Chưa có chính sách kịp thời hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện
Phát biểu tại cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện ngày 20/9 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, tại Việt Nam xe điện ngày càng được người dùng đón nhận và ưa chuộng. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ kinh doanh thì việc tập trung phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố giúp gia tăng trải nghiệm người dùng và đang được nhiều nước trên thế giới đầu tư.
Tính đến hết năm 2023, riêng Vinfast có trạm sạc tại 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 150.000 trạm sạc. Con số này thậm chí vượt qua nhiều nước đang tập trung cho phát triển xe điện. Mức độ tăng trưởng các trạm sạc xe cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu không có các chính sách kịp thời hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc sẽ dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống trạm sạc trên cả nước.
Trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, đầu cắm điện và dây sạc điện.
Tháng 4/2024, Bộ Khoa học & Công nghệ đã ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, trong đó bổ sung quy định quản lý đối với các thiết bị đo điện năng, sạc pin xe điện. Quy định này góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với các thiết bị điện năng, sạc pin xe điện, góp phần minh bạch trong hoạt động tính giá bán sạc điện giữa bên mua và bên bán.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế. Bộ Khoa học & Công nghệ đã ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia năm 2024. Theo đó, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về đầu cắm điện, ổ cắm điện, dây sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh. Hệ thống tiêu chuẩn mới này sẽ được xây dựng hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế IEC và tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO.
Tuy nhiên, liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống trạm sạc xe điện thì hiện nay trong hệ thống quy chuẩn Việt Nam chưa có quy chuẩn Việt Nam cho hệ thống trạm sạc xe điện.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Công thương đã cùng đưa ra thảo luận về các vấn đề (i) xác định rõ cơ quan trách nhiệm chủ trì xây dựng quy chuẩn Việt Nam cho hệ thống trạm sạc điện, trong đó cần xác định rõ từng đầu việc cụ thể gắn với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ trì; (ii) nghiên cứu xác định đầy đủ các nội dung liên quan đến hệ sinh thái xe điện, trong đó bao gồm các nội dung liên quan, điều kiện để xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất với tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng; và (iii) tập trung đề xuất các giải pháp, kế hoạch, lộ trình sớm hoàn thành việc xây dựng ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến trạm sạc điện, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao, hướng đến mục tiêu Net Zero.
Sớm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện hôm nay đã làm rõ được nhiều vấn đề.
Về vấn đề quy hoạch và các nội dung liên quan đến hệ thống hạ tầng của cả nước, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ về việc các các tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện đã được ban hành.
Về các quy chuẩn Việt Nam về các trạm sạc, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận nhiệm vụ này, tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và sẽ cố gắng hoàn thiện trong 2 tháng tới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành quy chuẩn này theo quy trình rút gọn. Còn những nội dung khác thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ sẵn sàng phối hợp.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thảo luận thống nhất, việc phát triển xe điện là xu hướng chủ đạo của thế giới hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để đạt được trung hòa cácbon trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực giao thông cũng là một lĩnh vực phát thải tương đối lớn, và nếu chuyển sang xe sử dụng điện thay vì sử dụng các nhiên liệu hóa thạch thì đương nhiên sẽ góp phần đạt mục tiêu trung hòa cácbon rất lớn.
"Có thể nói, đây là nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo." - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết thêm, về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam thì Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đã, đang hoàn thiện và cơ bản đã công bố, trong đó có những vấn đề liên quan đến ngành xe điện.
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xe điện và trạm sạc điện không chỉ là công cụ giúp cho quản lý nhà nước mà thông qua đó sẽ góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần bảo vệ và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xe điện. Hay nói cách khác, hệ thống này có tính định hướng lớn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông giảm phát thải.
Hiện nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung đã có nhưng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho trạm sạc điện vẫn chưa có, đặc biệt là quy hoạch hay vị trí, địa điểm xây dựng dựng những trụ, trạm sạc hay các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện hay loại hình năng lượng để cung cấp cho các trạm thì cũng chưa có cụ thể.
Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như để thực hiện được nghị quyết hội nghị hôm nay, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học & Công nghệ thống nhất:
Thứ nhất, Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học & Công nghệ khẩn trương hoàn thiện biên bản của 2 bên, thống nhất nhiệm vụ của từng đơn vị, từ đó kiến nghị với Thủ tướng giao nhiệm vụ cũng như trách nhiệm cho các Bộ, ngành cũng như các địa phương.
Thứ hai, Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu để điều chỉnh Quy hoạch Điện lực Quốc gia trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, nếu phát triển xe điện cũng như ứng dụng các công nghệ mới thì việc sử dụng điện là rất lớn, vì vậy, chúng ta phải bổ sung vào Quy hoạch. Hiện nay chúng ta mới chỉ tính được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng nhưng mảng tiêu dùng xe điện thì chưa được đề cập nhiều.
Cũng theo Bộ trưởng, lượng xăng dầu nhập khẩu 8 tháng đầu năm của Việt Nam có giảm, trong khi tăng trưởng cao hơn so với những năm trước, điều đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng điện đang nhiều hơn là sử dụng xăng dầu, đây là một chuyển biến tích cực theo xu hướng trung hòa cácbon mà chúng ta đang hướng tới.
Thứ ba, Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về hệ thống điện và phương án cung cấp điện cho các trạm sạc điện.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho trụ, trạm sạc điện.
Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông và UBND các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung các địa điểm, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ ở các đoạn đường tránh nguy hiểm trên đường cao tốc,… những nơi có thể để hình thành các trạm sạc cho xe điện.