Phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn: bài học điển hình từ làng thông minh Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Đề tài Phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn: bài học điển hình từ làng thông minh Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình do ThS. Lương Nguyệt Ánh (Trường Đại học Thương mại) thực hiện.

TÓM TẮT

Bài viết phân tích về tình hình phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, điển hình từ làng thông minh Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Làng thông minh tại xã Yên Hòa đã cho thấy nhiều tác động tích cực trên khía cạnh kinh tế và xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của địa phương tăng cao. Y tế thông minh giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ về sức khỏe một cách nhanh chóng tiện lợi, nâng cao chất lượng sức khỏe. Chính quyền số không chỉ giúp giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận lợi, mà còn giúp chính quyền địa phương cắt giảm được ngân sách cho các sản phẩm văn phòng phẩm. Từ kết quả phân tích, tác giả rút ra số bài học quan trọng, đó là những lợi ích đó không chỉ dừng lại ở mô hình làng thông minh tại xã Yên Hòa, tỉnh Ninh Bình, mà cần được nhanh chóng nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, đồng thời cũng giúp Việt Nam đạt được đích đến “số hóa quốc gia” theo mục tiêu đã đề ra trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Chính phủ đề ra.

Từ khóa: phát triển kinh tế - xã hội, khu vực nông thôn, làng thông minh, xã Yên Hòa.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề đói, nghèo và tệ nạn xã hội. Tình trạng di cư ra thành thị cũng ngày càng tăng tạo áp lực về dân số, việc làm và chất lượng cuộc sống cho các khu vực thành thị. Trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ xây dựng những mô hình làng thông minh như một giải pháp giải quyết bài toán phát triển kinh tế, xã hội của khu vực nông thôn.

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020 và nông nghiệp, nông thôn cũng đã nhanh chóng được đẩy mạnh chuyển đổi số như một giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều mô hình làng thông minh đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương thí điểm xây dựng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: xã Bạch Đằng (tỉnh Bình Dương), xã Yên Hòa (tỉnh Ninh Bình), xã An Nhơn (Đồng Tháp), … Bước đầu, những làng, xã thông minh này đã thu được nhiều kết quả tích cực khi kinh tế địa phương phát triển, thu nhập của người dân tăng lên và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Những ngôi làng tại xã Yên Hòa, tỉnh Ninh Bình đã trở thành những ngôi làng thông minh điển hình của cả nước khi liên tiếp đạt được những thành công trong việc phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là địa phương đầu tiên của cả nước được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” nhờ thành tựu của chuyển đổi số. Đồng thời, làng thông minh tại Yên Hòa cũng là đại diện Việt Nam đầu tiên được tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc giới thiệu với thế giới như một mô hình điểm “Làng số”.

2. Một số lý thuyết cơ bản về làng thông minh

Mặc dù đã được nghiên cứu trong nhiều công trình và là chương trình hành động của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng thuật ngữ “Làng thông minh” (smart village) vẫn là một khái niệm mới và chưa có sự thống nhất trên phạm vi thế giới. Mạng lưới phát triển nông thôn châu Âu (ENRD) định nghĩa làng thông minh là tập hợp các nguồn lực địa phương và ứng dụng kỹ thuật công nghệ nhằm mang lại những lợi ích cho cộng đồng. Thông minh (SMART) là sự tổng hòa của các yếu tố: S (Social) - xã hội; M (Modern) - hiện đại; A (Aware-adaptation) - nhận thức, thích ứng; R (Responsive - ready) - đáp ứng, sẵn sàng và T (Technology - transparent) - công nghệ, minh bạch. Tại Ấn Độ, làng thông minh được quốc gia này tiếp cận theo thực tế và mục tiêu kỳ vọng của chính phủ. Theo đó, thông minh (SMART) được hiểu là sự tổng hòa của một số yếu tố: S - Bền vững, M - Có thể đo lường được, A - Giá cả phải chăng, R - Có thể tái tạo, T - Công nghệ. Theo cách tiếp cận này, chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh tới yếu tố sử dụng các nguồn lực tại các vùng nông thôn, kết hợp với yếu tố công nghệ nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững, sử dụng các nguồn lực có thể tái tạo và các sản phẩm được sản xuất ra cũng có thể được tái sử dụng.

