TÓM TẮT:
Sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức từ cuối thế kỷ thứ XX đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp và các nhà quản trị. Các công ty chịu sức ép phải không ngừng đổi mới, sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển trên thị trường. Các nhà quản trị phải suy nghĩ cách thức quản lý mới, bởi quản lý bằng mệnh lệnh và sự kiểm soát chặt chẽ người lao động trong quy trình sản xuất đã không phù hợp trong môi trường sáng tạo năng động. Khi tri thức trở nên quan trọng hơn vốn, lao động và tài nguyên trong việc cấu thành giá trị kinh tế, người ta nghĩ tới đối tượng trọng tâm mới của hoạt động quản trị, đó là tri thức. Do vậy, quản trị tri thức (QTTT) đang là một xu hướng rất phổ biến ở các nước phát triển và ngay tại Việt Nam, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bài nghiên cứu tổng quan về QTTT trong doanh nghiệp, thực trạng về QTTT trong doanh nghiệp, từ đó đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng mô hình QTTT vào quản lý doanh nghiệp.
Từ khóa: quản trị tri thức, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI.
1. Khái niệm cơ bản
1.1. Quản trị tri thức
Các nghiên cứu về QTTT rất đa dạng về cách tiếp cận, lý luận và các mô hình kết quả. Theo De Jarnet (1996), QTTT là hoạt động kiến tạo tri thức và việc này được nối tiếp với việc truyền bá và sử dụng tri thức, sự duy trì (lưu giữ, bảo tồn) và chắt lọc tri thức. Quintas et al. (1997) định nghĩa QTTT là quá trình quản lý tri thức, một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại, mặt khác nhằm xác định và khai thác các tài sản tri thức đã có để tạo ra những cơ hội hoạt động và kinh doanh mới. QTTT đối với Brooking (1997) là hoạt động liên quan tới chiến lược và các chiến thuật quản lý tài sản trung tâm của con người. Trong khi đó, Huysman và de Wit (2000) định nghĩa QTTT là các hoạt động hỗ trợ chia sẻ tri thức.
Có thể thấy, QTTT có nhiều khía cạnh khác nhau và các nhà nghiên cứu thường chỉ chú trọng một hoặc một vài khía cạnh nhất định. Nếu De Jarnet (1996) coi việc tạo mới tri thức là cái đích cuối cùng quan trọng nhất của QTTT thì Quintas et al. (1997) lại cho rằng chính việc sắp xếp lại các tài sản tri thức, làm sao cho tri thức tới được với nơi cần trong tổ chức, hỗ trợ các hoạt động tổ chức đạt mục tiêu mới là hoạt động QTTT. Trong khi 2 định nghĩa này không giải thích tri thức là gì thì 2 định nghĩa sau lại đưa ra những ngụ ý rõ ràng về tri thức.
Đối với Brooking (1997), tri thức nằm trong con người, do vậy việc QTTT đưa về quản trị nguồn nhân lực. Huysman và de Wit (2000) lại ngụ ý rằng tri thức là cái tồn tại độc lập tương đối với con người, vì vậy, QTTT trong doanh nghiệp, tổ chức là làm sao chia sẻ được tri thức cho các hoạt động mục tiêu.
Vì vậy, có thể hiểu một cách đơn giản nhất, công tác QTTT trong doanh nghiệp là quy trình chuyển đổi thông tin và các nguồn vốn trí tuệ thành những giá trị bền vững cho doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp đó.
1.2. Vai trò của QTTT trong doanh nghiệp
QTTT mang lại lợi ích cho từng cá nhân trong tổ chức, cho từng tập thể nhóm và cho cả tổ chức, cụ thể:
- Đối với cá nhân: giúp hoàn thành tốt công việc và tiết kiệm thời gian thông qua việc ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn, tạo ý thức kết nối gắn bó cộng đồng trong tổ chức, giúp các cá nhân thường xuyên cập nhật bản tình hình trong tổ chức, tạo những thử thách và cơ hội để cá nhân đóng góp vào tổ chức.
- Đối với nhóm: phát triển kỹ năng chuyên môn, xúc tiến việc tư vấn chia sẻ giữa những nhân viên có kinh nghiệm lành nghề với người mới vào nghề, thúc đẩy hợp tác và kết nối hiệu quả hơn, phát triển những hệ thống kiến thức nghiệp vụ chung giữa các thành viên tổ chức, xây dựng tiếng nói chung cho tập thể.
- Đối với tổ chức: giúp hoạch định chiến lược, giải quyết các vấn đề nhanh chóng, triển khai những quy tắc thực hành tốt nhất, cải thiện chất lượng của tri thức tiềm ẩn bên trong sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy trao đổi ý tưởng và tăng cơ hội chođổi mới, giúp tổ chức tăng năng lực cạnh tranh, tạo dựng được kho lưu trữ tri thức của tổ chức.
Một trong những thách thức lớn nhất trong hoạt động QTTT là việc tổ chức, doanh nghiệp phải quản lý công việc hiệu quả, không ngừng thúc đẩy hoạt động hợp tác, giúp đỡ những nhân viên tri thức kết nối và tìm ra những chuyên gia, giúp tổ chức học hỏi và đưa ra những quyết định dựa trên những dữ liệu, thông tin, tri thức đầy đủ, hợp pháp và được diễn giải tốt.
Muốn thực hiện được tốt hoạt động QTTT, vấn đề then chốt phải xác định được cái gì là quan trọng đối với những lao động tri thức - cái gì thực sự có ý nghĩa đối với họ và thực tiễn công việc chuyên môn của họ, cũng như những gì tổ chức cần tiến hành để đạt được điều này. Điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng.
1.3. Doanh nghiệp FDI
Luật Đầu tư 2014 không còn quy định về thuật ngữ “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Thay vào đó, khoản 18 điều 3 của Luật Đầu tư quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Trong đó khoản 16 cũng quy định: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.
Như vậy, có thể hiểu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định tại khoản 14 điều 3 như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.
Các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sau đây phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập: “Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên”.
Theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới công bố, với việc thu hút 16 tỉ USD trong năm 2020, Việt Nam đã tăng 5 bậc để lần đầu tiên vươn lên xếp vị trí thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế thu hút vốn FDI nhiều nhất thế giới.
Báo cáo của UNCTAD cũng cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 đối với dòng vốn FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm 2020 khi số lượng dự án mới giảm, các thương vụ mua bán sáp nhập cũng hạn chế khiến riêng dòng vốn vào hoạt động mua cổ phần giảm đến 50%.
Cũng theo báo cáo của UNCTAD, dòng vốn đi các châu lục đều giảm mạnh, cụ thể dòng vốn FDI năm 2020 của khu vực châu Mỹ Latin và Caribbean giảm 45%, châu Phi giảm 16%. Tuy vậy, dòng vốn đổ về các nước châu Á lại tăng 4% và khu vực châu Á chiếm một nửa vốn FDI toàn cầu. Các nước châu Á thu hút nhiều FDI nhất là Trung Quốc với 149 tỷ USD, Singapore 94 tỉ USD, Ấn Độ 64 tỷ USD.
UNCTAD nhận định, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để đối phó đã làm trì hoãn các dự án đầu tư. Dẫn đến việc các doanh nghiệp đa quốc gia phải đánh giá lại các dự án mới. Do đó, để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI các nền kinh tế cần phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các nền kinh tế, cùng với việc chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
2. Thực trạng QTTT trong doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Khái niệm QTTT đã có từ rất lâu, nhưng để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam áp dụng và thực hành thì mới được hơn 10 năm nay. Nhiều tập đoàn nổi tiếng trên thế giới cũng như các nước châu Á đã ứng dụng QTTT vào hoạt động kinh doanh và đã đạt được những thành công bất ngờ như Coca - Cola, IBM, Microsoft,…
Báo cáo khảo sát tình hình sơ bộ về thực trạng áp dụng QTTT của 12 quốc gia trong khu vực châu Á cho thấy các quốc gia đã có các chính sách kinh tế tri thức rõ ràng, trong đó nêu rất rõ chiến lược quốc gia, các ưu thế và các chỉ tiêu KDI để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Ở mức độ doanh nghiệp, các công ty hàng đầu châu Á như LG nói riêng, hay nhiều công ty có vốn FDI tại Việt Nam nói chung đã áp dụng QTTT rất thành công.
