TÓM TẮT:
Bài viết khái quát thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và thực trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2007 - 2018, thông qua các nội dung: Bất bình đẳng thu nhập giữa khu vực FDI với các khu vực kinh tế khác; Bất bình đẳng thu nhập giữa các ngành nghề trong khu vực FDI; FDI tác động tới bất bình đẳng thu nhập giữa các vùng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm vừa thu hút vốn FDI, vừa hạn chế các tác động tiêu cực của FDI đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, bất bình đẳng thu nhập.
1. Thực trạng tác động của khu vực FDI đến bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam
Giai đoạn 1988 - 2018, Việt Nam thu hút được 27.849 dự án FDI. Riêng giai đoạn 2007 - 2018, tổng vốn FDI thu hút được là 335.861,6 triệu USD tăng cao so với giai đoạn 1988 - 2006. Khu vực FDI đã góp một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, lan tỏa về công nghệ tới khu vực kinh tế trong nước, gia tăng xuất khẩu, góp phần tăng GDP của Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập với kinh tế thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, FDI cũng tạo ra sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng giữa các khu vực kinh tế của Việt Nam. Những vùng có điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có mức độ thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nên có tốc độ tăng trưởng cao, cơ hội làm việc nhiều hơn và như vậy mức thu nhập cũng cao hơn rất nhiều so với các khu vực thu hút ít vốn FDI.
1.1. Các kênh tác động của FDI tới bất bình đẳng thu nhập
Thứ nhất, cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn từ nước ngoài và cơ hội việc làm cho người lao động: Với những vùng nhận nhiều vốn FDI cơ hội về sản xuất - kinh doanh sẽ tăng lên, thu hút nhiều lao động từ chính khu đó và các khu vực khác. Điều này gây ra sự chênh lệch về thu nhập của người lao động trong khu vực FDI và khu vực khác.
Thứ hai, cơ hội tiếp cận với công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến hiện đại: Doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế về công nghệ và khoa học kỹ thuật mới được chuyển giao từ nước ngoài, nên năng suất lao động của khu vực FDI luôn cao hơn các khu vực kinh tế khác.
Thứ ba, cơ hội tiếp cận vốn FDI sẽ tác động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương tiếp nhận vốn FDI: Vốn FDI thường đầu tư vào các ngành đem lại lợi nhuận cao như công nghiệp, dịch vụ, tận dụng các ngành được hưởng ưu đãi đầu tư từ chính sách của chính phủ và của chính quyền địa phương. Điều này sẽ tác động đến bất bình đẳng thu nhập giữa các ngành nghề trong nền kinh tế, có thể gây ra sự mất cân đối giữa các ngành, lĩnh vực trong mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế.
Thứ tư, các vùng, địa phương có cơ hội tiếp nhận vốn FDI nhiều hơn luôn có các nguồn thu lớn hơn so với các vùng khác. Ngân sách ở các địa phương này luôn dồi dào hơn do thu được các khoản thuế, phí và lệ phí từ doanh nghiệp FDI, đây là nguồn để địa phương tái phân phối thu nhập để phát triển các cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo, phúc lợi xã hội trong địa phương đó. Điều này cũng tác động đến bất bình đẳng thu nhập giữa các địa phương trong cả nước.
Thứ năm, các địa phương nhận FDI luôn có các quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường ở nước ngoài hơn so với các khu vực khác.
Thứ sáu, tác động thông qua các cơ hội về giáo dục, đào tạo. Các doanh nghiệp FDI cũng rất chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực, cơ hội này đã phân hóa người lao động thành hai bộ phận, bộ phận được đào tạo, tái đào tạo luôn có năng suất lao động và hiệu quả công việc cao hơn nên luôn nhận được cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn so với bộ phận lao động còn lại.
1.2. Thực trạng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
1.2.1. Thực trạng thu hút FDI theo quy mô vốn đầu tư
Giai đoạn 2007 - 2018, số dự án FDI được cấp phép là 27.526 dự án, tổng vốn đăng ký là 335.861,6 triệu USD, số vốn thực hiện là 152.481,8 triệu USD chiếm 45,4% tổng vốn đăng ký.
Biểu đồ 1: FDI được cấp giấy phép tại Việt Nam giai đoạn 2007 - 2018
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài
1.2.2. Phân theo đối tác đầu tư
Trong 30 năm qua, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, khu vực FDI đã tác động tích cực đến giao lưu về văn hóa kinh tế, chính trị thông qua sự hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Biểu đồ 2: FDI phân theo đối tác đầu tư giai đoạn 1998 - 2018
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài
Lũy kế đến hết năm 2018, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 7.592 dự án đăng ký, vốn FDI đăng ký hơn 65 tỷ USD chiếm 18,3% tổng vốn FDI. Nhật Bản là đối tác thứ hai đầu tư vào Việt Nam với 4.036 dự án và tổng số vốn đăng ký là 57,9 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn FDI). Đứng thứ ba là Singapore với số vốn FDI là 47,6 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đăng ký. Đài Loan đứng thứ tư với 2.667 dự án được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký là 31,9 tỷ USD đầu tư vào 21 ngành kinh tế.
1.2.3. Phân theo hình thức đầu tư
Tính đến hết năm 2018, các doanh nghiệp FDI thực hiện theo hình thức 100% vốn nước ngoài, có 23.505 dự án với tổng vốn đăng ký 255,3 tỷ USD, chiếm 84,4% về số dự án và 71,8% tổng vốn đăng ký. Theo hình thức liên doanh có 4.089 dự án với tổng vốn đăng ký78,5 tỷ USD, chiếm 14,7% về số dự án và 22,1% tổng vốn đăng ký. Theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có 237 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 14,8 tỷ USD. Số còn lại thuộc các hình thức khác như BOT, BT, BTO với tổng vốn đăng ký hơn 6,4 tỷ USD.
1.3. Thực trạng bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam
Biểu đồ 3: Hệ số GINI của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2018
Nguồn: Wealth Distribution and Income Inequality by Country 2018; Tổng cục Thống kê
Thông qua hệ số GINI của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2018, có thể thấy được sự thay đổi về bất bình đẳng thu nhập trong thời gian qua. Biểu đồ 3 cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2018 không ổn định. Dù mức độ biến động của hệ số Gini không nhiều (0,422 - 0,436), nhưng cũng cho thấy thu nhập của người lao động bị thay đổi qua các năm.
1.4. Thực trạng FDI tác động đến bất bình đẳng tại việt Nam
1.4.1. Bất bình đẳng thu nhập giữa khu vực FDI với các khu vực kinh tế khác
Biểu đồ 4: Thu nhập bình quân 1 người/tháng tại các khu vực kinh tế giai đoạn 2008 - 2018
Đơn vị: Nghìn đồng
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội
Biểu đồ 4 cho thấy, thu nhập tại các khu vực kinh tế đều có xu hướng tăng, trong đó, khu vực DNNN là cao nhất, sau đó là doanh nghiệp FDI, thấp nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tốc độ tăng thu nhập trong khu vực FDI là cao nhất (năm 2018 tăng gấp 4,4 lần, các DNNN tăng 3,86 lần, DN ngoài nhà nước tăng 4,2 lần). Trong khu vực FDI, thì thu nhập trong doanh nghiệp liên doanh ở mức cao nhất.
1.4.2. Bất bình đẳng thu nhập giữa các ngành nghề trong khu vực FDI
Biểu đồ 5: Thu nhập bình quân của 1 người lao động/tháng tại khu vực FDI phân theo lĩnh vực, ngành nghề giai đoạn 2007 - 2017
Đơn vị: Nghìn đồng
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội
Biểu đồ 5 cho thấy, giai đoạn 2007 - 2017, thu nhập của lĩnh vực thương mại dịch vụ cao nhất. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng có thu nhập cao nhất, ngành công nghiệp chế tạo có thu nhập thấp nhất. Chênh lệch giữa ngành có thu nhập cao nhất với ngành có thu nhập thấp nhất trung bình trong giai đoạn 2007 - 2017 của khu vực FDI là hơn 4 lần.
1.4.3. FDI tác động tới bất bình đẳng thu nhập giữa các vùng kinh tế - xã hội
Bảng 1. Chỉ tiêu kinh tế ở các vùng kinh tế giai đoạn 2008 - 2018
Nguồn: Số liệu tác giả tổng hợp từ các nguồn
Số liệu ở Bảng 1 cho thấy sự chênh lệch về thu nhập của người lao động và nguồn thu ngân sách rất lớn giữa các khu vực nhận được nhiều vốn FDI với các khu vực nhận được ít vốn FDI.
2. Khuyến nghị nhằm hạn chế tác động tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam
2.1. Khuyến nghị với Chính phủ
Thứ nhất, Chính phủ cần đảm bảo ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng, kinh tế đối ngoại, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ hỗ trợ xây dựng môi trường đầu tư có khả năng cạnh tranh cao, tiến dần tới các chuẩn mực quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Thứ hai, Chính phủ cần hỗ trợ để hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn FDI và giảm bất bình đẳng thu nhập. Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhưng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp FDI hoạt động đúng với cam kết; rà soát các quy định hiện hành để loại bỏ các rào cản thủ tục đối với đầu tư FDI trong các ngành nghề thu hút FDI thế hệ mới.
Thứ ba, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tăng trưởng kinh tế mới kết hợp với chính sách phân phối thu nhập nhằm giảm bất bình đẳng thu nhập. Xây dựng chính sách tạo điều kiện cho khu vực miền núi có nhiều dân tộc thiểu số, hộ gia đình có trình độ học vấn thấp có cơ hội được học tập, đào tạo. Các khu vực này cần được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt và các ưu đãi để thu hẹp chênh lệch giữa các địa phương trong cả nước.
Thứ tư, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng thu nhập.
2.2. Khuyến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thứ nhất, xây dựng định hướng cụ thể để cấp phép cho các dự án FDI.
(1) Định hướng về ngành, lĩnh vực: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cần hạn chế các dự án FDI sản xuất xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu bằng cách chọn lựa nhà đầu tư và công nghệ hiện đại; khuyến khích chính sách ưu đãi vào các dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo; điện thủy triều. Thu hút FDI vào ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
(2) Định hướng về thị trường và đối tác: Cần đa phương hóa việc thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng như Mỹ và EU và một số nước ở khu vực ASEAN.
(3) Định hướng về địa phương, vùng: Các địa phương có trình độ phát triển từ khá trở lên thì thu hút các dự án FDI vào ngành có hàm lượng trí tuệ cao, giá trị gia tăng cao, không tiếp nhận dự án bất lợi cho người lao động hoặc không thân thiện với môi trường. Tại các địa phương có mức độ phát triển thấp thì Bộ nên phê duyệt trước các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, xây dựng chính sách kết nối giữa các địa phương liền kề để phát huy tối đa lợi thế của vùng.
Thứ hai, hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức và thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu quốc gia, thực hiện chuyển đổi sang xúc tiến đầu tư theo mục tiêu cụ thể như: Chuyển từ xúc tiến đầu tư thụ động sang chủ động cao ở các ngành nghề ưu tiên; thiết kế và thực hiện chương trình chiến lược về chăm sóc sau đầu tư nhằm bảo đảm tái đầu tư và mở rộng đầu tư, cung cấp dịch vụ trong nước về các dịch vụ liên quan đến FDI.
Thứ ba, thay đổi các chỉ số đánh giá hiệu quả FDI từ số lượng sang chất lượng: Việt Nam cần dựa trên các chỉ số sau để xem xét hiệu quả của khu vực FDI:
- Tỷ lệ % FDI thu hút được trong các nhóm/ngành nghề giá trị gia tăng cao;
- Vốn FDI cam kết/vốn FDI giải ngân;
- Hệ số chuyển đổi giữa FDI được phê duyệt và dự án được triển khai thực tế;
- Tỷ lệ nguồn vốn đầu tư đến với những địa bàn khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các địa phương;
- Số việc làm được tạo ra và phân bổ theo trình độ tay nghề;
- Đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng và phát triển kỹ năng/Tổng vốn đầu tư;
- Giá trị xuất khẩu được tạo ra/nhập khẩu được thay thế trong các dự án FDI;
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư FDI;
- Tỷ lệ các nhà đầu tư hiện có nhận được hỗ trợ chăm sóc sau đầu tư;
- Tỷ lệ các nhà đầu tư hiện có tái đầu tư.
Thứ tư, thực hiện chính sách kết nối để tăng cường liên kết của doanh nghiệp FDI: Cấu phần chính của chính sách kết nối doanh nghiệp FDI bao gồm: triển khai cơ sở dữ liệu nhà cung cấp, kết nối dịch vụ, chương trình phát triển nhà cung cấp mục tiêu, xúc tiến đầu tư để thu hút nhà cung cấp nước ngoài và cung cấp các ưu đãi hỗ trợ hoặc tín dụng để hỗ trợ nâng cấp doanh nghiệp trong nước.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phân cấp cho Cục Đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với các cơ quan, ban ngành ở trung ương và địa phương tích cực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Tại Trung ương, việc thu hút FDI cần có chọn lọc, có phân loại, xem xét đến lịch sử nhà đầu tư. Tại các địa phương, cần có sự giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn, việc kiểm soát, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư cần tiến hành theo định kỳ (ví dụ: 3 tháng một lần) hoặc kiểm tra đột xuất để kịp thời kiểm soát những doanh nghiệp có nguy cơ bỏ trốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nam Hoai Trinh (2016) "The effect of foreign direct investment on income inequality in Vietnam", International Journal of Economics, Commerce and Management United Kingdom Vol. IV, Issue 12, December 2016 ISSN 2348 0386.
2. Báo cáo nhanh đầu tư trực tiếp nước ngoài 2018, Cục Đầu tư nước ngoài.
3. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc… từ giai đoạn 2007 - 2018.
4. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, số 20, quý 4/2018.
5. Dự thảo "Chiến lược và Định hướng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018 - 2030", Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, tháng 3/2018.
6. Dương Quỳnh Nga và các cộng sự (2017), "Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến bất bình đẳng thu nhập", Tạp chí Công Thương, bản điện tử 29/9/2017.
THE IMPACT OF FOREIGN DIRECT INVESTMENT
ON INCOME INEQUALITY IN VIETNAM:
CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATION
● PhD. NGUYEN THI THAI HUNG
Banking faculty - Banking Academy
ABSTRACT:
The article gives an overview of the real situation of foreign direct investment (FDI) in Vietnam and the situation of income inequality in Vietnam during 2007-2018, through the following contents: Income inequality between FDI sectors with other economic sectors; Income inequality among industries in the FDI sector; FDI affecting income inequality among socio-economic regions. On that basis, recommendations are made to both attract FDI and limit the negative effects of FDI on income inequality in Vietnam.
Keywords: Foreign direct investment, income inequality.