Kiểm soát điều kiện năng lực của nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, nhìn từ góc độ pháp lý

ThS. VÕ HƯNG MINH HIỀN (Khoa Luật - Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Min) và ThS. LÊ CÔNG TÂM (Khoa Kinh tế và Quản lý công, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hay còn gọi là dự án PPP (Public Private Partner) đang được Việt Nam khuyến khích thực hiện, nhằm mục đích xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Các nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện tư cách pháp lý, năng lực kỹ thuật, tài chính theo quy định của pháp luật nói chung và quy định của từng dự án cụ thể nói riêng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của dự án. Vấn đề đặt ra là làm cách nào có thể kiểm soát nguồn lực và năng lực của nhà đầu tư xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án.

Bài viết phân tích các quy định pháp lý liên quan đến kiểm soát nguồn lực và năng lực của nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự án PPP, nhằm đề xuất giải pháp pháp lý phù hợp bảo đảm nguyên tắc đầu tư hiệu quả.

Từ khóa: Điều kiện năng lực, dự án đầu tư PPP, năng lực nhà đầu tư, kiểm soát nguồn lực.

1. Đặt vấn đề

Dự án đầu tư PPP là dự án được triển khai trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa một bên là nhà nước và một bên là nhà đầu tư. Đây là dự án đầu tư công, nên nhằm bảo đảm chất lượng dự án, đạt được các mục tiêu về mặt kinh tế - xã hội, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tuyển chọn, giao dự án cho đối tác có năng lực tốt thực hiện. Mặc dù pháp luật có quy định về điều kiện năng lực của nhà đầu tư khi thực hiện dự án PPP, nhưng nội dung điều chỉnh lại nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau và dường như chưa có cơ chế quản lý đồng nhất để tăng tính hiệu quả kiểm soát năng lực nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Hội thảo “Hiệu quả đầu tư phương pháp giảm thiểu rủi ro đối với dự án PPP” diễn ra tại Hà Nội ngày 10/5/2016 thì hình thức đầu tư PPP là hình thức đầu tư mới. Do đó, khi triển khai dự án, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn trong việc quản lý, cũng như ban hành các quy định để có thể quản lý năng lực của các nhà đầu tư, cũng như khả năng thực hiện theo những gì cam kết trong hồ sơ năng lực.

Vì vậy, bài viết này tập trung phân tích ba khía cạnh: năng lực pháp lý, năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính. Từ đó, nhận diện ra các vấn đề còn tồn tại, đồng thời gợi ý một số các chính sách giúp các nhà quản lý hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.

2. Quy định về năng lực của nhà đầu tư

Năng lực của nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự án PPP sẽ được xem xét ở ba khía cạnh là: tư cách pháp lý; năng lực kỹ thuật, công nghệ và năng lực tài chính.

2.1. Về tư cách pháp lý của nhà đầu tư

Nhà đầu tư phải bảo đảm về mặt tư cách pháp lý, được thành lập hợp pháp, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề mà dự án sắp sửa triển khai. Nếu đây là dự án, lĩnh vực hoạt động thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư còn phải đáp ứng những điều kiện này. Nếu là dự án đầu tư có sử dụng đất thì nhà đầu tư còn phải đáp ứng điều kiện là không vi phạm pháp luật đất đai.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải có đủ tư cách dự thầu, không bị cấm tham gia đấu thầu. Hơn nữa, nhà đầu tư còn phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh trong đấu thầu, độc lập về mặt pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, đánh giá và lựa chọn hồ sơ này.

Điều này có nghĩa rằng: các nhà đầu tư khi cùng tham gia chung trong một dự án PPP, tự bản thân mỗi nhà đầu tư phải đáp ứng đầy đủ năng lực pháp lý và xét trên tổng thể các nhà đầu tư cũng phải thỏa điều kiện này nhằm chuẩn bị cho việc thành lập doanh nghiệp dự án về sau.

2.2. Về năng lực kỹ thuật, công nghệ

Dự án PPP là dự án được thực hiện nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội. Nên yếu tố hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Việc quyết định lựa chọn và giao cho nhà đầu tư nào thực hiện dự án còn phải tính đến năng lực kỹ thuật, công nghệ. Cụ thể, đó chính là kinh nghiệm của nhà đầu tư và công nghệ, kỹ thuật mà nhà đầu tư sử dụng để triển khai dự án. Mặt khác, điều kiện này cũng tính đến nhà đầu tư được các đối tác cam kết hỗ trợ thực hiện dự án như các nhà thầu, bên cho vay, bên hỗ trợ các nguồn lực khác để nhà đầu tư hoàn thành tốt công việc của mình.

