TÓM TẮT:

Trong kỷ nguyên số đang phát triển như vũ bão hiện nay, mọi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đều hưởng lợi rất lớn từ những thành tựu trong lĩnh vực này mang lại. Các tổ chức ngân hàng, tài chính; các doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động thương mại điện tử,… cũng đang nắm bắt mạnh mẽ những tiến bộ của công nghệ số để phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, tăng doanh số bán hàng và cung ứng dịch vụ, giảm thiểu chi phí kinh doanh. Chính các tổ chức ngân hàng, tài chính; các doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động thương mại điện tử,… là thị trường rộng lớn cho các chuyên gia công nghệ thông tin sáng tạo, đưa ra các sáng chế mới nhất, các công ty cung ứng giải pháp công nghệ cạnh tranh nhau đưa ra các sản phẩm tối ưu của mình để ứng dụng trong thanh toán, giao dịch thương mại điện tử. Ngân hàng số, thương mại điện tử được nhắc đến thường xuyên hơn trong cuộc sống thường nhật của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Bài viết này sẽ bàn về phát triển dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam.

Từ khóa: Ngân hàng, ngân hàng số, thương mại điện tử, dịch vụ, công nghệ số.

1. Khái niệm về ngân hàng số

 Digital Banking hay ngân hàng số là ngân hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet trên các thiết bị di động và máy tính để bàn. Giao dịch của ngân hàng số khách hàng không phải đến hội sở, chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng, hoặc điểm đặt ATM, sử dụng POS, giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan gây tốn kém chi phí, thời gian và ô nhiễm môi trường; mất diện tích văn phòng để lưu trữ chứng từ giấy. Đồng thời, tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi không phụ vào thời gian, không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động, cho dù khách hàng đang di chuyển trên máy bay, du thuyền ngoài đại dương, cắm trại trên núi, di chuyển trên đường cao tốc mà không phải là người lái,… miễn là có mạng Internet và thiết bị di động.

2. Lợi ích và hạn chế của phát triển ngân hàng số

2.1. Lợi ích

Ngân hàng số mang lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng, cho khách hàng và cho các bên có liên quan như sau:

Thứ nhất, đó là Hiệu quả kinh doanh: Không chỉ làm nền tảng kỹ thuật số cải thiện sự tương tác với khách hàng và giúp những nhu cầu của khách hàng được đáp ứng nhanh hơn, ngân hàng số còn cung cấp các phương pháp để làm cho các chức năng nội bộ hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ hai, Tiết kiệm chi phí: Ngân hàng số là một trong những chìa khóa để các ngân hàng cắt giảm chi phí thông qua các ứng dụng tự động thay cho lao động thủ công. Nền tảng kỹ thuật số trong tương lai có thể giảm chi phí thông qua sự hỗ trợ của dữ liệu mạng và phân tích, xử lý nhanh hơn với những thay đổi của thị trường tài chính, thị trường công nghệ thông tin, thị trường hàng hóa và dịch vụ khác, kể cả thị trường nguồn nhân lực.

Thứ ba, Độ chính xác cao: Nền tảng công nghệ của ngân hàng số sẽ giúp tính toán, xử lý cũng như ghi nhận những giao dịch, biến động một cách chính xác tuyệt đối. Nếu thao tác của khách hàng không chính xác, sẽ phải thực hiện lại, hoặc bị từ chối. Chính công nghệ giám sát tự động các giao dịch của khách hàng đảm bảo chính xác và xác thực chính bạn là người chủ của tài khoản, chủ của giao dịch.

Thứ tư, Tăng cường bảo mật: Đây là yêu cầu tất yếu đối với tất cả các giao dịch tài chính, liên quan đến tài sản, kèm theo đó là các thông tin cá nhân. Các giao dịch hay bất kỳ phát sinh nào trên tài khoản ngân hàng, khách hàng đều nhận được mã OTP trên điện thoại cá nhân cho mỗi lần giao dịch và nhận được tin nhắn trên điện thoại thông mình với hạn mức thời gian có giá trị là hữu hạn, hoặc email thông báo. Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về tính bảo mật của ngân hàng số.

2.2. Một số hạn chế khi phát triển ngân hàng số

Một là, phát triển ngân hàng số đòi hỏi đầu tư lớn, đồng bộ từ nguồn lực tài chính, trang thiết bị công nghệ hiện đại, đào tạo cán bộ vận hành và bảo mật, sự phối hợp của các lĩnh vực có liên quan: thương mại điện tử, hành chính điện tử, chính phủ điện tử,… Do đó, đòi hỏi các ngân hàng cần đầu tư lớn ban đầu, nhưng thu nhập về lâu dài; đồng thời, cần có chiến lược đầu tư tổng thể. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ trong nền kinh tế.

Hai là, sự phát triển của hạ tầng công nghệ chung, nhất là mạng Internet tốc độ cao, bảo mật, phủ sóng trên diện rộng. Khách hàng có thiết bị di động, máy tính và sử dụng thành thạo các trang bị này. Bởi vậy các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa,... sẽ gặp nhiều khó khăn về phát triển ngân hàng số.

Ba là, môi trường pháp lý hoàn thiện, nhằm bảo vệ tốt các bên có liên quan. Song thông thường các quy định pháp luật hay đi sau thực tiễn và chưa bao phủ đầy đủ các vấn để có liên quan. Bởi vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý.

Bốn là, tính bảo mật, tính an toàn của các giao dịch thanh toán điện tử, thương mại điện tử đòi hỏi rất cao và chính xác. Một số người e ngại về sử dụng và áp dụng công nghệ ngân hàng số. Do đó, cần có các biện pháp đồng bộ cho lĩnh vực này.

Năm là, giao dịch thanh toán và thương mại điện tử giúp cho các hoạt động kinh doanh không thể trốn thuế, che dấu doanh thu nên nhiều cửa hàng, chủ kinh doanh ngại áp dụng lĩnh vực này.

3. Các dịch vụ chính của ngân hàng số

Hiện nay đang có 4 lĩnh vực chính mà kỹ thuật số tác động mạnh nhất đến các ngân hàng trên toàn cầu.

Thứ nhất, đó là trải nghiệm khách hàng, khi mà đang xuất hiện ngày càng nhiều các kênh tương tác mới để người dùng tiếp cận ngân hàng, thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải có khả năng nắm bắt cơ hội thị trường công nghệ thông tin, thị trường tài chính, thị trường thương mại và dịch vụ cũng như đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, đồng thời xây dựng các hệ thống và quy trình nội bộ của ngân hàng, cùng với đào tạo cán bộ theo kịp công nghệ để xử lý vòng đời giao dịch bằng kỹ thuật số.

Thứ hai, đó là sự xuất hiện của các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, khi mà hệ sinh thái ngân hàng và người tham gia sẽ mở rộng ra ngoài các kênh ngân hàng truyền thống, dẫn đến những sản phẩm chuyên biệt và hoàn toàn mới mẻ so với trước đây. Thanh toán điện tử không chỉ là mảnh đất riêng của ngân hàng. Các nhà vận chuyển cung ứng hàng hóa, hành khách và dịch vụ vươn ra ứng dụng các dịch vụ thanh toán tiện lợi nhất cho mình và cho khách hàng.

Thứ ba, là sự ứng dụng tự động hóa và trí thông minh mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong quy trình nghiệp vụ, hướng tới tối ưu hóa chi phí và rút ngắn thời gian, cá nhân hóa dịch vụ tới từng khách hàng. Lợi ích này là điều mà cả khách hàng, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp thương mại, lẫn ngân hàng đều mong muốn tối đa hóa lợi nhuận, tận hưởng những thành tựu mới nhất trong sự phát triển của nhân loại.

Thứ tư, là sự hài lòng về chất lượng dịch vụ và bảo mật cho khách hàng. Với lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, thông tin khách hàng có giá trị rất lớn, đòi hỏi các ngân hàng phải có được những hệ thống và quy trình đủ “kín cổng cao tường” để có thể bảo vệ, quản lý và tận dụng dữ liệu một cách hiệu quả, cũng như sự an tâm, tin tưởng của khách hàng.

4. Một số cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong phát triển ngân hàng số

4.1. Một số cơ hội    

Có thể thấy, tương tác kỹ thuật số tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Những dữ liệu đó có thể được phân tích để đưa ra các kết luận có tính chính xác cao về nhu cầu của khách hàng. Đây là điểm các ngân hàng cần tập trung đầu tư hơn nữa. So với hoạt động ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có nhiều ưu điểm vượt trội nhờ nền tảng mô hình hoạt động số hóa, ngân hàng số sẽ cung cấp nhiều sản phẩm tài chính mới như thanh toán di động, cho vay tiêu dùng tín chấp trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, sản phẩm bảo hiểm số, đầu tư số,… Thông qua tự động hóa quy trình, ngân hàng số giúp giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý và bảo đảm hiệu quả vận hành. Chính vì vậy, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà chính các ngân hàng thương mại cũng xác định phát triển ngân hàng số là một chiến lược nền tảng tạo sức phát triển chứ không chỉ đơn thuần là một dự án công nghệ thông tin.

Hiện nay có khoảng 30% dân số Việt Nam có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 20% khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến. Từ đó, có thể thấy, phát triển ngân hàng số là một chặng đường dài. Các khách hàng của ngân hàng số có thể mang lại lợi nhuận khá cao cho các ngân hàng. Chi phí hoạt động cho ngân hàng số thấp hơn 67% so với dịch vụ dựa trên chi nhánh truyền thống và khách hàng của ngân hàng số có thể tạo ra doanh thu gấp đôi. Một trong những lý do là các khách hàng bán lẻ tương tác với các ngân hàng thương mại qua các kênh kỹ thuật số thường xuyên hơn so với các tương tác dựa trên chi nhánh. Ngoài ra, đây là dịp nâng cao cơ hội tiếp thị và bán chéo do được cung cấp bởi các kênh kỹ thuật số.

Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển thương mại điện tử khi có tới 64 triệu người dùng Internet, chiếm 66% dân số; 62 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 64% dân số, số thuê bao di động đạt 143 triệu trong đó 72% dân số sử dụng smartphone. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng này cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng logistics, các phương thức thanh toán trực tuyến. Các doanh nghiệp thương mại điện tử cần liên kết, hợp tác, đầu tư vào xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thương mại điện tử của Việt Nam muốn phát triển mạnh cần phải dựa trên hệ sinh thái được xây dựng dựa trên ba yếu tố trọng tâm: Phát kiến công nghệ tiên tiến; hệ thống Logistics và các phương thức thanh toán đa dạng, đặc biệt là công nghệ ngân hàng số hiện nay.

4.2. Những thách thức

Một là, ngành ngân hàng Việt Nam đứng trước một số thách thức như cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng và các định chế tài chính, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế là một bộ chuẩn mực kế toán được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế. Mục tiêu của Báo cáo tài chính quốc tế là cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. Trong khi hiện nay các ngân hàng thương mại Việt Nam đang tuân thủ, hạch toán, báo cáo tài chính theo hệ thống tài khoản của Việt Nam. Tương tự, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ nói chung và hạ tầng logistics nói riêng cũng đang sử dụng hệ thống tài khoản, báo cáo tài chính của Việt Nam.

Hai là, Việt Nam cũng cần phải nâng cấp khả năng của ngân hàng số để phục vụ khách hàng tốt hơn. Ví dụ điển hình như Bank of Queensland tại Australia, để đảm bảo công tác chọn lọc khách hàng, tránh rủi ro và nâng cao khả năng vận hành; ngân hàng này đã đầu tư xây mới nền tảng công nghệ cho vay Nucleus Software, để thiết lập các quy trình số hóa, tự động hóa và hợp lý hóa để tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động và ra quyết định tín dụng toàn diện. Với quy trình xử lí kỹ thuật số từ đầu đến cuối, Bank of Queensland đã giảm 99% thời gian để có quyền phê duyệt khoản vay và giảm 85% trong tổng thời gian chạm để xử lý ứng dụng. Đây chính là những lợi ích và xu thế chuyển đổi bắt buộc mà các ngân hàng phải tham gia.

Ba là, trải nghiệm khách hàng ngày càng quan trọng. Ngày nay giới trẻ cần sự thuận tiện, an toàn, chi phí thấp trong sử dụng dịch vụ ngân hàng. Họ không sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu như phải chờ điền tay vào nhiều biểu mẫu phức tạp, chờ giao dịch lâu… Vì vậy, gia tăng trải nghiệm, giảm chi phí, số hóa dịch vụ, mở rộng thị trường khi số lượng người sử dụng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn lớn có thể được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Áp dụng công nghệ mới trong các ứng dụng thực tiễn của ngân hàng là xu hướng tất yếu để đạt được mục tiêu trên.

 Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ, nó phải đi cùng với nghiệp vụ để tạo ra các ứng dụng cụ thể phục vụ ngân hàng, bao gồm đào tạo cán bộ, nhân viên thông thạo thuần thục với các nghiệp vụ, kể cả nhân viên bảo trì và vận hành hệ thống mạng, chuyên gia công nghệ thông tin của ngân hàng thương mại, đến các cấp quản lý và các chốt kiểm soát nội bộ trong ngân hàng, đến nhân viên tác nghiệp trong các bộ phận nghiệp vụ; đồng thời ban hành các quy trình tác nghiệp nội bộ của ngân hàng.

Bốn là, với một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng và mang tính chất nhạy cảm với an ninh tiền tệ như ngân hàng số, việc đặt ra các quy định pháp luật và áp dụng chúng đều đòi hỏi sự cẩn trọng tất yếu. Sự cẩn trọng này là hết sức cần thiết nhưng nó lại làm tốn kém thời gian, trì hoãn việc ban hành các văn bản quản lý của chính các tổ chức và cá nhân tại đơn vị xây dựng dự thảo, đến các cơ quan cần xin ý kiến, như: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương,… Bên cạnh các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu của lĩnh vực này, chẳng hạn như giám sát dòng tiền của các ngân hàng ảo để giảm thiểu nguy cơ rửa tiền, tài trợ tiền cho các hoạt động phi pháp, giao dịch thương mại điện tử…, cần có các công cụ kỹ thuật để giám sát doanh thu, ghi nhận thuế, quy định về lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuân thủ Luật An ninh mạng, an ninh trong giao dịch thương mại.

Năm là, nhìn chung, sự phát triển ngân hàng số ở Việt Nam còn chưa có nhiều đột phá. Các sản phẩm ngân hàng số tuy có được đầu tư nhưng chưa có sự khác biệt rõ rệt. Để cải thiện điều này, cần phải áp dụng và cải tiến hoạt động ngân  hàng số nhiều hơn nữa, từ xây dựng, nâng cấp hạ tầng đến việc ứng dụng các giải pháp mới từ các đơn vị cung cấp giải pháp ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử, hạ tầng logistics của Việt Nam chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh.

Sáu là, khác với công nghệ và logistics, vấn đề về thanh toán đang là một trở ngại đối với thương mại điện tử tại Việt Nam do phần lớn người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng thẻ tín dụng hoặc các ví điện tử. Mobile Money là một loại ví điện tử có vai trò rất lớn trong phát triển thương mại điện tử, đang phát triển tại hơn 90 quốc gia trên thế giới nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp luật chính thức thừa nhận, cho sử dụng.

5. Kết luận và khuyến nghị

Một là, Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính nghiên cứu sớm cho triển khai áp dụng hệ thống tài khoản quốc tế, kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế, Báo cáo tài chính quốc tế, hoàn thiện quy định về chứng từ điện tử,… Việc này cần phải được tiến hành khẩn trương, không thể trì hoãn, vì Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hai là, việc hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển và hoạt động của ngân hàng số cần được đẩy nhanh tiến độ thêm một bước. Cần gỡ vướng mắc về quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận về ngân hàng số tại một số bộ ngành có liên quan trong tham gia ý kiến về dự thảo văn bản có liên quan, nhất là vấn đề liên quan đến Mobile Money, bên cạnh đó là quy định về về chứng từ điện tử.

Ba là, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, bỏ sổ hộ khẩu thay bằng dữ liệu cá nhân điện tử, rà soát quy định về thương mại điện tử, chứng từ điện tử, phát triển hạ tầng logistics.

Bốn là, Chính phủ chỉ đạo tất cả các dịch vụ công trong tất cả các lĩnh vực, từ các Trung tâm giao dịch một cửa của các cấp chính quyền, các sở ban ngành, đến các đơn vị cung ứng dịch vụ công bắt buộc phải trang bị các thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị khác có liên quan của Bộ Công Thương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các gian lận, lừa đảo trong giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trên mạng, những hành vi không chấp hành thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng nhằm giấu doanh thu, trốn thuế.

Năm là, các ngân hàng thương mại cần triển khai đồng bộ về ngân hàng số: lựa chọn giải pháp kỹ thuật và nhà thầu, đào tạo cán bộ các cấp, rà soát và ban hành đầy đủ các quy định nội bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tuyên truyền và giới thiệu cho khách hàng. Các ngân hàng thương mại chủ động làm việc và hợp tác các doanh nghiệp thương mại điện tử, hạ tầng logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng số.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thebank (2017-2020): Truy cập các mục có liên quan, tại: www.thebank.vn; ngày truy cập, từ ngày 14/8 đến ngày 29/9/2020.
  2. SBV (2020): Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, truy cập Mục Tin tức-sự kiện, truy cập tại: www.sbv.gov.vn, ngày truy cập từ 14/7 đến ngày 29/10/2020.
  3. Vnba (2016-2020): Báo cáo phân tích hoạt động ngân hàng và dịch vụ ngân hàng điện tử, hằng quý; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, lưu hành nội bộ, các năm 2016-2020.
  4. Vietcombank (2018-2020): Thông tin về phát triển thị trường dịch vụ tài chính và công nghệ ngân hàng hiện đại - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, bản cứng, tài liệu lưu hành nội bộ, tháng 4/2020.

 

DIGITAL BANKING SERVICES DEVELOPMENT IN VIETNAM

Ph.D DO QUANG TRI

Van Lang University

ABSTRACT:

The rise of digital era has brought great opportunities to businesses and individuals. Banks and financial institutions, and e-commerce businesses are strongly taking advantage of digital technology to develop better products and services, increasing revenues while reducing costs. The banking and e-commerce markets are considered major markets for information technology firms. Digital technology service providers compete with each others in providing digital payment and transaction solutions. This paper is about the development of digital banking services in Vietnam.

Keywords: bank, digital banking, e-commerce, services, digital technology.