Ảnh hưởng của quản trị công ty đến độ trễ báo cáo kiểm toán

Đề tài Ảnh hưởng của quản trị công ty đến độ trễ báo cáo kiểm toán do ThS. Lê Thị Hồng Nhung (Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT)) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu (NC) đã đóng góp vào lý thuyết kế toán về một đặc điểm của thông tin hữu ích là tính kịp thời của thông tin thông qua việc NC định lượng với mẫu gồm 293 công ty (CT) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) trong 6 năm tương ứng với 1758 mẫu quan sát. Bằng việc kế thừa mô hình của Hassan, Y.M. (2016), kết quả nghiên cứu (KQNC) đã chỉ ra cả 7 biến độc lập (BĐL) sự tồn tại của Ủy ban Kiểm toán (UBKT), sự tập trung quyền sở hữu, Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập, sự kiêm nhiệm của Giám đốc điều hành (CEO), loại CT kiểm toán, Quy mô CT (QMCT) và hiệu quả hoạt động của CT đều có tác động đến độ trễ báo cáo kiểm toán (ĐTBCKT). Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số hàm ý giúp ích cho chính các CT nâng cao tính kịp thời của BCTC.

Từ khóa: quản trị công ty, tính kịp thời, độ trễ báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính.

1. Đặt vấn đề

Đối với các nước có nền kinh tế thị trường đang phát triển, ngoài thông tin trên BCTC, khả năng cung cấp thông tin liên quan đến tài chính khác khá hạn chế. Do đó, hầu như người sử dụng thông tin phụ thuộc đáng kể vào việc công bố thông tin hàng năm của các doanh nghiệp (DN) (Afify, H.A.E., 2009). Tuy nhiên, trong các thông tin được công bố ra thị trường không phải thông tin nào cũng đáng tin cậy cho nguời sử dụng đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo kiểm toán (BCKT) là một nguồn thông tin kế toán tham khảo đáng đáng tin cậy nhất cho người dùng bên ngoài (Kusin, S.A.B. & Kadri, M.H.B., 2020).

Các đặc điểm của thông tin tài chính hữu ích khi chúng thích hợp và được thể hiện một cách trung thực. Tính hữu ích của thông tin tài chính được nâng cao khi chúng có khả năng so sánh, có thể xác minh, cung cấp kịp thời và có thể hiểu được (IASB, 2018). Thông tin cần được cung cấp kịp thời do thông tin được công bố càng trễ thì thông tin đó đối với người sử dụng càng kém hữu ích. Do đó, thông tin tài chính được các CT, các DN công bố kịp thời là một yếu tố quan trọng và cần thiết cho thị trường vốn hoạt động tốt (Afify, H.A.E., 2009).

Việc công bố chậm trễ thông tin làm giảm niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) đối với DN, gia tăng sự không cân xứng thông tin đối với các NĐT. Một trong những giải pháp để giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các nhà quản lý, chủ sở hữu CT do sự vượt quyền của nhà quản lý, giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin giữa các NĐT hay giúp NĐT có đầy đủ thông tin hơn để tối ưu hóa các quyết định đầu tư của họ là áp dụng các thông lệ QTCT tốt (Al-Ajmi, J., 2008).

Ảnh hưởng của QTCT đến ĐTBCKT là đề tài đã và đang được rất nhiều các nhà nghiên cứu trên thế giới cả các nước phát triển và đang phát triển nghiên cứu. Tuy nhiên, ở Việt Nam nghiên cứu về tính kịp thời của thông tin hay ĐTBCKT dưới tác động của QTCT trong thời điểm hiện tại còn khá hạn chế. Do đó, để bổ sung thêm vào tài liệu NC về tác động của các đặc điểm của QTCT đến tính kịp thời của thông tin tài chính, tác giả đã chọn thực hiện đề tài: “Ảnh hưởng của quản trị công ty đến độ trễ báo cáo kiểm toán”.

Nghiên cứu gồm 5 nội dung chính: giới thiệu, tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, KQNC và thảo luận.

2. Tổng quan các nghiên cứu

Từ những nghiên cứu trên thế giới về ảnh hưởng của các yếu tố thuộc QTCT đến ĐTBCKT giai đoạn từ 2009 đến năm 2023 được đăng trên những tạp chí uy tín, tác giả tổng quan các NC theo hướng phát triển như sau:

Afify, H. A. E. (2009) tiến hành thực nghiệm đo lường mức độ tác động của đặc điểm QTCT đến ĐTBCKT ở Ai Cập. Sự tồn tại của một UBKT, sự độc lập của HĐQT có tác động tiêu cực đáng kể với ARL. Trong khi đó, sự kiêm nhiệm của CEO có tác động tích cực với ARL. Các NĐT, nhà quản lý, cơ quan chức năng và các bên liên quan khác có thể sử dụng KQNC này để nâng cao tính kịp thời của thông tin được công bố ra công chúng.

