Quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học theo pháp luật tại Việt Nam hiện nay

ThS. ĐÀO THỊ NGỌC ÁNH (Học viện Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tóm tắt:

Các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Sự lớn mạnh của các tổ chức này là một trong những thước đo quan trọng của nền KH&CN quốc gia.

Trong nhiều thập niên qua, mạng lưới các tổ chức KH&CN ở nước ta đã ngày càng phát triển lớn mạnh, tuy nhiên cũng còn không ít bất cập cả ở cấp vĩ mô và vi mô. Bài viết nêu thực trạng và những giải pháp cần tháo gỡ để tăng cường quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học theo pháp luật tại Việt Nam hiện nay, như: khái niệm quyền tự chủ, thực tiễn quyền tự chủ của các viện nghiên cứu theo pháp luật tại Việt Nam hiện nay và một số giải pháp nhằm tăng cường quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học theo pháp luật tại Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Tự chủ, quyền tự chủ, quyền tự chủ của viện nghiên cứu khoa học, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

  1. Đặt vấn đề

Trong suốt chiều dài lịch sử, không thể phủ nhận được vai trò và vị trí của các tổ chức KH&CN công lập trong phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến thời điểm hiện tại, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập hiện nay được đánh giá là vừa cồng kềnh về số lượng, vừa phức tạp về quy mô, cơ cấu tổ chức, vừa có sự trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, đầu tư dàn trải, dẫn đến hiệu quả không cao.

Quyền tự chủ cho phép các viện nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ của mình, xác định vai trò của mình trong cộng đồng khoa học và đồng thời triển khai mô hình hợp tác chiến lược với doanh nghiệp, phản ánh sức mạnh tương đối và cân bằng cần thiết của mỗi bên của tam giác kiến thức.

  1. Giải quyết vấn đề

2.1. Về khái niệm quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học

Quyền tự chủ của một tổ chức là khả năng hành động chủ động mang tính pháp lý về các mặt hoạt động chuyên môn, tài chính, tổ chức và quản lý của các tổ chức. Là quyền quản lý, quyết định của các tổ chức trên phương diện: Tổ chức, quản lý, hoạt động chuyên môn và tài chính, là điều kiện cần để giúp các tổ chức thực hiện tốt sứ mạng của mình, có tính tương đối và chịu ảnh hưởng bởi chiến lược điều khiển của nhà nước.

2.2. Thực tiễn quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học theo pháp luật tại Việt Nam hiện nay

2.2.1. Thực tiễn pháp luật về quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay

Những đổi mới về chính sách quản lý, cơ chế tài chính đối với khoa học và công nghệ thời gian qua đã được phát huy, đem lại những thành công mới, với những đóng góp thực chất trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế tri thức, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế.

Hệ thống quy phạm trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ về tổ chức và hoạt động, về cơ cấu và mô hình của đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ cơ bản đã bao quát khá đầy đủ các vấn đề về tổ chức bộ máy, về cơ cấu, mô hình và loại hình tổ chức hoạt động; từng bước đáp ứng nhu cầu khách quan phát sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước; từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong loại hình tổ chức hoạt động trước đây. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ; Luật Khoa học công nghệ năm 2013... Mới đây, ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (gồm cả lĩnh vực KHCN) cũng đã được ban hành. Ngay sau Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ra đời, Chính phủ đã có Quyết định số 695/2015-QĐ-TTg (ngày 21/5/2015) thông qua kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu đặt ra trong quý III/2015 các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần trình Chính phủ ban hành các quy định cụ thể hóa Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 16 chỉ quy định các nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ, làm cơ sở để xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong từng lĩnh vực. Đến ngày 14/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Theo đó, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập xây dựng phương án tự chủ phù hợp với điều kiện thực tế. Nghị định số 16 đã có một số điểm mới như: (i) Khuyến khích đơn vị có đủ điều kiện phấn đấu tự chủ mức độ cao hơn khi phân loại và quy định riêng cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; (ii) Đổi mới phương thức bố trí dự toán ngân sách theo hướng cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; đặt hàng, giao kinh phí hỗ trợ từ NSNN với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (iii) Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN kết cấu dần các chi phí vào giá dịch vụ; (iv) Cho phép đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định mức trích Quỹ bổ sung thu nhập... Do Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định chung các nguyên tắc, quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực nên theo đó, các Bộ (bao gồm Bộ KHCN) sẽ phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực.

Những đổi mới của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho các viện nghiên cứu khoa học (VNCKH) công, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thúc đẩy các hoạt động của đơn vị, cung cấp sự nghiệp dịch vụ công theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao số lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

2.2.2. Những tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, qua một năm triển khai có nhiều vấn đề đặt ra, kết quả mang lại cũng chưa thực sự được kỳ vọng, việc thực thi các chính sách mới còn chậm so với tiến độ và lộ trình đặt ra, đến nay về cơ bản các nội dung quy định mới vẫn đang dừng lại trên văn bản.

- Nhiều bộ, ngành, cơ quan nhận thức chưa đầy đủ các quy định mới, lúng túng khi cụ thể hóa các quy định khung tại Nghị định. Nhiều đơn vị sao chép nguyên văn các nội dung quy định của Nghị định nên các quy định này chưa gắn với đặc thù hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do lâu nay vẫn được Nhà nước hỗ trợ qua giá cung cấp dịch vụ công, nên khi chuyển sang cơ chế mới, nhiều cơ quan nhà nước lại chưa sẵn sàng cho việc thực hiện lộ trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.

- Thực tiễn triển khai còn chậm, chưa đạt tiến độ và lộ trình đặt ra, trong đó việc xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cũng như cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của VNCKH công. Nguyên nhân là do Nghị định 16 là Nghị định khung, chỉ đưa ra những quy định chung làm căn cứ để xây dựng, ban hành các quy định chuyên ngành cho phù hợp với đặc thù hoạt động của từng lĩnh vực, bởi vậy, việc triển khai xây dựng quy định cơ chế tự chủ đối với từng lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Thanh tra Chính phủ chưa cụ thể hóa nội dung các quy định khung tại Nghị định 16, chưa làm rõ đặc thù hoạt động của ngành Thanh tra.

- Các tổ chức KHCN thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đòi hỏi phải cung cấp được dịch vụ với yêu cầu cao hơn về chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và có thể cạnh tranh với các đơn vị cung ứng dịch vụ ngoài công lập nhưng điều kiện cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật... Điều này đòi hỏi các VNCKH phải tăng cường đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài nhưng đây là bài toán khó vì các VNCKH chưa được tự chủ “toàn diện”.

- Cơ chế giá dịch vụ, khi thực hiện chuyển dần từ cơ chế thu phí, học phí... sang áp dụng cơ chế giá dịch vụ đòi hỏi phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong từng ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công. Vấn đề kết cấu lương vào giá cũng đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể hơn, đặc biệt trong trường hợp xác định giá dịch vụ công dựa trên mức lương cơ sở, hệ số tiền lương, ngạch bậc, chức vụ đối với VNCKH công và định mức lao động theo quy định. Hiện nay, việc tính định mức cho từng lĩnh vực khó xác định mức chung cho toàn ngành, hơn nữa việc xác định giá theo định mức chuẩn hay định mức thực tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

- Cơ chế tiền lương và thu nhập tăng thêm: Theo quy định, giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ các chi phí nhưng các VNCKH vẫn phải dành một tỷ lệ % đáng kể số thu để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương, do vậy sẽ ảnh hưởng tới nguồn để chi trả thu nhập tăng thêm; Nghị định 16 quy định hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo VNCKH tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân của người lao động trong đơn vị; như vậy chưa phản ánh đầy đủ và xứng đáng năng lực, vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, không khuyến khích họ toàn tâm, toàn ý với công việc.

- Việc tự chủ tài chính đối với các VNCKH hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể được vay vốn ưu đãi (hoặc hỗ trợ lãi suất) để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học, chưa có quy định về điều kiện liên doanh, liên kết của VNCKH và về xác định giá trị thương hiệu khi góp vốn liên doanh, liên kết.

2.3. Một số giải pháp nhằm tăng cường quyền tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học theo pháp luật Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và thống nhất nhận thức trong các cấp lãnh đạo, quản lý và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công về những nội dung đổi mới của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Đồng thời, sớm cụ thể hóa các quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP vào từng bộ, ngành cụ thể chậm nhất đến cuối quý II/2016 phải trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Thứ hai, thống nhất nội dung hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về danh mục các dịch vụ công sử dụng NSNN và phạm vi điều chỉnh của các văn bản này. Theo đó, cần thống nhất nhận định về danh mục các dịch vụ công sử dụng NSNN là những dịch vụ công tiếp tục được NSNN hỗ trợ. Danh mục này cần có phạm vi áp dụng thống nhất đối với ngành, lĩnh vực trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Danh mục các dịch vụ công sử dụng NSNN của ngành, lĩnh vực cần phải được rà soát trên nguyên tắc từng bước tiến tới xóa bỏ sự bao cấp của NSNN qua giá cung cấp dịch vụ công. Theo đó, chỉ đưa vào danh mục này các sản phẩm dịch vụ công thiết yếu, những sản phẩm dịch vụ công Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ trong một thời gian nhất định. Nếu như đưa toàn bộ các dịch vụ công hiện nay đang được Nhà nước hỗ trợ vào danh mục này sẽ không phát huy được tinh thần đổi mới của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Để có thể đưa quy định này vào thực hiện từ đầu năm 2017 thì chậm nhất danh mục này cần được xây dựng và ban hành trước cuối quý II/2016 (trước thời điểm xây dựng dự toán NSNN năm 2017).

Thứ ba, về lâu dài, cần nghiên cứu thay việc ban hành danh mục dịch vụ công sử dụng NSNN sang việc ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công. Theo đó, sẽ thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước thông qua sản phẩm dịch vụ công sang việc hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công. Với cách này, kinh phí của NSNN sẽ tới trực tiếp đối tượng cần hỗ trợ, các đối tượng này sẽ sử dụng kinh phí được hỗ trợ để mua dịch vụ công từ các nhà cung cấp; các đơn vị cung cấp dịch vụ công (không phân biệt công lập, ngoài công lập) sẽ phải cạnh tranh nâng cao chất lượng, hạ chi phí để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ.

Thứ tư, thực tế cho thấy, sẽ có sự triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trái ngược nhau đối với 2 loại hình đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với những đơn vị sự nghiệp công lập lâu nay đã có tính năng động, có khả năng tự chủ cao, nhưng đang bị trói buộc bởi các cơ chế quản lý cũ thì Nghị định số 16/2015/NĐ-CP sẽ là động lực mới, với những cơ chế cởi trói. Các đơn vị này sẽ chủ động triển khai và khẩn trương thực hiện các quy định theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP; Cùng với đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thiếu tính năng động, hoặc hoạt động ở các khu vực không thuận lợi, còn phụ thuộc vào nguồn NSNN sẽ không sẵn sàng chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cũng cần phải nắm rõ. Qua đó, các cơ quan quản lý nắm rõ thực tế khi xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP phù hợp với thực tế. Ngoài ra, cần xác định việc triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP là cơ hội để tái cơ cấu, sắp xếp, thay đổi phương thức hỗ trợ của NSNN, chuyển từ hỗ trợ bình quân sang gắn với yêu cầu và kết quả sử dụng NSNN. Vì vậy, cần kiên quyết và bắt buộc thực hiện chuyển đổi đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ năm, để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp có căn cứ thực hiện đúng các quy định pháp luật trong giai đoạn chuyển đổi giữa cơ chế quản lý cũ sang thực hiện theo cơ chế mới (Bộ Tài chính đã có Công văn số 1931/BTC-HCSN ngày 3/02/2016 hướng dẫn về nội dung này). Theo đó, trong khi chờ các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế mới quy định tại Nghi định số 16/2015/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới thay thế.

  1. Kết luận

Nâng cao quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế. Thực hiện tốt chính sách này sẽ có tác động rất quan trọng trong việc tạo động lực và thúc đẩy sự phát triển của việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của dân cư. Cách đây một năm sau khi ban hành, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã được nhìn nhận như một bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động, trong việc thúc đẩy có chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, để chính sách mới đi vào thực tiễn, cần có sự quyết tâm rất lớn của các cấp chính quyền.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đinh Việt Bách (2017), Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ, nguồn:

http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/chuong-trinh-592/cac-to-chuc-khcn-cong-lap/15873-quy-hoach-mang-luoi-to-chuc-khacn-cong-lap-tai-viet-nam-va-nhung-van-de-can-quan-tam-thao-go.html

  1. Nguyễn Quyết (2017), Một số vấn đề về triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập, Tài chính online, nguồn:

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-van-de-ve-trien-khai-co-che-tu-chu-tai-chinh-tai-don-vi-su-nghiep-cong-lap-121055.html

  1. Lê Ngọc Thiều (2018), bàn về cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định số 16/2015/nđ-cp ngày 14/2/2015 của Chính phủ với các đơn vị sự nghiệp công thuộc Thanh tra Chính phủ, nguồn:

http://truongcanbothanhtra.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/nghien-cuu-trao-doi/1362-ban-ve-co-che-tu-chu-ve-tai-chinh-theo-nghi-dinh-16-2015-nd-cp-ngay-14-2-2015-cua-chinh-phu-voi-cac-don-vi-su-nghiep-cong-thuoc-thanh-tra-chinh-phu.html

THE AUTONOMY RIGHT OF VIETNAMES SCIENTIFIC RESEARCH INSTITUTES UNDER CURRENT LAWS

Master. Dao Thi Ngoc Anh

National Academy of Education Management,

Ministry of Education and Training

ABSTRACT:

The public science and technology institutions have always played an important role in the development of science and technology sector in particular and the socio-economic development of the country in general. The growth of these organizations is one of the important measures of national science and technology sector. Over the past decades, the network of science and technology institutions in Vietnam has been growing rapidly, but there are still many obstacles at the macro and micro levels. The paper outlines the current situation and solutions  to strengthen the autonomy of Vietnamese scientific research institutes under current laws.

Keywords: Autonomy, autonomy right, autonomy of scientific research institutes, autonomy of public service delivery agencies.