Thách thức và giải pháp hội nhập kế toán quốc tế của Việt Nam hiện nay

ThS. TRẦN THỊ HUYÊN (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Hội nhập quốc tế về kế toán là yêu cầu tất yếu của Việt Nam trong quá trình mở cửa, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Hoạt động này không chỉ đáp ứng yêu cầu về minh bạch hóa nền kinh tế, mà còn góp phần xây dựng hệ thống quản lý tài chính tiên tiến, dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở khái quát về xu hướng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, phân tích một số thách thức đặt ra cho Việt Nam, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động hội nhập quốc tế của ngành Kế toán Việt Nam.

Từ khóa: hội nhập quốc tế, kế toán, Việt Nam.

  1. Xu hướng hội nhập kế toán quốc tế

Hiện nay, hội nhập kế toán quốc tế là yêu cầu tất yếu, là nội dung quan trọng trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa, phục vụ trực tiếp cho việc hình thành các liên kết kinh tế, hợp tác kinh tế. Hội nhập kế toán quốc tế trước hết nhằm tạo ra sự thống nhất về cách thức sử dụng các thông tin kế toán, tài chính giữa các quốc gia và các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài các đơn vị kế toán; tạo nên sự kết hợp giữa các quy định về kinh tế, tài chính,… của một quốc gia với các thông lệ, quy định, chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Hoạt động này cũng nhằm thống nhất phương pháp lập và trình bày các báo cáo tài chính cơ bản, hình thành hệ thống khái niệm chung, áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia khác nhau, từ đó tạo ra hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp được áp dụng rộng rãi cho thực hành công tác kế toán. Hội nhập kế toán quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế giữa các quốc gia khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; quốc tế hóa quá trình đào tạo lao động kế toán của mỗi quốc gia, trong sự phát triển của kế toán quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch của lao động kế toán giữa các quốc gia.

Xu hướng hội nhập kế toán quốc tế được thể hiện rõ nét qua việc hình thành, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kế toán chung được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Hệ thống tiêu chuẩn này ra đời do sự phát triển nhanh chóng và khách quan của thị trường tài chính quốc tế và các hoạt động thương mại đã vượt ra ngoài biên giới các quốc gia. Những chuẩn mực kế toán quốc tế, như: IAS/IFRS sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất về tính toán giá trị hợp lý trong kế toán, từ đó xóa bỏ rào cản ngăn cản nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tạo nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời kỳ toàn cầu hóa cho các quốc gia. Theo thống kê của Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB), đến năm 2018 đã có khoảng 166 quốc gia trên thế giới cho phép hoặc yêu cầu áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS cho các doanh nghiệp trong nước. Việc áp dụng IFRS vào việc lập báo cáo tài chính được ủng hộ và hỗ trợ áp dụng bởi tất cả các tổ chức có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như nhóm các nền kinh tế lớn - G20, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…

Xu hướng hội nhập kế toán quốc tế hiện nay chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc các mạng công nghiệp 4.0. Thực tiễn cho thấy, cách mạng công nghiệp 4.0  đã và đang mở ra một kỷ nguyên mới mang lại cơ hội phát triển cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực kế toán bị tác động rõ nét nhất. Khi ứng dụng công nghệ số, công tác kế toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Người làm kế toán có thể thực hiện công việc ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới, nếu đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu của kế toán. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán, như: thu thập, xử lý, tính toán số liệu, nhưng không thể thay thế những công đoạn như phân tích, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống chưa từng xảy ra… Kế toán sẽ sử dụng công nghệ ngày càng thông minh, tinh vi, để nâng cao hiệu quả so với cách làm việc truyền thống và các công nghệ này có thể thay thế cách tiếp cận truyền thống. Hệ thống phần mềm thông minh (bao gồm điện toán đám mây) sẽ hỗ trợ xu hướng sử dụng dịch vụ thuê ngoài và sử dụng nhiều hơn các phương tiện truyền thông xã hội thông qua công nghệ thông minh nhằm cải thiện cách làm việc, công bố thông tin, cam kết với bên liên quan và cộng đồng. Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán ở các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

2. Những thách thức đặt ra đối với kế toán Việt Nam

Về mặt nhận thức: quá trình hội nhập kế toán quốc tế của Việt Nam đã bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết về nhận thức. Nhiều câu hỏi đặt ra từ thực tiễn cần được giải đáp thỏa đáng, như: Việc tồn tại đồng thời chế độ kế toán doanh nghiệp và chuẩn mực kế toán có làm cản trở việc áp dụng chuẩn mực kế toán, làm mất đi tính linh hoạt của người làm kế toán hay không? Có cần thiết ban hành riêng chế độ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không, khi mà việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến hiện nay ở nước ta? Vai trò của thuế đối với hoạt động kế toán trong bối cảnh hội nhập như thế nào? Kế toán quản trị hiện nay của chúng ta đang ở đâu và có những rào cản nào trong quá trình phát triển? Công việc đào tạo kế toán phải thay đổi như thế nào để đáp ứng sự thay đổi căn bản về hệ thống văn bản pháp lý về kế toán? Đây đều là những vấn đề không dễ dàng trả lời trong quá trình hội nhập.

Về hệ thống pháp luật: Cùng với những thành công trong quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống kế toán Việt Nam còn bộc lộ không ít tồn tại, khó khăn trong quá trình hội nhập. Mặc dù hệ thống pháp luật kế toán Việt Nam không ngừng được sửa đổi, hoàn thiện đã góp phần tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; các quy định và chế độ kế toán được bổ sung, sửa đổi phù hợp với hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có được thông tin cần thiết để quyết định tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường tài chính cũng như dịch vụ về kế toán. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, có những quy định không còn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và định hướng phát triển hội nhập như nguyên tắc hạch toán theo giá gốc,… Việc đảm bảo vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán, chưa được quy định cụ thể, như: Các hành vi bị cấm, quy định hóa đơn bán hàng để bảo đảm hạch toán tại đơn vị kế toán cũng như sử dụng để kê khai, thanh quyết toán thuế với ngân sách nhà nước; các quy định về kiểm soát nội bộ, quy định về công khai báo cáo tài chính, về kiểm tra kế toán, xác định rõ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán, nhằm tạo ra cơ chế hạch toán rõ ràng, trung thực, công khai và minh bạch. Trước sự phát triển của công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực kế toán, việc in, lưu giữ chứng từ điện tử, in và lưu giữ sổ kế toán cũng chưa có quy định phù hợp nhằm khắc phục phương thức hạch toán kế toán thủ công như trước đây. Việc kiểm soát chất lượng công tác kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi của thực tế, còn có biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận đã xảy ra và bị cơ quan pháp luật xử lý; báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao.

Về hoạt động đào tạo nhân lực: Hệ thống đào tạo kế toán vừa thừa, vừa thiếu (nhiều về số lượng nhưng thiếu đồng bộ về chất lượng). Hiện cả nước có khoảng 200 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo ngành nghề Kế toán. Nhiều trường không chuyên nhưng kế toán được xem là ngành chủ lực. Điều này dẫn đến hệ quả là ngành Kế toán đang khủng hoảng thừa nhân lực. Nhiều năm nay, do làm chưa tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để đào tạo đúng hướng, giúp người học có định hướng rõ ràng, đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa ở một số ngành nghề. Tuy thừa về số lượng, nhưng số nhân lực có trình độ quốc tế còn ít. Đội ngũ cán bộ kế toán thực hành và phương tiện thực hành kế toán còn thiếu và yếu. Hiện nay, ở một số doanh nghiệp vẫn sử dụng kế toán thủ công hoặc mới chỉ sử dụng phần mềm Excel để làm kế toán, chưa áp dụng rộng rãi các phần mềm kế toán tiên tiến.

Về phát triển dịch vụ kế toán: Mặc dù, đã có những bước tiến mạnh mẽ, song quy mô thị trường dịch vụ kế toán của Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán tăng nhanh, song chỉ một số công ty có khả năng về quy mô, phạm vi và chất lượng hoạt động. Hội nhập là điều kiện giúp gia tăng cơ hội phát triển dịch vụ kế toán, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp dịch vụ kế toán, như: Cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá phí tới dưới mức hợp lý, doanh thu phí dịch vụ kế toán không đủ để có thể đầu tư dài hạn vào nhân sự có chất lượng, doanh nghiệp chưa đủ nguồn tài chính để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, cập nhật thông tin, lòng tin của các nhà đầu tư bị giảm sút do chất lượng dịch vụ chưa cao,...

3. Một số giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, thống nhất nhận thức về hội nhập kế toán quốc tế. Theo đó, cần thống nhất nhận thức của cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp về hội nhập kế toán quốc tế. Hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức về vai trò của hội nhập kế toán quốc tế đối với quá trình phát triển của Việt Nam; mà còn là điều kiện để cơ quan chức năng các cấp, cộng đồng doanh nghiệp xác định trách nhiệm của mình trong quá trình này. Những vấn đề bức xúc đặt ra từ thực tiễn phát triển của đất nước và từng doanh nghiệp cần được nghiên cứu, giải đáp kịp thời, thấu đáo, khoa học đặc biệt là những vấn đề mới nảy sinh do vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, chuẩn mực kế toán.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật kế toán Việt Nam. Hệ thống pháp luật kế toán của Việt Nam thời gian qua đã được quan tâm đổi mới, sửa đổi, bước đầu phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Song so với yêu cầu của quá trình hội nhập vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo quy định của pháp luật, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam còn “độ chênh” nhất định so với chuẩn mực kế toán quốc tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng bổ sung một số chuẩn mực kế toán phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Để thực hiện được điều này, các chuyên gia kế toán hàng đầu của Việt Nam từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, hội nghề nghiệp, các công ty dịch vụ kế toán, các trường đại học… cần phải hợp tác về mặt chuyên môn nhằm xây dựng chuẩn mực kế toán chất lượng cao. Đặc biệt hiện nay, khi thị trường tài chính Việt Nam đang có nhiều chuyển biến và phát sinh nhiều nghiệp vụ phức tạp nhưng các chuẩn mực hỗ trợ cho việc ghi nhận một số loại hình công cụ tài chính vẫn thiếu vắng. Vì vậy, giải pháp cho giai đoạn trước mắt là việc cần thiết ban hành các chuẩn mực còn thiếu so với nhu cầu thực tế, trong đó tiền đề là việc hợp tác quốc tế. Các cơ quan nhà nước cần nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới; kết hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức về kế toán - kiểm toán quốc tế.

Thứ ba, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo nhân lực của ngành kế toán. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần có những định hướng chiến lược cho việc đào tạo nhân lực kế toán Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế. Các cơ sở đào tạo tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo nhân lực kế toán phù hợp thực tiễn Việt Nam; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Nội dung chương trình đào tạo về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên vừa phù hợp với thực trạng Việt Nam và chuẩn bị cho những bước tiền đề hội tụ với kế toán quốc tế. Hệ thống tài liệu giảng dạy nên được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành. Các cơ sở đào tạo nhân lực kế toán phải thường xuyên tọa đàm, hội thảo, trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm đào tạo nhân lực kế toán từ các quốc gia có hệ thống kế toán phát triển, và các tổ chức ban hành chuẩn mực kế toán quốc tế. Cần có cơ chế gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực kế toán, theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”.

Thứ tư, phát triển bền vững thị trường kế toán Việt Nam. Phát triển bền vững thị kế toán là yêu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế; nhằm bảo đảm cho thị trường này có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia; tham gia vào việc thực hiện phát triển bền vững toàn cầu, kết hợp cân bằng các mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường và sự giàu có của nhân loại. Theo đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, đồng thời đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước. Đặc biệt, yếu tố chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cần được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NÐ-CP ngày 30/12/2016, Quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán 2015.
  2. Quốc hội (2015), Luật Kế toán, số 88/2015/QH13, ngày 20 tháng 11 năm 2015
  3. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QÐ-TTg ngày 18/3/2013, Phê duyệt “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”
  4. Trần Văn Hợi, Vũ Thị Phương Liên (Đồng chủ nhiệm - 2019), Hoàn thiện thể chế thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam. Ðề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính.
  5. Hugh A.Adams và Đỗ, T. L (2005), Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

 

CHALLENGES AND SOLUTIONS TO PROMOTE THE INTERNATIONAL INTEGRATION PROCESS OF VIETNAM’S ACCOUNTING SECTOR

Master. TRAN THI HUYEN

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

Promoting the accounting fied to take part in the country’s international integration process is an important task of Vietnam. It is not only to meet the requirements of economic transparency but also to enhance the country’s financial management system with the implementation of international accounting standards. By analyzing some challenges posed to the accounting sector and trends of international integration in the accounting sector, this paper proposes some recommendations to promote the international integration process of Vietnam’s accounting sector.

Keywords: international integration, accounting, Vietnam.