TÓM TẮT:
Nguồn vốn ODA được đánh giá là một trong những đáp ứng nguồn vốn quan trọng của ngân sách nhà nước được sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội. Nguồn vốn này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu bức thiết về vốn trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, để quản lí và sử dụng vốn ODA sao cho có hiệu quả phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển đất nước là một yêu cầu tất yếu đặt ra hiện nay.
Từ khóa: Quản lý sử dụng vốn ODA, ngân sách nhà nước, dự án.
I. Đặt vấn đề
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam bên cạnh các nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong, ngoài nước thì vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển là một kênh cấp vốn quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam chính thức được nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của rất nhiều nhà tài trợ song phương, đa phương, các tổ chức phi chính phủ, các quốc gia từ năm 1993. Sau hơn 23 năm thực hiện ODA đã phần nào đáp ứng được nhu cầu bức thiết về vốn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Việt Nam luôn được các nhà tài trợ đánh giá là điểm sáng trong thu hút, sử dụng ODA và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng các nhà tài trợ trên thế giới.
Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sự đóng góp của các nhà tài trợ có sự giảm sút so với thời gian trước. Việc quản lý và sử dụng ODA phát sinh nhiều bất cập như thời gian giải ngân chậm, lãng phí, sử dụng sai mục đích, tham nhũng gây mất lòng tin đối với nhà tài trợ. Bên cạnh đó, năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình vì vậy một số nhà tài trợ sẽ cắt giảm nguồn tài trợ này hoặc cắt giảm các điều kiện ưu tiên đối với Việt Nam. Ngoài ra, việc sử dụng ODA nhiều ưu đãi luôn có các điều kiện ràng buộc đi kèm, đó là sự chi phối về kinh tế, chính trị và xã hội. Câu hỏi đặt ra là: “Thực trạng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam thời gian qua như thế nào? Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục có được nguồn vốn này trong thời gian tới?”.
II. Thực trạng quản lý, sử dụng vốn ODA
Mặc dù chỉ chiếm 2.72% trên GDP (năm 2016) nhưng ODA nhiều năm qua vẫn là nguồn đầu tư quan trọng từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho phát triển kinh tế. Đặc biệt khi Việt Nam vẫn là quốc gia kém phát triển trong khu vực (thu nhập bình quân đầu người 1.908 USD/người/năm 2016) với nguồn nhân sách eo hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế nổi bật là cơ sở hạ tầng còn rất lớn.
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ có quy định 9 lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn vay ODA ưu đãi:
1- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại, bao gồm hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển và đường thủy nội bộ); hạ tầng đô thị (giao thông đô thị, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng cấp điện đô thị); hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hạ tầng năng lượng (ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới); hạ tầng thủy lợi và đê điều.
2- Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, an sinh xã hội, giảm nghèo, dân số và phát triển.
3- Phát triển khoa học và công nghệ cao, công nghệ nguồn và phát triển khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, kinh tế tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao.
4- Phát triển nông nghiệp và nông thôn, bao gồm chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế nông nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
5- Tăng cường năng lực thể chế và cải cách hành chính.
6- Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
7- Hỗ trợ thúc đẩy thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, du lịch và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
8- Hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
9- Một số lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, các lĩnh vực như giao thông vận tải, năng lượng; công nghiệp, môi trường và phát triển đô thị vẫn được tập trung nhiều vốn ODA và vốn vay ưu đãi hơn cả(chiếm trên 70%), trong khi đó các lĩnh vực khác như nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp với xóa đói giảm nghèo, năng lượng, y tế, giáo dục và đào tạo, thể chế,… chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn (trên 20%). Điều này thể hiện trong năm 2016, một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - sân bay Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng trong tiến trình phát triển khu vực phía Bắc. Dấu ấn nguồn vốn ODA cũng đã để lại trên nhiều công trình trọng điểm trên nhiều vùng miền đất nước như: Nhiều cây cầu trên quốc lộ 1 và hầm đường bộ Hải Vân; cầu Cần Thơ; 3 cảng quốc tế quan trọng là cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); cảng Đà Nẵng; đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường xuyên Á TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối với hệ thống đường bộ Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông… Cùng với đó là hàng loạt chương trình hỗ trợ trong giáo dục, y tế, đổi mới trong nông nghiệp - nông thôn,… giúp xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh những mặt tích cực của ODA cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đến từ các dự án trong thời gian qua thì vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề trong công tác quản lý và sử dụng.