Như vậy, có thể hiểu làng thông minh là cộng đồng ở khu vực nông thôn sử dụng các giải pháp do công nghệ kỹ thuật số đem lại để nâng cao đời sống dựa trên các lợi thế và cơ hội của địa phương với cách tiếp cận có sự tham gia tổng hợp của các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc điểm lớn nhất của làng thông minh chính là sử dụng các thành tựu của công nghệ kỹ thuật số hiện đại một cách phù hợp vào địa phương để có thể thay đổi nó trên các khía cạnh khác nhau nhằm phát huy tối ưu các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, xã hội và con người của địa phương nhằm phát triển kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững.

3. Tác động của chuyển đổi số tới sự phát triển kinh tế, xã hội của mô hình làng thông minh tại xã Yên Hòa, tỉnh Ninh Bình

Yên Hòa bắt đầu chuyển đổi số vào tháng 9 năm 2020 khi được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là một trong mười hai địa phương trong toàn quốc thí điểm chuyển đổi số khu vực nông thôn nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn ba năm thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính quyền, xã Yên Hòa đã chứng kiến những thay đổi rõ rệt trong đời sống an sinh xã hội, chất lượng đời sống của người dân.

3.1. Tác động của mô hình làng thông minh xã Yên Hòa tới y tế, giáo dục của địa phương

Bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong thời điểm đại dịch covid – 19 đang diễn ra căng thẳng nên chính quyền xã Yên Hòa đã lựa chọn y tế là một trong những lĩnh vực tiên phong chuyển đổi số đầu tiên của địa phương. Ứng dụng khám sức khỏe qua điện thoại (Telemedicine) hay khám bệnh trực tuyến được Ủy ban nhân dân xã (UBND) xã nhanh chóng triển khai thực hiện và tuyên truyền đến người dân trên địa bàn. Những quy định về giãn cách xã hội cùng những lo lắng trong vấn đề dịch bệnh và sức khỏe đã thúc đẩy người dân Yên Hòa nhanh chóng đón nhận dịch vụ y tế thông minh của xã. Theo báo cáo của UBND xã Yên Hòa, chỉ sau 2 tuần triển khai, toàn xã đã ghi nhận những kết quả ấn tượng đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Ứng dụng khám chữa bệnh qua điện thoại Telemedicine đã được 1171 hộ gia đình tiếp cận, khảo sát sức khỏe trực tuyến đã được thực hiện đối với 1371 người. Song song với dịch vụ Telemedicine, UBND xã Yên Hòa cũng đã thành công trong việc triển khai các nội dung tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa của riêng địa phương, thành lập nhóm cộng đồng trên mạng gồm 1.117 thành viên mang tên “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời”. Bên cạnh đó, ứng dụng Bluezone cũng đã được triển khai tuyên truyền cài đặt được cho 1300 điện thoại và hiện vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch covid – 19, UBND xã Yên Hòa đã tổ chức định kỳ hàng tuần chương trình bác sĩ livestream trực tiếp để trao đổi về cách phòng, chống và chữa các bệnh hay mắc theo mùa, cách phòng tránh dịch Covid 19. Chương trình khám chữa bệnh từ xa vừa giúp người dân có thể tiếp cận với dịch vụ y tế một cách thuận tiện trong giai đoạn dịch bệnh nhưng đồng thời cũng giúp tiết kiệm được chi phí cho lĩnh vực này. Ước tính việc đi lại khám sơ bộ 1 năm tiết kiệm được 600 triệu đồng cho người dân xã Yên Hòa. Bên cạnh đó, chương trình khám chữa bệnh trực tuyến thông qua các ứng dụng đã giúp giảm lượng bệnh nhân lên tuyến huyện/tỉnh, giảm áp lực liên quan tới đi lại và các chi phí liên quan khác cho người dân (UBND xã Yên Hòa, 2023).

