Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại các công ty Việt Nam

Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại các công ty Việt Nam do ThS. Mai Huỳnh Phương Thảo (Giảng viên, Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - Nguyễn Thị Thanh Ngân - Nguyễn Thanh Thiên Kim - Nguyễn Đăng Khoa (Sinh viên, Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài báo này là kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của số cuộc họp hội đồng quản trị (HĐQT), cũng như kinh nghiệm BIG 4 đến hiệu quả hoạt động của công ty niêm yết trên sàn HOSE trong giai đoạn 2019-2023. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết càng có nhiều cuộc họp HĐQT diễn ra thì dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh trở nên không được tốt, tốn kém chi phí khi tổ chức các cuộc họp quá nhiều, tốn nhiều thời gian cho việc họp hơn là vận hành công ty. Do đó, các công ty nên điều chỉnh số lượng cuộc họp phù hợp trong mỗi năm, để giảm bớt chi phí và thời gian, nhưng vẫn tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Từ khóa: cuộc họp hội đồng quản trị, Big 4, quản trị công ty, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Quản trị công ty hiệu quả không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của công ty, mà còn thúc đẩy nền kinh tế phát triển, do đó quản trị công ty là một trong những đề tài được quan tâm sâu sắc không chỉ đối với các nhà nghiên cứu kinh tế mà còn đối với mọi doanh nghiệp. Theo Erasmus et.al. (2010), hội đồng quản trị là cơ quan ra quyết định mạnh nhất, đóng vai trò trung tâm trong quản trị doanh nghiệp và là trái tim của công ty, cũng như là cầu nối giữa các nhà quản lý và các cổ đông. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các công ty kiểm toán thuộc nhóm BIG4 (Deloitte, PwC, EY và KPMG) là một quyết định chiến lược quan trọng đối với các công ty niêm yết và các bên liên quan. Theo Ashton, Willingham & Elliott (1987), các công ty kiểm toán lớn sẽ hoàn thành việc kiểm toán một cách kịp thời hơn do kinh nghiệm của họ.

Do đó, sự lựa chọn công ty kiểm toán BIG4 không chỉ là vấn đề hành chính mà còn là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công và bền vững của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh ngày nay.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Các lý thuyết nền tảng

Lý thuyết đại diện (Agency Theory): được xây dựng bởi Ross (1973), đề cập đến sự phân chia mức độ rủi ro giữa người ủy quyền (chủ sở hữu) và người đại diện (người quản lý) do họ có mục tiêu khác nhau. Người đại diện có thể đề cao tư lợi cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích của cổ đông (chủ sở hữu). Do được nắm quyền quản lý trực tiếp nên người quản lý có thể điều chỉnh số liệu cung cấp trên BCTC nhằm cung cấp thông tin sai lệch.

Lý thuyết quản trị (Stewardship Theory): đề cao vai trò của người quản lý vì tin rằng họ là những cá nhân đáng tin cậy và có xu hướng làm tốt công việc để trở thành một người quản lý tốt các nguồn lực của công ty, từ đó sẽ tối đa hóa lợi nhuận của công ty. Căn cứ Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020, HĐQT là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định.

2.2. Tác động của cuộc họp hội đồng quản trị đến hiệu quả hoạt động công ty

Nghiên cứu Thu Thủy (2020) cho thấy số lượng các cuộc họp của HĐQT ảnh hưởng ngược chiều đến hiệu quả tài chính. Những doanh nghiệp có quy mô HĐQT càng lớn sẽ càng khó khăn trong việc lên kế hoạch và tổ chức các cuộc họp. Tiếp đó, nghiên cứu Thanh Bình và cộng sự (2024) phát hiện mối quan hệ giữa số lần họp của HĐQT trong năm với chất lượng lợi nhuận là âm. Ý nghĩa của kết quả ngược chiều này là vì mỗi lần họp HĐQT đều đòi hỏi rất nhiều chi phí và thời gian, từ việc chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp đến việc tham dự và thực hiện các quyết định sau đó. Việc tốn kém nhiều chi phí khiến tổ chức cuộc họp tăng, chi phí và thời gian cần thiết cũng tăng, đồng thời làm giảm hiệu suất sử dụng tài nguyên này cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi, làm ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp.

