Cụ thể, trong buổi sáng 22/5, sau khi thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, các đại biểu sẽ thảo luận Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 và Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán. Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
* Trước đó, sáng ngày 21/5, Chính phủ và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 60 Luật BHXH, có hiệu lực vào 1/1/2016 (trong đó có quy định người tham gia BHXH không được hưởng BHXH một lần như luật hiện hành).
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày Báo cáo về Điều 60, Luật BHXH năm 2014.
Theo báo cáo, tôn trọng quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH của người lao động là đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn sau khi nghỉ việc không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động và cũng không có khả năng, nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện.
Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo đánh giá của Ủy ban về các vấn đề xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai trình bày cũng nêu rõ: Trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện sự dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, việc làm của người lao động chưa thật sự bền vững, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ. Trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng việc sửa Điều 60 là hoàn toàn phù hợp để cho người lao động có quyền lựa chọn. Ông Tùng tin tưởng các vị đại biểu Quốc hội cũng sẽ đồng tình. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tuyên truyền để người lao động hiểu nếu tiếp tục đóng BHXH để hưởng hưu trí thì có lợi hơn.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, quan trọng nhất là giải thích cho người lao động hiểu, cho họ thấy được sự hấp dẫn của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm có lợi như thế nào để từ đó có lựa chọn có lợi nhất cho mình.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: Người lao động nên cân nhắc kỹ, quả thực khó khăn trước mắt không có biện pháp nào xử lý được mới nhận một lần, còn nếu không hãy cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian tham gia BHXH để có lương hưu bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, tránh rủi ro khi về già.