.pdf.
Some issues about the mechanization development
of some key agricultural products in An Giang province in 2022
Ph.D Le Quang Vinh
Ton Duc Thang School of Politics, An Giang Province
ABSTRACT:
An Giang province has advantages in agricultural production. In recent years, the province has promoted mechanization in agriculture. However, the obtained results have not been commensurate with the province’s potential and advantages. In order to promote mechanization in agriculture, this paper analyzes the current mechanization in the production of some key agricultural products in An Giang province in 2022. The paper points out some issues about the mechanization development of some key agricultural products in particular, and of An Giang province’s agricultural sector in general.
Keywords: An Giang, agriculture, main agriculture, mechanization.