Tổng giá trị giải ngân vốn ODA trong 10 tháng năm 2016 của cả nước ước đạt 4.460 triệu USD, cao hơn 10% so với mức giải ngân của cùng kỳ năm ngoái, song vẫn còn chậm hơn so với tiến độ đã cam kết theo hiệp định. Giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động… Giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác.
Ngoài ra phải kể đến tình trạng chậm tiến độ của hàng loạt dự án ODA. Việc chậm giải phóng mặt bằng dẫn tới đình trệ trong thực hiện dự án; điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án làm phát sinh chi phí và kéo dài thời gian thực hiện. Trong đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng từ 435,7 triệu USD lên gần 892 triệu USD (tăng hơn 339 triệu USD), tuyến Nhổn - Ga Hà Nội tăng từ 783 triệu Euro lên 1,275 tỷ Euro (tăng thêm khoảng 492 triệu Euro); tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đã điều chỉnh tăng vốn từ 47.325 tỷ đồng lên 54.006 tỷ đồng (năm 2016, tuyến này đã điều chỉnh tăng một lần từ 14.415 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng)… Các Ban quản lý còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
III. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ODA
Việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải được xem xét, cân đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, phải bám sát các mục tiêu của chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020, đảm bảo các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và mức bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn cho phép.
Khuyến khích sự phân công lao động và bổ trợ giữa các nhà tài trợ trong việc cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong khuổn khổ các chương trình hợp tác phát triển chung, đồng tài trợ theo ngành, lĩnh vực và địa bàn lãnh thổ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật; Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Triệt để bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có liên quan đến đầu tư xây dựng của ngành GTVT, tập trung chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành; đẩy nhanh đầu tư dứt điểm để đưa vào khai thác các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao hạn hẹp như hiện nay.
Khẩn trương triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017 ngay sau khi có quyết định giao chính thức của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân kế hoạch năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017. Chủ động tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bổ sung (hoặc ứng trước kế hoạch) cho các dự án, nhất là vốn đối ứng các dự án ODA để đáp ứng tiến độ.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh nâng cao năng lực của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết không để các nhà thầu có năng lực yếu kém tham gia các dự án của ngành. Tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác GPMB và triển khai thi công; thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi về chất lượng, tiến độ thi công, công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với các dự án...
Các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải bám sát các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện; đẩy nhanh các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án khởi công mới; đẩy nhanh hoàn thiện công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân kịp thời cho nhà thầu, tư vấn. Đặc biệt, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải theo dõi chặt chẽ chi phí dự án, xác định chính xác nhu cầu sử dụng vốn của dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, tránh lãng phí vốn đầu tư.
Các Chủ đầu tư/Ban QLDA phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt; theo dõi chặt chẽ chi phí dự án, xác định chính xác nhu cầu sử dụng vốn của dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng tháng trong năm kế hoạch, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, tránh lãng phí vốn đầu tư.
Các cơ quan tham mưu của Bộ theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trong công tác bố trí vốn, xử lý các thủ tục liên quan để tạo thuận lợi cho các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án theo tiến độ yêu cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính sách huy động nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong bối cảnh “hậu ODA” và tác động tới Việt Nam.
2. Đánh giá 20 năm huy động vốn và sử dụng vốn ở Việt Nam.
3. Định hướng thu hút vốn ODA tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế.
4. Quản lý nhà nước về vốn ODA trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - Những nỗ lực thực hiện.
5. Vốn ODA với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam năm 2020.
MANAGING ODA SOURCES IN VIETNAM
MA. TRAN THI NGOC ANH
Faculty of Banking and Finance
University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
ODA is considered by the government to be one of the key sources of state budget funding used for socio-economic development purposes. This source has partly met the pressing need for capital in the industrialization and modernization of the country, contributing to economic growth and poverty reduction. However, managing to use ODA effectively in accordance with the national development objectives and orientations is an inevitable demand set out today.
Keywords: Management of ODA, state budget, project, management, waste.