Hassan, Y.M. (2016) đã đưa ra các yếu tố thuộc QTCT, sự tồn tại của UBKT đến ĐTBCKT của các CT trên Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Palestine. KQNC cho thấy, sự phân tán quyền sở hữu và sự tồn tại của UBKT, số thành viên trong HĐQT là những nhân tố quan ảnh hưởng đến sự chậm trễ kiểm toán. Trong đó, số lượng thành viên trong HĐQT được coi là quan trọng nhất, số thành viên càng lớn thì thời gian phát hành báo cáo kiểm toán càng dài.

Tiếp theo nghiên cứu của Ika, S. R. & Ghazali, N. A. M. (2012), thực hiện kiểm tra mối liên hệ giữa hiệu quả của UBKT và tính kịp thời của báo cáo đối với 211 CT phi tài chính niêm yết trên SGDCK Indonesia. Kết quả cho thấy, hiệu quả của UBKT có khả năng làm giảm thời gian phát hành báo cáo kiểm toán. Nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng thực nghiệm về vai trò của UBKT, là một trong những cơ chế QTCT có đóng góp lớn trong việc đảm bảo chất lượng thông tin BCTC trong một quốc gia.

Nghiên cứu “chất lượng” của QTCT Mathuva, D. M. Et al (2019) kết hợp các yếu tố thuộc HDQT và UBKT bằng một chỉ số QTCT tổng hợp. Kết quả cho thấy: chuyên môn tài chính trong UBKT, quy mô HĐQT, các cuộc họp HĐQT và tính độc lập trong HĐQT có liên quan ngược chiều đến ĐTBCKT. HĐQT có ít nhất 1 thành viên là phụ nữ và các thanh viên có các quốc tịch khác nhau sẽ cải thiện tính kịp thời của các báo cáo hàng năm. Nghiên cứu này rất hữu ích trong việc nêu bật các đặc điểm QTCT mà các CT nên tập trung để tăng tính kịp thời của BCTC cho người dùng ra quyết định.

Muhammad Waris & Badariah Haji Din (2023), nghiên cứu khám phá mối quan hệ giữa quản trị DN và các mốc thời gian lập báo cáo tài chính bằng cách sử dụng dữ liệu của 100 CTNY trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017. Hội đồng quản trị độc lập (HDQTDL) làm giảm độ trễ và tăng chất lượng kiểm toán. Quyền sở hữu gia đình, số lượng lớn các cuộc họp hội đồng quản trị làm giảm độ trễ của báo cáo quản lý và tăng chất lượng kiểm toán. Sự hiện diện của UBKT làm giảm độ trễ của báo cáo kiểm toán.

Ở các nghiên cứu trong nước, tác giả tìm thấy nghiên cứu của Đồng Thị Phương (2018), NC được thu thập trong giai đoạn 2014 - 2016 với mẫu NC gồm 50 CT (150 quan sát). Tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành, sự kiêm nhiệm của CEO, QMCT làm BCKT phát hành chậm hơn. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông (CĐ) lớn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu càng cao và CT kiểm toán thuộc nhóm 4 CT kiểm toán lớn nhất sẽ thúc đẩy các CT phát hành báo cáo kịp thời hơn.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của các thuộc tính QTCT đến ĐTBCKT được quan tâm và NC khá nhiều ở các nước phát triển và một số nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, số lượng NC ở Việt Nam còn khá ít. Trong phần tổng quan các NC ở nước ngoài, các NC gần đây đã đi sâu vào nghiên cứu các yếu tố liên quan UBKT. Tuy nhiên, theo Luật DN (2020), mô hình CT có UBKT còn khá hạn chế. Vì vậy, trong nghiên cứu này tác giả chỉ sử dụng mô hình nghiên cứu (MHNC) có BĐL là sự tồn tại UBKT hay không mà không đi vào những NC những đặc điểm của UBKT. Do đó, nghiên cứu này tác giả sẽ kế thừa mô hình của Hassan, Y.M. (2016) để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố thuộc QTCT đến ĐTBCKT.

