Mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng quá nhanh và chiếm thị phần tương đối có nguy cơ bị điều tra
PV: Trong thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) liên tục có những cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại sang thị trường Hoa Kỳ. Ông có thể cho biết, những nhóm hàng hóa nào có nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại?
Ông Chu Thắng Trung: Một trong những điều kiện có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ tiến hành điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đó là tăng trưởng xuất khẩu của một mặt hàng cụ thể.
Nếu như một mặt hàng cụ thể xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng quá nhanh vào thị trường Hoa Kỳ và chiếm được một thị phần tương đối tại thị trường này thì mặt hàng đó sẽ có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc biện pháp chống lẩn tránh.
Điều kiện thứ hai bổ sung thêm cho điều kiện thứ nhất đó là liệu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta đó đã là đối tượng điều tra của Hoa Kỳ đối với một quốc gia thứ ba trước đó hay chưa. Đây cũng là một điều kiện hết sức quan trọng để chúng ta có thể xác định được nguy cơ đối với một mặt hàng cụ thể nào đó.
Thực tế cho thấy, khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của một nước thứ ba sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các hàng hóa Việt Nam tận dụng để gia tăng thêm hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đồng thời với các cơ hội đó thì chúng ta cũng dần đối mặt với nguy cơ Hoa Kỳ sẽ có sự theo dõi rà soát xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng đáng kể ở Việt Nam không hay phần lớn sử dụng các nguyên liệu, bộ phận cấu kiện từ nước mà họ đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Khi đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ trở thành đối tượng tiếp theo bị điều tra áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và thậm chí có thể bị điều tra trực tiếp biện pháp phòng vệ thương mại.
Chúng tôi đang có một hệ thống theo dõi và đưa ra những cảnh báo đối với hiệp hội, doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin cho các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước để làm thế nào xác định rõ được những nguy cơ đó và có những sự chuẩn bị.
Đầu tiên phải kể đến là các mặt hàng thép. Trên thế giới thép cũng là ngành hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Ở đây có câu chuyện liên quan đến nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu thép cuộn cán nóng. Chúng ta đã có những nhà máy như Formosa, Hòa Phát…, tuy nhiên phải thừa nhận một thực tế rằng nguồn cung cấp thép cán nóng chính đến từ một số nước trong khu vực đã bị Hoa Kỳ điều tra tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp nên những sản phẩm xuất khẩu của chúng ta nếu có sử dụng những nguyên liệu như vậy mặc dù có thể vẫn đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ nhưng sẽ vẫn bị vướng vào hoạt động điều tra chống lẩn tránh của Hoa Kỳ.
Các sản phẩm khác hiện giờ chúng tôi đang theo dõi như một số mặt hàng đồ gỗ, gần đây có vụ việc về pin năng lượng mặt trời là những vụ việc đã xảy ra mà trước đó chúng tôi đã có theo dõi và đưa ra cảnh báo. Sau đó thực tế chứng minh Hoa Kỳ đã thực hiện việc điều tra và hiện giờ trên cơ sở đó chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi các vụ việc để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác chúng tôi cũng đang theo dõi như các sản phẩm gạch men đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ bắt đầu có sự tăng trưởng, mặc dù con số chưa lớn nhưng đây là mặt hàng đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước thứ ba, chúng ta cần tiếp tục theo dõi. Còn một số mặt hàng khác cũng đang tiếp tục theo dõi và chúng tôi thường xuyên cung cấp những danh sách mặt hàng này trên trang thông tin của Cục Phòng vệ thương mại cũng như gửi đến các hiệp hội, doanh nghiệp.
Trong rủi ro phòng vệ thương mại cũng có cơ hội
PV: Điều này sẽ tác động như thế nào tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ? Bộ Công Thương đã có những hoạt động như thế nào hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với nguy cơ này, thưa ông?
Ông Chu Thắng Trung: Về tác động đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ở đây thực tế có hai vấn đề.
Đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy là các tác động mang tính chất không mong muốn. khi một mặt hàng của một doanh nghiệp xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có thể dẫn đến việc doanh nghiệp không thể tiếp tục xuất khẩu sang một thị trường rất quan trọng là Hoa Kỳ cũng như làm gián đoạn kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên nếu nhìn ở góc độ rộng hơn và có sự xử lý vụ việc một cách hiệu quả thì chúng ta có thể nhận thấy đây cũng là một cơ hội giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Vì một trong những điều kiện của điều tra lẩn tránh đó là cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, ở đây là cơ quan của Hoa Kỳ cho rằng hàng hóa đó không có giá trị gia tăng đáng kể tại nước xuất khẩu nhưng nếu như hàng hóa đó tạo ra được một hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể ở nước xuất khẩu thì sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Ví dụ như trong vụ việc của thép, sản phẩm thép chống ăn mòn hoặc thép cán nguội thì Hoa Kỳ không chấp nhận việc sản phẩm đó sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ những nước đã bị điều tra nhập khẩu từ nước ngoài, từ những nước Hoa Kỳ đã điều tra và đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên nếu như sản phẩm đó sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ không bị áp dụng biện pháp và doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu. Như vậy nếu chúng ta sử dụng được nguyên liệu trong nước rõ ràng giá trị gia tăng trong sản phẩm thép cán nguội hoặc thép chống ăn mòn sản xuất tại Việt Nam rất lớn.
Trong các vụ việc khác về chống lẩn tránh phòng vệ thương mại cũng vậy; họ cho phép có một cơ chế nếu như doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ các nước khác không bị điều tra hoặc hàm lượng tạo ra trong nước vượt quá một mức độ nào đó thì họ sẽ chấp nhận và doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Có thể nói, trong thách thức có cơ hội, cơ hội đó là làm sao để gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm tạo ra tại Việt Nam cũng như giúp các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.
PV: Xin cảm ơn ông!