TÓM TẮT:
Trên thế giới, quản trị công ty là thuật ngữ có từ rất lâu mà nội hàm của nó liên quan đến công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp. Đây là vấn đề thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong sự thành công hay thất bại của một tổ chức.
Ở Việt Nam, việc ban hành Luật Công ty (năm 1990), Luật Doanh nghiệp (các năm 1999, 2005, 2014, 2020) đã tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp ra đời, trong đó có loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần. Tuy vậy, hoạt động quản trị công ty cổ phần ở nước ta còn mới mẻ và nhiều hạn chế. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả trình bày các vấn đề cơ bản về công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, thực trạng quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam theo pháp luật, từ đó phát hiện những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quản trị công ty ở Việt Nam và đề xuất các gợi ý chính sách.
Từ khóa: công ty cổ phần, quản trị công ty, quản trị công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Công ty cổ phần (CTCP) là một thể chế kinh doanh phổ biến ở các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là loại hình doanh nghiệp hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên sự góp vốn của nhiều cổ đông và được điều hành bởi đội ngũ quản trị của công ty.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, từ sau giai đoạn đổi mới (1986) đến nay, loại hình công ty này được quy định về thủ tục thành lập, hoạt động bằng hệ thống pháp luật kinh tế cụ thể lần đầu tiên trong Luật Công ty năm 1990 và, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 1999, LDN năm 2005, LDN năm 2014 và LDN năm 2020 thì các vấn đề có liên quan đến CTCP đã được hoàn thiện từng bước. Tuy vậy có thể thấy rằng, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên thị trường, ngoài các yếu tố về về vốn, khách hàng, nhân sự hay các yếu tố về công nghệ…, một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp chính là hoạt động quản trị công ty vì đây là vấn đề liên quan đến công tác điều hành, quản lý như phân công các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của các cá nhân trong công việc của tổ chức, thiết lập được cơ chế giám sát và giảm thiểu mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp.
Tuy vậy, sự hiểu biết về quản trị công ty hiện nay còn rất nhiều hạn chế cả về lý luận lẫn thực tiễn, đặc biệt là các quy định về quản trị công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp qua các thời kì vẫn còn khá sơ lược và cần được hoàn thiện hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu về quản trị CTCP theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam để tìm ra các ưu điểm cũng như các hạn chế, tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục thật sự là điều cần thiết.
2. Khái quát về công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Có thể thấy rằng, kể từ khi LDN được ban hành và đi vào thực tiễn cuộc sống, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phát triển đa dạng và sôi động. Các loại hình doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh dưới các hình thức đầu tư khác nhau trong đó có CTCP, đây là một trong các loại hình công ty đầu tư theo LDN. Điều 111 LDN năm 2020 của Việt Nam quy định về CTCP như sau:
- Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Như vậy, từ khái niệm này, theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, ta có thể hiểu CTCP có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, công ty cổ phần là công ty có tính chất đối vốn.
CTCP là công ty đối vốn, có số lượng thành viên nhiều (từ 3 trở lên và không hạn chế số lượng) bao gồm các bộ phận dân cư và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Chính vì điều đó, CTCP thường được tham gia của rất nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội với số vốn huy động hiệu quả hơn so với các mô hình công ty khác.
Thứ hai, công ty cổ phần là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
CTCP có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm công ty được cấp giấy đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền. CTCP có tư cách pháp nhân nên có thể nhân danh doanh nghiệp tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể thiết lập những quan hệ khác nhân danh chính bản thân công ty.
Thứ ba, vốn điều lệ công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Đây là đặc trưng rất cơ bản của CTCP. Trong quá trình hoạt động công ty có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng để công khai huy động vốn.
Thứ tư, tính tự do chuyển nhượng cổ phần là một đặc trưng chủ yếu của CTCP so với các loại công ty đối vốn khác.
