Bánh kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc
Chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Giầy (Hà Nội) những ngày này tràn ngập màu sắc của bánh mứt kẹo phục vụ Tết. Gia cầm, trứng gia cầm, thịt gia súc trốn kiểm dịch vẫn lọt vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày cuối năm cực kỳ sôi động khi nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng mạnh. Các quầy hàng bán bánh mứt kẹo được bày ra tận vỉa hè để thu hút sự chú ý của khách hang.
Tại các sạp hang trên phố hàng Buồm, chúng tôi bị hoa mắt bởi màu sắc của các loại mứt Tết đựng trong các rổ nhựa không che đậy giữa đường phố đông đúc người qua lại. Nào là mứt táo, mứt mận, mứt dừa, mứt hồng, ô mai…. Nhưng các loại hàng hóa này đều không có nhãn mác mà chỉ có giá tiền và được bán theo cân, theo lạng và đều mang thương hiệu "3 không", trong đó bao gồm, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và không hạn sử dụng.
Bên cạnh các loại bánh kẹo mang thương hiệu Việt Nam cũng có không ít những mặt hàng ngoại, có chữ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Bánh kẹo ngoại bán theo cân không có nhãn phụ tiếng Việt, nhìn trên vỏ bao bì không thấy ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Khi chúng tôi hỏi, chủ các cửa hàng cho biết, số banh kẹo này được lấy từ các hộp lớn, hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp, do bóc ra bày bán theo cân nên không còn hạn sử dụng ghi trên bao bì. “Các em yên tâm, hàng còn "date", đảm bảo”….
Cách đây không lâu, ngày 10/1/2019, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt giữ vụ buôn lậu hàng tấn bánh kẹo dành cho trẻ em giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc.
Theo khai nhận của người vận chuyển thuê thì số bánh kẹo này có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có nhiều loại mẫu mã xanh đỏ bắt mắt, nhưng khi mở ra có mùi rất hắc. Bánh kẹo Trung Quốc giả nhãn mác Việt hay một số nước đã xuất hiện từ nhiều năm.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển bánh kẹo, thực phẩm sản xuất ở Trung Quốc, đưa vào nội địa dán nhãn mác của Việt Nam hay một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan…
Theo Sở Công Thương Hà Nội thì Tết Nguyên đán năm nay người dân Thủ đô sẽ tiêu thụ khoảng 3.000 tấn bánh kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát. Với một thị trường tiêu thụ lớn như trên, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc từng mặt hàng là rất khó.
Đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm trên thị trường dịp Tết
Tết Kỷ Hợi năm nay, Hà Nội dự kiến sẽ tiêu thụ 44.000 tấn thịt lợn, 14.600 tấn thị gà, 12.300 tấn thịt bò, 256 triệu quả trứng gia cầm, 3.500 tấn nông lâm sản khô, nếu không kiểm soát chặt chẽ, thịt bẩn trên không qua kiểm dịch, thịt gia cầm, thịt lợn Trung Quốc nhập lậu sẽ được tiêu thụ trên thị trường.
Theo Cục QLTT Hà Nội, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm thường xảy ra ở các mặt hàng như: trái cây, rượu, thực phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng...
Trong khi đó, thực phẩm “bẩn” vẫn không ngừng đưa từ các tỉnh biên giới về. Công an TP Hà Nội và Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) vừa thu giữ 2,5 tấn nầm lợn còn nguyên nhãn mác của Trung Quốc, nhưng khi mở ra đã bốc mùi hôi thôi.
Theo lời khai của tài xế Đặng Văn Quang (Hưng Yên), anh ta chở thuê số nầm lợn này từ Lạng Sơn về Hà Nội. Lợi nhuận buôn nầm lợn cao gấp 5-6 lần, vì thế đầu nậu thu mua nầm lợn đã bị phân hủy giá rẻ ở biên giới mang về Hà Nội, sau đó cơ sở chế biến dùng chất tẩy trắng làm mất mùi hôi thối để bán cho khách hàng.
Để kiểm soát tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, từ ngày 25/12/2018 đến 25/2/2019, Hà Nội thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Theo đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ… Trong đó tập trung kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đặc biệt là kiểm tra tem, nhãn, bao bì với hàng truyền thống và nguồn gốc xuất xứ với hàng nhập ngoại.
Đặc biệt, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, hàng hóa đang được bày bán trên thị trường để bảo đảm không xảy ra hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán trên thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.