Phát triển kinh tế tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 – Khóa XII

Nguyễn Hoàng Thanh Lam (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết đã xác định rõ hơn vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân (KTTN) trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó, việc đưa nhanh và vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nội dung cơ bản của Nghị quyết quan trọng này sẽ tác động rất lớn đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết X Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020.

Từ khóa: Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế tư nhân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

1. Hiện trạng kinh tế tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh chiếm 0,6% diện tích và 7% dân số của cả nước, là trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước, đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng GDP của thành phố luôn ở mức bình quân 1/3 GDP của cả nước. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,19 triệu tỉ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010; đóng góp bình quân 27% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 21% GDP toàn quốc1. Đóng góp vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh những năm vừa qua là sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các Sở ngành liên quan, các lực lượng, thành phần kinh tế; trong đó có vai trò quan trọng của khu vực KTTN.

Xác định KTTN là một thành phần kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho sự phát triển chung của thành phố, vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc thúc đẩy phát triển KTTN và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển. Tùy vào từng thời kỳ, từng giai đoạn, thành phố đã đưa ra những định hướng, chính sách và giải pháp phù hợp làm “bệ phóng” thúc đẩy KTTN phát triển. Để hỗ trợ KTTN, thành phố đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế chính sách; nhiều chương trình, chính sách được ban hành, thay đổi và đạt được nhiều thành công, như: Chương trình cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh; Chương trình kích cầu đầu tư; Chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Hỗ trợ công tác thuế, kế toán, hải quan, mặt bằng mặt bằng sản xuất, thị trường, thông tin pháp lý; Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…, góp phần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường.

Theo thống kê, hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có hơn 300.000 doanh nghiệp tư nhân. Giai đoạn 2010 - 2015, số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tăng bình quân 2.000 doanh nghiệp/tháng. Riêng trong năm 2016, không kể doanh nghiệp FDI, đã có hơn 36.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới2. Hiện nay, thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu có khoảng 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020; trong đó, những doanh nghiệp quy mô lớn và khu vực KTTN sẽ đóng góp khoảng 65% GDP, 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động xã hội tăng 6,5%/năm; hằng năm, có từ 30 đến 35% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, tỷ trọng KTTN trong tổng cơ cấu kinh tế thành phố giai đoạn 2006 - 2010 trung bình đạt 50,6%; đến năm 2016 đạt 58,83%; tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của KTTN trong tổng thu các khu vực kinh tế tăng từ 30% trong năm 2006 lên 34% trong năm 20163. Số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư từ thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm khoảng 61% tổng vốn đầu tư cả giai đoạn, thành phần kinh tế nhà nước chiếm 21% và thành phần kinh tế có vốn nước ngoài chiếm 18%4. Thông qua số liệu thống kê, có thể khẳng định khu vực KTTN đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách, tạo sức mạnh tăng trưởng đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó thì khu vực KTTN tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải rất nhiều khó khăn, hạn chế và bộc lộ những mặt yếu kém. Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm gần 99%), trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng) chiếm hơn 89%. Số doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất không nhiều, chủ yếu là kinh doanh thương mại, sửa chữa nhỏ. Cùng với đó, trình độ công nghệ thấp, chậm đổi mới; năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh thấp; trình độ quản trị, tính liên kết không cao; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế thấp…, cho nên khả năng cạnh tranh còn yếu5. Các chuyên gia và bản thân các doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của thành phố còn chậm, doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI; đồng thời, vẫn còn không ít trở ngại vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân; đặc biệt là các chính sách liên quan đến thuế, thủ tục hải quan, mặt bằng sản xuất - kinh doanh…

2. Một số giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 - Khóa XII

Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã được thông qua ngày 3/6/2017. Nghị quyết tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa rõ hơn nhận thức, tư duy nhất quán và liên tục phát triển của Đảng đối với phát triển KTTN; đồng thời xác định: “Phát triển KTTN là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và giải phóng sức sản xuất”6; coi “KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”7. Đảng ta cũng chỉ rõ, cần: “khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP… Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng”8. Qua đó, Trung ương xác định cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cần: thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với KTTN.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 - Khóa XII về phát triển KTTN, từ những khó khăn, tồn tại của khu vực KTTN thời gian qua, để thúc đẩy KTTN phát triển, thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, bảo đảm hoạt động của KTTN cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của KTTN trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm; tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá thể kinh doanh với quy mô ngày càng lớn, hiệu quả cao hơn, chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Thành phố rà soát, xóa bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác, giữa các chủ thể của KTTN, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực xã hội, các yếu tố sản xuất, cơ hội kinh doanh, tham gia thị trường, mà trọng tâm là đất đai, vốn, nguồn lực của Nhà nước.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, sở, ngành và chính quyền địa phương của thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển. Rà soát, đơn giản hóa và bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, như: thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp đăng ký tại nhà, xây dựng cơ chế “một cửa điện tử” thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính; trong đó, tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh; giảm thời gian, chi phí cho các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản... Đề cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính trong việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Bố trí công chức - viên chức có đủ năng lực và có phẩm chất tốt làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả xử lý hồ sơ... Thực hiện hiệu quả nội dung 4 xin (xin chào, xin cám ơn, xin lỗi và xin phép) và 4 biết (biết chào, biết cười, biết quan tâm và biết chia sẻ) trong công tác tiếp dân.

Ba là, nghiên cứu, xây dựng các chương trình hỗ trợ thúc đẩy KTTN của thành phố phát triển. Thành phố nên ưu tiên hỗ trợ KTTN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thủ tục thuế, hải quan, hiện đại hóa công nghệ, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế… Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên, thanh niên; khuyến khích các doanh nghiệp thành lập mới hướng vào sản xuất các thiết bị đầu cuối để phục vụ xây dựng đô thị thông minh. Mặt khác, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp của thành phố cần hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với khu vực KTTN, nhất là trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển KTTN cho mọi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mọi người dân thành phố Hồ Chí Minh. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho các đối tượng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 - Khóa XII về phát triển KTTN, để mọi người dân và các doanh nghiệp tư nhân thấy được Chính phủ, Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, luôn tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế… Đồng thời, thành phố cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính…

3. Kết luận

Sự phát triển của khu vực KTTN ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng khi xác định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trên tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 - Khóa XII về phát triển KTTN, thành phố Hồ Chí Minh cần quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết này và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, sát với thực tế địa phương để đề ra các cơ chế, giải pháp phù hợp nhằm kích thích, tạo động lực thúc đẩy khu vực KTTN của thành phố phát triển, xứng đáng với vai trò “đầu tầu” kinh tế của cả nước.

TƯ LIỆU TRÍCH DẪN:

1Bộ Chính trị (2017), Kết luận số 21-KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, Hà Nội.

2http://www.sggp.org.vn/kinh-te-tu-nhan-dau-tau-kinh-te-cua-tphcm-bai-1-462896.html

3http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34116202-tp-ho-chi-minh-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien.html

4http://www.thesaigontimes.vn/158761/Kinh-te-tu-nhan-se-dong-gop-65-GDP-cua-TPHCM.html

5http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34116202-tp-ho-chi-minh-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien.html

6, 7, 8Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 3/6/2017, Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 03/6/2017, Hà Nội.

2. Bộ Chính trị (2017), Kết luận số 21-KL/TW về Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

3. Chính phủ (2017), Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

4. Trương Công Đắc (2017), “Phát triển KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, ngày 12/7/2017.

5. Dương Hồng Lâm (2017), “Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy KTTN phát triển”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 18/09/2017.

6. Một số cổng thông tin điện tử: http://enternews.vn; http://www.hochiminhcity.gov.vn;https://www.hcmcpv.org.vn/;http://nhandan.com.vn;http://www.sggp.org.vn;http://www.thesaigontimes.vn;http://www.tuyengiao.vn;...

Private economic development in Ho Chi Minh City in the spirit of the resolution of the 5th plenary meeting of the 12th Communist Party of Vietnam Central Committee

NGUYEN HOANG THANH LAM

Political Academy - Ministry of Defense

ABSTRACT:

On 3/6/2017, the fifth plenum of the 12th Central Committee of Communist Party of Vietnam Commitee promulgated the resolution: "The development of the private economy has become an important driving force of the market Socialist-oriented economy". The resolution clarifies the role and position of the private sector in the context of our country's efforts to accelerate the reform of the growth model; restructure the economy; accelerate industrialization, modernization of the country; build an independent, autonomous and international economy. Ho Chi Minh City is the economic hub of the country. Therefore, giving quick and creative application of the resolution basic contents will greatly affect the results of the implementation in the term of 2015 - 2020.

Keywords: Ho Chi Minh City, private economy, Resolution of the 5th plenary meeting of the XIIth Congress.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây