Tầm quan trọng của quy hoạch chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

THS. NGÔ BẢO NGỌC - THS. BÙI QUỐC THẮNG (Giảng viên, Khoa Quản lý đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội)

TÓM TẮT:

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với sự tác động của biến đổi khí hậu, đối mặt giữa áp lực phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường sống cho con người. Cùng với việc đưa ra các chiến lược và chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất cho con người, hiện nay các chính phủ cũng đưa ra các chiến lược và chính sách nhằm giúp sự phát triển mang tính ổn định và bền vững. Quy hoạch chiến lược là một trong số các giải pháp mang tính chiến lược được áp dụng nhiều nước trên thế giới và đem lại hiệu quả. Bài viết đề cập tới các vấn đề liên quan đến quy hoạch chiến lược tại Việt Nam, đặc biệt là mức độ và khả năng áp dụng của quy hoạch chiến lược trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ khóa: quy hoạch chiến lược, biến đổi khí hậu, quản lý đô thị, phát triển đô thị, cơ chế chính sách.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những thách thức lớn đối với toàn thế giới hiện nay. Những tác động ngày càng gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan, cùng với thiên tai, nhiệt độ và nước biển dâng trên toàn cầu, đang khiến cho các quốc gia trên thế giới phải lo ngại. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguy cơ do nước biển dâng. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập nặng nhất. Dự tính mức độ nước biển dâng 1m sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 10% dân số, tổn thất 10% GDP, và sẽ có khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam ngập hàng năm. Trong đó 90% diện tích các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long  bị ngập hầu như toàn bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2003). Nếu nước biển dâng lên 3m sẽ ảnh hưởng trực tiếp khoảng 25% dân số và GDP tổn thất khoảng 25%. Bên cạnh đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ chịu tác động về tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khỏe. Chính vì điều đó, Việt Nam cần có sự thay đổi về mặt chiến lược và chính sách cùng với quy hoạch đô thị để góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi của Biến đổi khí hậu, giúp các đô thị có khả năng thích ứng và chống chịu được biến đổi khí hậu trong tương lai.

2. Khái niệm biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu (định nghĩa của Công ước khí hậu) được quy định trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể so sánh được. Hay nói cách khác, biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định được tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biển đổi có thế là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thế xuất hiện trên toàn thế giới.

Các biểu hiện của biến đổi khí hậu đó là:

  • Sự nóng lên của khí quyển và Trái đất nói chung.
  • Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyền có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên Trái đất.
  • Mực nước biển dâng cao do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.
  • Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của Trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người.
  • Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác.
  • Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển, các địa quyển.

Ứng phó với biến đổi khí hậu được hiểu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ sự tác động bởi biến đổi khí hậu tới con người.

3. Khái niệm Quy hoạch chiến lược

Quy hoạch chiến lược là một quá trình trong đó các nhà lãnh đạo của tổ chức xác định tầm nhìn của họ cho tương lai và xác định các mục đích và mục tiêu cụ thể cho tổ chức. Quá trình này bao gồm việc thiết lập trình tự thực hiện các mục đích đó để tổ chức có thể đạt được tầm nhìn đã đặt ra.

Theo quan niệm của Pháp và Mỹ, Quy hoạch chiến lược là phương thức quy hoạch hướng vào việc giải quyết các vấn đề trong việc bố trí các yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, khi áp dụng vào quy hoạch đô thị, quy hoạch chiến lược được hướng đến các mục đích lớn mang tính dài hạn, có liên quan đến quy hoạch vùng, hay thành phố.

Quy hoạch chiến lược là một công cụ mới đối với Việt Nam, tuy nhiên đã được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển từ những năm 1990, và đem lại những hiệu quả đáng kể do tính linh hoạt và đa dạng của nó. Đặc điểm của quy hoạch chiến lược bao gồm:

  • Hình thành khung xác định tầm nhìn và các chiến lược dài hạn có tính thực tế, nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các bên liên quan, tạo tính bền vững trong việc thực hiện quy hoạch, làm cơ sở đưa ra quyết định, nguyên tắc hướng dẫn cho các hoạt động đầu tư.
  • Sử dụng phương pháp phân tích có tính hệ thống nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; các xu hướng tác động bên ngoài và nội lực; các nguồn lực sẵn có để có được giải pháp thích hợp.
  • Đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, cũng như tất cả các thành phần trong xã hội.
  • Một quy trình liên tục bao gồm định hướng cho các hành động trung và dài hạn, và cơ chế cho quy hoạch chi tiết ngắn hạn; thiết lập mối quan hệ lâu dài giữa mục tiêu, chiến lược, kế hoạch hành động và các dự án.

4. Biến đổi khí hậu ở Việt Nam

4.1. Thực trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Trong vòng 50 năm qua, biến đổi khí hậu đã có những tác động rõ rệt ở Việt Nam. Nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,5 - 0,7°, mực nước biển đã tăng khoảng 20 cm. Thiên tai như bão lũ, hạn hán thường xuyên diễn ra với cường độ khốc liệt và có xu hướng ngày càng gia tăng. Dự báo cuối thể kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng khoảng 2 - 3°C. Tổng lượng mưa hàng năm và lượng mưa vào mùa mưa tăng, trong khi lượng mưa vào mùa khô lại giảm. Mực nước biển có thể dâng thêm 1cm so với thời kỳ 1980 - 1999. Theo số liệu thống kê, ước tính trung bình mỗi năm Việt Nam chịu tác động từ 6 - 7 cơn bão. Tính từ năm 1990 - 2010, có khoảng 74 trận lũ trên các hệ thống sông. Cùng với đó là tình trạng thiên tai mang tính cực đoan gây tác động to lớn đến đời sống con người, và gây ra những thiệt hại về kinh tế của quốc gia.

Tài nguyên nước cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nguy cơ suy giảm do hạn hán ở một số vùng ngày càng tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp và đời sống người dân. Đó là làm giảm khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở các vùng nông thôn và thành thị, và sản xuất thủy điện.

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu còn có tác động trực tiếp tới sự phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đặc biệt là các vùng đồng bằng ven biển, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Thêm vào đó, việc các khu vực đất bị ngập mặn ảnh hưởng tới sự sinh trưởng cũng như năng suất của cây trồng, làm thay đổi thời vụ gieo trồng, cây cối dễ bị sâu bệnh, tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh ở gia súc và gia cầm.

4.2. Các chính sách ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ký Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCCC) năm 1992, phê chuẩn năm 1994 và ký Nghị định thư Kyoto năm 1998, phê chuẩn năm 2002; đồng thời thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Việt Nam Ủy ban UNFCCC và KP. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các quy định và chính sách có liên quan đến công tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 đã quy định về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong đó, tại điều 23 nêu rõ căn cứ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia:

  • Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia trong cùng giai đoạn phát triển.
  • Kịch bản biến đổi khí hậu trong cùng giai đoạn phát triển.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên và môi trường. Quan điểm là Việt Nam sẽ ứng phó biến đổi khí hậu dựa trên nguyên tắc công lý, công bằng, tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả; áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy nội lực và trên tinh thần hợp tác quốc tế. Trong đó, Chiến lược nêu rõ trách nhiệm là của Nhà nước và toàn xã hội. Giải pháp thực hiện cấp bách trong giai đoạn sắp tới là giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chiến lược nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn, sinh kế cho những người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu; đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, cũng như lợi thế của từng vùng, từng miền.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu chung Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Mục tiêu cụ thể bao gồm:

  • Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái.
  • Chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.
  • Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của biến đổi khí hậu để phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp.
  • Thực hiện đầy đủ các cam kết của một bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
  • Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và thúc đẩy thực hiện lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
  • Nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai.
  • Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ và tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

4.3. Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam (Hình 1)

Hình 1: Các cách tiếp cận thích ứng và QLRRTT trong điều kiện khí hậu đang biến đổi (Theo UNDP,2015)

Dựa trên nghiên cứu và đánh giá, UNDP đã đưa ra biện pháp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. Đó là các biện pháp về mặt quản lý mang lại những lợi ích trong điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai, đòi hỏi cần có những kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau. Trong đó, có sự định hướng giải quyết các vấn đề có xu hướng gặp hiểm họa hoặc dễ bị tổn thương. Các biện pháp đó bao gồm:

  • Tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm.
  • Lập bản đồ rủi ro khí hậu, mức độ bị ảnh hưởng hoặc dễ bị tổn thương
  • Truyền thông rủi ro.
  • Tích hợp quản lý rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quản lý đất đai bền vững (quy hoạch sử dụng đất và quản lý phục hồi hệ sinh thái).
  • Xây dựng kế hoạch tổng hợp tài nguyên nước.
  • Cải thiện giám sát y tế, cấp nước, vệ sinh môi trường và các hệ thống tưới tiêu và thoát nước.
  • Xây dựng các hệ thống thu gom và lưu trữ nước mưa và nước ngầm.
  • Xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu.
  • Xây dựng các chính sách và cơ chế quản lý liên hồ chứa đa mục tiêu.
  • Phát triển và thực thi các tiêu chuẩn xây dựng.
  • Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Để có thể quản lý rủi ro hiệu quả, cần có danh mục các kế hoạch hành động cụ thể để giảm thiểu rủi ro và ứng phó với các hiện tượng cực đoan và thiên tai. Điều đó liên quan đến các chiến lược cụ thể theo từng vùng, địa phương và từng khu vực. Chiến lược thành công khi kết hợp giữa phát triển và củng cố cơ sở hạ tầng, cùng với giải pháp năng cao năng lực và thể chế.

Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định 3 nhóm giải pháp ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới: (i) Nâng cao năng lực dự báo; (ii) Giám sát khí hậu; (iii) Giảm thiểu thiệt hại thiên tai và cắt giảm phát thải nhà kính. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt được một số mục tiêu căn bản như nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai để có thể chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu.

5. Quy hoạch chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được cam kết này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chính sách phát triển như: chiến lược, quy hoạch hay kế hoạch, chương trình là một trong số giải pháp mang tính vĩ mô và đạt được hiệu quả. Dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu còn mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường; đồng thời giúp tạo cho quốc gia có sự phát triển mang tính bền vững.

Theo nội dung Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Việt Nam lần đầu tiên luật hóa quy định lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong các nội dung của chiến lược và quy hoạch. Nội dung lồng ghép vào chiến lược và quy hoạch bao gồm: kịch bản biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu trong việc xác định những mục tiêu dài hạn của chiến lược và quy hoạch; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; kết quả đánh giá và phân tích giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được áp dụng trong việc xác định các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, An Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, v.v… Trong đó, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đề cập đến kịch bản phát thải và biến đổi khí hậu cho khu vực; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án ưu tiên về thích ứng biến đổi khí hậu; lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Với việc xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp trung ương và địa phương cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các quy hoạch chiến lược, thay vì cách tiếp cận theo phương thức truyền thống trước kia là quy hoạch tổng thể. Với quy hoạch chiến lược, Chính phủ có thể dễ dàng đưa ra những chính sách có tính hiệu quả và dài hạn. Đồng thời, với quy hoạch chiến lược có thể tạo sự thống nhất về mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương.

Việc cụ thể hóa quy hoạch chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp huy động các thành phần cùng tham gia, góp phần giúp chiến lược có tính hiệu quả hơn. Thêm vào đó, quy hoạch chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu còn được hiểu là sự lồng ghép các chính sách, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra và tận dụng cơ hội để phát triển. Chính vì vậy, việc triển khai quy hoạch chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu là điều cần thiết để có thể đạt được mục tiêu giảm tác động của biến đổi khí hậu, cũng như đồng thời vẫn tạo điều kiện đề phát triển kinh tế - xã hội.

6. Kết luận

Để đối phó với những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, Chính phủ cần đưa ra những chính sách, chiến lược có tính phù hợp và cần có tầm nhìn dài hạn. Với các văn bản quy định được ban hành trong thời gian gần đây cho thấy Chính phủ đã quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các quy định mới chỉ là tiền đề để giúp các địa phương, ban, ngành thấy rõ trách nhiệm cần thực hiện. Vấn đề quan trọng là cần nhận thức rõ tầm quan trọng hơn nữa của quy hoạch chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu để đưa ra giải pháp có tính hiệu quả trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
  3. 3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
  4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2007). Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
  5. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (2017). Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
  6. UNDP (2015). Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu.
  7. USAID. (2011). Climate change in Vietnam: Assessment of issues and options for USAID funding.
  8. ADB. (2013). Environment and Climate change assessment.

The important role of strategic planning responding to climate change in Vietnam

Master. Ngo Bao Ngoc

Master. Bui Quoc Thang

Lecturer, Faculty of Urban Management, Hanoi Architectural University

Abstract:

Along the rapid economic development, countries in the world are facing the consequences of climate change and they are under pressure to ensure the living environment for people. Besides implementing strategies and policies to improve people's material living standards, many countries are developing sustainable development strategies and policies. Strategic planning is one of the strategic solutions that are applied in many countries around the world and this approach bring effective results. This paper presents issues related to strategic planning in Vietnam, especially the extent and applicability of strategic planning in response to climate change.

Keywords: strategic planning, climate change, urban management, urban development, mechanisms.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]