Có thể thấy rằng, CTCP là loại hình doanh nghiệp mà khả năng tập trung vốn nhanh chóng và hiệu quả hơn các mô hình kinh doanh khác, nó đã và đang là loại hình doanh nghiệp được ưa chuộng và ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
3. Thực trạng quản trị công ty cổ phần ở nước ta hiện nay
Đường lối đổi mới của Việt Nam bắt đầu từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đã làm cho nền kinh tế nước ta có những bước phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển. Để có được sự thành công đó, ngoài các vấn đề liên quan đến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần phải kể đến sự đóng góp đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc xây dựng hành lang pháp lý đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, đây chính là cơ sở quan trọng để hình thành các cơ chế quản trị doanh nghiệp. Trên phương diện quản trị doanh nghiệp, có thể thấy LDN năm 2020 ra đời và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2021 đã xây dựng nền tảng cho việc hình thành cơ chế quản trị công ty, trong đó phải kể đến tính ổn định và hoàn thiện hơn của LDN năm 2020 so với LDN năm 2005 và LDN năm 2014, nhiều quy định tương đối rõ ràng và phù hợp, tạo thành cơ chế quản trị phù hợp nhất là đối với loại hình CTCP mà cụ thể là Luật đã có các quy định bảo vệ, tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền hạn chính đáng của các chủ sở hữu; bảo đảm đối xử công bằng giữa các chủ sở hữu; công khai thông tin và minh bạch hóa cơ chế quản trị công ty; các quyền của Hội đồng quản trị và cơ chế giám sát Hội đồng quản trị của chủ sở hữu trong cơ chế quản trị công ty; đồng thời quy định cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan như cổ đông, Hội đồng quản trị, giám đốc điều hành trong đó đã chú ý bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cụ thể nhất cho hoạt động quản trị doanh nghiệp hiện nay.
Tuy LDN hiện hành tại Việt Nam (LDN năm 2020) đã đi vào thực tiễn và có những vai trò nhất định. Bên cạnh các vai trò, vẫn còn đó một số vấn đề mà các CTCP (khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân) trong lúc triển khai về công tác quản trị đều còn rất lúng túng, chưa theo kịp những quy định cũng như các thông lệ về quản trị công ty quốc tế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quyền của cổ đông.
Các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành cho thấy rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông thiểu số và nhóm các cổ đông thiểu số nói riêng trong công ty cổ phần chưa thực sự được bảo vệ. Cổ đông và nhóm cổ đông thiểu số gần như bị áp đảo hoàn toàn bởi các cổ đông lớn trong công ty cổ phần và luôn chịu những bất lợi. Còn đối với cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng khi phát hiện những sai sót, gian lận trong quá trình điều hành của các cấp quản lý công ty đều có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành chưa tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cổ đông thực hiện quyền khởi kiện khi phát hiện các gian lận, sai sót trong quá trình hoạt động của cấp quản lý, hay trình tự thủ tục khởi kiện còn nhiều phức tạp, tốn kém về thời gian và tiền bạc của các cổ đông.
Thứ hai, về Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, việc bầu Hội đồng quản trị công ty trong CTCP bị chi phối rất nhiều bởi nhóm cổ đông đa số, trong khi đó Ban kiểm soát trong CTCP chưa thể hiện vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư, do đó các rủi ro mà họ, các cổ đông, nhà đầu tư phải gánh chịu là rất lớn.
Thứ ba, các vấn đề công khai và minh bạch thông tin trong công ty cổ phần.
Trong CTCP, vấn đề công khai và minh bạch thông tin là nghĩa vụ của lãnh đạo công ty, các vấn đề này cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn sơ lược cũng như chưa có sự tương thích với các thông lệ quốc tế. Điều đó đã dẫn đến các hệ lụy như làm mất niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư, gây thiệt hại cho thị trường và các bên liên quan.
4. Một số gợi ý hoàn thiện công tác quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam
Thực tế cho thấy, công tác quản trị công ty đặc biệt là quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam giai đoạn qua còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan đến lợi ích. Trong phạm vi bài viết của mình, nhóm tác giả nêu một số gợi ý góp phần hoàn thiện công tác quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam cho giai đoạn tới như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế bảo vệ cổ đông và các bên liên quan lợi ích.
Hiên nay, các quy định hiện hành trong hệ thống pháp luật cho thấy chưa có một quy định cụ thể nào về việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và các bên liên quan lợi ích. Điều này sẽ gây cho các cổ đông, các bên liên quan lợi ích những thiệt thòi rất lớn về kinh tế lẫn tinh thần, kể cả các vấn đề khác liên quan đến công ty và họ thường bị lệ thuộc vào ban lãnh đạo và các cổ đông lớn trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần có sự hoàn thiện hơn nữa các quy định về pháp luật doanh nghiệp nhằm bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư để họ không tiếp tục bị chèn ép, tránh sự đổ vỡ quan hệ từ những bất cập này.
Thứ hai, cần luật hóa các quy định về thành viên độc lập hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Thành viên độc lập hội đồng quản trị đang là xu thế tất yếu trong quản trị CTCP hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, LDN hiện hành vẫn chưa quy định về đối tượng này trong bộ máy của CTCP, điều này cần được luật hóa và bổ sung cho phù hợp. Về vấn đề thành lập và hoạt động của Ban kiểm soát: Mặc dù LDN đã quy định lại các trường hợp CTCP bắt buộc phải có Ban kiểm soát, tuy nhiên các quy định này trong LDN qua các giai đoạn cũng chưa chặt chẽ khi thiếu hẳn các quy định về mối quan hệ giữa thành viên Ban kiểm soát với nhau và với Trưởng Ban kiểm soát, cũng như thể thể thức hoạt động của Ban kiểm soát. Sự thiếu vắng các quy định này có thể dẫn đến những hạn chế trong hoạt động của Ban kiểm soát, cũng như việc xác định trách nhiệm của các thành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành LDN năm 2020 và cần có quy định rõ về chế độ làm việc, thể thức hoạt động của Ban kiểm soát. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật khi mà số lượng cổ đông hoặc cơ cấu sở hữu của CTCP có thể thay đổi từ mô hình quản trị không có Ban kiểm soát sang mô hình quản trị bắt buộc phải có Ban kiểm soát thì văn bản hướng dẫn thi hành cần xác định thời hạn mà theo đó công ty phải thành lập Ban kiểm soát để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông.
Thứ ba, về vấn đề công khai và minh bạch thông tin trong công ty cổ phần.
Hiện nay, các hành vi gian lận và thao túng trong CTCP vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều đó sẽ gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan đến lợi ích nên việc Nhà nước luật hóa hay ban hành các chính sách pháp luật cụ thể để điều chỉnh vấn đề này là hết sức cấp bách trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.
Tóm lại, quản trị công ty cổ phần trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một vấn đề không thể thiếu và cần được quan tâm. Ngoài việc đảm bảo sự thành công cho doanh nghiệp nó còn mang đến sự an tâm cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, hệ thống pháp luật về quản trị công ty hiện nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập so với các quy định và hoạt động quản trị công ty ở các quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy việc hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty ở Việt Nam trong giai đoạn sắp tới là điều vô cùng cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng. Nghị định số 71/2017 /NĐ-CP ngày 6/6/2017.
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2021). Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp. Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 01/4/2021.
- Nguyễn Đình Cung (2007). Công ty vốn, quản lý và tranh chấp. Nxb Tri thức, Hà Nội.
- Hoàng Văn Hải, Đinh Văn Toàn (2020). Quản trị công ty. Nxb ĐHQG Hà Nội.
- IFC - International Finance Corporation (2019). Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất.Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- OECD - Organization for Economic Cooperation and Development (2010). Cẩm nang quản trị công ty. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014). Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020). Luật Doanh nghiệp. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
THE CORPORATE GOVERNANCE OF JOINT STOCK COMPANIES
UNDER THE LAW ON ENTERPRISES IN VIETNAM
NGUYEN HUU TRINH1
LE VAN TUAN2
LE VAN DAI1
1 Vietnam National University – Ho Chi Minh City Campus
2 Cu Chi Homestay Cooperative
ABSTRACT:
Corporate governance is a term which is has developed for a long time in the world and this term has connotation of operation and management activities of an enterprise. Corporate governance plays an important role in the success or failure of a company. In Vietnam, the promulgation of Law on Companies in 1990, then Law on Enterprises in 1999 and its adjustment and amendment on 2005, 2014 and 2020 has created a legal framework for all types of businesses to be established including the type of joint stock company. However, the corporate governance of joint stock companies in Vietnam is still a relatively new content. This paper presents the basic issues of the type of joint-stock company under the 2020 Law on Enterprises and the current corporate governance of joint stock companies in Vietnam. Based on the paper’s findings, some policy recommendations are proposed to overcome shortcomings in the corporate governance of joint stock companies in Vietnam.
Keywords: joint-stock companies, corporate governance, joint-stock company management, Law on Enterprise.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 13, tháng 6 năm 2021]