Ngược lại trong nghiên cứu của Salima et. al. (2016) phát hiện ra số cuộc họp HĐQT có quan hệ thuận chiều với hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Dang et. al. (2020) cho rằng tần suất họp thường liên quan đến minh bạch và giám sát HĐQT đối với quản lý. Khi HĐQT họp thường xuyên, họ có cơ hội để theo dõi và đánh giá kịp thời các quyết định quản lý, từ đó giảm thiểu nguy cơ thất thoát và lạm quyền. Không những thế, tổ chức các cuộc họp HĐQT thường xuyên sẽ là một cam kết để chia sẻ thông tin với nhà quản lý, từ đó giám sát việc cung cấp thông tin dưới dạng báo cáo tài chính một cách chất lượng hơn (Brick & Chidambaran 2010). Nghiên cứu của Kapil & Mishra (2019) cùng quan điểm với việc số lượng cuộc họp HĐQT sẽ ảnh hưởng cùng chiều đến hoạt động dựa trên thị trường (Tobin’s Q). Ở lĩnh vực bảo hiểm, bằng cách sử dụng phương pháp hồi quy GLS, nghiên cứu của Abdulqawi et. al. (2020) tìm thấy mối quan hệ cùng chiều giữa tần suất cuộc họp HĐQT với hiệu quả hoạt động.

Mặt khác, theo Mai Ca (2023) chỉ ra số lượng cuộc họp HĐQT không mang lại ý nghĩa thống kê với cả ROA và ROE.

Một số nghiên cứu trên cho thấy kết quả là không hoàn toàn giống nhau và ngành nghề chưa được bao quát. Cho nên ở nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra giả thuyết nghiên cứu là: 

H1: Tác động số lượng cuộc họp hội đồng quản trị đến hiệu quả hoạt động của công ty.

2.3. Tác động của các công ty kiểm toán BIG4 đến hiệu quả hoạt động công ty

Theo Hoa Hồng và cộng sự (2021), việc sử dụng các dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp BIG4 được các nhà đầu tư và thị trường đánh giá cao về chất lượng của các báo cáo tài chính, vì uy tín và chất lượng của các công ty kiểm toán BIG4 cao hơn so với các doanh nghiệp kiểm toán khác, qua đó góp phần cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tương tự, Elewa & El-Haddad (2019) đã cho thấy việc được kiểm toán bởi một trong BIG4 có thể nâng cao uy tín và độ tin cậy của công ty và các công ty là khách hàng của các doanh nghiệp kiểm toán thuộc BIG4 có khả năng sinh lời cao hơn các doanh nghiệp không được kiểm toán bởi BIG4.

Tuy nhiên, theo Xuân Thủy và cộng sự (2024), các doanh nghiệp được kiểm toán bởi BIG4 có tác động ngược chiều đến việc quản trị lợi nhuận và có thể hiểu khi doanh nghiệp được kiểm toán bởi BIG4 sẽ khó xảy ra các tình trạng lợi nhuận bị thay đổi hơn. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước, nhóm tác giả đã quyết định đặt ra giả thuyết:

H2: Tác động của các công ty kiểm toán Big 4 đến hiệu quả hoạt động công ty.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu và nguồn dữ liệu

Trong danh sách các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tại Việt Nam, mẫu nghiên cứu này bao gồm 342 công ty niêm yết, với 1.707 quan sát trong giai đoạn 5 năm từ năm 2019 đến năm 2023.

3.2. Mô hình nghiên cứu

Với mục đích nghiên cứu về quản trị công ty tác động đến hiệu quả hoạt động của công ty trên sàn HOSE trong giai đoạn 2019-2023, chúng tôi thiết kế các phương trình sau:

quản trị công ty

Trong đó:

- Biến phụ thuộc - Performance là hiệu quả công ty, được đo lường ROA, ROE.

- Biến độc lập/kiểm soát: MEETBOD là số lượng cuộc họp HĐQT. BIG4 là nếu công ty kiểm toán thuộc nhóm BIG4 (E&Y, PwC, Deloitte, KPMG) là 1, khác là 0. BUSINESSCEO là bằng cấp của CEO, nếu CEO có bằng cấp thuộc khối kinh tế là 1, khác là 0. AGECEO là độ tuổi CEO. SIZE là quy mô công ty. AT (Asset Turnover) là tỉ lệ vòng quay tài sản. IND (industry) là ngành nghề. YEAR là năm tài chính.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả

Bảng 1. Thống kê mô tả

quản trị

Nguồn: Tác giả

Bảng 1 cho thấy với 1.707 quan sát, biến MEETBOD có giá trị trung bình 13,9619; giá trị lớn nhất 279 cuộc họp và giá trị nhỏ nhất là 0 cuộc họp. Như vậy có thể thấy có những công ty tổ chức quá nhiều cuộc họp và cũng có công ty không tổ chức cuộc họp nào trong năm. Các công ty được BIG4 kiểm toán (BIG4) chiếm khoảng 37% trong tổng số doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE.

4.2. Phân tích tương quan

Bảng 2. Ma trận tương quan

quản trị

Nguồn: Tác giả

Bảng 2 cho thấy số cuộc họp HĐQT tác động ngược chiều với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đo lường bởi các biến (ROA, ROE). Điều này cho thấy tại Việt Nam số lượng cuộc họp càng giảm, hiệu quả hoạt động công ty càng cao. Tiếp theo, BIG4 tác động cùng chiều với hiệu quả hoạt động công ty (ROA, ROE). Các cặp hệ số tương quan đều nhỏ hơn 0,7, do đó không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến.

4.3. Kết quả

Dựa vào kết quả chạy hồi quy bằng phương pháp GLS tại Bảng 3 sử dụng các biến hiệu suất ROA, ROE làm thước đo hiệu quả công ty với giá trị Waldchi² lần lượt ROA và ROE là 92,95 và 79,77 tại mức ý nghĩa cao 99%. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ các biến MEETBOD và BIG4 đến các biến hiệu quả công ty đều có ý nghĩa thống kê.

Về các biến độc lập, số lượng cuộc họp hội đồng quản trị (MEETBOD) tỷ lệ nghịch với các biến ROA và ROE lần lượt ở mức ý nghĩa cao 99% và 95%. Mối tương quan nghịch chiều giữa 2 biến này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thanh Bình và cộng sự (2024). Có thể thấy số cuộc họp hội đồng quản trị của các doanh nghiệp mỗi năm càng nhiều dẫn đến hiệu quả hoạt động công ty trở nên không được tốt như tốn kém nhiều chi phí khi tổ chức cuộc họp mà hiệu quả lại không cao, từ đó giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh lại số cuộc họp mỗi năm. Bên cạnh đó, biến BIG4 tỷ lệ thuận với các biến ROA và ROE đều ở mức ý nghĩa cao 99%. Kết quả này cho thấy việc sử dụng dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp BIG4 được nhà đầu tư đánh giá cao về chất lượng báo cáo tài chính, vì uy tín của các doanh nghiệp này cao hơn so với các doanh nghiệp kiểm toán khác, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động công ty sẽ càng trở nên hiệu quả hơn. Kết quả này có sự tương đồng với kết luận của Nguyễn Thị Hoa Hồng và cộng sự (2021) và Elewa & El-Haddad (2019). Vậy giả thuyết H1 và H2 được chấp nhận. Ngoài ra, biến kiểm soát độ tuổi CEO (AGECEO) có tác động cùng chiều với ROA và ROE và cùng có mức ý nghĩa thống kê là 99%. Điều này cho thấy tuổi của CEO càng cao sẽ làm cho hiệu quả hoạt động công ty ngày càng hiệu quả. (Bảng 3)