Tại Việt Nam, Công ty TNHH Tâm Việt là một trong những thành viên đầu tiên khi áp dụng mô hình QTTT. Trong thời gian đầu, công ty giữ vai trò là đơn vị pháp nhân đứng ra ký kết và hợp tác với các doanh nghiệp khác trong hoạt động đào tạo chủ yếu về công nghệ VINNO với các phần mềm quản lý trong doanh nghiệp, có tính linh hoạt cao. Công nghệ này không áp đặt quy trình mà cho phép tùy chỉnh theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, dễ sử dụng, không mất nhiều thời gian đào tạo nhân viên,… Ứng dụng công nghệ này, Tâm Việt đã nhanh chóng phát triển phần mềm QTTT trong doanh nghiệp thuộc phân hệ quản lý nội bộ cho phép bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên tri thức, lưu trữ và phát triển một cách có hệ thống các kinh nghiệm thực hành, xây dựng văn hóa chia sẻ và tận dụng tri thức của tập thể.
Dù khái niệm QTTT ở Việt Nam còn mới mẻ, thậm chí chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến, quan tâm, đầu tư và nghiên cứu. Tuy nhiên, có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài, khi đầu tư vào Việt Nam và xây dựng phát triển kinh doanh tại Việt Nam đã tiên phong áp dụng mô hình QTTT trong kinh doanh, như:
(1) Công ty TNHH Honda, Công ty được Soichio Honda sáng lập năm 1948. Công ty chủ yếu sản xuất xe máy, xe hơi, máy phát điện và một số loại động cơ.
Tính đến tháng 3/2021, Honda Việt Nam (HVN) đã đánh dấu tròn 25 năm có mặt hoạt động ở Việt Nam. Liên doanh do Công ty TNHH Honda Motor tại Nhật Bản góp 42% vốn; Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam CTCP (góp 30%); và Công ty TNHH Asian Honda Motor tại Thái Lan (góp 28%). HVN hiện có 3 nhà máy xe máy và 1 nhà máy ô tô hoạt động với hơn 10.000 công nhân viên đang làm việc, cùng với các công ty vệ tinh cũng như hệ thống cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (HEAD) và nhà phân phối ô tô Honda trên toàn quốc.
Nhà sáng lập Honda cho rằng: “trên cả công nghệ, thứ chúng ta phải đánh giá cao nhất là con người”. Do đó, triết lý của Honda là “tôn trọng cá nhân”. Theo sổ tay Honda, triết lý này có nghĩa “con người sinh ra là những cá nhân tự do và độc đáo với năng lực tư duy, suy xét và sáng tạo”. Họ cũng cho rằng, năng lực tư duy và sáng tạo của con người không bao giờ cạn kiệt. Người lãnh đạo phải có khả năng nhìn thấy năng lực của nhân viên, khơi dậy những ưu điểm trong nhân viên đó và bố trí họ vào những vị trí phù hợp để họ có thể giúp ích cho sự phát triển của công ty.
Do vậy, Công ty đánh giá cao tri thức ẩn thu được từ quá trình sản xuất trực tiếp, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các lý thuyết đúng đắn trong sáng tạo và thực thi hiệu quả những ý tưởng mới để có thể trở thành một công ty đổi mới. Chính việc khuyến khích sáng tạo và quản trị sáng tạo hiệu quả đã giúp công ty chế tạo thành công loại xe hơi Civic. Sản phẩm này đã tạo thương hiệu cho Honda ở thị trường nước ngoài và đặc biệt hơn là ở Việt Nam. Quan trọng hơn, sản phẩm này ra đời đã tạo ra hiệu quả tái cấu trúc mạnh mẽ quá trình phát triển sản phẩm mới của công ty trong tương lai. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), lượng bán hàng cả năm 2020 của các thành viên HVN đạt tổng cộng 2.712.615 xe các loại, giảm 16,66% so với năm 2019. Nhưng riêng Honda Việt Nam trong năm này đã bán ra đạt 2.142.564 xe. Con số này theo Honda Việt Nam dù bị giảm 16,7% so với năm 2019, nhưng khi so với số liệu của VAMM có thể thấy chiếm đến 79% thị phần.
Mấu chốt thành công của Honda là sự sáng tạo tri thức liên tục ở mọi cấp độ trong tổ chức và việc hình thành các biện pháp quản lý nhằm khuyến khích sự sáng tạo của tất cả nhân viên.
(2) Tập đoàn LG được thành lập vào năm 1947 và có trụ sở chính tại Hàn quốc, hiện sở hữu 3 nhà máy lớn tại Việt Nam, trong đó LG Electronics dẫn đầu về quy mô. Điện thoại di động chỉ là một phần nhỏ trong những sản phẩm Nhà máy LG Electronics sản xuất, doanh nghiệp còn cho ra lò các sản phẩm điện tử khác như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh,…
Với 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc và 26 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, LG Việt Nam đã trở thành một trong các doanh nghiệp có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2020, LG Electronics Việt Nam Hải Phòng ghi nhận doanh thu khoảng 3,71 tỷ USD, lợi nhuận ròng cho giai đoạn đạt khoảng 151 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu của LG Electronics tăng 47%, lợi nhuận ròng tăng 30%. Trong những năm qua, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp có vốn FDI hàng đầu với tốc độ tăng trưởng và quy mô sản xuất ngày càng được gia tăng tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng cổ đông năm 2020, ông Brian Kwon - CEO & President của LG Electronics đưa ra một trong các mục tiêu và thông điệp của Tập đoàn trong giai đoạn mới, đó là: “LGE sẽ nỗ lực hết sức để không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn để thực hiện các trách nhiệm của công ty. Cụ thể, chúng tôi đã thiết lập các mục tiêu trung và dài hạn từ quan điểm quản lý bền vững, trong đó chúng tôi đang thực hiện một loạt các sáng kiến và quản lý hoạt động của mình. Trong tương lai, chúng tôi vẫn hoàn toàn cam kết cung cấp giá trị tốt hơn cho các bên liên quan, bao gồm khách hàng, môi trường, đối tác kinh doanh, cộng đồng địa phương và nhân viên dựa trên tăng trưởng, sáng tạo và đổi mới”.
Nằm trong chuỗi các công ty con của Tập đoàn LG Hàn Quốc, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam cũng đã luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo và luôn đặt con người làm trọng tâm. Việc bồi dưỡng các cán bộ tri thức đầy nhiệt huyết, sáng tạo giúp họ không ngừng trau dồi kỹ năng quản trị để chung tay đóng góp vào hệ thống quản trị tri thức của công ty. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công việc cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững của công ty tại thị trường Việt Nam.
Để sáng tạo ra tri thức, Tổng giám đốc Công ty LG Electronics Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi ý tưởng giữa các cấp quản lý và nhân viên trong công ty. Ông thường xuyên động viên nhân viên nên xem xét các vấn đề trên quan điểm của nhau. Để làm được điều này, ông đã xây dựng nhiều mô hình QTTT khác nhau nhằm khuyến khích trao đổi ý tưởng mới và chia sẻ quan điểm, phá vỡ bức tường ngăn cách giữa các chi nhánh và công ty con hoạt động độc lập trước đây. Sự gia tăng quá trình trao đổi và tương tác trong mô hình quản lý của các hội đồng khác nhau đã nhanh chóng sản sinh ra tri thức mới. Ví dụ, tại cuộc họp cấp quản lý diễn ra hàng tuần, thay vì thụ động nghe các báo cáo và bản trình bày, cuộc họp đã khuyến khích sự thảo luận, phát biểu nhằm trao đổi ý tưởng và trải nghiệm của tất cả nhân viên. Ngoài các cuộc họp chính thức, LG còn có các diễn đàn nuôi dưỡng sự hiểu biết và chia sẻ kiến thức trực tiếp lẫn nhau thông qua những buổi gặp mặt thân tình hàng ngày. Bầu không khí thoải mái cũng khuyến khích nhân viên suy nghĩ sáng tạo và đẩy nhanh quá trình quyết định tại công ty. Bên cạnh đó, LG cũng thiết lập các mô hình QTTT khác đan xen và kết nối với nhau bên ngoài môi trường doanh nghiệp, liên quan đến khách hàng, nhà cung cấp, đối tác hay các chủ thể liên quan khác nhằm chia sẻ và tiếp thu kiến thức mới. Chính việc áp dụng quản trị dựa vào tri thức đã đưa doanh thu gộp trong 9 tháng đầu năm 2020 của LG Việt Nam lên 3,7 tỷ USD.
3. Một số gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng mô hình QTTT
Trong nền kinh tế tri thức, giá trị của mỗi doanh nghiệp không còn nằm ở tài sản hữu hình mà ẩn chứa trong tài sản tri thức. Doanh nghiệp cần ứng dụng quản trị dựa vào tri thức để tăng tính hiệu quả và bền vững của chính họ. Ở Việt Nam, khái niệm quản trị dựa vào tri thức còn tương đối mới mẻ và chưa được doanh nghiệp và xã hội nhận thức đầy đủ.
Vì vậy, để có thể áp dụng quản trị dựa vào tri thức cho doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức và xác định: (1) Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng và tiên quyết trong quá trình sáng tạo tri thức; (2) Các tri thức mới thường được phát sinh trong quá trình làm việc; (3) Triết lý, tầm nhìn và sự ủng hộ của lãnh đạo đóng vai trò quyết định đối với việc tạo ra tri thức mới trong tổ chức.
Những nhận thức này sau đó cần được lãnh đạo doanh nghiệp chuyển hóa thành các hành động cụ thể sau:
- Hình thành và bổ sung chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên tri thức, từ đó xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng quản trị dựa vào tri thức, nhằm tạo điều kiện cho nhân viên hòa vào môi trường sáng tạo tri thức và chia sẻ chúng.
- Xây dựng hệ thống và quy trình chia sẻ thông tin, tri thức trong doanh nghiệp, tăng cường các kỹ năng chia sẻ thông tin, tri thức cho cán bộ, nhân viên và khách hàng của doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận thông tin về doanh nghiệp một cách nhanh chóng, đồng thời hợp tác, hỗ trợ khách hàng trong việc chia sẻ kiến thức nhằm thúc đẩy quá trình hình thành quản trị tri thức.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nội bộ, người có kinh nghiệm đào tạo, hướng dẫn cho người mới.
- Tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sản phẩm. Khuyến khích và tăng tính tự chủ trong các hoạt động sáng tạo tri thức bên trong doanh nghiệp.
- Để khuyến khích nhân viên sáng tạo tri thức, doanh nghiệp cần tôn trọng nhân viên, có phần thưởng kịp thời cho nhân viên khi họ đóng góp được những sáng kiến quan trọng cho doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ biên (2013). Giáo trình Quản trị kinh doanh. Hà Nội: NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
- Công ty TNHH Honda Việt Nam (2011). Báo cáo Tài chính hợp nhất.
- Nonaka, I. and Takeuchi, H. (1995). The Knowledge - Creating Company: How Japanese Companies Create the Dynamics of Innovation. London: Oxford University Press.
- Đồng Tiến (2021). Các nhà máy của LG làm ăn thế nào tại Việt Nam?. Truy cập tại https://viettimes.vn/cac-nha-may-cua-lg-lam-an-the-nao-tai-viet-nam-post143265.html
- Website: https://www.lg.com/global/communication-with-customers
KNOWLEDGE MANAGEMENT
IN FOREIGN INVESTED ENTERPRISES IN VIETNAM
• Master. NGUYEN VAN NHUNG
Sales Director, LG Electronics Vietnam Co.,Ltd
ABSTRACT:
Since the end of the 20th century, the knowledge-based economys emergence has posed new challenges to business managers and enterprises. Companies have been under pressure to constantly innovate their products, services and also their business processes to survive and grow in the market. Meanwhile, business managers have to seek new management methods instead of old command-and-control management ways to adapt with a new dynamic creative business environment. As the role of knowledge or intellectual capital has become more important than the role of capital, labour and natural resources in the knowledge-based economy, knowledg has become the central object of management activities. As a result, knowledge management is a popular management trend in developed countries and in Vietnam, especially in foreign invested enterprises. This paper presents an overview about knowledge management in Vietnamese enterprises and proposes some solutions to help them effectively apply knowledge management in their business models.
Keywords: knowledge management, foreign invested enterprises, FDI enterprises.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]