Ngay sau những thành công trong chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, UBND xã Yên Hòa cũng đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương. Theo đó, giai đoạn 1 của đề án “Chuyển đổi số xã Yên Hoà” đã triển khai các dịch vụ, ứng dụng số tại các trường học trên địa bàn xã như: Cổng thông tin điện tử (Portal), Dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS, Phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp. Trong giai đoạn 2, đối với trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, hệ thống dạy, học và thi trực tuyến, triển khai điểm danh thông minh qua thẻ, vân tay hoặc nhận dạng hình ảnh; phê duyệt giáo án, bài giảng trên môi trường điện tử; ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học; ứng dụng chữ ký số trong kí hồ sơ giáo dục cho các nhà trường đã được triển khai. Đối với trường mầm non, triển khai phần mềm quản lý dinh dưỡng, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học tiếng anh cho giáo viên, điểm danh thông minh qua vân tay, hệ thống thông tin giữa nhà trường và phụ huynh đã được triển khai. Dưới nỗ lực không ngừng cùng với chính sách hợp lý, từ thời điểm triển khai chuyển đổi số, giáo dục tại xã Yên Hòa đã ghi nhận những kết quả tích cực như tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp từ năm 2020 luôn duy trì trên mức 93%. Nhờ những chương trình đào tạo nghề nghiệp trực tuyến được địa phương tổ chức, tỷ lệ lao động có việc làm tăng hàng năm.

3.2. Tác động của chính quyền số trong mô hình làng thông minh tại Yên Hòa

Do đặc thù về dân số tại địa phương chủ yếu trong nhóm người già và trẻ nhỏ do có tỷ lệ cao lao động đi làm ăn xa, vì thế xã Yên Hoà nhận thấy cần việc đẩy mạnh kênh tương tác trực tuyến với người dân mang tính cấp thiết. Chính quyền Yên Hòa đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng tạo thêm nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân. Hiện nay, thay vì đến trực tiếp tại Ủy ban nhân xã nhân thông tin và xử lý các thủ tục hành chính, người dân Yên Hòa đã có thêm nhiều kênh tương tác trực tuyến như hệ thống tin nhắn SMS do Viettel cung cấp, nền tảng ứng dụng “Công dân số”, trang thông tin của cơ quan, đơn vị trên Zalo hay website điện tử của Ủy ban nhân dân xã. Như vậy, chính quyền xã đã tạo kênh truyền thông thông suốt tới 100% hộ gia đình trên địa bàn. Chính quyền xã Yên Hòa cũng đã xử lý văn bản điện tử, chữ ký số 100%, đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã (115 thủ tục) được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Thông qua các kênh trực tuyến này, người dân có thể nắm bắt được các thông tin của địa phương, của Đảng và Nhà nước thường xuyên được cập nhật. Những nội dung tuyên truyền cùng những chỉ đạo thực tiện của Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh hay xã đều được truyền tải và tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa, nhờ chuyển đổi số, xã đã tiết kiệm được thời gian xử lý các sự hành chính nhưng đồng thời cũng tiết kiệm được gần 10 triệu đồng chi phí văn phòng phẩm sau 10 tháng thực hiện (UBND xã Yên Hòa, 2021). Bên cạnh chuyển đổi số trong hệ thống hành chính của chính quyền, hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại 72 điểm, phủ 100% địa bàn xã đảm bảo công tác an ninh an toàn của người dân, nâng cao niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền.