3. Cơ sở lý thuyết

3.1. Tính kịp thời của báo cáo tài chính

BCTC cung cấp thông tin về tình hình tài chính tại một thời điểm nhất định, kết quả hoạt động trong một kỳ kinh doanh và các dòng tiền của một DN theo từng hoạt động, đáp ứng yêu cầu của những người sử dụng thông tin trong và ngoài DN để đưa ra quyết định kinh tế.

Thông tin tài chính hữu ích khi thông tin đó phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, trung thực về bản chất hơn hình thức. Tính hữu ích của thông tin tài chính sẽ được nâng cao nếu thông tin có thể so sánh được và thông tin luôn có sẵn để người sử dụng thông tin có thể đưa ra quyết định kịp thời.

Tính kịp thời của BCTC được xem là một trong những khía cạnh quan trọng đối với các NĐT, người cho vay, cơ quan nhà nước, nhà cung cấp,… đưa ra quyết định trên cơ sở của thông tin trong BCTC (Afify, H. A. E., 2009).

Trước khi công khai báo cáo ra công chúng, các DN niêm yết trên HOSE cũng cần phải kiểm toán - khi công khai phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán. Do đó, tính kịp thời của các DN này cũng phụ thuộc phần lớn vào ĐTBCKT.

3.2. Quản trị công ty

Quản trị CT bao gồm những quy định trong hệ thống pháp luật, các cơ chế, quy định trong các thông lệ QTCT tốt nhất, nhằm định hướng, điều hành và kiểm soát, đảm bảo quyền lợi một cách tốt nhất giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ CT như giữa các cổ hoặc thành viên góp vốn, BGĐ điều hành, HĐQT/Hội đồng thành viên, mà còn có những bên có lợi ích liên quan bên ngoài CT.

QTCT đang là vấn đề cấp thiết của các quốc gia trong xu thế hội nhập. Việt Nam cũng đang bước đầu thực hiện những cải cách trong việc thực hành QTCT, đặc biệt là tại các công ty niêm yết (CTNY). Các nguyên tắc về QTCT giúp các DN sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, định hướng phát triển bền vững, tăng tính minh bạch của thông tin, từ đó gia tăng niềm tin của NĐT.

Ngược lại, một khuôn khổ QTCT yếu kém làm giảm khả năng nhận nguồn vốn trong nước và quốc tế do tín nhiệm thấp, giá trị kinh tế của CT bị giảm sút và dẫn tới các nguy cơ phá sản, bị thôn tính, sáp nhập, ảnh hưởng đến tổng thể trong nền kinh tế quốc gia.

Đây là các văn bản pháp luật, là khuôn khổ pháp lý cho QTCT ở Việt Nam hiện nay, như: Luật Doanh nghiệp 2014 (sửa đổi 2020); Luật Chứng khoán 2006 (đã sửa đổi 2010, 2019), Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi 2020); Luật Cạnh tranh 2018, Luật Phá sản 2014; Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 về hướng dẫn QTCT đại chúng.

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Mô hình nghiên cứu

Tác giả sẽ kế thừa MHNC của (Hassan, Y.M., 2016) để tiến hành nghiên cứu như sau:

 

Trong đó:

  • Biến phụ thuộc:
  • ARL: độ trễ báo cáo kiểm toán
  • Biến độc lập:
  • UBKT: sự tồn tại của UBKT
  • CDLON: sự tập trung quyền sở hữu
  • HDQTDL: hội đồng quản trị độc lập
  • KIEMNHIEM: sự kiêm nhiệm của CEO/Chủ tịch HĐQT
  • Biến kiểm soát:
  • BIG4: loại CT kiểm toán
  • QM: quy mô CT
  • ROA: hiệu quả hoạt động

4.2. Xây dựng giả thuyết nghiên cứu

Để trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu và đạt được các mục tiêu đề ra, tác giả đã xây dựng giả thuyết để kiểm định MHNC đã chọn, gồm: sự tồn tại của UBKT, sự tập trung quyền sở hữu, HĐQT độc lập, sự kiêm nhiệm của CEO, loại CT kiểm toán, QMCT và hiệu quả hoạt động của CT đến ĐTBCKT như sau:

H1: Sự tồn tại của một UBKT có tác động ngược chiều đến ARL.

H2: Có mối liên hệ ngược chiều giữa ARL và mức độ tập trung quyền sở hữu.

H3: Tính độc lập của HĐQT có mối liên hệ cùng chiều đến ĐTBCKT.

