Vai trò nòng cốt của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam

THS. PHẠM VŨ ÁNH DƯƠNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích vai trò nòng cốt của nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Phân tích một vài điều kiện và cơ hội thách thức trong phát triển nông nghiệp hiện nay đến từ chính sách của Nhà nước, thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp. Từ đó, đưa ra một số nhận định nhằm định hướng các giải pháp thúc đẩy sự phát triển ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh nông nghiệp.

Từ khóa: kinh doanh nông nghiệp, nguồn nhân lực nông nghiệp, thị trường, chiến lược kinh doanh.

1. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp thời gian qua

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong suốt nhiều năm qua, đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Việt Nam được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng; thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước.

Điểm sáng là Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới. Năm 2021, dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt giá trị hơn 48 tỷ USD; trong 5 tháng đầu năm nay đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Một con số rất đáng chú ý là trong bối cảnh dịch bệnh, 5 tháng đầu năm 2022 đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất. Không chỉ vậy, nông sản nước ta đã “đứng chân” ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường hàng đầu và “khó tính” với nhiều tiềm năng, như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theoong đó, trong 5 tháng 2022, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất hiện tại của Việt Nam là Mỹ đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28% thị phần (tính trong 5 tháng đầu năm 2022). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 18% thị phần…

Đến hết năm 2022, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 3%, ghi nhận nhiều chỉ tiêu phát triển đạt và vượt kế hoạch đề ra, đánh dấu năm đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh, với thặng dư thương mại đạt trên 8,5 tỷ USD, chiếm tới gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế. Đồng thời hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 85,4 triệu đồng/ha vào năm 2016 lên gần 102,8 triệu đồng/ha năm 2020 và 103,6 triệu đồng/ha năm 2021; năm 2022 đạt 104,8 triệu đồng/ha, tăng 1,2% so với năm 2021.

Ngành Trồng trọt tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh và hiệu quả. Hiệu quả sản xuất tăng cao ở những vùng chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình kết hợp lúa - cá, nhân rộng mô hình ao nổi nhằm tăng sản lượng thủy sản. Cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ giống nuôi truyền thống, tăng giống nuôi chất lượng cao tăng giá trị kinh tế và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 184,3 triệu đồng/ha năm 2016 lên 237,3 triệu đồng/ha năm 2020 và 241,2 triệu đồng/ha năm 2021, năm 2022 đạt 247,5 triệu đồng/ha tăng 2,6% so với năm 2021

Có thể thấy, ngành Nông nghiệp, với những thế mạnh vốn có đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu, vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại.

Tuy vậy, để Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới, qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, ngành Nông nghiệp cần sớm hóa giải được những khó khăn, thách thức nội tại.

2. Những hạn chế trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập và nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Cụ thể:

Một là, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp, thiếu bền vững. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn diễn ra chậm, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ; đa số doanh nghiệp và hợp tác xã có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.

Hai là, nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Quy hoạch sản xuất còn chủ quan, duy ý chí, chưa bám sát, dự báo đúng nhu cầu của thị trường. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu, dẫn tới thực trạng một nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Năng lực mở rộng thị trường và dự báo thị trường cho sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế; nhiều nông sản, nhất là nông sản thô đang quá lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Nghịch lý “được mùa rớt giá” vẫn thường xuyên lặp lại. Việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Người dân và doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận đối với hoạt động tín dụng; “tín dụng đen” vẫn tồn tại ở nhiều địa bàn nông thôn.

Ba là, một số địa bàn nông thôn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi; phát triển công nghiệp, làng nghề thiếu quy hoạch; vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản chưa bảo đảm. Không ít tệ nạn xã hội nảy sinh làm cho tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn trở nên phức tạp như: ma túy, cờ bạc, tín dụng đen, trộm cắp, mại dâm, bạo lực gia đình…

Kết quả xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, địa phương: có tỉnh 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có địa phương đã chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng vẫn còn địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 20%. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư lớn nhưng không được bảo dưỡng, duy tu, sử dụng hiệu quả, đang trở nên xuống cấp, lãng phí. Trong khi đó, hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ cơ sở, trong điều kiện chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bốn là, năng lực làm chủ và vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới có mặt còn bất cập, hạn chế. Phần đông nông dân eo hẹp về nguồn lực, nhiều lao động lớn tuổi, thiếu kiến thức về sản xuất hàng hóa, thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, phong trào. Một bộ phận nông dân còn thụ động, cam chịu số phận, định mệnh. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang công nghiệp, dịch vụ ở thành phố, đô thị hay đi xuất khẩu lao động nước ngoài lại quay về nông thôn (vì hết hạn hợp đồng, dịch bệnh, tuổi tác, kỹ năng, tay nghề không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI) mang theo nhiều khó khăn, phức tạp cả về việc làm, đời sống, gia đình, văn hóa và an sinh xã hội… Người nông dân vẫn thường ở thế yếu trong hệ thống liên kết kinh tế và trong không ít các quyết định ở nông thôn.

Nông dân có vai trò đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của đất nước, nhất là trong khủng hoảng kinh tế và tác động của đại dịch covid-19 nhưng trên thực tế, nông dân lại là bộ phận nghèo nhất trong xã hội. Thu nhập bình quân của nông dân thấp, chưa bằng 1/3 thu nhập bình quân của lao động công nghiệp, dịch vụ(8). Tỷ lệ đói nghèo vẫn chủ yếu thuộc cư dân nông thôn. Hiện có trên 90% hộ nghèo của cả nước đang sống ở nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. So với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, nông dân vẫn là đối tượng yếu thế chịu nhiều rủi ro trong sản xuất và đời sống.

Năm là, thể chế chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, tín dụng, bảo vệ môi trường, về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, về bảo hiểm nông nghiệp, về phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

3. Giải pháp khắc phục hạn chế

Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc,… với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu như giai đoạn vừa qua.

Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai; hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đình Quyết (2020),“Nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản Việt Nam https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinhte//2018/820611/nang-cao hieu-qua-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-doi-voinong-san-viet-nam.aspx, truy cập ngày 1/2/2023
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), “Báo cáo Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), “Báo cáo Tổng kết thực hiện
    kế hoạc phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 và triển khai Kế hoạch năm 2021.

The key role of agriculture in the Vietnamese economy

Master. Pham Vu Anh Duong

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

This study analyzes the key role of agriculture in the Vietnamese economy. The study also analyzes conditions, opportunities and challenges brought by the State’s policies to the agricultural development, the current investment attraction for the agricultural sector, and the current human resources training for the agricultural sector. Based on the study’s findings, some recommendations are made to orient solutions for the development of agricultural sector, especially the human resources training for the agricultural sector.

Keywords: agribusiness, human resources for agricultural activities, market, business strategy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương