TÓM TẮT:
Bài viết phân tích và đánh giá thực trạng các quy định về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) tài sản dưới 2 khía cạnh: (i) Mối quan hệ giữa nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm tài sản với trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH); (ii) Hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các quy định về phí bảo hiểm trong quan hệ HĐBH tài sản.
Từ khóa: phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm, pháp luật.
1. Đánh giá thực trạng các quy định về phí bảo hiểm trong HĐBH tài sản
1.1. Mối quan hệ giữa nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm tài sản với trách nhiệm bảo hiểm của DNBH
1.1.1. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của DNBH
Dưới góc độ luật thực định, Điều 15 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (Luật KDBH) năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định trách nhiệm bảo hiểm phát sinh trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất, HĐBH đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm (Khoản 1, Điều 15 Luật KDBH). Phân tích luật viết, quy định này được hiểu như sau:
Dưới góc độ luật thực định thì Điều 14 Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định: “HĐBH phải được lập thành văn bản”. Từ quy định này để xác định thời điểm HĐBH được giao kết thì phụ thuộc vào phương thức giao kết hợp đồng:
(i) Trường hợp, HĐBH được giao kết trực tiếp thì thời điểm hợp đồng được giao kết thông thường được xác định là thời điểm các bên cùng ký vào hợp đồng, và DNBH đóng dấu pháp nhân trên hợp đồng. Cụ thể, Khoản 4, Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản”;
(ii) Trường hợp, HĐBH được giao kết gián tiếp thông qua các đề nghị giao kết như “chào hàng” thì thời điểm hợp đồng được giao kết căn cứ theo các quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng (Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ, Nguyễn Văn Luyện. 2016. tr. 146-147). Theo đó, đối với HĐBH được giao kết gián tiếp thông qua các đề nghị giao kết thì pháp luật Việt Nam quy định, DNBH gửi đến bên mua bảo hiểm các đề nghị giao kết HĐBH dưới các hình thức bằng văn bản do DNBH xác định. Trong đề nghị giao kết HĐBH, DNBH ấn định thời hạn trả lời việc chấp nhận “đề nghị giao kết hợp đồng”. Trường hợp DNBH không quy định cụ thể về thời hạn trả lời thì được xác định theo nguyên tắc “thời hạn hợp lý”. Việc xác định thời hạn bao lâu là “hợp lý” phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án/Trọng tài thương mại). HĐBH được giao kết kể từ thời điểm DNBH nhận được văn bản phản hồi về việc chấp nhận nhận toàn bộ nội dung đề nghị giao kết hợp đồng của bên mua bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm phải đóng đủ phí bảo hiểm. Theo đó, trách nhiệm bảo hiểm của DNBH chỉ phát sinh trên thực tế nếu giao dịch đáp ứng các điều kiện “cần” và “đủ”. Điều kiện cần đó là HĐBH đã được giao kết và điều kiện đủ là bên mua bảo hiểm phải hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm.
Quy định trên đã thể hiện rõ, để nhận được khoản tiền bồi thường thì bên mua bảo hiểm đã phải đóng đủ phí cho DNBH (trừ trường hợp DNBH cho bên mua bảo hiểm nợ phí). Điều này có nghĩa là bên mua bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí trước mới được quyền nhận tiền bồi thường (Nguyễn Thị Thủy. 2017. tr. 124-125). Quy định hoàn toàn phù hợp với bản chất của phí bảo hiểm là khoản tiền để DNBH thu để bù đắp cho các chi phí bồi thường bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Quỹ để chi trả tiền bảo hiểm và duy trì hoạt động của DNBH được tạo lập từ nguồn phí bảo hiểm. Do đó, nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí, có nghĩa là sự đóng góp của họ vào quỹ bảo hiểm chưa có, vì vậy không có cơ sở để nhận tiền bồi thường bảo hiểm từ quỹ này.
Thứ hai, HĐBH đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa DNBH và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm (Khoản 2, Điều 15 LKDBH).
