Điều Anh, Mỹ lo ngại Nga
Trong hội nghị thượng đỉnh tại Washington hôm 15/9, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận rằng hai nước đang thắt chặt hợp tác quân sự vào thời điểm Iran đang trong quá trình làm giàu đủ urani để hoàn thành mục tiêu lâu dài là chế tạo bom hạt nhân.
Các nguồn tin của Anh cho biết Washington và London đang lo ngại về hoạt động trao đổi công nghệ hạt nhân của Iran, một phần trong liên minh ngày càng sâu sắc giữa Tehran và Moskva.
Tuyên bố 'thẳng thừng' của Thủ tướng Đức
Đức sẽ không cho phép vũ khí tầm xa của nước này được sử dụng cho các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga, ngay cả khi các quốc gia khác chọn làm như vậy. Tuyên bố trên được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra tại một phiên hỏi đáp ở Prenzlau, Brandenburg, ngày 14/9. Cho đến nay, Berlin vẫn giữ nguyên chính sách không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Đức cung cấp cho các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga. Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine, sau Mỹ. Song, đến nay, Berlin vẫn từ chối trang bị tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Jordan sẽ có nội các mới
Hãng truyền thông nhà nước Petra ngày 15/9 đưa tin Quốc vương Abdullah II của Jordan đã chỉ định ông Jafar Hassan thành lập Nội các mới.
Trước đó, Quốc vương Abdullah II đã chấp thuận đơn từ chức của chính phủ do Thủ tướng Bisher Khasawneh lãnh đạo, tuy nhiên vẫn yêu cầu ông Khasawneh điều hành chính phủ lâm thời cho tới khi thành lập được Nội các mới. Ông Khasawneh đệ đơn từ chức trước đó cùng ngày, sau cuộc bầu cử quốc hội chỉ vài ngày.
Ông Jafar Hassan có bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị và Kinh tế Quốc tế từ Viện sau Đại học Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển Geneva (Thụy Sĩ) và có bằng sau đại học của Trường Harvard Kennedy.
Kế hoạch 3 điểm của Ukraine để đánh bại UAV Nga
Trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine ngày càng quyết liệt, thiết bị bay không người lái (UAV) đang trở thành công cụ chiến lược quan trọng trong cả hai bên. Với sự phát triển của các UAV, Ukraine đã triển khai một kế hoạch 3 điểm nhằm đánh bại các UAV của Nga.
Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng UAV nhỏ để đánh chặn các UAV của Nga, phát triển UAV cánh cứng để bảo vệ lãnh thổ từ xa, và phát triển UAV "sát thủ" tầm xa nhằm tiêu diệt các UAV Shahed từ khoảng cách hơn 500 km.
Israel kêu gọi người dân miền Nam Liban sơ tán khẩn cấp
Sáng 15/9, Israel thả truyền đơn kêu gọi người dân tại làng Wazzani và khu vực lân cận ở Đông Nam Liban sơ tán khẩn cấp trước 16h cùng ngày. Truyền đơn cảnh báo bất kỳ ai ở lại sau thời hạn trên đều có thể bị tấn công.
Đồng thời, máy bay và UAV Israel đã thực hiện 5 cuộc không kích vào 4 thị trấn và làng biên giới, pháo binh Israel cũng bắn phá 8 địa điểm, làm bị thương 4 người ở thị trấn Adaisseh. Lực lượng Hezbollah tại Liban cũng đáp trả bằng việc bắn 40 rocket và phòng nhiều UAV tấn công vào miền Bắc Israel.
Lực lượng Houthi tập kích Israel bằng tên lửa siêu thanh
Theo người phát ngôn Houthi, lực lượng này đã thực hiện vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh vào miền trung Israel sáng 15/9 (giờ địa phương). Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 15/9 cũng xác nhận thông tin miền trung nước này bị tập kích tên lửa. IDF cho biết lực lượng Houthi ở Yemen đứng sau vụ tấn công. Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, IDF nêu rõ các tên lửa của Houthi bay vào vùng phòng không Israel từ phía đông và rơi xuống một khu vực ít dân cư. IDF hiện chưa ghi nhận được thương vong về người.
Iran để ngỏ cánh cửa đàm phán
Truyền thông Iran hôm 14/9 đưa tin Ngoại trưởng nước này khẳng định Tehran sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao nhưng không phải là “đe dọa và gây sức ép”. Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ và một số nước châu Âu áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành hàng không của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời Ngoại trưởng Abbas Araqchi nói rõ: “Iran tiếp tục đi theo con đường sức mạnh riêng của mình, cho dù chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán để giải quyết tranh chấp... nhưng đó phải là đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải là các mối đe dọa và áp lực”.