Các yếu tố trên được xem xét một cách thận trọng ở giai đoạn đấu thầu hoặc chỉ định thầu, bắt đầu bằng việc xem xét năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư ở khâu sơ tuyển (đối với các dự án áp dụng sơ tuyển nhà đầu tư) trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và xem xét chi tiết về đề xuất kỹ thuật ở khâu đánh giá hồ sơ dự thầu. Mặc dù trước đó, nếu nhà đầu tư là người đề xuất thực hiện dự án thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 15/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư cần có những giấy tờ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư cũng như kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự (nếu có) trong nội dung hồ sơ đề xuất thực hiện dự án.

Chỉ có hồ sơ của nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại.

2.3. Về năng lực tài chính của nhà đầu tư

Có thể thấy rằng, từ khi Việt Nam có cơ chế pháp lý đầu tiên điều chỉnh việc đầu tư theo hình thức BOT (một dạng của PPP) đó là Nghị định 18-CP ngày 16/4/1993 quy định chi tiết việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định 87-CP ngày 23/11/1993 ban hành quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, cho đến nay Nghị định 15/2015/NĐ-CP đang có hiệu lực hiện hành thì việc kiểm soát năng lực tài chính của nhà đầu tư được quan tâm và quản lý theo hướng chặt chẽ hơn. Từ việc không quy định chi tiết hoặc ràng buộc nhà đầu tư chứng minh năng lực và bằng mức định lượng cụ thể về mặt tài chính để thực hiện dự án, pháp luật từng bước có sự chuyển hóa ràng buộc nhà đầu tư phải đặt cọc một khoản tiền, tiến đến là quy định mức vốn tối thiểu của nhà đầu tư cần có để được tham gia vào dự án. Điều này có ý nghĩa trong việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, đồng thời đây cũng chính là cam kết ràng buộc trách nhiệm để nhà đầu tư gắn bó với dự án, quản trị dự án hiệu quả nhằm thu hồi vốn đầu tư và gia tăng lợi tức cho dự án.

3. Quản lý, kiểm soát khả năng đáp ứng về năng lực của nhà đầu tư

Quản lý, kiểm soát khả năng đáp ứng về năng lực của nhà đầu tư được tiến hành theo ba giai đoạn như sau: Lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án, quyết toán công trình.

3.1. Giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư

Giai đoạn này được tính từ khi công bố thông tin dự án để kêu gọi nhà đầu tư cho đến khi hợp đồng dự án được ký kết và doanh nghiệp dự án được thành lập (đối với trường hợp bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp dự án). Nhà đầu tư cần phải hội đủ các điều kiện về năng lực để được tham gia vào các dự án PPP. Mức độ đáp ứng về mặt năng lực của nhà đầu tư càng cao, thì khả năng được lựa chọn càng lớn.

Nếu ở phần đầu của giai đoạn này, cơ quan có thẩm quyền tập trung xem xét, kiểm tra khả năng đáp ứng về năng lực của nhà đầu tư để quyết định lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, thì ở cuối giai đoạn này lại chưa có cơ chế bảo đảm cho việc kiểm soát tính tuân thủ, cụ thể:

- Một là, chưa có cơ chế kiểm soát về nội dung hợp đồng dự án phải cụ thể hóa nhằm thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện các cam kết của nhà đầu tư tại hồ sơ dự thầu, cũng như yêu cầu đối với nhà đầu tư tại hồ sơ mời thầu. Theo quy trình đàm phán hợp đồng tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP thì việc đàm phán hợp đồng trải qua hai giai đoạn là đàm phán sơ bộ đối với nhà đầu tư xếp thứ hạng cao nhất trong các nhà đầu tư dự thầu và đàm phán chính thức sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Ở giai đoạn đàm phán sơ bộ, theo điểm a Khoản 4 Điều 40 Nghị định 20/2015/NĐ-CP, các bên đàm phán về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, giữa các nội dung khác nhau trong hồ sơ dự thầu có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Còn về nội dung đàm phán chính thức, hay còn gọi là đàm phán hoàn thiện hợp đồng được quy định tại Khoản 2 Điều 43 Nghị định 30/2015/NĐ-CP, phải không được làm thay đổi căn bản các nội dung đàm phán sơ bộ hợp đồng. Cơ chế này giúp cơ quan nhà nước có thể linh hoạt lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất. Tuy nhiên, quy định trên cũng có thể được hiểu là các bên có quyền đàm phán thay đổi một hoặc một số nội dung mà hồ sơ mời thầu và/hoặc hồ sơ dự thầu đưa ra để bảo đảm khả năng thực hiện dự án. Như vậy, cơ sở nào bảo đảm rằng việc thay đổi này sẽ không ảnh hưởng và vẫn đáp ứng đúng các yêu cầu của dự án như đã được thẩm định và phê duyệt trước đó?

- Hai là, chưa có cơ chế kiểm soát về nguồn lực tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp dự án. Vốn chủ sở hữu thực hiện dự án là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án, do các nhà đầu tư góp vốn. Tại thời điểm tham gia đấu thầu dự án thì doanh nghiệp dự án chưa thành lập nên chỉ có các nhà đầu tư cam kết có số vốn tối thiểu thực hiện dự án thông qua các minh chứng về tình hình tài chính của nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư là tổ chức mới được thành lập, thì công ty mẹ cam kết bảo đảm vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính của dự án. Nhưng hiện nay, pháp luật chưa quy định về cơ chế để kiểm soát việc nhà đầu tư, công ty mẹ hoặc tổ chức tài trợ vốn cho nhà đầu tư có thực hiện đúng cam kết hay không. Do đó, vẫn có thể xảy ra tình trạng công ty dự án được thành lập, nhưng vốn chủ sở hữu không được bảo đảm góp đúng, góp đủ theo cam kết.

Mặt khác, pháp luật chưa quy định rõ trường hợp nhà đầu tư có được phép thay đổi hình thức góp vốn vào doanh nghiệp dự án. Rõ ràng trong trường hợp nhà đầu tư thay đổi hình thức góp vốn từ tiền mặt sang góp vốn bằng tài sản như máy móc thiết bị, hoặc trong trường hợp nhà đầu tư này là tổ chức mới được thành lập mà phía công ty mẹ sử dụng hình thức góp vốn bằng tài sản, thì chắc chắn doanh nghiệp dự án không có đủ vốn lưu động sử dụng cho triển khai dự án, mà tất cả các nguồn này đều từ vốn vay.

Vấn đề quản lý nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện dự án cũng cần đặt ra trong trường hợp nhà đầu tư dùng phần vốn trong các doanh nghiệp dự án để thế chấp. Hiện tại, Nghị định 15/2015/NĐ-CP chỉ quy định về việc nhà đầu tư được chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án cho bên cho vay và nhà đầu tư khác nếu thỏa mãn điều kiện không ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án nói chung, cũng như phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh theo pháp luật đầu tư và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư đang thế chấp phần vốn góp và có khả năng xảy ra rủi ro là bên cho vay (hoặc bên có quyền) xử lý tài sản thế chấp, thì lúc này không thuộc trường hợp chuyển nhượng dự án, mà là chuyển nhượng quyền sở hữu vốn trong doanh nghiệp dự án. Một khi bên thứ ba nắm giữ quyền sở hữu vốn tại doanh nghiệp dự án thì bên này sẽ có quyền chi phối, kiểm soát thực hiện dự án.

3.2. Giai đoạn thực hiện dự án

Kiểm soát điều kiện năng lực của nhà đầu tư trong giai đoạn thực hiện dự án chủ yếu là kiểm soát tính tuân thủ các cam kết về mặt năng lực kỹ thuật, công nghệ thi công công trình hoặc thực hiện dự án. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì việc kiểm soát này được thực hiện qua quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng tại Điều 4 Thông tư 26/2016/TT-BXD, ngày 26/10/2016, quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án, doanh nghiệp dự án là các tổ chức có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình. Cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng.

Nhưng theo Khoản 1 Điều 10 Luật Xây dựng thì đơn vị tư vấn giám sát là tổ chức có chức năng chuyên môn sẽ đảm nhận vai trò giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Hay nói cách khác, đơn vị tư vấn giám sát là tổ chức tư vấn về mặt chuyên môn cho chủ đầu tư để bảo đảm công trình thi công theo đúng hồ sơ, kế hoạch được phê duyệt. Toàn bộ giai đoạn thi công, kể cả việc cung cấp máy móc, thiết bị thi công, kiểm tra năng lực nhân sự, đội ngũ thi công đều phải có đơn vị tư vấn giám sát theo dõi và xác nhận.

Việc giám sát của đơn vị tư vấn giám sát hiện nay đa phần tập trung vào các vấn đề kỹ thuật. Chính điều này tạo kẽ hở cho một số nhà đầu tư vay mượn danh tiếng để được tham gia thực hiện dự án. Trừ điều kiện về năng lực pháp lý của từng nhà đầu tư thì luật không bắt buộc mỗi nhà đầu tư đều phải thỏa mãn điều kiện về năng lực kỹ thuật, công nghệ và năng lực tài chính khi cùng thực hiện một dự án. Thay vào đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng năng lực của nhau dưới dạng hợp tác, liên danh trong đấu thầu để thực hiện dự án. Cơ chế này tạo điều kiện cho từng nhà đầu tư phát huy thế mạnh của mình và tối ưu hóa nguồn lực đầu tư cho dự án. Nhưng đến giai đoạn thực hiện dự án, nếu đơn vị tư vấn giám sát không thực hiện tốt vai trò của mình dẫn đến nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm cho mượn danh, thực tế không tham gia thi công mà chuyển lại nghĩa vụ này cho nhà đầu tư khác, bên có năng lực tài chính, để triển khai dự án. Vô hình trung, chất lượng công trình không được bảo đảm, thực tế triển khai không tuân thủ cam kết ban đầu khi tham gia đấu thầu.

Như vậy, để bảo đảm đơn vị tư vấn giám sát thực hiện công việc một cách mẫn cán, trung thực và độc lập với doanh nghiệp dự án, các nhà thầu phụ, thì ngay từ đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án, Ban quản lý dự án cũng phải mẫn cán trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình đối với dự án, đặc biệt là kiểm soát được công việc của đơn vị tư vấn giám sát trong suốt thời gian dự án được triển khai. Nhưng về pháp lý, luật chưa quy định cụ thể về trách nhiệm liên đới của Ban quản lý dự án và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án trong trường hợp đơn vị tư vấn giám sát có sai phạm khi thực hiện công việc của mình do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Ban quản lý dự án.

Hiện tại, chế tài về mặt pháp lý đối với đơn vị tư vấn giám sát là sẽ phải bồi thường thiệt hại khi làm sai lệch kết quả giám sát. Trên thực tế, sai phạm của đơn vị tư vấn giám sát rất khó phát hiện. Hầu hết, vai trò của tư vấn giám sát có thể được đặt ra khi có kết luận thanh tra xây dựng hoặc kết luận của Kiểm toán Nhà nước về vi phạm quản lý chất lượng công trình. Khi đó, cần phải chứng minh thiệt hại và xác định trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm cả trách nhiệm của nhà thầu và trách nhiệm đơn vị tư vấn giám sát, Ban quản lý dự án, cơ quan quản lý nhà nước để quy nghĩa vụ bồi thường cho từng bên. Nhưng hầu hết ở các công trình xây dựng hiện nay thì các kiến nghị xử lý chỉ xoay quanh trách nhiệm của doanh nghiệp dự án và nhà thầu phụ thi công công trình.

3.3. Giai đoạn quyết toán công trình

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng công trình dự án.

Tại thời điểm quyết toán, kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đơn vị kiểm toán sẽ xem xét, đánh giá tổng thể thực tế thi công công trình, triển khai dự án so với các yêu cầu trong hồ sơ dự án. Kiểm toán bao gồm kiểm tra về điều kiện năng lực pháp lý của nhà đầu tư; đánh giá tổng thể công trình thông qua xem xét chất lượng, công nghệ kỹ thuật thi công, tiến độ hoàn thành, bảo vệ môi trường; đánh giá các khoản chi phí thực hiện dự án... Bất kỳ một khoản mục nào thực hiện không đúng thì sẽ bị loại trừ chi phí khi quyết toán, thanh toán cho nhà đầu tư.

Giai đoạn đánh giá này có thể được xem là giai đoạn hậu kiểm khi công trình, dự án đã hoàn thành. Việc kiểm tra, giám sát có ý nghĩa về mặt thanh toán và xem xét trách nhiệm của các bên nếu có vi phạm. Thông thường, các kiến nghị xử lý ở giai đoạn này hầu hết được quy thành chi phí, cụ thể là loại trừ chi phí mà nhà đầu tư lẽ ra được hưởng nếu nhà đầu tư không vi phạm chất lượng dự án. Nhưng có những vi phạm của nhà đầu tư chẳng hạn như vi phạm về năng lực quản lý và thi công, an toàn lao động, nguồn vốn thực hiện dự án, vi phạm khác sẽ khó có thể tính toán chi phí vì hợp đồng dự án không thể hiện. Khi đó, lỗi vi phạm này vẫn được ghi nhận nhưng kết quả cuối cùng là dự án vẫn được quyết toán, nhà đầu tư vẫn được thanh toán mặc dù xét trên tổng thể thì các lỗi vi phạm này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tính đúng đắn giữa thực tế thi công và hồ sơ yêu cầu của dự án.

4. Đề xuất các giải pháp

Một trong những yếu tố quan trọng để dự án PPP được triển khai hiệu quả là cần phải có nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện dự án. Để quản lý kiểm soát năng lực nhà đầu tư trong suốt quá trình từ khi lựa chọn nhà đầu tư cho đến khi quyết toán dự án, một số giải pháp pháp lý nên được áp dụng như sau:

Một là, quy định về cơ chế kiểm soát chặt chẽ về nội dung hợp đồng dự án phải cụ thể hóa nội dung đề xuất tại hồ sơ dự thầu cũng như các nội dung yêu cầu đối với nhà đầu tư tại hồ sơ mời thầu và bảo đảm tính thống nhất của các nội dung này. Mọi vấn đề đàm phán, thương lượng hợp đồng chỉ là chi tiết hóa các biện pháp triển khai mà không làm thay đổi các yêu cầu cơ bản được quy định trong các hồ sơ trên.

Hai là, quy định về cơ chế kiểm soát về nguồn lực tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp dự án. Cần bảo đảm rằng đây là nguồn vốn tự có, không có nguồn gốc từ vốn vay ngân hàng. Đồng thời, mọi giao dịch liên quan đến thế chấp phần vốn tại các doanh nghiệp dự án đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trước khi thực hiện giao dịch.

Ba là, cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị của Ban quản lý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án. Cụ thể đó là phân định và quy định trách nhiệm liên đới của các cơ quan, tổ chức này và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp để xảy ra sai phạm về quản lý chất lượng công trình dự án. Ngoài ra, khi thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì cần xem xét trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát thay vì chỉ tập trung xem xét vi phạm của nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình.

Bốn là, quy định chế tài nghiêm khắc hơn thay vì chỉ loại trừ chi phí của nhà đầu tư do không bảo đảm chất lượng, yêu cầu thực hiện dự án thực tế so với hồ sơ dự án, hồ sơ đấu thầu. Ngoài các quy định về bồi thường thiệt hại, chế tài này có thể buộc nhà đầu tư phải chuyển nhượng bắt buộc dự án cho nhà đầu tư khác để khắc phục, xử lý hậu quả trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu của hồ sơ dự án.

Năm là, ban hành luật điều chỉnh riêng cho dự án PPP. Nên có cơ chế điều chỉnh tập trung, thống nhất để bảo đảm tính ổn định về mặt pháp lý. Trong đó cụ thể các quy định về năng lực của nhà đầu tư. Tránh tình trạng điều chỉnh một cách rải rác ở nhiều văn bản pháp lý dưới luật như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Xây dựng.

2. Nghị định 77/NĐ-CP ngày 18/6/1997, về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (B.O.T) áp dụng cho đầu tư trong nước.

2. Nghị định 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

3. Nghị định 30/2015/NĐ-CP, ngày 17/3/2015, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

4. Nghị định 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

5. Thông tư 55/2016/TT-BTC, ngày 23/3/2016, quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

6. Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT, ngày 28/6/2016, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

7. Thông tư 26/2016/TT-BXD, ngày 26/10/2016, quy định chi tiết một số nội dung quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

8. Thông tư 09/2016/TT-BTC, ngày 18/01/2016, quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

CONTROLING THE INVESTOR'S ABILITY TO PERFORM

A PPP PROJECT FROM A LEGAL PERSPECTIVE

MA. VO HUNG MINH HIEN

Faculty of Law - Ho Chi Minh City Open University

MA. LE CONG TAM

Faculty of Economics and Public Administration - Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

The Public Private Partnership (PPP) project is being promoted by Vietnam for the purpose of building infrastructure and socio-economic development in Vietnam. Investors participating in PPP projects should fully meet the conditions of legal status, technical and financial capacity in accordance with the law in general and the provisions of each specific project in particular. Ensure the quality and effectiveness of the project. The problem is how to control the resources and capacity of investors throughout the project implementation process.

The paper analyzes legal regulations related to controlling the resources and capabilities of investors when participating in the implementation of PPP projects, in order to propose appropriate legal solutions to ensure the principle of effective investment.

Keywords: Capability conditions, PPP investment projects, investor capacity, resource.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây