Tịch thu hàng trăm tấn đường cát vi phạm
Trong thời gian qua, tình trạng vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu cho dấu hiệu gia tăng, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam, số lượng hàng hóa vi phạm, được phát hiện, thu giữ ngày càng lớn.
Theo các lực lượng chức năng, trước đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức sang chiết đường lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện, thì hiện nay, các đối tượng chở đường cát lậu công khai bằng xe tải lớn để đưa vào thị trường trong nước. Thậm chí, những bao đường cát bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác chữ nước ngoài.
Không những vậy, nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ.
Tinh vi hơn nữa, đường cát lậu còn được các đối tượng hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch...
Góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường cát trong nước, những tháng gần đây, thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó đặc biệt chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cá.
Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã xây dựng các kế hoạch triển khai, thực hiện và tăng cường tối đa lực lượng nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt trên khâu lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Kết quả, trong vòng 8 tháng năm 2022, lực lượng QLTT tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và tạm giữ 132 tấn đường cát, trong đó tịch thu và bán thanh lý hơn 30 tấn, số còn đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Điển hình, ngày 22/5/2022, sau khi tiếp nhập nguồn tin từ cơ sở, Đội QLTT số 2 đã kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 78C– 002.08, phát hiện trên xe đang chở 04 tấn (80 bao) đường cát do Thái Lan sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Gần đây nhất, ngày 16/8, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) - Cục QLTT Phú Yên phối hợp với Công an tỉnh tiến hành dừng và khám hai ô tô tải đang lưu hành theo hướng Bắc Nam. Qua kiểm tra phương tiện, trên xe ô tô biển kiểm soát 49H-007.92 đang vận chuyển 34 tấn đường cát và xe ô tô biển kiểm soát 37H-014.82 đang vận chuyển 45 tấn đường cát.
Toàn bộ 79 tấn đường cát vận chuyển trên hai xe ô tô là loại đường được đóng bao loại 50 kg/bao, trên bao bì có in chữ nước ngoài, ghi được sản xuất tại BURIRAM SUGAR FACTORY CO.,LTD có địa chỉ tại 237 Moo 2, Hinlekfai, Khumuang, Buriram 31190, ngày sản xuất in trên bao bì là ngày20/06/2022 và ngày 21/06/2022.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đã cung cấp một số hóa đơn, chứng từ kèm theo. Tuy nhiên qua kiểm tra, đối chiếu các thông tin hóa đơn, chứng từ được cung cấp không phù hợp với hàng hóa thực tế. Hiện Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Long An, thời gian gần đây, lực lượng QLTT tỉnh cũng liên tiếp kiểm tra, thu giữ nhiều tấn đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 5 tháng đầu năm, Cục QLTT Long An đã phát hiện, bắt giữ 4 trường hợp vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu, tạm giữ 20.500 kg đường cát. Đã xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 170 triệu đồng, xử lý tịch thu 13.000 kg đường cát.
Cụ thể, ngày 24/5, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Long An mật phục, ngăn chặn 02 xe ô tô tải vận chuyển trên 150 bao đường cát với tổng trọng lượng 7,5 tấn do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số đường cát trên có nhãn bằng tiếng nước ngoài (THAILAND WHITE SUGAD) và người điều khiển phương tiện không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến toàn bộ số lượng đường cát trên.
Cũng trong tháng 5/2022, Cục QLTT Bình Thuận ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa đối với một Công ty kinh doanh 15 tấn đường cát vi phạm nhãn hàng hóa. Ngày 8/4, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành khám phương tiện xe ôtô tải biển số 92C-132.63 do ông Ng.X.L điều khiển đang dừng dỡ hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên ô tô tải đang vận chuyển 300 bao đường cát do Thái Lan sản xuất với tổng trọng lượng là 15 tấn có giá trị ước tính khoảng 300.000.000 đồng. Lô hàng trên của một Công ty có địa chỉ ở thành phố Đà Nẵng vận chuyển vào thành phố Phan Thiết để bán.
Trong tổng số 300 bao đường cát được vận chuyển trên phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 52 bao đường nhãn hiệu KSL do Thái Lan sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và 248 bao đường có nhãn hàng hóa thể hiện không đầy đủ ngày, tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng của hàng hóa.
Tăng cường quản lý địa bàn, xử lý đường cát nhập lậu
Ông Cao Anh Đương- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) từng cho biết, nguồn gốc của đường nhập lậu là từ Thái Lan. Từ tháng 12/2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam khi biên giới được nới lỏng sau khi Covid-19 được kiểm soát. Đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch.
Hiện giá đường trắng nhập lậu vào nước ta chỉ ở mức 16.400-16.800 đồng/kg, tức là thấp hơn giá đường vàng trong nước. Cùng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.
Với tình trạng đường nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến, quy mô lớn, Hiệp hội mía đường đề xuất các cơ chế kiểm tra giám sát cả ở cấp trung ương và địa phương cần quyết liệt hơn, bao gồm cả việc xử phạt nghiêm minh đối với các hình thức vi phạm, kể cả đối với cán bộ quản lý.
Riêng đối với lực lượng QLTT, trong thời gian tới, Cục QLTT các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, cài cắm cơ sở và phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn để kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển đường cát nhập lậu.
Trước đó, Tổng Cục QLTT cũng đã chỉ đạo các lực lượng QLTT các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận trương mại trên các lĩnh vực quản lý đặc biệt là công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.