So với Luật KDBH số 24/2000/QH10, quy định này đã được các nhà làm luật giải thích rõ ràng và cụ thể hơn tại Khoản 5, Điều 1 Luật số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì khi tiến hành giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm và DNBH thường không cùng ký vào HĐBH. Hành vi giao kết HĐBH được thực hiện thông qua việc DNBH gửi cho bên mua bảo hiểm gửi giấy yêu cầu bảo hiểm theo mẫu, nếu người mua chấp nhận tham gia bảo hiểm thì ký vào giấy yêu cầu và gửi về DNBH. Sau đó, DNBH cấp giấy chứng nhận bảo hiểm và kèm theo điều khoản của hợp đồng này.
Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, để không bị mất khách hàng, doanh nghiệp sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận trước cho bên mua bảo hiểm, mặc dù bên mua chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Theo giải thích của các DNBH, khi giao kết HĐBH, DNBH thường thỏa thuận cho khách hàng nợ phí trong một thời hạn nhất định, hoặc chia phí theo kỳ thanh toán. Điều này nhằm mục đích tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận dịch vụ, không phải đóng một khoản phí “rất lớn” ngay khi ký hợp đồng mà vẫn được bảo hiểm (Hoàng Duy. 2012). Khảo sát các bản án được Tòa án giải quyết, cho thấy đối với HĐBH tài sản có giá trị lớn như HĐBH thân tàu, HĐBH hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, các bên vẫn thường thỏa thuận về điều khoản “DNBH cho phép bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm”.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vấn đề này thường xuyên phát sinh các tranh chấp do bên mua bảo hiểm lợi dụng quy định này đã “nợ, chây ỳ” tránh né thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ, ngày 02/5/2011, Công ty bảo hiểm B đã ký kết HĐBH với bên mua bảo hiểm về việc Công ty bảo hiểm B nhận bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt cho các hạng mục liên quan trong quá trình thi công dự án thủy điện. Trong HĐBH, các bên thỏa thuận thanh toán phí được chia thành 4 kỳ. Khách hàng đã thanh toán được khoản phí ở kỳ đầu tiên và kỳ thứ hai đúng thời hạn và một phần của kỳ phí thứ ba. Đến ngày hết hạn đóng phí kỳ ba, khách hàng vẫn không thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm của kỳ này cho công ty bảo hiểm.
Giải quyết tranh chấp, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ quy định tại Điều 23, Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) tuyên HĐBH chấm dứt khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH. Do đó, HĐBH giữa công ty bảo hiểm B và khách hàng đã chấm dứt hiệu lực. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 24, Luật KDBH quy định bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt HĐBH. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã buộc bên mua bảo hiểm phải thanh toán cho công ty bảo hiểm số tiền phí bảo hiểm còn nợ đến ngày hết hạn thanh toán phí là có cơ sở (Quỳnh Anh. 2019).
Thứ ba, có bằng chứng hợp pháp về việc HĐBH đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm (Khoản 3, Điều 15 Luật KDBH).
Theo Điều 14, Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010) thì giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm là bằng chứng pháp lý đầy đủ cho việc giao kết HĐBH được xác lập. Đồng thời, khoản 3, Điều 15 Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010) quy định: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có bằng chứng về việc HĐBH đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm”. Quy định viện dẫn có thể hiểu, nếu bên mua bảo hiểm đã được DNBH cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm, hai bên cũng không có thỏa thuận gì khác thì HĐBH vẫn chưa phát sinh hiệu lực pháp lý. Bởi vì, chứng nhận bảo hiểm và đơn bảo hiểm là do DNBH cấp, trong đó thể hiện ý chí của DNBH, do đó đây chỉ là bằng chứng mà DNBH đã chấp nhận bảo hiểm. Còn trách nhiệm bảo hiểm có phát sinh hay không phụ thuộc vào việc đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm (áp dụng trong trường hợp DNBH không cho phép bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm).
1.1.2. Thỏa thuận về gia hạn đóng phí bảo hiểm, điều chỉnh phí bảo hiểm sau khi HĐBH tài sản đã có hiệu lực
Thực tiễn khi thực hiện HĐBH tài sản có thể xuất hiện các nguyên nhân khách quan gây suy giảm năng lực tài chính của bên mua bảo hiểm. Điều này hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ đóng phí bảo hiểm trong HĐBH tài sản của bên mua bảo hiểm khi xảy ra trường hợp bên mua bảo hiểm không đủ điều kiện để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phí bảo hiểm, theo đúng các cam kết trong HĐBH tài sản.
Để điều tiết và cân bằng lợi ích của các bên tham gia quan hệ HĐBH tài sản, pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận về việc gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm (có nghĩa là DNBH cho phép “kéo dài” khoảng thời gian bên mua bảo hiểm phải hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm so với thỏa thuận đã được xác lập trước đó trong HĐBH tài sản); hoặc thỏa thuận về việc điều chỉnh mức phí bảo hiểm (tăng/ giảm) để đảm bảo bên mua bảo hiểm vẫn có đủ khả năng duy trì năng lực tài chính, thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo HĐBH tài sản.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DNBH thì pháp luật KDBH cũng trao quyền cho DNBH được phép chấm dứt hợp đồng khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH (Khoản 3, Điều 23 Luật KDBH năm 2000). Điều đó có nghĩa, việc bên mua bảo hiểm không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm trong khoảng thời gian được DNBH cho phép “gia hạn” là căn cứ để DNBH ra “tuyên bố” chấm dứt HĐBH tài sản.
Thực tiễn giao kết HĐBH tài sản cho thấy, điều khoản về gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm và điều chỉnh phí bảo hiểm thường được DNBH sử dụng. Ví dụ, nghiên cứu mẫu HĐBH “Mọi rủi ro tài sản” được ban hành kèm theo Quyết định số 726/2013/QĐ/TSC/TGĐ ngày 10/9/2013 của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho thấy, nếu bên mua bảo hiểm không đủ khả năng thanh toán “phí bảo hiểm” theo đúng thời hạn đã xác lập trong HĐBH tài sản, và có đơn yêu cầu gửi đến DNBH trong khoảng thời gian xác định kể từ thời điểm đến hạn. DNBH chỉ chấp nhận gia hạn thời hạn đóng phí nếu có đủ 2 điều kiện sau đây:
(i) Có văn bản bảo lãnh thanh toán của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có chức năng thực hiện chức năng này;
(ii) Thỏa thuận được xác lập có chữ ký của hai bên ghi nhận việc gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm, và DNBH chấp thuận cho phép bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong khoản thời gian gia hạn. Nếu quá thời hạn được DNBH chấp thuận gia hạn, bên mua bảo hiểm vẫn không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm (Không đóng hoặc đóng không đủ) thì HĐBH tài sản sẽ “tự động” chấm dứt hiệu lực.
Quy định về gia hạn phí bảo hiểm là hết sức cần thiết trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, khó khăn như hiện nay. Điều này không chỉ giúp ích cho bên mua bảo hiểm trong trường hợp rơi vào tình thế khó khăn “nhất thời”, chưa có đủ điều kiện để thanh toán các khoản phí bảo hiểm đầy đủ, đến hạn, và bên mua bảo hiểm vẫn muốn duy trì thực hiện HĐBH đã xác lập, mà còn mang đến nhiều lợi ích nhất định cho DNBH, đặc biệt là việc DNBH có thể tạo dựng “uy tín”, “chia sẻ” khó khăn với khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh với các DNBH khác.
Trên thực tế khi thực hiện hợp đồng, DNBH thường thỏa thuận việc mặc nhiên gia hạn mà không cần phải có sự đề nghị của bên mua bảo hiểm. Thỏa thuận gia hạn nộp phí tạo điều kiện cho bên mua bảo hiểm tiếp tục duy trì quan hệ bảo hiểm tài sản. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án cũng cho thấy, các bên trong HĐBH tài sản thường phát sinh tranh chấp về điều khoản điều chỉnh tăng mức phí bảo hiểm gắn liền với gia hạn HĐBH.
1.2. Hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo HĐBH tài sản
Dưới góc độ pháp lý, bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm (không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ) trong HĐBH tài sản là căn cứ để chấm dứt hợp đồng. Cụ thể, khoản 2 và khoản 3, Điều 23 Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định: “HĐBH chấm dứt trong các trường hợp sau đây: (i) Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; (ii) Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH”. Như vậy, từ quy định này có thể thấy việc bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ, kịp thời khoản tiền phí bảo hiểm trong thời gian thỏa thuận, kể cả khoảng thời gian được gia hạn thì HĐBH đương nhiên sẽ chấm dứt hiệu lực.
Vấn đề chấm dứt hiệu lực của HĐBH tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm có thể căn cứ trên thỏa thuận của các bên trong HĐBH hoặc theo quy định của pháp luật, nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng (Bùi Thị Hằng Nga.2015. tr.201-203). Tuy nhiên, cần lưu ý, các bên chỉ được phép sử dụng các căn cứ chấm dứt theo quy định của Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) để thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Thực tiễn giao kết HĐBH đã cho thấy điều này. Điển hình, nghiên cứu mẫu HĐBH “Mọi rủi ro tài sản” được ban hành kèm theo Quyết định số 726/2013/QĐ/TSC/TGĐ ban hành ngày 10/9/2013 của PJICO có quy định: “Trong mọi trường hợp, nếu quá thời hạn nộp phí trên, bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc đóng phí bảo hiểm không đầy đủ cho DNBH và 2 bên không có thỏa thuận bằng văn bản về việc gia hạn nợ phí thì HĐBH sẽ tự động chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày cuối cùng phải nộp phí (PJICO.2013).
Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định về hậu quả pháp lý do chấm dứt HĐBH tài sản phát sinh từ việc bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cụ thể đóng phí bảo hiểm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp chấm dứt HĐBH tài sản do bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH thì bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt HĐBH (Khoản 2, Điều 24 Luật KDBH năm 2000). Như vậy, mặc dù HĐBH đã chấm dứt nhưng bên mua bảo hiểm vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ số tiền phí bảo hiểm đã “nợ” DNBH được tính cho đến thời điểm chấm dứt hợp đồng.
Thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho thấy, việc bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ thanh toán “đầy đủ” số tiền phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH có thể là căn cứ để DNBH từ chối thực hiện trách nhiệm bảo hiểm khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.
Thứ hai, trong trường hợp chấm dứt HĐBH do Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH thì DNBH vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thỏa thuận trong HĐBH (Khoản 3, Điều 24 Luật KDBH năm 2000).
Như vậy, mặc dù HĐBH tài sản đã chấm dứt, tuy nhiên bên mua bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán số tiền phí bảo hiểm đã “nợ” DNBH trong khoảng thời gian được “gia hạn”. Đồng thời, dựa trên nguyên tắc, thỏa thuận về gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm trong HĐBH tài sản được xác định là phụ lục HĐBH tài sản (Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng). Do đó, trong khoảng thời gian này nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì DNBH vẫn phải chịu trách nhiệm bảo hiểm như các cam kết.
2. Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện các quy định về phí bảo hiểm trong HĐBH tài sản
Thứ nhất, Quy định về điều khoản “nợ phí” bảo hiểm trong HĐBH tại Điều 15 Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010).
Về nguyên tắc, trách nhiệm bảo hiểm chỉ được phát sinh khi HĐBH đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật KDBH quy định có tính chất “ngoại lệ”, trường hợp các bên thỏa thuận về việc DNBH cho phép bên mua bảo hiểm “nợ phí” thì vẫn phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của DNBH khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Phân tích luật viết thì Luật KDBH không quy định cụ thể về việc áp dụng quy định về “nợ phí”, ví dụ: DNBH có thể thỏa thuận cho phép bên mua bảo hiểm “nợ” toàn bộ hoặc “nợ” một phần phí bảo hiểm. Đồng thời, thỏa thuận về “nợ phí” bảo hiểm thì DNBH có “bắt buộc” phải ghi nhận trong HĐBH tài sản, vấn đề này Luật KDBH không quy định rõ. Theo tác giả, mặc dù pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về điều khoản “nợ phí”, tuy nhiên hợp đồng bảo hiểm tài sản là hợp đồng theo “mẫu” được áp dụng với các khách hàng có điều kiện thương mại tương đồng. Điều này dẫn đến trên thực tế, trong HĐBH tài sản thì DNBH thường ghi nhận về điều khoản “nợ phí”, mặc dù giữa DNBH và bên mua bảo hiểm trước đó không thỏa thuận về vấn đề này. Do đó, để hạn chế việc xảy ra tranh chấp điều khoản nợ phí bảo hiểm, cần quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, quy định về việc tính lại phí bảo hiểm.
Theo điểm c, Khoản 2, Điều 18 Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định: “Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của DNBH trong quá trình thực hiện HĐBH theo yêu cầu của DNBH”. Đây là cơ sở để các bên có thể thỏa thuận lại việc tính phí bảo hiểm tài sản phụ thuộc vào sự thay đổi mức độ “rủi ro” đối với tài sản.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là bên mua bảo hiểm chỉ có nghĩa vụ thông báo về sự “gia tăng” rủi ro đối với tài sản khi được DNBH yêu cầu. Quy định việc bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ thông báo cho DNBH về sự gia tăng rủi ro, tuy nhiên không quy định về bên mua bảo hiểm có quyền được thông báo cho DNBH về việc giảm các rủi ro xảy ra với tài sản bảo hiểm, trên cơ sở này có thể thỏa thuận để tính lại theo hướng “giảm” mức phí bảo hiểm. Do đó, theo tác giả chỉ cần quy định quyền của bên mua bảo hiểm và DNBH có nghĩa vụ tiếp nhận yêu cầu này đồng thời tiến hành việc xác minh yêu cầu hoặc đề nghị của bên mua bảo hiểm, sau đó có biện pháp xử lý phù hợp.
Thứ ba, quy định về hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo HĐBH tài sản.
Như đã đề cập, các quy định của Luật KDBH phiên bản sửa đổi năm 2010 đã khắc phục được nhiều điểm yếu và bất cập của Luật KDBH năm 2000. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như: (i) Nến bên mua bảo hiểm đã tiến hành đóng phí nhưng mới chỉ đóng một phần phí bảo hiểm thì trách nhiệm bảo hiểm của DNBH được xác định như thế nào. (ii) Trường hợp DNBH cho phép bên mua bảo hiểm nợ phí, nhưng nếu quá thời gian gia hạn, bên mua bảo hiểm chưa kịp đóng phí thì sự kiện bảo hiểm xảy ra, trong trường hợp này xác định trách nhiệm bảo hiểm của DNBH ra sao.
Để giải quyết các vấn đề được đặt ra thì quy định về chấm dứt hợp đồng theo Luật KDBH cần được xem xét lại. Cụ thể, cần xác định rõ thời điểm nào thì HĐBH tài sản thực sự chấm dứt. Theo đó, Luật KDBH không hề đề cập đến nội dung này. Trong khi đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì việc xác định thời điểm nào hợp đồng bị chấm dứt có vai trò vô cùng quan trọng. Như đã đề cập, Điều 23 Luật KDBH năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2010) quy định về các trường hợp chấm dứt HĐBH tài sản do bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật KDBH không quy định rõ về thời điểm chất dứt hợp đồng đối với trường hợp này. Do đó, để có cơ sở áp dụng trên thực tế, theo tác giả cần bổ sung, sửa đổi các quy định này theo những định hướng như sau:
Một là, Đối với quy định tại Khoản 2, Điều 23 Luật KDBH cần phân biệt 2 trường hợp cụ thể:
(i) Nếu bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời gian thỏa thuận trong hợp đồng. Với trường hợp này, cần quy định hợp đồng không chấm dứt, vì rất khó xác định thời điểm nào phải chấm dứt. Cần thiết phải thừa nhận hiệu lực pháp lý của hợp đồng này kể từ thời điểm đóng phí. Tuy nhiên, vì không đóng đủ phí bảo hiểm nên bên mua bảo hiểm chỉ được chi trả tiền bảo hiểm cho một phần giá trị tài sản. Do đó, DNBH chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường dựa trên tỉ lệ phí bảo hiểm đã thu của bên mua bảo hiểm.
(ii) Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH tài sản. Trường hợp này, chưa phát sinh hiệu lực của HĐBH vì bên mua chưa đóng phí bảo hiểm;
Hai là, Đối với quy định tại Khoản 3, Điều 23 Luật KDBH cần phân biệt 2 trường hợp cụ thể:
(i) Khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí thì HĐBH sẽ chấm dứt khi hết thời hạn gia hạn. Cụ thể, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí đến hết thời gian gia hạn. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn, DNBH có nghĩa vụ bồi thường và bên mua bảo hiểm phải đóng phí cho toàn bộ thời gian bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng
(ii) Đóng phí sau thời gian gia hạn. Trường hợp hết thời gian gia hạn, bên mua bảo hiểm mới đóng phí và DNBH có thu phí thì coi như HĐBH tiếp tục có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm đóng phí. Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra kể từ thời điểm kết thúc thời gian gia hạn đến trước thời điểm DNBH nhận được phí sẽ không phát sinh trách nhiệm trả tiền bảo hiểm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngô Bách (2020). Quy định pháp luật về phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
- Bryan A. Garner. (2014). Black’s Law Dictionary, 10th edition. USA: Thomson West.
- Bùi Thị Hằng Nga (2015). Pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Đỗ Văn Đại (2016). Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam.
- Vương Việt Đức (2002). Hợp đồng bảo hiểm tài sản. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luậ,t Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Trần Vũ Hải (2014). Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn. Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ, Nguyễn Văn Luyện (2016). Giáo trình Luật hợp đồng Thương mại quốc tế. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Ngô Huy Cương (2013). Giáo trình Luật hợp đồng: Phần chung. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lê Hoàng Oanh (2007). Bình luận các vấn đề mới của luật thương mại trong điều kiện hội nhập. Tư pháp.
- Nguyễn Thị Thủy (2017). Pháp luật bảo hiểm tài sản tại Việt Nam. NXB. Hồng Đức.
- Hoàng Duy (2012). Nợ phí bảo hiểm, hai trường hợp trái ngược. Truy cập tại: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem/no-phi-bao-hiem-hai-truong-hop-trai-nguoc-22131.html.
- Quỳnh Anh (2019). Gian nan kiện đòi phí bảo hiểm. Truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/bao-hiem/gian-nan-kien-doi-phi-bao-hiem-313958.html.
- Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (2013). Quy tắc bảo hiểm “Mọi rủi ro tài sản” ban hành kèm theo Quyết định số 726/2013/QĐ/TSC/TGĐ ngày 10/9/2013. Truy cập tại: http://thegioibaohiem.net/vi/tin-tuc/2025/mau-hop-dong-bao-hiem-tai-san-2019.html.
- Trần Vũ Hải (2008). Một số vấn đề lý luận pháp lý về điều khoản mẫu hợp đồng bảo hiểm. Tạp chí Luật học, số 8.
INSURANCE PREMIUM REGULATIONS IN PROPERTY INSURANCE CONTRACTS: CURRENT REGULATIONS AND RECOMMENDATIONS
Master. KHUU THANH TAM
Ho Chi Minh City Bar Association
ABSTRACT:
This paper analyzes and evaluates the current status of insurance premium regulations in property insurance contracts under two aspects: (i) The relationship between the property insurance premium obligations and the insurance liability of the insurers; and (ii) the legal consequences of breach of insurance premium obligations. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the effectiveness of insurance premium regulations in property insurance contracts.
Keywords: insurance premiums, property insurance contract, insurance contract, law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 5, tháng 3 năm 2022]