TÓM TẮT:
Quản lý tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) có vai trò quan trọng trong việc sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia và nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bài viết phân tích các loại kiểm soát và thủ tục kiểm soát nội bộ (KSNB) trong đơn vị HCSN, đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý tài chính tại các đơn vị HCSN bằng hệ thống kiểm soát nội bộ, nhằm đảm bảo tối ưu trong công tác quản lý.
Từ khóa: Đơn vị hành chính sự nghiệp, quản lý tài chính, kiểm soát nội bộ.
1. Các loại kiểm soát và thủ tục KSNB trong đơn vị HCSN
Một là, kiểm soát trực tiếp: Bao gồm kiểm soát quản lý (kiểm soát độc lập) và kiểm soát xử lý:
- Kiểm soát quản lý hay kiểm soát độc lập: Là loại kiểm soát mà người thực hiện luôn độc lập với người được kiểm tra. Kiểm soát quản lý (kiểm soát độc lập) thường đi sâu vào các hành vi, các hoạt động cụ thể theo những yêu cầu, nhận thức, góc nhìn khác nhau tùy vào từng điều kiện. Loại kiểm soát này luôn hướng tới những mục tiêu như: Quy định trách nhiệm bảo vệ tài sản và thông tin; thiết lập các quy chế, biện pháp để ngăn ngừa sự tiếp cận đến tài sản, thông tin của những người không có trách nhiệm. Chế độ kiểm kê tài sản; chế độ bảo quản tài sản; các điều kiện vật chất (như kho tàng, thiết bị) cho việc bảo vệ và kiểm soát tài sản; sổ sách và thông tin; chế độ bảo hiểm tài sản; phòng cháy chữa cháy;...
- Kiểm soát xử lý: Là loại kiểm soát được đặt ra để xử lý các nghiệp vụ phát sinh, luân chuyển chứng từ. Quá trình xử lý, ghi sổ các nghiệp vụ kinh tế phải đảm bảo chính xác, khách quan, đúng đắn, đúng quy trình, tin cậy.
Hai là, kiểm soát tổng quát: Là kiểm soát tổng thể cùng một lúc nhiều hoạt động dưới nhiều hình thức với nhiều hệ thống, nhiều công việc khác nhau. Trong môi trường tin học, kiểm soát tổng quát trước hết thuộc về chức năng kiểm soát của phòng điện toán. Đối với những đơn vị có sử dụng hệ thống vi tính, tin học trong công tác kế toán, công việc kiểm toán luôn phải sử dụng kết hợp giữa các chuyên gia có am hiểu về lĩnh vực máy tính, tin học và những chuyên gia có chuyên môn thuộc các lĩnh vực cần kiểm soát.
2. Quản lý chi ngân sách nhà nước tại các đơn vị HCSN
Ngân sách nhà nước (NSNN) luôn giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính, bảo đảm thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước, điều tiết kinh tế vĩ mô để thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia. Quản lý chi NSNN góp phần quan trọng giúp NSNN phát huy được vai trò chủ đạo và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu hướng tới mục tiêu đã định.
Mục tiêu của quản lý chi ngân sách nhà nước tại các đơn vị HCSN là tạo ra sự cân đối và hiệu quả, tạo ra môi trường tài chính thuận lợi cho sự ổn định, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc quản lý chi ngân sách nhà nước đối với các đơn vị HCSN là cần thiết do:
Thứ nhất, tại các cơ quan HCSN, nguồn lực tài chính là nền tảng, là tiềm lực
phát triển, góp phần quan trọng để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động,...
Thứ hai, hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCSN, ngoài yếu tố quyết định là con người (như cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan), các yếu tố như tài sản, thiết bị, kinh phí đảm bảo hoạt động là điều kiện quan trọng, dựa chủ yếu vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Quản lý chi NSNN tốt cũng là điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan cũng như của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, điều này cũng giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí NSNN để đầu tư cho các công việc cấp thiết khác.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống KSNB với việc tăng cường quản lý tài chính tại các đơn vị HCSN
3.1. Nhân tố bên ngoài
- Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các cơ quan hành chính nhà nước và sự nhận thức đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước trong từng giai đoạn: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển nền hành chính, đẩy mạnh cải cách nền hành chính nói chung và đổi mới cơ chế quản lý tài chính nói riêng. Điều đó thể hiện ở các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, các cơ chế quản lý đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đều được cải tiến sao cho phù hợp với tình hình mới.
- Chính sách kinh tế - xã hội: Đây chính là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp, công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của Nhà nước.
- Cơ chế quản lý tài chính: Là hệ thống các hình thức, phương pháp, biện pháp tác động lên các hoạt động tài chính phát sinh và phát triển trong quá trình hoạt động ở một cơ quan, đơn vị, lĩnh vực kinh tế xã hội hay toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhằm đảm bảo hoạt động tài chính vận động và phát triển đạt được những mục tiêu đã định. Cụ thể hơn, cơ chế quản lý tài chính là hệ thống các nguyên tắc, luật định, chính sách về quản lý tài chính và mối quan hệ tài chính giữa các đơn vị có liên quan.
Cơ chế quản lý tài chính có vai trò quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Nó có tác động quyết định đến phương thức tồn tại và vận động của các hoạt động tài chính trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị. Sự tác động đó diễn ra theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Nếu cơ chế đó phù hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, phát huy mặt tích cực, hạn chế khuyết điểm thì nó sẽ thúc đẩy hoạt động quản lý phát triển. Ngược lại, nếu cơ chế đó mâu thuẫn, không phù hợp thì nó sẽ trở thành nhân tố kìm hãm, triệt tiêu sự phát triển của hoạt động quản lý trong cơ quan, đơn vị.
Đối với cơ quan hành chính nhà nước, vai trò của cơ chế quản lý tài chính thể hiện ở một số nội dung sau:
+ Cơ chế quản lý tài chính có vai trò quan trọng trong việc cân đối giữa việc hình thành, tạo lập và sử dụng nguồn lực tài chính, nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của đơn vị. Việc xây dựng một cơ chế phù hợp với loại hình hoạt động của đơn vị có tác động đến vấn đề tập trung nguồn lực tài chính, tính linh hoạt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
+ Cơ chế quản lý tài chính góp phần tạo hành lang pháp lý cho quá trình tạo lập và sử dụng các nguồn tài chính. Mặt khác, cơ chế này cũng quy định khung pháp lý về mô hình tổ chức, hoạt động của đơn vị.
3.2. Nhân tố bên trong
- Lĩnh vực hoạt động và chức năng nhiệm vụ được giao của cơ quan hành chính nhà nước: Tùy từng cơ quan hành chính nhà nước mà cơ chế quản lý tài chính có sự khác nhau, nhất là ở những nơi có tính đặc thù. Mỗi một cơ quan hành chính nhà nước đều được giao những nhiệm vụ cụ thể chi phối mọi hoạt động của đơn vị, trong đó có hoạt động tài chính.
- Hệ thống kiểm tra, kiểm soát trong đơn vị như: Thanh tra, kiểm tra tài chính,... đặc biệt là hệ thống KSNB, bao gồm: môi trường kiểm toán, hệ thống kế toán, các thủ tục kiểm toán và các loại kiểm toán. Hệ thống KTNB tốt, phát huy được hiệu quả có vai trò quan trọng đến hoạt động quản lý tài chính của đơn vị, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
+ Hệ thống KSNB giám sát và đảm bảo tin cậy số liệu của kế toán, giúp các nhà quản lý có thông tin chính xác trong việc đưa ra các quyết định về điều chỉnh, quản lý và quản trị của đơn vị.
+ Hệ thống KSNB giúp phát hiện kịp thời những rắc rối trong hoạt động quản lý tài chính của đơn vị, giúp người đứng đầu đơn vị có các phương pháp xử lý thích hợp.
+ Hệ thống KSNB ngăn chặn các sai phạm có khả năng xảy ra trong công tác quản lý tài chính làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
- Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và chính sách tiền lương: Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước hiện nay khá đông đảo, đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ này lại không đồng đều. Hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ trong các cơ quan nhà nước vẫn còn xảy ra, đặc biệt là thiếu những cán bộ giỏi và chuyên gia đầu ngành. Chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức cũng có tác động, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính tại các đơn vị HCSN. Chính sách này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người hưởng lương mà còn ảnh hưởng đến sản xuất, quan hệ tích luỹ với tiêu dùng, quan hệ giữa các tầng lớp lao động, giữa các ngành nghề, các khu vực khác nhau, đến năng suất và hiệu quả lao động của cán bộ, công chức. Chính sách tiền lương cũng liên quan trực tiếp đến việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ công chức có trình độ, chuyên môn cao.
Nếu chính sách tiền lương không thu hút được cán bộ, công chức thì hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ thấp và khó có thể đáp ứng được yêu cầu và những thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
- Trình độ chuyên môn của cán bộ tài chính kế toán: Cán bộ, công chức làm công tác tài chính kế toán là người trực tiếp thực hiện các cơ chế, chính sách, từ đó giúp cho việc sử dụng các nguồn tài chính tiết kiệm, quản lý tài chính có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ tài chính kế toán có trình độ, chuyên môn cao, có khả năng tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý tài chính; Tham mưu, đề xuất giúp thủ trưởng cơ quan hành chính có những quyết định chiến lược, quản lý đúng đắn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được giao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ (2014), Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT/BTC-BNV, ngày 30/5/2014, Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Hà Nội.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2005), Nghị định 130/2005/NĐ-CP, ngày 17/10/2005, quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Hà Nội.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2006), Nghị định 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006, quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Hà Nội.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13.
Enhancing the financial management at public administrative units via the internal control system
Master. Pham Thu Huong
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The financial management at public administrative units plays an important role in the management of national financial resources and state budget. This paper analyzes types of internal control and procedures of internal control at public administrative units, thereby proposing solutions to enhance the efficiency of financial management at public administrative units via the internal control system.
Keywords: Public administrative units, financial management, internal control.