Trong nhiều năm qua, Anh đã trở thành thị trường lớn thứ hai tại châu Âu (sau Đức) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam thể hiện qua mức xuất siêu khoảng gần 5 tỉ USD/năm.
Cơ cấu hàng hóa Việt Nam và vương quốc Anh có độ bổ sung lớn. Các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Anh gồm nông sản nhiệt đới, thủy sản, giầy dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thuỷ tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su của Việt Nam và máy móc, mô tô, dược phẩm, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ và bột giấy, sản phẩm sắt thép, hóa chất.
Dư địa tăng trưởng thị trường tại thị trường Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD trong năm 2019 của Anh.
Cả Việt Nam và Anh đều đang mong đợi, khi EVFTA chấm dứt hiệu lực với Anh quốc (do Anh rời EU), Hiệp định FTA giữa hai nước sẽ sớm có hiệu lực để tránh đứt quãng giao thương.
Thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, là cửa ngõ để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường ASEAN rộng lớn với trên 630 triệu dân, GDP của khu vực 2560 tỷ USD.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong thời gian quy duy trì phát triển ổn định, GDP tăng trưởng 6-8%/năm, tăng trưởng xuất nhập khẩu 12%/năm, môi trường đầu tư tương đối tốt, đứng thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia có nhiều tiến bộ, xếp thứ 77/140 quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Vương quốc Anh là một cường quốc, có vị vai trò và vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống từ nhiều năm qua.
Phát triển và tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt với Vương quốc Anh là định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại Việt Nam
Có thể đánh giá những lợi thế chính của FTA Việt Nam – Anh ở những điểm sau:
Có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới;
Có thêm cơ hội hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp Anh;
Có thêm cơ hội thu hút khách du lịch Anh sau khi dịch Covid-19 kết thúc;
Khích lệ các quan hệ hợp tác song phương khác với Anh trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục và đào tạo;
Tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam - Anh nhất là khi hai bên mới ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi, hai bên tăng cường hợp tác vì lợi ích chung trong lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, cùng với FTA Việt Nam – Anh có hiệu lực, dự kiến Vương quốc Anh có thể đầu tư mạnh vào các ngành sau của Việt Nam:
Thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng tập trung vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp xuyên quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường.
Đối với lĩnh vực kinh tế - thương mại, cùng với FTA giữa hai nước có hiệu lực, trên cơ sở nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược, cần tiếp tục thực hiện các nội dung sau:
Hai Bên tăng cường đối thoại chính sách. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Vương quốc Anh, đưa Ủy ban trở thành cơ chế đối thoại hiệu quả, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại và đầu tư song phương.
Thiết lập khung khổ pháp lý thuận lợi hoá thương mại đầu tư song phương, tránh gián đoạn các hoạt động kinh doanh thương mại và đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển tiếp các nội dung EVFTA sang FTA song phương Việt Nam - Anh.
Chính phủ Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Hai bên tăng cường công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối, tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại, trao đổi thông tin giữa các địa phương và doanh nghiệp của hai nước, xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho các chương trình xúc tiến thương mại của các ngành hàng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các Phòng Thương mại - Công nghiệp, các Trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư, các địa phương.
Xem xét cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để có thể nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đầu tư thích hợp cho quảng bá thương hiệu.