Quyền thành lập doanh nghiệp và quyền sở hữu vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp của người chưa thành niên

Quyền thành lập doanh nghiệp và quyền sở hữu vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp của người chưa thành niên do ThS. Đinh Tiên Hoàng (Trường Đại học Hà Tĩnh)

TÓM TẮT:

Thành lập doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh là hoạt động ngày càng phổ biến ở Việt Nam trong thời đại hiện nay. Ngày nay, nhiều cá nhân đang ở tuổi chưa thành niên có nhu cầu sở hữu riêng một doanh nghiệp để tổ chức, vận hành kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận và xây dựng một thương hiệu riêng. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020 có hiệu lực hiện hành đang hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp của người chưa thành niên. Do đó, bài viết này nghiên cứu quyền thành lập doanh nghiệp và quyền sở hữu vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp của người chưa thành niên để có cái nhìn rõ hơn về những hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2020, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm cải thiện các hạn chế đó.

Từ khóa: quyền thành lập doanh nghiệp, người chưa thành niên, quyền sở hữu doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh, quyền góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Thành lập doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh là hoạt động ngày càng phổ biến ở Việt Nam trong thời đại hiện nay. Khi vấn đề kinh doanh đã vượt qua thời kỳ tự phát, được thực hiện giới hạn trong phạm vi nhận thức sử dụng doanh nghiệp để kiếm tiền thuần túy thì việc thành lập doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh ngày này được thực hiện với ý thức nghề nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Trước đây, khi khởi phát nên một ý tưởng để kinh doanh hay phát hiện ra một cơ hội kinh doanh, các chủ thể thường có xu hướng kinh doanh dưới danh nghĩa cá nhân, hay một nhóm cùng nhau thỏa thuận phân chia (vốn góp và quyề, lợi ích phát sinh từ việc cùng nhau góp vốn kinh doanh), chứ việc thành lập doanh nghiệp là tương đối hạn chế. Hiện tượng này là bởi sự hiểu biết về mặt pháp lý của người dân chưa cao, họ còn e ngại đến vấn đề thành lập và quản trị doanh nghiệp, thủ đoạn tránh nộp thuế, hay ngại việc quản lý và tuân thủ các quy định về quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nền kinh tế thời bấy giờ chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và một bộ phận có tư duy làm kinh doanh bài bản thực hiện thành lập doanh nghiệp để kinh doanh những ngành nghề mà mình đầu tư một cách chuyên nghiệp.

Ngày nay, kinh doanh vừa mang mục tiêu lợi nhuận, vừa mang tính chất nghề nghiệp gắn liền với dấu ấn và hình ảnh cá nhân. Vấn đề quản trị doanh nghiệp và kinh doanh một cách chuyên nghiệp được đề cao, đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu được các thương nhân chú trọng. Cùng với sự bùng phát của công nghệ kết nối toàn cầu, sự lan tỏa từ các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra nhiều hơn cơ hội kinh doanh cho nhiều chủ thể trong xã hội. Nhiều chủ thể đang ở tuổi chưa thành niên, nhưng với danh tiếng cá nhân đã có khối lượng tương tác và doanh số bán hàng lớn trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, tạo nên một nguồn thu nhập lớn, kèm theo đó là các khoản thuế nộp cho Nhà nước. Những chủ thể này có nhu cầu cao trong việc thành lập một doanh nghiệp phù hợp để kinh doanh một cách chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu của mình. Tuy nhiên, vấn đề thành lập và quản trị doanh nghiệp đối với đối tượng này ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, gây cản trở họ trong việc phát triển khả năng kinh doanh của mình, cũng như nhận được sự bảo vệ từ pháp luật.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền thành lập doanh nghiệp và quyền sở hữu vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp của người chưa thành niên

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 thì “1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Còn tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại Điều 33 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Như vậy, ngoài giới hạn về ngành nghề kinh doanh (bị pháp luật cấm) thì Hiến pháp hiện hành không giới hạn tự do kinh doanh đối với công dân về tư cách chủ thể pháp lý, điều đó có nghĩa là người chưa thành niên có quyền tự do kinh doanh.

Điều này có nghĩa, khi có ý tưởng kinh doanh hay có cơ hội để tiến hành kinh doanh, chỉ cần lĩnh vực đó không thuộc ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cấm, hay ngành nghề kinh doanh có điều kiện (người chưa thành niên không đáp ứng được điều kiện) thì người đó có thể tự do thực hiện mà không bị giới hạn bởi vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là những người này vẫn phải nộp thuế (khi phát sinh thu nhập từ kinh doanh), chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Nhưng để được bảo hộ thương mại như một chủ thể kinh doanh, bắt buộc các cá nhân này phải đăng ký kinh doanh, nghĩa là phải kinh doanh dưới một tư cách chủ thể độc lập, một thương hiệu được quản lý và bảo vệ bởi các quy định của pháp luật về thương mại. Từ những nội dung nêu trên, nhu cầu thành lập doanh nghiệp để kinh doanh và xây dựng nên một thương hiệu của người chưa thành niên là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng và hợp pháp, cần được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ.

Việc sở hữu một doanh nghiệp (sở hữu phần vốn góp, sở hữu cổ phần có quyền chi phối) để kinh doanh dưới một thương hiệu đối với người chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay vẫn còn vướng mắc, vấn đề này hiện được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp 2020. Theo các quy định tại văn bản tại Luật Doanh nghiệp 2020, người chưa thành niên nếu muốn sở hữu cho mình một thương hiệu kinh doanh dưới các loại hình doanh nghiệp thì chỉ có thể mua lại phần vốn góp, cổ phần, hoặc nhận tặng cho, nhận thừa kế chứ không được phép thành lập mới để tổ chức và kinh doanh theo ý tưởng riêng của mình. Cụ thể như sau:

Tại Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp: Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Dẫn chiếu đến Khoản 2 Điều 17 của Luật này, tại điểm đ quy định:

“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

đ) Người chưa thành niên;…;”

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành không cho phép người chưa thành niên thành lập và quản lý doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa, các cá nhân dưới mười tám tuổi sẽ không thể sử dụng tài sản cá nhân của mình khởi sự kinh doanh bằng việc thành lập, tổ chức và điều hành một doanh nghiệp theo ý tưởng của riêng mình ngày từ đầu.

Cũng tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chứcLuật Viên chứcLuật Phòng, chống tham nhũng.”

Theo quy định được nêu trên đây, người chưa thành niên không bị hạn chế việc mua cổ phần của công ty cổ phần, mua phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

Ngoài ra, theo các quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều 49; Khoản 1 Điều 53; Khoản 1 và 3 Điều 78; Khoản 3 và 5 Điều 127; Điểm h, Khoản 1 Điều 181 và Điểm e, Khoản 1 Điều 187 của Luật Doanh nghiệp 2020, người chưa thành niên có quyền nhận tặng cho, nhận thừa kế cổ phần trong công ty cổ phần; phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên của Luật Doanh nghiệp 2020, người chưa thành niên sẽ không được sử dụng tài sản của mình để thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh dưới một tên riêng, thực hiện tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo ý thích của riêng mình. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại hiện hành không hạn chế việc người thành niên sở hữu cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp. Do đó, để sở hữu cho mình một thương hiệu kinh doanh chính thống được pháp luật bảo hộ, người chưa thành niên thông qua người đại diện theo pháp luật của mình thực hiện việc mua lại, nhận tặng cho, nhận thừa kế phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn; cổ phần của công ty cổ phần.

Ngoại trừ việc nhận thừa kế là cách thức lệ thuộc (người để lại di sản) thì người chưa thành niên có thể sở hữu doanh nghiệp bằng phương thức chủ động thông qua việc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho cổ phần, phần vốn góp để kinh doanh theo cách riêng của mình. Phương thức thực hiện như sau:

Thứ nhất, người chưa thành niên thông qua người đại diện của mình tìm kiếm các doanh nghiệp đang chào bán cổ phần, chào bán phần vốn góp để tiến hành giao dịch mua cổ phần, mua lại phần vốn góp theo tỷ lệ nắm quyền chi phối. Sau khi thực hiện việc mua lại cổ phần, phần vốn góp nắm quyền chi phối thì tiến hành đổi tên và tổ chức lại doanh nghiệp theo ý tưởng của riêng mình. Hoặc người chưa thành niên và người đại diện theo pháp luật của mình thông qua một chủ thể thứ ba đứng ra thành lập doanh nghiệp và thực hiện tổ chức theo ý tưởng của riêng mình, sau đó thực hiện việc chuyển nhượng lại cho người chưa thành niên (thông qua người đại diện theo pháp luật) để tiếp nhận quyền sở hữu.

Thứ hai, phương thức thực hiện cũng giống như phương thức thứ nhất nêu trên, chỉ khác nhau ở phần thủ tục được thực hiện từ chuyển nhượng (mua bán cổ phần, phần vốn góp) thành thủ tục tặng cho cổ phần, phần vốn góp cho người chưa thành niên từ chủ thể thứ ba.

Mặc dù khi thực hiện một trong các phương thức nêu trên sẽ giúp người chưa thành niên sở hữu một doanh nghiệp cho riêng mình để tiến hành tổ chức kinh doanh, phát triển thương hiệu. Nhưng việc phải đi đường vòng bằng cách thức thực hiện thông qua nhiều bước thủ tục khiến cho việc sở hữu doanh nghiệp của người chưa thành niên mất thời gian, tốn kém chi phí cho các thủ tục chuyển giao. Và đặc biệt là dù nhận lại cổ phần, phần vốn góp theo hình thức nhận chuyển nhượng hay nhận tặng cho thì người chưa thành niên cũng đều phải chịu thuế thu nhập (cho bên bán trong trường hợp chuyển nhượng; cho bên nhận tặng cho trong trường hợp tặng cho). Những hạn chế nêu trên hoàn toàn không bị phát sinh trong trường hợp nếu người chưa thành niên được sử dụng tài sản của mình để tiến hành thành lập doanh nghiệp.

Từ những nội dung tác giả phân tích trên đây có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định người chưa thành niên thuộc đối tượng không được thành lập, quản lý doanh nghiệp là điều bất cập và chưa hợp lý. Bởi lẽ, việc thành lập doanh nghiệp là bước đầu tiên để một cá nhân sở hữu cho mình một doanh nghiệp để tổ chức và thực hiện kinh doanh theo ý tưởng của riêng là nhu cầu chính đáng và được Hiến pháp thừa nhận, điều chỉnh. Việc hạn chế người chưa thành niên thành lập và quản lý doanh nghiệp không làm mất đi quyền sở hữu và điều hành doanh nghiệp của đối tượng này. Người chưa thành niên vẫn có thể sở hữu cho mình một doanh nghiệp riêng, được tổ chức và vận hành theo cách của mình thông qua người đại diện theo pháp luật bằng việc thực hiện lựa chọn một trong các phương thức như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, với quy định hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2020, việc người thành niên muốn sở hữu cho mình một doanh nghiệp riêng sẽ mất nhiều thời gian, thực hiện qua nhiều bước thủ tục đường vòng và tổn thất một khoản tài chính (chi phí cho các thủ tục và các khoản thuế phát sinh). Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà làm luật cần sớm phải điều chỉnh lại để phù hợp và đồng nhất vấn đề quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp với quyền sở hữu doanh nghiệp của đối tượng chủ thể là người chưa thành niên.

Từ những vấn đề được phân tích phần nêu trên đây, theo ý kiến chủ quan của tác giả cần sửa lại quy định Điểm đ, Khoản 1, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 theo hướng không đưa chủ thể này vào đối tượng bị hạn chế quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp mà dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Điều 21 của Bộ luật Dân sự 2015, đó là “việc tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc các văn bản pháp luật khác điều chỉnh đối với người chưa thành niên”. Việc sửa đổi quy định này sẽ bảo đảm quyền tự do thành lập doanh nghiệp để tham gia hoạt động kinh doanh của người chưa thành niên, đồng nhất với các quy định về quyền sở hữu doanh nghiệp của chủ thể này, khắc phục được các hạn chế và khó khăn cho chủ thể này những những nội dung đã được phân tích ở phần nêu trên đây.

3. Kết luận

Sở hữu cho riêng mình một doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh là nhu cầu chính đáng và xu thế phát triển hiện nay. Người sở hữu doanh nghiệp có thể tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo ý tưởng và sở thích của riêng mình (trên cơ sở quy định của pháp luật), thực hiện kinh doanh để phát triển nên một thương hiệu riêng. Để sở hữu một doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể dùng phương thức sử dụng tài sản của mình thành lập mới một doanh nghiệp, sau đó tiến hành tổ chức kinh doanh. Hoặc các nhà đầu tư cũng có thể sở hữu doanh nghiệp thông qua phương thức nhận chuyển nhượng lại, nhận tặng cho cổ phần, phần vốn góp để sở hữu doanh nghiệp sau đó thực hiện tái cơ cấu và tiến hành kinh doanh.

Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ kết nối toàn cầu, sự lan tỏa từ các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra nhiều hơn cơ hội kinh doanh cho nhiều cá nhân trong xã hội. Nhiều cá nhân đang ở tuổi chưa thành niên nhưng đã sớm thực hiện những hành vi kinh doanh và có nhu cầu sở hữu riêng một doanh nghiệp để tổ chức, vận hành kinh doanh, nhằm mục đích lợi nhuận và xây dựng một thương hiệu riêng. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020 có hiệu lực hiện hành đang hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp của người chưa thành niên.

Đây là hạn chế mang tính chất thiếu sót của Luật Doanh nghiệp cần phải sửa đổi để hoàn thiện, nhằm đồng nhất quyền sở hữu doanh nghiệp của chủ thể này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bởi lẽ, pháp luật hiện hành không cấm quyền sở hữu doanh nghiệp của người chưa thành niên, mà chỉ hạn chế chủ thể này sở hữu doanh nghiệp thông qua hình thức góp phần, chia cổ phần để tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp ngay từ đầu. Do đó, việc sửa đổi Luật là điều cần thiết và phù hợp với nhu cầu chính đáng của người dân, tuân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.

2. Quốc hội (2015). Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015.

3. Quốc hội (2020). Luật số 59/2020/QH14: Luật Doanh nghiệp, ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2020.

THE RIGHT TO ESTABLISH A BUSINESS

AND THE RIGHT TO CONTRIBUTE CAPITAL AND BUY SHARES

IN A BUSINESS OF MINORS

Master. DINH TIEN HOANG

Ha Tinh University

ABSTRACT:

Establishing and setting up a business is an increasingly popular activity in Vietnam in the current era. Many minors wish to own their own businesses to make a profit, operate, and build their own brands. However, the current Law on Enterprise 2020 This paper studied the right to establish a business and the right to own capital contributions and shares in a business of minors to have a clearer view of the Law on Enterprise 2020’s limitations.  the rights of minors to establish and manage businesses. This paper studied the right to establish a business and the right to own capital contributions and shares in a business of minors to have a clearer view of the Law on Enterprise 2020’s limitations. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to improve current regulations.

Keywords: the right to establish a business, minors, the right to own a business, the right to freely do business, the right to contribute capital and buy shares in a business.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]

Tạp chí Công Thương