Quyền khởi kiện của người sử dụng dịch vụ từ dự án đối tác công tư

CAO THỊ THÙY NHƯ (Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Người sử dụng dịch vụ được xem là bên yếu thế trong mối quan hệ PPP. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ để chủ thể này thực hiện quyền khởi kiện nếu quyền lợi của họ bị xâm phạm. Bài viết sẽ làm rõ các quy định pháp luật liên quan đến quyền khởi kiện của người sử dụng dịch vụ từ dự án PPP, chỉ ra một số yếu tố cản trở họ thực hiện quyền khởi kiện và đề xuất một số kiến nghị.

Từ khóa: Quyền khởi kiện, người sử dụng dịch vụ, dự án PPP.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là PPP) là mô hình đang được áp dụng phổ biến ở nước ta. Việc thực hiện dự án PPP sẽ làm phát sinh mối quan hệ giữa nhiều chủ thể (nhà nước, nhà đầu tư, nhà thầu, bên cho vay, người sử dụng dịch vụ) và tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể trên là điều không thể tránh khỏi. Trong các loại tranh chấp, tranh chấp từ phía người sử dụng dịch vụ (viết tắt là NSDDV) được xem là loại tranh chấp đặc biệt. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ NSDDV là bên yếu thế hơn so với những chủ thể khác trong mối quan hệ PPP và có vẻ họ là người ở thế bị động trong mối quan hệ này.

Khi cho rằng dự án PPP được thực hiện trái pháp luật nhưng lại bị buộc phải sử dụng dịch vụ, NSDDV có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do đặc thù của mối quan hệ PPP, cộng với vị thế yếu của NSDDV, đã dẫn đến việc họ không/ không thể thực hiện quyền của mình.

Bài viết sẽ phân tích các quy định pháp luật liên quan đến quyền khởi kiện của NSDDV khi họ không hài lòng với dịch vụ từ dự án PPP, chỉ ra một số yếu tố cản trở họ thực hiện quyền khởi kiện và đề xuất một số kiến nghị.

2. Kết quả nghiên cứu

Để thực hiện quyền khởi kiện, trước hết NSDDV cần phải xác định chủ thể bị kiện (do dự án PPP được thực hiện bởi nhiều chủ thể), xác định loại tranh chấp và cơ quan giải quyết tranh chấp. Sau đó, họ mới tiếp tục xác định những khó khăn mà mình phải đối mặt khi tham gia tố tụng và hướng giải quyết. Do vậy, kết quả nghiên cứu của bài viết sẽ được trình bày theo cấu trúc sau: (i) Loại tranh chấp và cơ quan giải quyết tranh chấp của NSDDV; (ii) Những yếu tố cản trở NSDDV khi thực hiện quyền khởi kiện và kiến nghị.

2.1. Loại tranh chấp và cơ quan giải quyết tranh chấp

2.1.1. Xác định loại tranh chấp

Hợp đồng PPP là sự thỏa thuận giữa một bên là nhà nước (công) với một bên là nhà đầu tư (tư). Trong khi đó, chủ thể sử dụng dịch vụ lại là bên thứ ba (người dân). Chính sự phức tạp trong mối quan hệ này dẫn đến sự phức tạp trong việc xác định bản chất của hợp đồng PPP. Có quan điểm cho rằng, hợp đồng PPP là hợp đồng hành chính[1]. Thế nhưng, theo tinh thần của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thì hợp đồng PPP là hợp đồng thương mại[2]. Đây cũng là xu hướng được đồng tình và khuyến khích bởi nhiều chuyên gia khi thảo luận về vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP[3].

Như vậy, tùy cách lý giải mà hợp đồng PPP có thể được xác định là hợp đồng hành chính hay hợp đồng thương mại. Thế nhưng, dù hợp đồng PPP là loại hợp đồng gì cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định loại tranh chấp giữa NSDDV với các chủ thể còn lại. Điều quan trọng nhất là NSDDV muốn kiện chủ thể nào trong hợp đồng đó.

Có hai khả năng có thể xảy ra như sau:

Một là, nếu chủ thể bị kiện là cơ quan nhà nước (viết tắt là CQNN) thì đó là tranh chấp hành chính. Theo đó, NSDDV sẽ khởi kiện quyết định hành chính của CQNN có thẩm quyền - cơ sở để nhà đầu tư/ doanh nghiệp dự án (viết tắt là NĐT/ DNDA) tổ chức thu phí dịch vụ. Bởi chính quyết định hành chính đó đã buộc NSDDV phải trả phí khi đi qua trạm thu phí.

Hai là, nếu chủ thể bị kiện là NĐT/ DNDA, đó là tranh chấp dân sự[4]. Theo đó, NSDDV sẽ khởi kiện việc thu phí dịch vụ của NĐT/ DNDA. Cơ sở để khởi kiện là giữa NSDDV và NĐT/ DNDA có quan hệ hợp đồng cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng (chất lượng công trình không được đảm bảo/ phí dịch vụ quá cao/ họ không sử dụng nhưng vẫn phải trả phí).

Như vậy, tùy vào chủ thể bị kiện là CQNN hay NĐT/ DNDA mà tranh chấp được xác định là tranh chấp hành chính hay tranh chấp dân sự. Mặc dù Nghị định số 63/2018/NĐ-CP không có quy định rõ về loại tranh chấp này[5] nhưng với tư cách là bên bị thiệt hại, NSDDV có quyền tự xác định loại tranh chấp của mình để khởi kiện.

2.1.2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Việc xác định loại tranh chấp ở mục 2.1.1 sẽ ảnh hưởng đến việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Có 2 trường hợp có thể xảy ra như sau:

Trường hợp 1: NSDDV khởi kiện vụ án hành chính.

Trong trường hợp này, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Theo đó, cấp tòa án có thẩm quyền là cấp tỉnh. Do hợp đồng PPP được ký kết bởi Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh[6] nên quyết định tổ chức thu phí cũng sẽ được ban hành bởi những cơ quan này[7]. Theo quy định, tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước cấp tỉnh[8].

Về thẩm quyền theo lãnh thổ, đối với quyết định hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của người khởi kiện. Nếu người khởi kiện không có nơi cư trú, làm việc, có trụ sở ở Việt Nam, tòa án có thẩm quyền là nơi CQNN bị khởi kiện ra quyết định hành chính[9]. Đối với quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh, tòa án có thẩm quyền là tòa án cùng địa giới hành chính với UBND cấp tỉnh đã ra quyết định hành chính[10].

Như vậy, tùy vào quyết định hành chính được ban hành bởi CQNN nào mà NSDDV sẽ khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền tương ứng. NSDDV không bắt buộc phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, bởi Luật Khiếu nại cho người dân quyền lựa chọn khiếu nại đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án hành chính[11].

Trường hợp 2: NSDDV khởi kiện vụ án dân sự.

Trong trường hợp này, NSDDV có thể lựa chọn tòa án hoặc trọng tài thương mại.

 (i) Tòa án:

Đối với tranh chấp hợp đồng dân sự, cấp tòa án có thẩm quyền là cấp huyện. Tuy nhiên, nếu có đương sự ở nước ngoài, vụ tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh[12]. Ngoài ra, TAND cấp tỉnh cũng có thể lấy lên để giải quyết nếu xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của TAND cấp huyện[13].

Về thẩm quyền theo lãnh thổ, tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi bị đơn (NĐT/ DNDA) có trụ sở. Nguyên đơn có thể thỏa thuận với bị đơn về việc khởi kiện tại tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở. Ngoài ra, đối với tranh chấp hợp đồng, nguyên đơn có thể khởi kiện tại tòa án nơi hợp đồng được thực hiện[14].

Như vậy, trong tố tụng dân sự, có thể có nhiều tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, theo nhận định của tác giả, đây là vụ án phức tạp và chưa có tiền lệ, có thể TAND cấp tỉnh sẽ thụ lý giải quyết. Đồng thời, mặc dù pháp luật cho nguyên đơn quyền lựa chọn tòa án theo lãnh thổ nhưng cách chủ động nhất và thuận tiện nhất cho nguyên đơn là khởi kiện ở tòa án nơi hợp đồng được thực hiện, tức là nơi đặt trạm thu phí, vì thường đây cũng chính là nơi cư trú của NSDDV.

 (ii) Trọng tài:

Mặc dù tranh chấp giữa NSDDV và NĐT/ DNDA không phải là tranh chấp kinh doanh, thương mại nhưng vẫn có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại. Bởi theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại[15].

Nếu lựa chọn trọng tài, việc xác định thẩm quyền của trọng tài không còn phụ thuộc nhiều vào quy định pháp luật mà phải tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên, tức NSDDV và NĐT/ DNDA, bởi Luật Trọng tài thương mại tôn trọng tối đa quyền tự định đoạt của các bên[16].

2.2. Những yếu tố cản trở NSDDV thực hiện quyền khởi kiện và kiến nghị

Mặc dù cơ sở pháp lý của quyền khởi kiện đã rõ, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại một số rào cản làm cho NSDDV không thể thực hiện quyền của mình. Sau đây, bài viết sẽ phân tích các rào cản đó, đồng thời đưa ra kiến nghị theo từng loại tranh chấp và từng phương thức giải quyết tranh chấp.

Thứ nhất, khởi kiện vụ án hành chính và vụ án dân sự tại tòa án.

Khó khăn đầu tiên của người khởi kiện là không có thông tin về quyết định hành chính của CQNN cũng như các tài liệu khác về dự án PPP. Trong khi đó, pháp luật quy định người khởi kiện vụ án hành chính có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính bị khởi kiện; người khởi kiện vụ án dân sự có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình[17]. Với sự hạn chế trong việc minh bạch hóa thông tin dự án PPP như hiện nay[18], đây được xem là một rào cản lớn của người dân khi khởi kiện.

Để giải quyết khó khăn này, ngoài các giải pháp minh bạch hóa thông tin dự án PPP mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện, cũng cần phát huy vai trò hỗ trợ thu thập chứng cứ của Tòa án và nghĩa vụ cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu[19]. Ngoài ra, có thể cân nhắc việc chuyển nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho phía chủ thể bị kiện, tức CQNN, NĐT/ DNDA. Theo đó, các chủ thể này có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh việc thực hiện dự án PPP hoàn toàn hợp pháp. Đề xuất trên tương tự quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của người tiêu dùng khi khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ[20]. Tuy nhiên, vấn đề này cần được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về PPP cũng như trong pháp luật tố tụng để thuận tiện cho việc áp dụng.

Khó khăn thứ hai của người khởi kiện đó là họ sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức tham gia vụ kiện trong khi số tiền phí dịch vụ bị mất không quá lớn. Do vậy, những người không thường xuyên sử dụng dịch vụ có thể sẽ bỏ ý định khởi kiện.

Để giải quyết khó khăn này, theo tác giả, cần cho phép áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn. Hiện nay, LTTHC 2015 và BLTTDS 2015 đều có quy định thủ tục rút gọn áp dụng đối với những vụ án hành chính, dân sự có tính chất đơn giản[21]. Thế nhưng, nếu xét theo tiêu chí này thì tranh chấp dự án PPP không đáp ứng được. Bởi để xác định việc thu phí có hợp pháp hay không, chất lượng dịch vụ có tương xứng với mức phí hay không cần thu thập rất nhiều tài liệu, chứng cứ nếu không nói là rất phức tạp.

Tuy nhiên, pháp luật tố tụng có quy định theo hướng mở rằng trường hợp luật khác có quy định thì tranh chấp vẫn sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn[22]. Như vậy, nếu Nghị định số 63/2018/NĐ-CP hoặc Luật PPP sắp ban hành có quy định việc giải quyết theo thủ tục rút gọn tranh chấp giữa NSDDV và CQNN, NĐT/ DNDA, đây sẽ là cơ sở pháp lý để loại tranh chấp này được giải quyết đơn giản hơn.

Tính đơn giản của thủ tục rút gọn thể hiện ở việc người dân không cần phải tham gia nhiều vào quy trình tố tụng. Tòa án không hoãn phiên tòa bất kể người tham gia tố tụng hay đại diện Viện kiểm sát không có mặt. Thậm chí, các bên có thể yêu cầu xử vắng mặt. Việc hòa giải, trình bày, tranh luận, đối đáp được thực hiện một lần ngay tại phiên tòa[23]. Điều này sẽ giảm bớt sự e ngại của người dân và giảm bớt chi phí tố tụng.

Khó khăn thứ ba, theo một quan điểm khác, đó là án phí trong vụ án dân sự. Cụ thể, do dự án PPP thường có giá trị lớn nên mức tạm ứng án phí tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị tranh chấp sẽ rất lớn. Nếu thắng kiện thì cả cộng đồng được hưởng; ngược lại thì bản thân NSDDV sẽ phải chịu[24].

Tuy nhiên, theo tác giả, do chưa có tiền lệ nên cần xác định lại rõ ràng về cách tính án phí đối với tranh chấp giữa NSDDV và NĐT/ DNDA. Cụ thể, án phí được tính dựa trên số tiền phí dịch vụ mà NSDDV đã trả cho NĐT/ DNDA hay tính trên giá trị công trình. Nếu tính tỷ lệ phần trăm trên số tiền phí dịch vụ mức án phí cũng không quá lớn[25]. Cách tính này theo tác giả là phù hợp, bởi NSDDV không tranh chấp công trình dự án mà họ chỉ tranh chấp số tiền mà họ bị mất khi sử dụng dịch vụ.

Thứ hai, khởi kiện tranh chấp tại trọng tài.

Rào cản lớn nhất để NSDDV khởi kiện tại trọng tài đó là thỏa thuận trọng tài. Theo quy định pháp luật, điều kiện để vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài là phải có thỏa thuận trọng tài[26]. Do đó, bản thân NSDDV không thể đơn phương nộp đơn khởi kiện đến trọng tài nếu NĐT/ DNDA không đồng ý.

Ngoài ra, một quan điểm khác cho rằng nguyên tắc giải quyết không công khai cũng là một bất lợi của phương thức trọng tài. Cụ thể, theo nguyên tắc này, bất kỳ ai không liên quan đến vụ tranh chấp, kể cả cơ quan báo chí, đều không được tiếp cận hồ sơ vụ tranh chấp hay đưa tin về vụ tranh chấp nếu các bên tranh chấp không đồng ý[27]. Nếu vậy, sẽ không có áp lực nào được tạo ra cho NĐT/ DNDA hay CQNN để giải quyết sai phạm từ dự án (nếu có), trong khi sai phạm này ảnh hưởng đến cả cộng đồng chứ không riêng người khởi kiện.

Tác giả đồng tình với những khó khăn trên. Tuy nhiên, đó đã là những nguyên tắc cơ bản của tố tụng trọng tài. Do phương thức trọng tài được thiết kế phù hợp với đặc thù của các tranh chấp kinh doanh, thương mại, trong đó tôn trọng sự thỏa thuận và bình đẳng giữa các bên, nên pháp luật PPP cũng không thể can thiệp sâu để bảo vệ quyền lợi cao hơn cho NSDDV hay cộng đồng. Vậy nên, nếu hai bên tranh chấp có thiện chí, trọng tài vẫn sẽ là phương thức giải quyết khách quan hơn, bởi tòa án vẫn là một cơ quan nhà nước trong khi nhà nước lại là một bên trong hợp đồng PPP. Ngược lại, NSDDV sẽ buộc phải lựa chọn tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp. Lúc này, áp lực từ phía báo chí, cộng đồng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho người khởi kiện.

3. Kết luận

Bài viết đã làm rõ quy định pháp luật về quyền khởi kiện của NSDDV khi họ cho rằng dự án PPP được thực hiện trái pháp luật, đặt mình vào thế bị động phải sử dụng dịch vụ và quyền lợi của mình bị xâm phạm. Qua đó, bài viết cũng đã chỉ ra những vấn đề mà người khởi kiện e ngại khi thực hiện quyền khởi kiện của mình, cũng như đề xuất một số giải pháp pháp lý nhằm tháo gỡ một phần tâm lý e ngại đó. Cần nhấn mạnh rằng, cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ bao gồm nhiều phương thức khác, như: thương lượng, hòa giải, khiếu nại. Khởi kiện không phải là giải pháp được khuyến khích, nhưng vẫn cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lựa chọn và thực hiện.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Lê Hương Giang (2016), “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng đối tác công tư”, Nhà nước và Pháp luật, 05, tr. 50-57.

2 Điều 67 Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

3 Quan điểm này được các chuyên gia đưa ra trong Hội thảo “Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, thực tiễn quốc tế và định hướng chính sách” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) phối hợp tổ chức ngày 4/7/2019 tại Hà Nội.

4 Có thể xếp loại tranh chấp này vào nhóm tranh chấp về hợp đồng dân sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015). Đây không phải là tranh chấp kinh doanh, thương mại theo Điều 30 BLTTDS 2015 bởi một bên trong tranh chấp là NSDDV không có đăng ký kinh doanh và không vì mục đích lợi nhuận.

5 Điều 67 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP chỉ quy định loại tranh chấp giữa CQNN, NĐT/ DNDA và các bên đối tác của NĐT/ DNDA.

6 Điều 8 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP

7 Một số ví dụ:

- Quyết định số 4028/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 11/10/2018 về việc thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT.

- Quyết định số 3885/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 2/12/2016 về việc thu phí tại trạm thu phí Km763+800 Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Trị theo mức thu tại Thông tư số 135/2016/TT-BTC ngày 8/9/2016 của Bộ Tài chính để hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km741+170 – Km756+706, tỉnh Quảng Trị theo hình thức hợp đồng BOT.

8 Khoản 1, 3 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 (LTTHC 2015).

9 Khoản 1 Điều 32 LTTHC 2,15.

10  Khoản 3 Điều 32 LTTHC 2015.

11 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011.

12 Điểm a Khoản 1, Khoản 3 Điều 35 BLTTDS 2015.

13 Khoản 2 Điều 37 BLTTDS 2015.

14 Điểm a, b Khoản 1 Điều 39, Điểm g Khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015.

15 Khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 (LTTTM 2010).

16 Khoản 1 Điều 4 LTTTM 2010.

17 Điều 78 LTTHC 2015, Điều 91 BLTTDS 2015.

18 Theo khảo sát của tác giả, các hệ thống cơ sở dữ liệu về PPP như Cổng thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (http://ppp.mt.gov.vn) và Trang thông tin điện tử về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (http://ppp.mpi.gov.vn) chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin cơ bản về dự án PPP, không có thông tin về cơ sở pháp lý của việc tổ chức thu phí.

19 Khoản 2 Điều 9, Điều 10 LTTHC 2015; Khoản 2 Điều 6, Điều 7 BLTTDS 2015.

20 Điểm a Khoản 1 Điều 91 BLTTDS 2015.

21 Điều 317 BLTTDS 2015, Điều 246 LTTHC 2015.

22 Khoản 3 Điều 245 LTTHC 2015, Khoản 3 Điều 316 BLTTDS 2015.

23 Điều 320 BLTTDS 2015, Điều 249 LTTHC 2015.

24 Võ Trí Hảo, https://www.thesaigontimes.vn/289713/tra-lai-dac-tinh-cong-cho-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-.html, truy cập ngày 10/01/2020.

25 Xem thêm cách tính án phí tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

26 Khoản 1 Điều 5 LTTTM 2010.

27 Võ Trí Hảo, tlđd số 24.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
  2. Luật Khiếu nại 2011.
  3. Luật Tố tụng Hành chính 2015.
  4. Luật Trọng tài thương mại 2010.
  5. Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
  6. Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
  7. Quyết định số 3885/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 2/12/2016 về việc thu phí tại trạm thu phí Km763+800 Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Trị theo mức thu tại Thông tư số 135/2016/TT-BTC ngày 8/9/2016 của Bộ Tài chính để hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km741+170 - Km756+706, tỉnh Quảng Trị theo hình thức hợp đồng BOT.
  8. Quyết định số 4028/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 11/10/2018 về việc thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT.
  9. Lê Hương Giang (2016), “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng đối tác công tư”, Nhà nước và Pháp luật, 05, tr. 50-57.
  10. Võ Trí Hảo, https://www.thesaigontimes.vn/289713/tra-lai-dac-tinh-cong-cho-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-.html, truy cập ngày 10/01/2020.
  11. http://ppp.mt.gov.vn
  12. http://ppp.mpi.gov.vn

The right to sue of PPP projects’ service users

CAO THI THUY NHU

Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

Service users are considered as the weak side in Public-Private Partnership (PPP) projects. Therefore, it is necessary to have solutions to support them in exercising their right to sue if their rights are infringed upon. This article clarifies the legal provisions related to the right to sue of PPP projects’ service users, addresses some factors preventing service users from exercising their right and proposes some recommendations to this issue.

Keywords: Right to sue, PPP project, service user.