3.3. Tác động tới kinh tế của mô hình làng thông minh tại Yên Hòa

Yên Hòa là một xã thuần nông, hoạt động kinh tế dựa trên các sản phẩm nông sản tại địa phương như chuối sấy dẻo hay cá chạch sụn kho,… Tuy nhiên, trước khi thực hiện chuyển đổi số sang mô hình thông minh, các hoạt động kinh doanh được dựa trên phương thức truyền thống nên các sản phẩm của địa phương chủ yếu được giới thiệu qua các kênh trực tiếp từ người dân khiến sản phẩm chưa được nhiều người biết tới, số lượng đơn hàng thấp. Thực hiện chương trình chuyển đổi số trên toàn diện, Chính quyền xã Yên Hòa đã hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện như PostMart, đồng thời tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Từ đó, nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm của người dân Yên Hòa đã từng bước thay đổi. Sản lượng nông sản của địa phương được bán ra nhiều hơn, mức giá cao hơn đã giúp thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện.

Thống kê của UBND xã Yên Hòa cho thấy, chỉ trong vòng 10 tháng đầu sau khi đưa sản phẩm chuối khô sấy dẻo của địa phương lên sàn thương mại điện tử, số lượng sản phẩm bán ra đã tăng khoảng 4,5 lần so với cách thức bán hàng truyền thống trước đó của người dân. Đến năm 2022, các sản phẩm như cá chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên,… của Yên Hòa tiếp tục được đưa lên sàn thương mại điện tử với số lượng đơn hàng ngày càng tăng. Đến nay, sau gần 4 năm triển khai chuyển đổi số, trung bình 1 tháng, người dân bán được từ 1.000 - 1.500 niêu đất cá chạch sụn kho. Tổng số sản lượng các sản phẩm bán ra tăng gấp 8 lần so với phương thức kinh doanh truyền thống. Bên cạnh đẩy mạnh số hóa các hoạt động thương mại tại địa phương, chính quyền xã đã triển khai, tuyên truyền và hướng dẫn người dân tiếp cận sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuyển đổi số. Hoạt động tưới và tiêu nước thủ công đã được chuyển đổi sang hình thức tự động. Đến nay, 100% tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đã được tưới và tiêu tự động, người nông dân có thể thao tác qua phần mềm để tưới nước cho cây trồng thay vì phải thao tác thủ công. Tự động hóa không chỉ giúp người dân Yên Hòa tiết kiệm thời gian và công sức mà hiệu quả trồng trọt đã được nâng cao, năng suất sản xuất nông nghiệp tăng.

Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông sản đã đưa thu nhập bình quân đầu người tại xã Yên Hòa tăng gần 20 triệu đồng sau gần 4 năm, trung bình mỗi năm tăng 9,22% (UBND xã Yên Hòa, 2023). Đặc biệt, mặc dù năm 2020 và 2021 nền kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái mạnh do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xã Yên Hòa vẫn ghi nhận mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên liên tiếp.

Hình 1. So sánh tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Hòa, Việt Nam và thế giới giai đoạn 2020 -2023

                                                                                                                  Đơn vị: %

https://lh7-us.googleusercontent.com/amzacapwBOjRmyt7AtlXDAK2c3ZdjrfXi2RNgG-4HPjnyhpFzd5B0-osBNdBRdMg8FYuANjX0lKjgx80mZka60v1wauBBkfwDxhrAJIiI4EA3W4whWU3PXBIhDjHWyJ2LXrjuVsw2Cygor1TiduN0yY

                                                                                          (Nguồn: Tổng hợp của tác giả)

