Tác động của các thành phần trong hệ thống kiểm soát nội bộ đến hiệu quả kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định

ThS. TRẦN THỊ QUANH và ThS. LÊ MỘNG HUYỀN (Giảng viên Khoa Kinh tế - Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá tác động của các thành phần trong hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) đến hiệu quả KSNB tại các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ tỉnh Bình Định. Phần mềm SPSS đã được chúng tôi sử dụng để hỗ trợ cho việc xử lý dữ liệu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 5 thành phần của hệ thống KSNB thì môi trường kiểm soát có tác động lớn nhất đến hiệu quả kiểm KSNB, tiếp đến là hoạt động kiểm soát, cuối cùng là thông tin và truyền thông.

Từ khóa: Kiểm soát nội bộ, hiệu quả kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp chế biến gỗ, tỉnh Bình Định.

1. Giới thiệu

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), tỉnh Bình Định hiện là một trong 4 trung tâm chế biến đồ gỗ xuất khẩu hàng đầu cả nước, với giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đạt 250 triệu USD, chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 170 DN chế biến gỗ, trong đó có hơn 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, cũng theo Hiệp hội này, từ năm 2015 - 2016, đơn hàng của các hội viên tiếp tục giảm bình quân từ 30 - 35% giá trị và có xu hướng vẫn tiếp tục giảm, do những yếu kém trong công tác quản lý, mà đặc biệt là hệ thống KSNB.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Hệ thống KSNB

KSNB được biết đến rộng rãi trên thế giới kể từ khi báo cáo COSO 1992 ra đời và nó ngày càng tỏ ra hữu ích trong việc ngăn ngừa gian lận, nhầm lẫn cũng như giúp nhà quản lý nâng cao hiệu quả công việc. Ủy ban COSO cũng đã ban hành báo cáo COSO 2013 nhằm có những hướng dẫn cụ thể hơn cho các DN trong việc áp dụng để hướng đến công tác quản trị toàn diện của một DN và đạt được những mục tiêu đề ra.

Theo COSO, KSN là một quá trình bị chi phố bởi người quản lý, hội đồng quản trị và các nhân viên của đơn vị. Nó được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu sau đây: (1) Sự hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động; (2) Sự tin cậy của báo cáo tài chính; (3) Sự tuân thủ pháp luật và các quy định.

Kiểm soát nội bộ bao gồm 5 thành phần: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát. Khi thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ, đơn vị cần chú ý 5 thành phần này, đồng thời cần quan tâm mức độ tác động của các 5 thành phần đến hiệu quả kiểm soát để có biện pháp ưu tiên trong quá trình thiết kế nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

2.2. Các nghiên cứu có liên quan

Môi trường kiểm soát: Theo COSO (2013), môi trường kiểm soát là tập hợp các tiêu chuẩn, quy trình và cấu trúc làm nền tảng cho việc thiết kế và vận hành KSNB trong một đơn vị. DAquila (1998) cho rằng, môi trường kiểm soát là thành phần quan trọng trong hệ thống KSNB. Jokipii (2010), Ayagre and Osei (2015) đều cho rằng, môi trường kiểm soát có ảnh hưởng cùng chiều đến hiệu quả KSNB.

Đánh giá rủi ro: Là quá trình nhận dạng và phân tích những rủi ro ảnh hưởng đến mục tiêu, từ đó có thể quản trị được rủi ro (COSO, 2013). Theo Lannoye (1999), thành phần này làm nổi bật tầm quan trọng của việc xác định và đánh giá các yếu tố có thể ngăn cản đơn vị đạt được mục tiêu của mình. Nghiên cứu của Ayagre and Osei (2015) cho thấy, đánh giá rủi ro có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả KSNB.

Hoạt động kiểm soát: Theo COSO (2013), hoạt động kiểm soát là tập hợp các chính sách và thủ tục nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ thị của nhà quản lý để giảm thiểu rủi ro đe dọa đến việc đạt được mục tiêu của đơn vị. Ngoài ra, Ochieng và Njeru (2014) cho rằng, hoạt động kiểm soát có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động.

Thông tin và truyền thông: Thông tin rất cần thiết cho việc thực thi trách nhiệm kiểm soát trong đơn vị nhằm hỗ trợ cho việc đạt được mục tiêu đề ra. Truyền thông là quá trình cung cấp, chia sẻ và trao đổi thông tin (COSO, 2013). Ayagre and Osei (2015) chỉ ra rằng, thông tin và truyền thông có ảnh hưởng đến hiệu quả KSNB.

Giám sát: Theo COSO (2013), giám sát sẽ giúp đánh giá chất lượng hệ thống KSNB theo thời gian. Nghiên cứu của Springer (2004) chứng minh rằng giám sát là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của hệ thống KSNB. Giám sát là cơ sở quan trọng giúp đơn vị nhận biết về hiệu quả KSNB.

Nghiên cứu về KSNB trong DN vừa và nhỏ có tác giả Linjie Jiang and Xuedong Li (2010), nghiên cứu đã chỉ ra những yếu kém của KSNB tại các DN nhỏ và vừa ở Trung Quốc như: Sự thiếu quan tâm của nhà quản lý, môi trường kiểm soát yếu kém, sự méo mó thông tin, truyền thông chưa hiệu quả và thiếu một cơ chế giám sát.

Nghiên cứu về nhiều thành phần cùng tác động đến hiệu quả KSNB có các tác giả sau: Đầu tiên, Ayagre and Osei (2015) xem xét 3 thành phần đó là môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro và hoạt động giám sát. Kết quả cho thấy cả 3 thành phần này đều tác động mạnh mẽ đến hiệu quả KSNB. Tiếp đó, tác giả Jokipii (2010), chỉ ra rằng cả 5 thành phần đều có tác động cùng chiều đến hiệu quả của hệ thống KSNB.

Tại Việt Nam, Võ Thu Phụng (2016) chỉ ra 5 thành phần của hệ thống KSNB có tác động cùng chiều với hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hạn chế của nghiên cứu này là chưa đề cập đến hai mục tiêu còn lại của KSNB: (1) báo cáo tài chính đáng tin cậy; (2) tuân thủ pháp luật và các quy định.

2.3. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào việc tìm hiểu các nghiên cứu có liên quan cùng với việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố, cũng chính là 5 thành phần của hệ thống KSNB như hình 1. Từ mô hình nghiên cứu trên, ta có 5 giả thuyết nghiên cứu sau:

H1+: Môi trường kiểm soát có tác động đến hiệu quả KSNB.

H2+: Đánh giá rủi ro có tác động đến hiệu quả KSNB.

H3+: Hoạt động kiểm soát có tác động đến hiệu quả KSNB.

H4+: Thông tin và truyền thông có tác động đến hiệu quả KSNB.

H5+: Giám sát có tác động đến hiệu quả KSNB.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng đồng thời cả hai phương pháp định tính và định lượng. Giai đoạn đầu, nghiên cứu định tính nhằm xác định mô hình, các nhân tố, các biến quan sát phù hợp với điều kiện và đặc điểm của các DN chế biến gỗ xuất khẩu Bình Định. Giai đoạn hai, nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm thu thập số liệu để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Nghiên cứu đã xây dựng một phiếu điều tra với 23 câu và gửi đến 150 giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và một số nhân viên kế toán có am hiểu về KSNB. Kết quả thu hồi được 129 phiếu (đạt 86%), sau khi kiểm tra có 119 phiếu hợp lệ và được sử dụng để nhập dữ liệu. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20. Sau khi mã hóa và làm sạch dữ liệu, đánh giá độ tin cậy thang đo thông qua hệ số Crobach Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA đã được thực hiện. Cuối cùng, phép hồi quy với phương pháp Enter được sử dụng để kiểm định 5 giả thuyết nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Công cụ Cronbach Alpha của chương trình phần mềm SPSS 20 được sử dụng để kiểm tra độ tin cậy của thang đo. Mục tiêu của bước này là đo độ tin cậy của từng biến quan sát trong phiếu điều tra và xem xét có nên loại bất kỳ biến quan sát nào ra khỏi phân tích EFA hay không. Bước này sẽ giúp kiểm chứng các câu hỏi chúng tôi thiết kế có phù hợp với nghiên cứu hay không.

Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng Cronbach Alpha từ 0,8 trở lên là thang đo lường tốt, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng Cronbach Alpha từ 0,6 trở lên cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khái niệm đang nghiên cứu là mới hoặc mới đối với người trả lời trong bối cảnh nghiên cứu. Nghiên cứu này được xem là mới trong điều kiện ở Bình Định, nên kết quả Cronbach Alpha lớn hơn 0,6 đều được chấp nhận.

Kết quả kiểm định Cronbach Alpha cho thấy tất cả các thang đo đều đạt yêu cầu về độ tin cậy (hệ số Crobach alpha > 0,6). Các hệ số tương quan biến - tổng của các thang đo đều cao hơn mức cho phép (> 0,3), do đó tất cả các thang đo đều được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA ở bước tiếp theo.

4.2. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) từ 17 biến quan sát của 5 thành phần độc lập được phân tán thành 5 nhân tố theo đúng như mô hình dự kiến ban đầu.

Hệ số KMO là 0,859 (> 0,5) với mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett là 0,000 (< 0,05) cho thấy, phân tích nhân tố khám phá của các thành phần độc lập là phù hợp. Tổng phương sai trích là 69,067% thể hiện rằng 5 nhân tố giải thích được 69,067% sự biến thiên của dữ liệu, tại hệ số Eigenvalues là 1,077.

Hệ số KMO của hiệu quả KSNB là 0,608 với mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett là 0,000 cho thấy phân tích nhân tố khám phá của thành phần phụ thuộc là phù hợp. Tổng phương sai trích là 64,972% nên giải thích khá tốt sự biến thiên của dữ liệu.

4.3. Kiểm định mô hình hồi quy

Kiểm định mô hình hồi quy với phương pháp Enter được thực hiện để kiểm định 5 giả thuyết nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy R2 (R-Square) là 0,521 và R2 điều chỉnh (Adjusted R-Square) là 0,500 nghĩa là mô hình giải thích được 50% sự biến thiên của hiệu quả KSNB. Hệ số Durbin-Watson là 1,559 (1 < 1,559 < 3) chứng tỏ không có hiện tượng tự tương quan. Hệ số phóng đại phương sai VIP đều < 2,5 chứng tỏ không có hiện tượng đa cộng tuyến. Kết quả phân tích hồi quy được trình bày ở Bảng 4.

Kết quả kiểm định cho thấy chỉ có giả thuyết H2 và H5 bị bác bỏ (sig > 0,05) các cặp giả thuyết còn lại đều được chấp nhận. Điều này có nghĩa là trong 5 thành phần của hệ thống KSNB của các DN chế biến gỗ tỉnh Bình Định chỉ có 3 thành phần có tác động đến hiệu quả KSNB đó là: (1) Môi trường kiểm soát, (2) Hoạt động kiểm soát, (3) Thông tin và truyền thông. Trong khi đó, hai nhân tố hoạt động giám sát và đánh giá rủi ro không có tác động đến hiệu quả KSNB.

Từ kết quả kiểm định có thể rút ra được phương trình hồi quy thể hiện mối quan hệ giữa các nhân tố với hiệu quả KSNB như sau:

HQKSNB = 0,386 + 0,239*KIEMSOAT + 0,164*TTTT + 0,369*MOITRUONG

Kết quả nghiên cứu này cho thấy môi trường kiểm soát có tác động cùng chiều mạnh nhất đến hiệu quả KSNB là vì môi trường kiểm soát được xem là nền tảng của KSNB. Hiện nay, các DN chế gỗ tỉnh Bình Định đã dần xây dựng các nội quy hoạt động để đảm bảo hiệu quả công việc. Tiếp đó, hoạt động kiểm soát có tác động cùng chiều mạnh thứ hai đến hiệu quả KSNB. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì hầu như các DN khi nói về KSNB thì thường họ chỉ quan tâm đến hoạt động kiểm soát nên chỉ chú trọng nhiều đến việc xây dựng các quy trình kiểm soát. Cuối cùng, thông tin và truyền thông cũng có tác động cùng chiều đến hiệu quả KSNB vì với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ DN thường là người quyết định chính mọi vấn đề, thông tin được truyền đạt đến các bộ phận nhanh chóng.

Kết quả nghiên trên cho thấy đánh giá rủi ro và giám sát không ảnh hưởng đến hiệu quả KSNB. Theo chúng tôi, điều này là do sự hiểu biết về KSNB của những người được phỏng vấn còn hạn chế. Khi nói đến KSNB, họ thường nghĩ ngay đến môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát mà không chú trọng đến đánh giá rủi ro và giám sát.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 thành phần tác động đến hiệu quả KSNB đó là môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông. Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng với quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số, vốn ít, trình độ quản lý thấp nên các DN chế biến gỗ Bình Định chưa thật sự quan tâm và đầu tư đúng mức đến KSNB, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro và giám sát quy trình hoạt động còn yếu kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Để khắc phục những vấn đề trên nhằm nâng cao hiệu quả KSNB, các DN cần phải nâng cao trình độ quản lý và tay nghề cho công nhân, xây dựng quy trình kinh doanh chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, cải thiện hệ thống thông tin để đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho nhà quản lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

1. Võ Thu Phụng (2016). Tác động của các nhân tố cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ đến hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Tiếng Anh

1. Ayagre, P., and Osei, V. (2015) An Evaluation of Internal Control Systems: Evidence from Ghanas Cocoa Industry, MERC Globals International Journal of Management, Vol. 3, No 1: 01-15.

2. Committee Of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission, (COSO) 2013. Internal control - Intergrated Framework, executive Summary.

3. DAquila, J. M. (1998). Is the control environment related to financial

reporting decisions? Managerial Auditing Journal, Vol. 13: 472-478.

4. Lannoye .M.A, (1999). Evaluation of internal Controls.

5. Linjie Jiang and Xuedong Li, (2010) Discussions on the Improvement of the Internal Control in SMEs International Journal of Business and Management, Vol. 5, No. 9: 214-216.

6. Jokipii, A. (2010) Determinants and consequences of internal control in firms: a contingency theory based analysis, J Manag Gov No 14:115-144

7. Ochieng, O. G., and Njeru, W, A., (2014) Effects of Control Activities on Operational Efficiency among AIDS Relief Funded Hospitals in Nyanza International Journal of Business and Social Science, Vol. 5 No. 3: 190 - 196.

8. Spinger. L.M, (2004). Revisions to OMB Circular A-123, Managements Responsibility for Internal Control.

IMPACT OF COMPONENTS IN INTERNAL CONTROL SYSTEM

ON THE EFFECTIVENESS OF INTERNAL CONTROL IN WOOD

PROCESSING ENTERPRISE IN BINH DINH PROVINCE

MA. TRAN THI QUANH

MA. LE MONG HUYEN

Lecturer of Faculty of Ecomics and Accounting - Quy Nhon University

ABSTRACT:

The paper reviews the impact of components in internal control system on the effectiveness of internal control in wood processing enterprises in Binh Dinh province. SPSS software has been used to analyze research data. Research results show that in the five components of the internal control system, control environment has the greatest impact on the effectiveness of internal control, followed by control, finally information and communication.

Keywords: Internal control, effectiveness of internal control, wood processing enterprises, Binh Dinh province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây