Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

THÁI THỊ KIM OANH (Trường Đại học Vinh) - NGUYỄN VĂN ĐỊNH (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoa Thành) - THS. NGUYỄN VŨ MINH THÚY (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Hợp tác xã nông nghiệp là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân cá thể, là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Bằng phương pháp nghiên cứu điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu các đối tượng có liên quan, kết quả nghiên cứu gợi ý các giải pháp nhằm phát triển hợp tác xã nông nghiệp của huyện Yên Thành.

Từ khóa: hợp tác xã nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Với thế mạnh là phát triển nông nghiệp, Yên Thành cung cấp một sản lượng lớn lương thực thu được hằng năm, là vùng quy hoạch sản suất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Nghệ An với quỹ đất nông nghiệp lớn. Nơi đây đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012 về sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 48 hợp tác xã nông nghiệp, toàn bộ 38/38 xã đều có hợp tác xã với gần 15.000 thành viên tham gia, vốn điều lệ đạt trên 24 tỷ đồng đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các xã viên và người lao động, ổn định đời sống của xã viên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hiện tại ở huyện Yên Thành cho thấy sự phát triển của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Doanh thu từ hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp, kết quả hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết khách quan cần phải có các nghiên cứu mới cụ thể chuyên biệt tại địa phương để làm rõ những kết quả, những hạn chế, bất cập để đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giúp hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Yên Thành phát triển có hiệu quả.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Vấn đề phát triển hợp tác xã nói chung đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ, nội dung, hình thức và phạm vi khác nhau. Vấn đề có tính pháp lý về phát triển của hợp tác xã ở Việt Nam được nghiên cứu thông qua các Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản liên quan khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020” đã tổng quan được sự phát triển của hợp tác xã đến năm 2018 và giai đoạn 2016-2018, qua đó đã đề ra một số giải pháp phát triển hợp tác xã, đồng thời cuốn sách cũng nêu ra bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển hợp tác xã trên cả nước và tại các địa phương giai đoạn 2016-2018. Tác giả Bùi Thống Nhất (2010), “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ”, đã xác định và phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ, từ đó chỉ ra được những tác động tích cực và tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ. Nguyễn Minh Tú (2010); “Mô hình tổ chức hợp tác xã kiểu mới - Góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ đã phân tích và đưa ra mô hình tổ chức hợp tác xã kiểu mới, chỉ ra được các nhân tố để phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ trong mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (8/2010); “Báo cáo tổng kết tình hình khu vực hợp tác xã và kết quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong nhiệm kỳ III; Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV (2010-2015)” đã tổng kết 5 năm hoạt động của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nêu ra những thành tựu, chỉ ra những hạn chế, đồng thời đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cho 5 năm tiếp theo. Dương Ngọc Thành và cộng sự (2016), “Nghiên cứu năng lực, hiệu quả sản xuất và xu hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” đã nghiên cứu năng lực, hiệu quả sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các công trình nêu trên đã nghiên cứu và đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau về hợp tác xã và hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn ít công trình nghiên cứu cụ thể, chuyên biệt đối với lĩnh vực phát triển hợp tác xã nông nghiệp của chính quyền cấp huyện nhất là ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

2.2. Hợp tác xã nông nghiệp và phát triển hợp tác tác xã nông nghiệp

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là một tổ chức kinh tế tự chủ được các thành viên thành lập trên cơ sở tự nguyện, tiến hành các hoạt động sản xuất hoặc cung ứng các yếu tố phục vụ hoạt động sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phát triển HTXNN là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về mọi mặt của các HTXNN bằng việc gia tăng về số lượng HTX,  gia tăng các thành viên tham gia, gia tăng về chất lượng thể hiện qua các kết quả về doanh thu, kết quả hoạt động; gia tăng về lợi ích và mức độ hài lòng cho các thành viên; gia tăng quy mô, vốn; tiến bộ theo các tiêu chí đánh giá của Nhà nước.

Để đánh giá sự phát triển HTXNN, cần đánh giá theo tiêu chí về số lượng và chất lượng.  Phát triển HTXNN theo số lượng nghĩa số lượng các HTXNN được tăng lên hàng năm, số lượng thành viên tham gia trong các HTXNN, tốc độ tăng quy mô hoạt động của các HTXNN. Quy mô hoạt động của các HTXNN được phản ánh thông qua doanh thu, quy mô các loại hình sản phẩm, dịch vụ mà các HTXNN có thêm trong quá trình sản xuất kinh danh của mình được tính trong kỳ nghiên cứu.

Sự phát triển HTXNN về chất lượng sẽ được phản ánh thông qua các chỉ tiêu về kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTXNN, cụ thể thông qua các chỉ tiêu như: doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ vốn đầu tư của mỗi xã viên cho hoạt động của HTXNN, trình độ tổ chức quản lý điều hành của HTXNN. Bên cạnh đó còn được phản ánh thông qua sự phát triển về mặt cơ cấu sản phẩm, dịch vụ của HTXNN cung ứng cho xã viên và cộng đồng, sự gia tăng đóng góp của của HTXNN cho sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại địa phương.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Khung lý thuyết

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp điều tra, khảo sát, thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp, kết hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu hệ thống. Để thu thập dữ liệu, nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. Đối với dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các giáo trình, sách, văn bản pháp luật, công trình nghiên cứu, tạp chí, Internet, các báo cáo có liên quan đến đề tài luận văn. Đối với dữ liệu sơ cấp thông qua phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu các đối tượng nghiên cứu là các chủ nhiệm HTXNN (10 người), các xã viên trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (48 thành viên). Số liệu sơ cấp được xử lý bằng phần mềm Excel.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả phát triển về số lượng

Ở huyện Yên Thành, nông nghiệp là lĩnh vực duy nhất có hợp tác xã (HTX). Mức tăng bình quân trong 3 năm 2018 - 2020 huyện Yên Thành chỉ đạt chưa đến 1HTX/năm, riêng năm 2020 không tăng HTX nào. Tính đến 31/12/2020, huyện Yên Thành có 48 HTX nông nghiệp, có 38/38 xã có HTX nông nghiệp.

Về lĩnh vực hoạt động của HTX nông nghiệp

Lĩnh vực hoạt động của các HTXNN trên địa bàn huyện Yên Thành cũng có sự đa dạng, tham gia ở 4/7 lĩnh vực (năm 2018 và năm 2019), 3/7 lĩnh vực theo tiêu chí phân loại HTXNN tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên tỷ lệ số lượng rất không cân đối giữa các lĩnh vực. Năm 2020, trong số 48 HTX nông nghiệp thì có tới 45 HTX nông nghiệp tổng hợp, chiếm tới 93,75%; 1 HTX lâm nghiệp, chiếm 2,08%; 2 HTX nước sạch nông thôn chiếm 4,17%. (Bảng 1)

Bảng 1. Số lượng, cơ cấu HTX nông nghiệp theo lĩnh vực hoạt động

Đơn vị: HTX

Năm

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số

46

48

48

HTX Nông nghiệp tổng hợp

Số lượng

42

44

45

tỷ lệ%

91,30

91,67

93,75

HTX Trồng trọt

Số lượng

0

0

0

tỷ lệ%

0

0

0

HTX Chăn nuôi

Số lượng

1

1

0

tỷ lệ%

2,20

2,08

0

HTX Lâm nghiệp

Số lượng

1

1

1

tỷ lệ%

2,20

2,08

2,08

HTX Thủy sản

Số lượng

0

0

0

tỷ lệ%

0

0

0

HTX Diêm nghiệp

Số lượng

0

0

0

tỷ lệ%

0

0

0

HTX Nước sạch nông thôn

Số lượng

2

2

2

tỷ lệ%

4,30

4,17

4,17

           

Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành

Chưa có xu hướng gia tăng trong các loại hình hoạt động của HTX mà chỉ có sự phát triển lệch rất lớn về một lĩnh vực là loại hình HTX nông nghiệp tổng hợp và có sự phát triển về số lượng qua các năm từ năm 2018 đến năm 2020 tăng 3 HTX, bình quân tăng 1,5 HTX/năm.

Hơn 2/3 số lượng phân bố tại các địa bàn xã có số lượng tương đối bằng nhau mỗi năm từ 2018-2020 đều có 01 HTX nông nghiệp. Chỉ có 7/38 xã có số lượng phân bố trên một HTX 1 năm, trong đó nổi bật là xã Long Thành có số lượng nhiều nhất có 4 HTX nông nghiệp, tiếp đó là xã Tân Thành có 3 HTX nông nghiệp, có 02 HTX nông nghiệp là xã Công Thành, Nam Thành và Thọ Thành. Có 04 xã có sự biến động về số lượng HTX nông nghiệp qua các năm là xã Công Thành, xã Hợp Thành, xã Quang Thành và xã Mã Thành, trong đó xã Hợp Thành bị giảm 01 HTX từ năm 2019 xuống còn 01 HTX năm 2020. Còn lại tất cả các địa bàn đều giữ nguyên số lượng từ năm 2018-2020.

4.2. Kết quả phát triển về chất lượng

Vốn điều lệ bình quân/HTXNN các HTXNN của huyện Yên Thành trong 3 năm qua có xu hướng giảm qua các năm. Năm 2018 đạt 548,8 triệu đồng nhưng năm 2020 giảm xuống còn 511,07 triệu đồng. Tuy nhiên vốn SXKD bình quân/HTX nông nghiệp tăng rất nhanh trong năm 2019 so với năm 2018,  mức tăng lên đến 1324,34 triệu đồng, đạt tỷ lệ 137,7%. (Bảng 2)

Bảng 2. Quy mô vốn bình quân của các HTX nông nghiệp

Đơn vị: Triệu đồng

Năm

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Chênh lệch 2019/2018

Năm 2020

Chênh lệch 2019/2020

Vốn điều lệ bình quân/HTX nông nghiệp

548,8

526,2

-22,6

511,07

-15,13

Vốn SXKD bình quân/HTX nông nghiệp

961,6

2.285,94

1324,34

2021,30

-264,64

Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành

Về số lượng xã viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp

Năm 2018, tổng số xã viên trong các HTX nông nghiệp là 14.523 người với 46 HTX, bình quân mỗi HTX có 306 xã viên; năm 2019 tổng số xã viên trong các HTX nông nghiệp tăng lên 227 xã viên nâng tổng số xã viên là là 14.750 người với 48 HTX, bình quân mỗi HTX có 308 xã viên. Song đến năm 2020, tổng số xã viên trong các HTX giảm xuống 141 xã viên còn 14.609 xã viên với 48 HTX, bình quân mỗi HTX có 304 xã viên/HTX. Tuy có sự sụt giảm về số lượng xã viên năm 2020 nhưng số lượng xã viên lao động thường xuyên trong các HTX nông nghiệp lại có xu hướng tăng từ năm 2018 đến năm 2020, cụ thể năm 2019 tăng 6 xã viên, năm 2020 tăng 26 xã viên. (Bảng 3)

Bảng 3. Tình hình xã viên và lao động thường xuyên của HTX nông nghiệp

Đơn vị: Xã viên, người

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Chênh lệch năm 2019/2018

Năm 2020

Chênh lệch năm 2020/2019

Tổng số thành viên

14.523

14.750

+ 227

14.609

-141

Tổng số lao động thường xuyên

1209

1215

+ 06

1241

+26

 Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành

 Cơ cấu thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp ngày càng đa dạng hơn, bao gồm không những hộ nông dân, chủ trang trại mà các hộ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cũng tham gia thành viên của HTX nông nghiệp trên địa bàn.

Bảng 4. Kết quả hoạt động SXKD của HTX nông nghiệp giai đoạn

2018-2020

                                                                                   ĐVT: Triệu đồng

Năm

Chỉ tiêu SXKD

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Doanh thu

109.725

97.024

98.054

Chi phí

106.984

93.069

94.191

Lợi nhuận

2.741

3.955

3.863

Bình quân lợi nhuận/HTX

57,1

82,394

81,598

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm qua các năm từ 2018 đến 2020 tăng lên qua các năm, thể hiện qua việc lợi nhuân ròng tăng lên hàng năm. Năm 2018 có tổng doanh thu lĩnh vực hợp tác xã đạt 109.725.005.000 đồng, với lợi nhuận đạt 2.740.517.000 đồng, bình quân 57,1 triệu đồng/HTX/năm. Năm 2019, tổng doanh thu của các HTX nông nghiệp đạt 97.024.029.000 đồng, lợi nhuận ròng đạt 3.954.904.000 đồng, bình quân lợi nhuận đạt 82.394.000 đồng/HTX. Năm 2020, tổng doanh thu của các HTX nông nghiệp giả nhẹ so với năm 2019 đạt 98.054.365.00 đồng, lợi nhuận ròng đạt 3.863.561.000 đồng, bình quân lợi nhuận đạt 81.598.000 đồng/HTX trong đó, doanh thu của các HTX chủ yếu từ các dịch vụ: thức ăn chăn nuôi đạt 25.632.597.000 đồng (chiếm 26,42%), phân bón đạt 21.497.316.000 đồng (chiếm 22,16%), cung ứng giống đạt 11.644.370.000 đồng (chiếm 12,00%). (Bảng 4)

Chất lượng bộ máy quản lý hợp tác xã

Số lượng cán bộ quản lý HTX tăng lên quan các năm, năm 2018 có 130 người, năm 2019 135 người, năm 2020 có 137 người và tính đến ngày 30/4/2021 là 137 người. Năm 2018, số cán bộ quản lý có trình độ đại học là 22 người (chiếm 16,92%), trình độ cao đẳng là 10 người (chiếm 7,69%), trình độ trung cấp là 41 người (chiếm 31,54%), chưa qua đào tạo là 57 người (chiếm 43,85%).

Về ngành nghề kinh doanh và thu nhập của thành viên, lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp

Ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX của huyện ngoài những dịch vụ nông nghiệp (chủ yếu là các dịch vụ đầu vào của sản xuất nông nghiệp như dịch vụ cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV, thủy lợi nội đồng, xây dựng công trình nhỏ, sản xuất lúa giống,…), một số HTX nông nghiệp đã mở rộng, chú trọng phát triển nhiều ngành nghề hoạt động mới, hiệu quả cao như dịch vụ thức ăn chăn nuôi, môi trường, quản lý chợ, cung cấp nước sạch, tín dụng nội bộ,…

Thực tế mức vốn góp tối thiểu của các thành viên tham gia HTX huyện Yên Thành chủ yếu giao động chủ yếu từ 100.000 đồng/thành viên đến 5.000.000 đồng/thành viên. Đối với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX/năm cũng tăng lên qua các năm từ 2018-2020, năm 2018 chỉ đạt 27,58 triệu đồng nhưng năm 2020 tăng lên 5,07 triệu/năm/thành viên và đạt 32,65 triệu đồng.

Kết quả phân loại theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn qua các năm có xu hướng giảm các loại HTX yếu và trung bình.  Năm 2020 giảm được 02 HTX yếu và 01 HTX trung bình để vươn lên HTX loại khá.

5. Kết luận

Phát triển HTXNN là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong thực thi các chính sách. Để giải quyết các vấn đề đó, cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp ý thức tự giác, tự nguyện tổ chức và tham gia HTX của các cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của bản thân các HTX với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi, quản lý dân chủ, trong đó, lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ và chính quyền các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng thông qua việc tạo lập môi trường kinh tế, môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách, môi trường tâm lý xã hội để HTX hình thành và phát triển. Nghiên cứu đề xuất 7 nhóm giải pháp để góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp của huyện Yên Thành trong thời gian tới đó là: 1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển HTX nông nghiệp; 2) Nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng và chính quyền, tăng cường; 3) Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác phát triển kinh tế tập thể; 4) Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; 5) Nâng cao năng lực điều hành của các hợp tác xã; 6) Hỗ trợ về khoa học công nghệ cho các HTX nông nghiệp; 7) Hỗ trợ  các chính sách về đất đai, về cơ sở hạ tầng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành huyện ủy Yên Thành (2020), Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa 27, nhiệm kỳ 2020-2025.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020”, Nhà xuất bản Thống kế, Hà Nội.
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017), Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn, phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ban hành ngày 17/4/2017
  4. Chính phủ (2017), Nghị định số 107/2017/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13, ban hành ngày 15 tháng 9 năm 2017.
  5. Hà Thị Thu Hà (2017), “Đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác xã nông nghiệp tỉnh An Giang”, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Cần Thơ.
  6. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (8/2010), “Báo cáo tổng kết tình hình khu vực hợp tác xã và kết quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong nhiệm kỳ III; Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV (2010-2015)”.
  7. Bùi Thống Nhất (2010), “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ”, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ.
  8. Dương Ngọc Thành và cộng sự (2016), “Nghiên cứu năng lực, hiệu quả sản xuất và xu hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Trường Đại học Cần Thơ.
  9. Nguyễn Minh Tú (2010), “Mô hình tổ chức hợp tác xã kiểu mới - Góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ”, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

 Developing agricultural cooperatives in Yen Thanh District, Nghe An Province

Ph.D Thai Thi Kim Oanh 1

Nguyen Van Dinh 2

Master. Nguyen Vu Minh Thuy 3

 1 Vinh University

2 Chairman, Director of Hoa Thanh Agricultural Cooperative and General Services

3 Faculty of Economics, Vinh University

ABSTRACT:

Agricultural cooperatives serve as a bridge between businesses and individual farmers and they play an important role in the production chain of agricultural products. Agricultural cooperatives of Yen Thanh District, Nghe An Province have contributed to the local agricultural restructure and new rural construction and transforming the growth model of local agricultural sector. By using the qualitative research methods and conducting in-depth interviews with relevant subjects, this research’s results suggest some solutions to develop agricultural cooperatives in Yen Thanh District.

Keywords: agricultural cooperatives, development of agricultural cooperatives, Yen Thanh District, Nghe An Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2021]