TÓM TẮT:
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy; triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy; công tác triệt xóa cây có chứa chất ma túy đã được triển khai và đẩy mạnh ở nhiều phường, xã… Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, vì lý do đó, nên tác giả thực hiện bài nghiên cứu này nhằm làm hoàn thiện hơn công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xã hội rất cam go này.
Từ khóa: Quan điểm, giải pháp, quản lý nhà nước, ma túy, tỉnh Bình Dương.
1. Những yếu tố tác động tới hoạt động phòng, chống ma túy tại tỉnh Bình Dương
Quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh về phòng, chống ma túy ở tỉnh Bình Dương chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, các yếu tố này ảnh hưởng đến quá trình hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy một cách tích cực và tiêu cực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Đó là sự đa dạng, phong phú và tác hại nguy hiểm của nhiều loại ma túy đã tác động rất lớn đến người sử dụng nó; về tính chất nguy hiểm, dễ sử dụng của các loại ma túy này đã làm cho người mới sử dụng nghiện ma túy rất nhanh và rất khó bỏ, làm gia tăng về số lượng đối tượng quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, đòi hỏi chủ thể quản lý nó phải ngày càng đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý. Người nhập cư từ nơi khác vào Tỉnh để kiếm sống ngày càng nhiều,... dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, diễn ra, trong đó có tệ nạn ma túy.
Ngoài ra, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như quá trình đô thị hóa ở Bình Dương quá nhanh đã thu hút và là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dẫn đến tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép từ nước ngoài vào tỉnh trở nên phức tạp và ngày càng tinh vi hơn, thậm chí rất manh động,... Nghiên cứu tại các trường, trung tâm cai nghiện cho thấy, số người nghiện là những đối tượng đã cai nghiện và tái nghiện nhiều lần, nên tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện là rất khó khăn. Các chương trình quản lý sau cai nghiện (chống tái nghiện) chưa thực sự hiệu quả; quản lý sau cai nghiện các dịch vụ cung cấp ngoài cộng đồng như: tạo việc làm, vay vốn, học nghề còn rất ít..., thời gian cai nghiện và quản lý sau cai nghiện của các đối tượng nghiện chưa hiệu quả, tỉ lệ tái nghiện còn cao, số lượng người nghiện tại tỉnh Bình Dương khá lớn.
Thứ hai, những yếu tố tích cực tác động đến quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Trong những năm qua công tác phòng, chống ma túy ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả hơn. Kết quả đã làm giảm thiểu đáng kể lượng ma túy thẩm lậu vào nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng. Ngoài ra, tỉnh đã sử dụng nhiều phương pháp, loại hình cai nghiện vào thực tiễn, như: cai tại cơ sở cai nghiện, điều trị thay thế bằng Methadone tại cộng đồng... để cai nghiện cho những đối tượng nghiện ma túy được tốt và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương còn tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và nhiều văn bản hướng dẫn trong hoạt động ngăn chặn ma túy, quản lý cai nghiện và sau cai nghiện của các cấp, các ngành chức năng.
2. Quan điểm bảo đảm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy tại tỉnh Bình Dương
Quan điểm bảo đảm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy tại tỉnh Bình Dương đó là: Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý người nghiện ma túy, không để phát sinh điểm, tụ điểm, trọng điểm về tệ nạn ma túy; không phát sinh điểm, tụ điểm, trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung giải quyết nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của tỉnh.
Quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 21- CT/TW ngày 26/8/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, tỉnh Bình Dương đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn như sau:
Tăng cường lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;
Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội;
Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại ma túy. Coi trọng công tác cai nghiện bắt buộc, khuyến khích tự nguyện cai nghiện và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội;
Đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy;
Tội phạm và tệ nạn ma túy là vấn đề của đất nước và quốc tế, do đó các chính sách phòng, chống ma túy của tỉnh Bình Dương phải đặt trong bối cảnh chung của khu vực Đông Nam bộ và cả nước; phải phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy và tăng cường hợp tác quốc tế; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy ở tỉnh Bình Dương
Để thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy ở tỉnh Bình Dương, đổi mới cách thức quản lý điều hành và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống ma túy, Tỉnh cần thực hiện những giải pháp sau:
Sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, đảm bảo các tiêu chí hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác phòng, chống ma túy cần có sự tương thích, thống nhất, không chồng chéo, tránh sự mâu thuẫn không đáng có, theo đó cần bổ sung quy định để bãi bỏ hình thức quản lý sau cai nghiện được quy định tại Luật Phòng, chống ma túy để thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hạn chế tình trạng học viên cai nghiện “phá trại”, “trốn trại” tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, vai trò, trách nhiệm và phối hợp trong quản lý điều hành của các chủ thể; tăng cường nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Phát huy vai trò, chức năng nòng cốt là ngành Công an nhằm tập trung lực lượng đấu tranh quyết liệt triệt xóa nhiều tụ điểm ma túy lớn; quyết liệt kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện lợi dụng để chứa chấp, tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, không để hoạt động lộng hành, gây phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, để công tác phòng chống ma túy đạt được kết quả cao, các ngành chức năng phải có sự phối kết hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng với Đảng bộ, chính quyền để tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Phải xác định rõ công tác phòng chống tệ nạn ma túy là của toàn Đảng, toàn dân và chính quyền tỉnh Bình Dương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy.
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Thường xuyên khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời những dấu hiệu hoạt động mại dâm, không để lan rộng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Phối hợp đội kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ ăn uống và cơ sở kinh doanh có điều kiện nhằm phát hiện cơ sở vi phạm, xử lý các hành vi vi phạm để chấn chỉnh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn tích cực kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, truy quét các ổ nhóm ma tuý, mại dâm; thẩm định, phúc tra xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
Cần quan tâm khắt khe tới công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp này, nếu có hành vi vi phạm xảy ra phải kịp thời xử lý nghiêm túc, răn đe để tránh tiếp diễn lần sau bằng cách kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng việc lập hồ sơ, chuyển hồ sơ để tránh trường hợp khi đưa ra xét xử bị đối tượng khiếu nại.
Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy. Tuyên truyền bằng các khẩu hiệu như ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6: “Hãy nói không với ma túy”; “Vì một xã hội tốt đẹp hãy cùng nhau ngăn chặn ma túy”; “Phòng, chống tệ nạn ma túy là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội”; “Ma túy là nguyên nhân dẫn tới HIV/AIDS”; “Vì sức khỏe của bạn, hạnh phúc gia đình bạn, hãy tránh xa ma túy”; “Hãy tránh xa ma túy, không được dùng thử dù chỉ một lần”,…
4. Kết luận
Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy mặc dù được sự quan tâm của các cấp Đảng ủy và chính quyền đã đạt được những kết quả thực tế khá cao nhưng tại Bình Dương tình hình về ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, gặp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc bởi sự tinh vi, đa dạng của lĩnh vực này, cần được giải quyết một cách triệt để.
Để góp phần giải quyết thực trạng trên, tỉnh Bình Dương cần thực hiện linh hoạt các đề xuất về giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy được đưa ra. Ngoài ra, những giải pháp nêu trên cần được tiến hành thực hiện một cách đồng bộ để làm tăng hiệu quả trên thực tế, đồng thời căn cứ trên những kết quả đạt được các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy phải tiếp tục nghiên cứu, kịp thời bổ sung, giải quyết những phát sinh trong tình hình mới ở Việt Nam hiện nay nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Bên cạnh đó, các giải pháp đối với công tác phòng, chống ma túy còn có những vai trò khác nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị ở địa phương, các ban, ngành, đoàn thể xã hội vào công tác phòng, chống ma túy để góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương ngày càng bền vững./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Võ Thị Trâm Anh (2019), Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 từ thực tiễn tỉnh Bình Dương, Luận văn thạc sĩ Luật hiến pháp và luật hành chính, Học viện Khoa học xã hội.
- Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc thuộc UBND tỉnh Bình Dương (2019), Báo cáo số 185/BCĐ-VPTT (CA) ngày 9/12/2019 Kết quả thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2019.
- Võ Thị Cẩm Tú (2013), Quản lý nhà nước trong phòng, chống tội phạm về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Luận văn Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia.
- Tỉnh ủy Bình Dương (2020), Chương trình số 128 - CTr-TU ngày 9/3/2020 thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
The view point and solutions to enhance Binh Duong Province’s state management of drug prevention
Le Van Gam
Thu Dau Mot University
ABSTRACT:
Over the past years, the Party Committee and authorities of Binh Duong Province have directed state management agencies to prevent and fight against drugs, and have implemented synchronous measures to prevent drug-related crimes. However, the state management of drug prevention in Binh Duong Province still has limitations. This paper is to propose some solution to enhance Binh Duong Province’s state management of drug prevention.
Keywords: Point of view, solution, state management, drugs, Binh Duong Province.
Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]