Năm 2020, năm đầu tiên toàn cầu chịu cú sốc suy thoái kinh tế với mức tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của thế giới giảm tới hơn 5% so với năm 2019 (World Bank, 2020). Tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng 2.91% những vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2019 (Tổng Cục thống kê). Tuy nhiên, bất chấp những bất lợi từ suy thoái kinh tế toàn cầu và của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Yên Hòa vẫn tăng cao, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới và cả của Việt Nam (Hình 1). Theo số liệu của UBND xã Yên Hòa, năm 2021 mức thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 58,5 triệu đồng, mức tăng trưởng 13,78% so với 2020 – đây là mức tăng trưởng cao nhất về thu nhập bình quân của Yên Hòa qua các năm nhưng đồng thời cũng vượt mức trung bình của thế giới và của toàn quốc với chênh lệch lớn. Năm 2022 và 2023 do chịu ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu khiến kinh tế của cả nước nói chung và tại Yên Hòa nói riêng cũng chịu nhiều tác động xấu. Thu nhập bình quân đầu người của Yên Hòa mặc dù vẫn tiếp tục tăng qua các năm nhưng tốc độ tăng lại giảm. Tuy nhiên, bất chấp sự giảm xuống trong tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tại Yên Hòa thì mức tăng trưởng này vẫn cao hơn mức trung bình trên thế giới và của toàn quốc. Những thành công này có được là nhờ những lợi ích của chuyển đổi số sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh tại tất cả các làng tại xã Yên Hòa. Mô hình đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tăng gấp nhiều lần, chi phí sản xuất kinh doanh giảm, năng suất sản xuất tăng cao, từ đó đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các hộ kinh doanh tại địa phương.

4. Kết luận

Phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn luôn là nhiệm vụ được Chính phủ Việt Nam quan tâm thực hiện trong chiến lược phát triển chung của đất nước nhằm đưa khu vực này thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển về kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân ở mức thấp và giải quyết những vấn nạn do vấn đề di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị. Mô hình làng thông minh tại xã Yên Hòa, tỉnh Ninh Bình đã cho thấy những tác động tích cực từ mô hình làng thông minh tới kinh tế và xã hội của địa phương. Ứng dụng số hóa không chỉ giúp kinh tế phát triển, đem lại thu nhập bình quân đầu người cao hơn mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân qua các dịch vụ thông minh khác như y tế, giáo dục… Chính quyền số giúp địa phương cắt giảm được các khoản chi ngân sách theo phương thức hoạt động truyền thống nhưng đồng thời giúp các hoạt động hành chính của chính quyền địa phương được diễn ra thông suốt, truyền tải nhanh chóng và được người dân tích cực hưởng ứng. Những lợi ích đó không chỉ dừng lại ở mô hình làng thông minh tại xã Yên Hòa, tỉnh Ninh Bình mà đã được minh chứng qua thành công của những ngôi làng thông minh trên khắp thế giới. Như vậy, việc nhanh chóng nhân rộng mô hình làng thông minh chính là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn nhưng đồng thời cũng giúp Việt Nam đạt được đích đến “số hóa quốc gia” theo mục tiêu đã đề ra trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Chính phủ đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tổng cục Thống kê (2023).  Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023, Hà Nội.
  2. Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa (2023). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội xã Yên Hòa, Ninh Bình.
  3. Rutuja Somwanshi, Utkarsha Shindepatil, Deepali Tule, Archana Mankar, Namdev Ingle Guided By- Dr. V. S. Rajamanya, Prof. A. Deshmukh (2016), “Study and development of village as a smart village”, International Journal of Scientific & Engineering Research, Volume 7, Issue 6, June-2016.

Economic and social development in rural areas: Lessons from smart villages in Yen Hoa commune, Yen Mo district, Ninh Binh province

Master. Luong Nguyet Anh

Thuongmai University

Abstract:

This study analyzed the economic and social development in rural areas, especially smart villages in Yen Hoa commune, Yen Mo district, Ninh Binh province. Smart villages in Yen Hoa commune have had many positive impacts on local economic and social development. The local per capita income has increased highly, and smart healthcare helps people access health services quickly and conveniently. Digital government not only helps resolve administrative procedures quickly but also helps local authorities cut down on budgets for stationery products. From the analysis results, the study pointed out some important lessons for facilitating the development of smart village models in Vietnam’s rural areas to achieve the national digitalization goals set out in the National Digital Transformation Program for 2025, oriented to 2030.

Keywords: socio-economic development, rural area, smart villages, Yen Hoa district.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương