Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử muốn hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Đề cập đến sàn thương mại điện tử Temu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết "cũng thấy giật mình vì mức giá rất rẻ". Bộ Công Thương sẽ điều tra, nghiên cứu cụ thể để đưa ra các giải pháp kiểm soát phù hợp.
Hiện Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nghiên cứu, đánh giá tác động về hoạt động của sàn thương mại điện tử Temu đối với thị trường trong nước.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, giao cho Tổng cục Quản lý thị trường kiểm soát về vấn đề này.
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo, hiện chưa công bố chính thức vào Việt Nam.
Tuy nhiên từ cuối tháng 9 vừa qua, Temu đã khai trương trang bán hàng tại Việt Nam với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn cũng như miễn cước phí vận chuyển.
Đây là thị trường thứ 5 của sàn thương mại điện tử giá rẻ tại Đông Nam Á. Theo South China Morning Post - nhật báo bằng tiếng Anh lâu đời và uy tín của Hồng Kông, Việt Nam và Brunei là hai thị trường mới nhất, sau Thái Lan hồi tháng 6 và Philippines, Malaysia vào năm 2023.
Nhìn sang các nước trong khu vực, theo Reuters, ngày 11/10 vừa qua, Indonesia đã yêu cầu Alphabet - công ty quản lý Google và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu trên những cửa hàng ứng dụng tại quốc gia này.
Đây được cho là động thái bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước khi nền tảng này cho phép người dùng kết nối trực tiếp với những nhà máy tại Trung Quốc nhằm giảm mạnh giá là một dạng cạnh tranh không lành mạnh.