Bảng 3. Kết quả hồi quy

quản trị

Nguồn: Tác giả

5. Kết luận

Nghiên cứu tập trung phân tích ảnh hưởng của số lượng cuộc họp HĐQT và chất lượng kiểm toán bởi các công ty BIG4 đến hiệu quả hoạt động công ty của các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE tại Việt Nam năm 2019-2023. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết càng có nhiều cuộc họp HĐQT diễn ra thì dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh trở nên không được tốt như tốn kém chi phí khi tổ chức các cuộc họp quá nhiều, tốn nhiều thời gian cho việc họp hơn là vận hành công ty. Do đó, các công ty nên điều chỉnh số lượng cuộc họp phù hợp hơn trong mỗi năm để giảm bớt chi phí và thời gian nhưng vẫn tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán Big4 lại có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt hơn và cũng được đánh giá uy tín và cao hơn. Ngoài ra một số biến như độ tuổi CEO (AGECEO), bằng cấp khối kinh tế của CEO (BUSINESSCEO) và vòng quay tài sản (AT) cũng tác động đến hiệu quả hoạt động công ty dựa trên việc thông qua 2 biến phụ thuộc ROA và ROE. Trong các nghiên cứu tiếp theo, hướng nghiên cứu có thể xem xét tìm hiểu thêm nhiều thông tin các biến khác trong HĐQT, cũng như mở rộng phạm vi nghiên cứu sang thị trường khác. Điều đó sẽ có nhiều khả năng làm tăng ý nghĩa cho mô hình nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chu Thị Thu Thủy (2020), Tác động của đặc trưng hội đồng quản trị đến hiệu quả tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Châu Á, 3, 43-60.

2. Hồ Xuân Thủy và cộng sự, (2024). Các nhân tố quản trị công ty tác động đến quản trị lợi nhuận tại các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tạp chí Kinh tế xã hội, 2, 88-97.

3. Nguyễn Thị Hoa Hồng và cộng sự, (2021). Ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán đến hiệu quả hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 285(2), 89-101.

4. Nguyễn Thị Mai Ca (2023). Các đặc điểm của hội đồng quản trị và hiệu quả hoạt động tài chính của doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

5. Vũ Thị Thanh Bình, Trần Thế Nữ và cộng sự (2024). Tác động của quản trị công ty đến chất lượng lợi nhận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, Kế toán - Kiểm toán Việt Nam thích ứng với xu hướng hội nhập và chuyển đổi số, 746-758. Hà Nội.

6. Abdulqawi A. Hezarbr et. a. (2020). Board of Directions Characteristics and Firm Performance: Evidence from the Insurance Sector in Bahrain. International Journal of Innnovation, Creativity and Change, 14(9), 553-573.

7. Annatjie Erasmus, E. J. Ferreira, A. W. Erasmus, D. Groenewald (2010). Administrative Management. Juta and Company Ltd., USA.

8. Ashton, R. H.; Willingham J.J. and Elliott R.K. (1987). An Empirical Analysis of Audit Delay. Journal of Accounting Research, Autumn, 25(2), 275-292.

9. Brick, I. E., and Chidambaran, N. K. (2010). Board meetings, committee structure, and firm value. Journal of corporate finance, 16(4), 533-553.

10. Dang, H. N., Pham, C. D., Nguyen, T. X., & Nguyen, H. T. T. (2020). Effects of corporate governance and earning quality on listed Vietnamese firm value. Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(4), 71-80.

11. May M. Elewa. & Rasha El-Haddad, (2019). The Effect of Audit Quality on Firm Performance: A Panel Data Approach. International Journal of Accounting and Financial Reporting, 9(1), 229-244.

12. Ross, S. (1973). The Economic Theory of Agency: The Principal’s Problem. American Economic Review, 63, 134-139.

13. Ruhul Salima, AmirArjomandib and Juergen Heinz Seufertc (2016). Does corporate governance affect Australian banks’ performance? Journal of International Financial Markets, Institutions and Money, 43, 113-125.

14. Sheeba Kapil, Rakesh Mishra (2019). Corporate Governance and Firm Performance in Emerging Markets: Evidence from India. Theoretical Economics Letters, 9(6), 2033-2069.

THE IMPACT OF CORPORATE GOVERNANCE

ON FIRM PERFORMANCE:

EVIDENCE FROM VIETNAM

• MAI HUYNH PHUONG THAO1

• NGUYEN THI THANH NGAN2

• NGUYEN THANH THIEN KIM2

• NGUYEN DANG KHOA2

1Lecturer, Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

2Student, Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

ABTRACTS:

The issue of whether meeting Board of Director and experience BIG 4 affect firm performance is important for corporate governance of company. To address this issue, the present study aims to investigate into the influence of number meeting Board of Director as well as experience BIG 4 on firm performance. Using a sample of firms listed in the Ho Chi-Minh Stock Exchange from 2019 to 2023, and controlling for other confounding effects, this study tends to clarify the above relationships. We expect that the results will provide some new insights to the literature of corporate governance.

Keywords: Board Meeting, Big 4, Corporate Governance (CG), Firm Performance, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghê, số 16 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương