Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam. Sau 35 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tính lũy kế đến ngày 20/12/2021, cả nước đã thu hút hơn 34,5 nghìn dự án đầu tư nước ngoài đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động trong 19/21 phân ngành kinh tế với số vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Khu vực FDI hiện chiếm tới 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước, chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước. FDI đã góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhờ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, khoảng 58% tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, góp phần chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, Khoáng sản sang công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao và tạo ra sự chuyển dịch tích cực trong các ngành kinh tế.
Trong hơn 35 năm qua, khu vực có vốn FDI đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm và dịch vụ lớn, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 1995, cả nước mới có khoảng 33 vạn lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI, năm 2007 tăng lên hơn 1,3 triệu người. Đến năm 2021, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với hơn 22 nghìn doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm gần 10% trong tổng lực lượng lao động (trên 54 triệu lao động), chiếm 20% trong tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam.
Tốc độ tăng lao động của khu vực FDI bình quân 7,72%/năm, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn tạo ra nhiều việc làm khác một cách gián tiếp do tác động kích thích đầu tư trong nước (phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành nghề cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI).
Khu vực FDI đã và đang góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng cao hơn bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghệ, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị doanh nghiệp. Nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật trong khu vực FDI đang có xu hướng chuyển mạnh sang nhóm nghề “Thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” với tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm nghề này trong tổng số việc làm của khu vực FDI đã tăng nhanh từ gần 15% năm 2007 gần 60% trong những năm gần đây.
Trong khi đó, nhóm nghề bậc thấp hơn “Thợ thủ công có kỹ thuật/thợ kỹ thuật khác” đã giảm mạnh từ 48% năm 2007 xuống còn 17% trong những năm gần đây. Đặc biệt, lao động giản đơn trong các doanh nghiệp FDI chiếm một tỷ lệ nhỏ và có xu hướng giảm nhanh xuống chỉ còn gần 5%.
Các xu hướng này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động giản đơn, thu nhập thấp sang lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và thu nhập cao.
Phân tích từ các dự án đầu tư FDI hoạt động trong thời gian qua, cho thấy, quá trình làm việc tại các doanh nghiệp FDI, nhiều người lao động đã thay đổi tác phong công nghiệp, tiếp cận và hiểu biết tốt hơn về văn hóa doanh nghiệp, nâng cao được trình độ kỹ năng và chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, trình độ ngoại ngữ... Hàng vạn người đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi nòng cốt trong các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp FDI đã từng bước chuyển giao các công nghệ, các quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý là người Việt Nam và trên thực tế nhiều vị trí trước đây do các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm, nay đã do lao động Việt Nam đảm nhiệm. Gần đây, một số doanh nghiệp FDI của Nhật bản và Hàn quốc đã hỗ trợ các DN phụ trợ trong nước đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực thông qua các chương trình tư vấn cải tiến để tham gia vào chuỗi sản xuất của họ.
ùng với lực lượng lao động được đào tạo, huấn luyện tại doanh nghiệp, hàng năm một số doanh nghiệp FDI đã lựa chọn và cử hàng nghìn lượt lao động, chuyên gia người Việt Nam đi đào tạo, tập huấn tại các công ty mẹ hoặc tại các cơ sở đào tạo khác ở nước ngoài. Trong những năm gần đây một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Canon, Honda, Samsung, Foxconn, Intel,... đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp, trực tiếp đào tạo cán bộ quản lý và nhân lực chất lượng cao. Một số doanh nghiệp FDI đã đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, đóng góp cho cộng đồng và toàn xã hội phù hợp với quy định của pháp luật nước ta và các tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI thực hiện khá tốt các quy định về tiền lương và phúc lợi cho người lao động. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân / tháng của lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trung bình 10 triệu đồng/tháng, cao hơn 20% so với khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, người lao động tại các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài có mức lương bình quân lên tới 13,4 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp FDI đã chú trọng quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đối với lao động nữ như khám sức khỏe định kỳ, cải thiện chất lượng suất ăn ca, cung cấp nhà ở, nhà trẻ...
Các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ các nước phát triển đã có những tác động quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam, thúc đẩy chuyển dịch lao động và phân bố hiệu quả nguồn nhân lực trên cơ sở cạnh tranh thu hút lao động lành mạnh. Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI cũng được làm quen với những nguyên tắc của kinh tế thị trường như hợp đồng lao động, thỏa thuận về tiền lương, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ để thúc đẩy các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hoạt động tốt hơn trong thời gian tới. Đó là:
Một là, số người làm việc trong các doanh nghiệp FDI là lao động không có bằng cấp/chứng chỉ đào tạo vẫn còn ở mức rất cao. Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên thực hiện các hoạt động gia công để khai thác lợi thế lao động giá rẻ của nước ta. Thực tế này đã góp phần làm chậm quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Một khi các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trình độ thấp thì điều này không khuyến khích người lao động quan tâm học tập nâng cao trình độ và các cơ sở giáo dục đào tạo không chịu sức ép của thị trường để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của cạnh tranh nhiều doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ nhưng lại gặp khó khăn về nguồn nhân lực.
Tại Báo cáo về tình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cũng phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI tương đồng với nhận định trên. Đó là: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%). Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%, cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường
Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế.
Còn theo đánh giá của chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.
Hai là, sau 35 năm thu hút FDI, khu vực này ngày càng mở rộng và lớn mạnh, song xu hướng dịch chuyển lao động vẫn chủ yếu là một chiều từ khu vực trong nước (kể cả khu vực công) sang khu vực đầu tư nước ngoài. Như vậy, tác động lan tỏa của chất lượng nguồn nhân lực, phong cách, lề lối làm việc, tác phong công nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, trình độ kỹ năng chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, các bí quyết công nghệ, các quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nguồn nhân lực từ khu vực FDI sang khu vực dân doanh và khu vực Nhà nước (kể cả khu vực công) vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, khu vực FDI chưa thực sự có đóng góp tích cực cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Ba là, bên cạnh nhiều doanh nghiệp FDI chấp hành tốt pháp luật lao động của Việt Nam, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, trong đó đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, vi phạm luật pháp lao động, trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Thực tế, trong những năm vừa qua xẩy ra nhiều cuộc tranh chấp lao động và đình công liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm thêm, nghỉ giữa giờ và các chế độ phúc lợi khác (lương thấp, nhà ở không bảo đảm, chất lượng bữa ăn kém, tiền đi lại, phụ cấp nuôi con nhỏ, phụ cấp thâm niên.v.v...), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Có thể thấy đã đến lúc chúng ta cần có chiến lược để tối đa hóa những lợi ích từ nguồn vốn FDI, đặc biệt là chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Không thể tiếp tục dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, mà cần phải ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn, ngành có giá trị gia tăng cao hơn và để thực hiện điều đó thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần đi trước một bước và phải được thực hiện một cách căn cơ, bài bản. Cần coi đào tạo nguồn nhân lực là một mục tiêu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cần nhanh chóng triển khai các giải pháp để một mặt thu hút lao động có kỹ năng vào khu vực FDI, mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho công nhân để thích ứng với các thay đổi của khoa học công nghệ.
Việc thay đổi này cũng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ cao và thu nhập cao và chống nguy cơ bị sa thải. Hiện tại, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang được đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo bám sát xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để mở rộng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng nhân lực từ khu vực FDI cần hoàn thiện thị trường lao động đảm bảo môi trường thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động linh hoạt giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, đặc biệt là có các chính sách hữu hiệu để thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia từ khu vực có vốn FDI vào làm việc trong khu vực công và các doanh nghiệp trong nước.