H4: Có một mối liên hệ cùng chiều giữa ARL và sự kiêm nhiệm của CEO.

H5: Có mối liên hệ cùng chiều giữa loại CT kiểm toán và ĐTBCKT.

H6: Có mối liên hệ cùng chiều giữa ARL và QMCT.

H7: Khả năng sinh lời có ảnh hưởng ngược chiều đáng kể đến ĐTBCKT.

4.3. Phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu được tác giả thu thập thông qua BCKT, Báo cáo thường niên, Báo cáo QTCT của các CTNY trên HOSE trong giai đoạn từ năm 2018 - 2023 được đăng tải trên các trang: https://finance.vietstock.vn/; https://cafef.vn/; và các trang web chính thức của các CTNY trên HOSE.

Sau khi loại bỏ những CT không đủ dữ liệu đầy đủ cả 6 năm cho dữ liệu bảng, kết quả thu được 293 CT phi tài chính, với 1.758 quan sát cho nghiên cứu định lượng.

4.4. Phương pháp phân tích dữ liệu

Để phân tích dữ liệu thu thập được, tác giả đã sử dụng phần mềm định lượng stata 14 để xác định các yếu tố tác động đến tính kịp thời của BCTC như sau:

Thống kê mô tả các yếu tố độc lập, phân tích tương quan giữa các BĐL và BPT, kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến. Phân tích dữ liệu theo mô hình hồi quy (MHHQ) gộp Pooled OLS, mô hình tác động cố định FEM, mô hình tác động ngẫu nhiên REM. Sau đó thực hiện các kiểm định F, Breusch - Pagan Lagrange Multiplier và Hausman để lựa chọn mô hình phù hợp nhất. Kiểm định phương sai thay đổi, tự tương quan cho mô hình được chọn. Mô hình GLS khắc phục khuyết tật từ mô hình được chọn.

5. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

5.1.Thống kê mô tả các biến

Bảng 1. Thống kê mô tả biến phụ thuộc Độ trễ báo cáo kiểm toán (ARL)

Tên biến

Mẫu

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Độ trễ báo cáo kiểm toán (ARL)

1,758

78.3413

16.1037

6

247

                                                                                 Nguồn: Kết quả phân tích bởi STATA 14

Trong 1758 mẫu quan sát của 293 CTNY trên sàn HOSE trong 6 năm từ 2018 - 2023 thì các CT mất khoảng 78,34 ngày để công bố BCKT của họ sau khi kết thúc năm tài chính. Đa số các CT đã đáp ứng thời gian công bố BCTC đã được kiểm toán theo quy định của nhà nước (90 ngày). Tuy nhiên, vẫn có những CT có thể phát hành BCTC đã được kiểm toán rất sớm chỉ khoảng 6 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngược lại có những CT trễ thời hạn so với quy định độ trễ lên đến 247 ngày. Kết quả ĐTBCKT trong NC này là ngắn hơn kết quả được báo cáo trong các NC trước đây ở các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á: như nghiên cứu của Kusin, S.A.B. & Kadri, M.H.B., (2020) tại Malaysia cho mẫu khảo sát là 99,25 ngày. (Bảng 1)

5.2. Kết quả kiểm định mô hình

Sau khi phân tích tương quan giữa các BĐL và BPT, kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến. Chạy dữ liệu cho MHHQ gộp Pooled OLS, FEM, REM. Kết quả hồi quy mô hình POOLED OLS cho thấy giá trị R bình phương hiệu chỉnh bằng 0.1423 cho thấy các BĐL đưa vào phân tích hồi quy đã giải thích được 14,23% sự biến thiên của BPT, còn lại 85,77% là do các biến ngoài MHNC và sai số ngẫu nhiên.

Dựa trên các kiểm định như mô tả tại phần phương pháp phân tích dữ liệu, tác giả đã lựa chọn mô hình FEM là phù hợp nhất. Thông qua các kiểm định của khuyết tật của mô hình, mô hình FEM không bị tự tương quan mà bị phương sai thay đổi. Tác giả thực hiện mô hình GLS để khắc phục khuyết tật của mô hình FEM. Kết quả như Hình 1.

Hình 1: Mô hình GLS để khắc phục khuyết tật của mô hình FEM

ARL

Hệ số hồi quy (Coef.)

Sai số chuẩn (Std. Err.)

Giá trị z

Mức ý nghĩa P>|z|

[95% Conf.]

UBKT

25,990

0,4982

52,200

0,0000

16,226

35,754

CDLON

-61,946

0,8582

-72,200

0,0000

-78,766

-45,125

HDQTDL

38,623

16,577

23,300

0,0200

0,6133

71,112

KIEMNHIEM

51,847

0,6845

75,700

0,0000

38,430

65,263

BIG4

26,171

0,4644

56,400

0,0000

17,070

35,272

QM

0,6706

0,1517

44,200

0,0000

0,3733

0,9679

ROA

-0,5308

0,0270

-196,600

0,0000

-0,5837

-0,4778

Hằng số

731,478

22,986

318,200

0,0000

686,427

776,530

Bảng 2: Kết quả mô hình GLS

                                                                            Nguồn: Kết quả phân tích bởi STATA 14

 Với mô hình GLS, cả 7 biến đều có ý nghĩa với độ tin cậy 95%.

Để phân tích rõ hơn KQNC, tác giả thực hiện thảo luận KQNC ở phần tiếp theo như sau.

5.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Phương trình hồi quy tuyến tính bội của các yếu tố tác động tới độ trễ của BCKT các CTNY trên HOSE với các hệ số chuẩn hóa như sau:

  • Sự tồn tại của UBKT

Kỳ vọng có mối liên hệ ngược chiều giữa sự tồn tại của một UBKT và ARL. Tuy nhiên, theo KQNC cho thấy sự tồn tại của UBKT có tác động cùng chiều đến ĐTBCKT, do mô hình CT có UBKT ở Việt Nam khá mới mẻ, trình độ chuyên môn về kế toán - tài chính của các thành viên trong UBKT chưa được chú trọng; các CT chưa phát huy được vai trò của UBKT trong quá trình công bố thông tin tài chính ra công chúng mà cụ thể là BCKT, do đó sự tồn tại của UBKT làm thời gian phát hành BCKT dài hơn.

  • Sự tập trung quyền sở hữu

Những CT có tỷ lệ CĐ sở hữu trên 5% vốn cổ phần càng lớn thì càng có xu hướng phát hành BCKT sớm hơn.

Rủi ro kinh doanh của DN lớn hơn do các vấn đề phát sinh từ việc chia tách quyền sở hữu và quyền kiểm soát, ảnh hưởng đến rủi ro kiểm toán có thể chấp nhận được khi lập kế hoạch của kiểm toán viên (KTV). Sự phân tán quyền sở hữu làm gia tăng sự phụ thuộc vào BCKT làm gia tăng khả năng kiện tụng KTV có thể phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm toán hơn để đảm bảo chất lượng kiểm toán điều này có thể dẫn đến chậm trễ phát hành BCKT.

  • Hội đồng quản trị độc lập

Sự độc lập trong HĐQT trong các CT ở Việt Nam có mối quan hệ tới ĐTBCKT, cụ thể những CT có tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT cao thì có thời gian phát hành BCTK cao hơn. Điều này trùng với giả thuyết nghiên cứu tác giả đã lập luận rằng có sự ảnh hưởng tích cực của thành viên độc lập tới thời gian công bố thông tin tài chính đã được kiểm toán do trước khi phát hành BCKT cần thông qua sự kiểm tra của thành viên độc lập HĐQT khiến thời gian phát hành BCKT dài hơn.

  • Sự kiêm nhiệm của CEO

Sự kiêm nhiệm của CEO có tác động cùng chiều đến ĐTBCKT. Các CT có sự tách biệt hai vị trí chủ tịch HĐQT và CEO tăng cường tính độc lập và hiệu quả của HĐQT trong bảo vệ lợi ích của các CĐ, điều này sẽ gia tăng chất lượng công bố thông tin của DN và do đó làm giảm ARL.

  • Loại công ty kiểm toán

KQNC cho thấy KTV thực hiện cuộc kiểm toán thuộc 1 trong 4 CT kiểm toán có mối quan hệ cùng chiều tới ARL.

Kết quả này tương đồng với kết quả của Hassan, Y.M., (2016), các CT được kiểm toán bởi bốn CT kiểm toán lớn có thời gian công bố BCKT dài hơn. Giải thích cho kết quả này, các CT kiểm toán quốc tế tin rằng danh tiếng và uy tín có thể được bảo vệ bằng cách đảm bảo với các bên liên quan về chất lượng kiểm toán. Do đó, họ nỗ lực nhiều hơn để thu thập các bằng chứng kiểm toán, làm tăng công việc của CT kiểm toán và kết quả trong ĐTBCKT dài hơn.

  • Quy mô công ty

Qua KQNC, QMCT có mối liên hệ cùng chiều với ARL, điều này có nghĩa là các CT có quy mô lớn hơn sẽ có ĐTBCKT lớn hơn. Do các CT có quy mô lớn có xu hướng đầu tư đa ngành nghề mở rộng kinh doanh nên có nhiều CT con, CT liên kết, điều này cũng gây không ít khó khăn cho chính DN được kiểm toán và KTV trong quá trình phát hành BCTC và ý kiến kiểm toán.

  • Hiệu quả hoạt động

Kết quả biến tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) có mối tương quan âm do các CT tạo ra lợi nhuận từ tài sản tốt sẽ có xu hướng phát hành BCKT sớm hơn để công bố thông tin tốt đến các CĐ hoặc NĐT, để từ đó tác động làm tăng giá trị thị trường của CT.

KQNC này cũng là nền tảng để nghiên cứu kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao tính kịp thời của BCTC các CTNY trên HOSE nói riêng và các CTNY ở Việt Nam nói chung như tích cực nâng cao vai trò của các thành viên HĐQT độc lập, nâng cao vai trò của UBKT hay nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ để góp phần nâng cao tính kịp thời của BCTC.

Các nghiên cứu tiếp theo có thể nghiên cứu vai trò của cơ chế quản trị như tỷ lệ các thành viên không điều hành, sự đa dạng của HĐQT: số lượng nữ giới trong HĐQT và quốc tịch của thành viên HĐQT (Mathuva, D. M. Et al, 2019), đặc điểm, trình độ của BKS,… Khi đó, việc phân tích sâu hơn các yếu tố thuộc QTCT và trong một khoảng thời gian dài hơn có thể nâng cao xu hướng về ĐTBCKT ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1. Afify, H. A. E. (2009). Determinants of audit report lag: Does implementation of corporate governance have any impact? Empirical evidence from Egypt. Journal of Applied Accounting Research, Vol. 10, No. 1, 56-86.

2.   Al-Ajmi, J. (2008). Audit and reporting delays: Evidence from an emerging market. Advances in Accounting, Vol 24, No. 2, 217-226.

3.   Đồng Thị Phương. (2018). Ảnh hưởng của quản trị công ty dến tính kịp thời của báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sỹ Kinh Tế, ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4.   Hassan, Y.M. (2016). Determinants of audit report lag: evidence from Palestine. Journal of Accounting in Emerging Economies, Vol. 6, No. 1, 13-32.

5.   IASB. (2018). International Financial Reporting Standards. International Accounting Standards Board (IASB).

6.   Ika, S. R. & Ghazali, N. A. M. (2012). Audit committee effectiveness and timeliness of reporting: Indonesian evidence. Managerial Auditing Journal, Vol. 27, No. 4, 403-424.

7.   Kusin, S.A.B. & Kadri, M.H.B. (2020). Determinants of audit report lag: Effect of corporate governance in listed companies in the Malaysian construction industry. Asia-Pacific Management Accounting Journal, Vol. 15, No. 4, 611-635.

8.   Mathuva, D. M. Et al. (2019). Corporate governance and the timeliness of audited financial statements. Journal of Accounting in Emerging Economies, Vol. 9, Iss. 4, 473-501.

9.   Muhammad Waris & Badariah Haji Din (2023). Impact of corporate governance and ownership concentrations on timelines of financial reporting in Pakistan. Accounting, Corporate Governance & Business Ethics, https://doi.org/10.1080/23311975.2023.2164995.

The influence of corporate governance on the audited financial statement lag

Master. Le Thi Hong Nhung

Lecturer, Ho Chi Minh City University of Foreign Languages - Information Technology

Abstract:

This study is expected to contribute to the accounting theory regarding a characteristic of useful information, which is the timeliness of information, through quantifying a sample of 293 companies listed on the Ho Chi Minh City Stock Exchange (HOSE) over six years with 1,758 observation samples. By adopting the model of Hassan, Y.M. (2016), the study’s results identified seven independent variables, including the existence of the audit committee, ownership concentration, independent Board of Directors, CEO duality, audit firm type, company size, and firm performance, all of which impact the audited financial statement lag. Based on these findings, some implications were proposed to help companies enhance the timeliness of their financial reporting.

Keywords: corporate governance, timeliness, audited financial statement lag, financial reporting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 5 năm 2024]

Tạp chí Công Thương