Là cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Phúc, Thị xã Phúc Yên như một điểm tiếp nối trong không gian giao thoa và tích hợp các dòng chảy kinh tế, văn hóa của các cư dân bản địa châu thổ sông Hồng. Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, người nơi đây hồn hậu và chan hòa là do Phúc Yên mang tâm thức của vùng đất mở.
Từ xa xưa, Phúc Yên đã là một trong những điểm dừng chân trên con đường tuần du từ kinh thành Thăng Long lên biên vực phía Tây của Tổ quốc. Ngày nay, đô thị này còn nằm trong chuỗi đô thị trung tâm dọc theo đường xuyên Á và tham gia vào chuỗi đô thị phía Bắc, dọc theo hành lang Côn Minh - Hạ Long.
Với lợi thế địa hình đa dạng, có nông thôn và đô thị, có vùng đồi rừng, bán sơn địa, vùng đồng bằng, có hồ Đại Lải, Phúc Yên có đủ điều kiện phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch.
Gần với Thủ đô Hà Nội, các khu công nghiệp của Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài; có thị trường rộng lớn để cung cấp và tiêu thụ hàng hóa; có hệ thống giao thông thuận tiện với Quốc lộ 2, Quốc lộ 23, đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tương lai gần có đường cao tốc xuyên Á đi cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và Côn Minh (Trung Quốc), cùng với sự quan tâm của tỉnh, với cơ chế thu hút đầu tư đúng đắn, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ... Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda... Chính sự có mặt của các doanh nghiệp lớn đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã, đưa Phúc Yên trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhiều năm qua, Thị xã luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Các chỉ tiêu kinh tế xã hội có bước phát triển vượt bậc. Nếu so với năm cuối nhiệm kỳ 2004 - 2011, thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.569 tỷ đồng, thì năm 2013 đã là 15.712 tỷ đồng, tăng 25%, chiếm gần 80% tổng thu ngân sách của tỉnh; mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp ba lần so với cả nước. Năm 2004 - 2005, những năm đầu mới tái lập, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn mới chỉ đạt gần 9.900 tỷ đồng, đến năm 2013 đã đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8 lần.
Trong 10 năm kể từ ngày tái lập Thị xã, Phúc Yên đang từng ngày thay da đổi thịt với hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị được xây dựng giữa các trục đường nhựa, đường bê tông rộng lớn, hiện đại.
Trên trục đường Quốc lộ 2 chạy qua địa phận thị xã hầu như lúc nào cũng tấp tập các xe tải hạng nặng qua lại, chuyên chở những sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn như ôtô, xe máy, linh kiện của Nhà máy Toyota, Honda... từ Phúc Yên để đưa về các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ.
Nhiều dự án đã và đang được đầu tư, khai thác có hiệu quả như sân golf Đại Lải, khu nghỉ dưỡng Flamingo, nhiều trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ trong Thị xã và xung quanh khu vực hồ Đại Lải... Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, cấp nước sinh hoạt, xử lý chất thải... Thị xã có hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến đại học. Hiện nay, trên địa bàn có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 1 trường trung học chuyên nghiệp; có 4 bệnh viện lớn, 9 trung tâm thương mại; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 70%.
Kết quả khả quan về kinh tế đã tạo nguồn lực để Thị xã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng xã hội, giao thông, điện, cấp thoát nước. Sau nhiều năm tập trung xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp, ngày 21/01/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 93/QĐ-BXD công nhận Thị xã Phúc Yên là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là niềm phấn khởi, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Phúc Yên; là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Thị xã Phúc Yên trong quá trình hơn 100 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời là tiền đề để Phúc Yên trở thành thành phố trong tương lai gần.
Hiện Thị xã đang giữ vị trí chiến lược quan trọng về phát triển công nghiệp và thương mại du lịch với nhiều hệ thống các khu công nghiệp vùng, chiếm tới trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thị xã đã có quy hoạch chi tiết và đang triển khai xây dựng 7 dự án khu đô thị mới, quy hoạch chi tiết các xã, phường, trung tâm thương mại, đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, viễn thông… để xứng đáng với vị thế mới của một đô thị hiện đại, là điểm nhấn trong chuỗi đô thị trung tâm dọc theo đường xuyên Á và tham gia vào chuỗi đô thị phía Bắc dọc theo hành lang Côn Minh - Hạ Long.