Các nhân tố tác động đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

NGUYỄN THỊ TÚ NHI (Trưởng nhóm đề tài NCKH) (Khoa Đào tạo đặc biệt - chuyên ngành Kế toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - ThS. LÊ THỊ XUÂN OANH  (Kế toán trưởng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vải nhám Hồ Phát) - TS. GVC. VŨ QUỐC THÔNG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí của các doanh nghiệp sản xuất là một thách thức. Bằng phương pháp tiếp cận định tính, chúng tôi đề xuất mô hình nghiên cứu với 4 giả thuyết. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi khảo sát 123 doanh nghiệp sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi mô hình được kiểm định Cronbach’s Alpha, chúng tôi tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA và chạy phân tích nén để giải thích cho các giả thuyết trên. Kết quả cho thấy có 18 biến dựa trên quan điểm của các nhà quản lý được nhóm thành 4 nhân tố, bao gồm người sử dụng, kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), quy mô doanh nghiệp và cạnh tranh. Kết luận này gợi mở hướng nghiên cứu trong tương lai nhằm xác định thêm các nhân tố có ảnh hưởng đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí.

Từ khóa: kế toán quản trị chi phí, doanh nghiệp sản xuất, TP. Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Kế toán quản trị chi phí (KTQTCP) được xem là một bộ phận của hệ thống quản trị doanh nghiệp với chức năng chính là cung cấp thông tin chi phí nhằm giúp nhà quản lý trong mỗi doanh nghiệp thực hiện được các chức năng quản lý bao gồm hoạch định, ra quyết định và kiểm soát [3]. Trong thời gian gần đây, áp lực của việc cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập càng lúc càng gia tăng đối với các nhà quản lý, đặc biệt trong khu vực các doanh nghiệp sản xuất [9]. Chi phí hoạt động và việc tính toán giá thành sản phẩm là rất khác nhau ở từng doanh nghiệp sản xuất cũng như phụ thuộc vào sự phân cấp trong cơ cấu quản lý [1]. Do đó, việc ứng dụng KTQTCP tại các doanh nghiệp sản xuất giữ một vai trò cốt lõi - nhằm giúp cho các nhà quản lý có cơ sở thông tin đầy đủ để kiểm soát, quản lý, sử dụng chi phí cho hoạt động doanh nghiệp một cách hiệu quả [8].

Hiện nay, hoạt động ứng dụng KTQTCP trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam bị chi phối bởi nhiều nhân tố. Thông tin chi phí mà hệ thống KTQTCP của nhiều doanh nghiệp sản xuất có được còn mang tính hình thức và thiên về trình bày trên mẫu biểu kế toán tài chính. Trong thời đại CNTT lan tỏa, Raphael và Artus (2018) khảo sát và thực hiện nghiên cứu ban đầu về phân tích chi phí kế toán trong điều kiện ứng dụng Business Intelligence từ góc nhìn các bên liên quan [7]. Đây là những cơ sở ban đầu nhằm thúc đẩy nghiên cứu tác động của nhân tố CNTT đến việc ứng dụng KTQTCP tại các doanh nghiệp.

Từ những lý do nêu trên, nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng KTQTCP trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam được xem như một yêu cầu cấp thiết góp phần cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhóm tác giả tập trung vào nghiên cứu “Các nhân tố tác động đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”. Đây là một nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi khảo sát là các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn  TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

2.1.1. Lý thuyết bất định (contingency theory)

Khái niệm lý thuyết bất định lần đầu tiên được phát triển trong mảng lý thuyết tổ chức những năm 1960. Tuy nhiên, phải đến giữa những năm 1970 thì lý thuyết bất định mới được phát triển trong mảng thiết kế hệ thống kế toán và ứng dụng nghiên cứu trong kế toán quản trị [10]. Lý thuyết này giả định rằng hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ phù hợp về cấu trúc, sự phân cấp trong cơ cấu quản lý doanh nghiệp với các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà nhà quản lý phải ra quyết định [5]. Theo Chenhall (2003), lý thuyết bất định áp dụng trong các nghiên cứu nền tảng nhằm lý giải không một giải pháp nào có khả năng giải quyết tất cả vấn đề cho doanh nghiệp và mức độ hiệu quả của từng giải pháp sẽ tùy thuộc vào đặc điểm của doanh nghiệp cũng như những nhân tố tác động. Lý thuyết bất định đặt nền tảng trong việc nghiên cứu hệ thống KTQT trong mối quan hệ tương tác với môi trường hoạt động. Việc ứng dụng KTQT nói chung, KTQTCP nói riêng phải tùy thuộc vào đặc trưng từng lĩnh vực, đồng thời phải phù hợp với sự phân cấp trong cơ cấu quản lý, quy mô từng doanh nghiệp, trình độ nhân viên và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn cụ thể. Các nhân tố tác động đến việc ứng dụng, triển khai kế toán máy phục vụ cho quản lý chi phí kế toán, các kỹ thuật KTQT cụ thể,… được phân thành 2 nhóm: nhóm nhân tố bên trong doanh nghiệp và nhóm nhân tố bên ngoài doanh nghiệp [2, 6].

Nhóm tác giả vận dụng lý thuyết bất định cho mô hình nghiên cứu với các nhân tố tác động đến việc ứng dụng KTQTCP. Nhóm nhân tố bên trong liên quan từ các nghiên cứu trước bao gồm nhận quy mô doanh nghiệp, người sử dụng. Ngoài ra, nhân tố bên ngoài được đề cập phổ biến là kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin và mức độ cạnh tranh.

2.1.2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Giả thuyết H1: Quy mô của doanh nghiệp (X1) có tác động đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí.

Giả thuyết H2: Người sử dụng hệ thống kế toán quản trị chi phí (X2) có tác động đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí.

Giả thuyết H3: Kỹ thuật ứng dụng CNTT (X3) có tác động đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí.

Giả thuyết H4: Tính cạnh tranh (X4) có tác động đến việc tổ chức kế toán quản trị chi phí.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Bước 1: Tham khảo tài liệu.

Để hình thành ý tưởng, nhóm tác giả đã thu thập các tài liệu trong và ngoài nước. Dựa trên các nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả nhận định khe hổng nghiên cứu và lý do lựa chọn đề tài.

- Bước 2: Phát triển mô hình, giả thuyết nghiên cứu.

Nhóm tác giả đề ra mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến Việc ứng dụng KTQTCP tại các doanh nghiệp sản xuất dựa trên lý thuyết bất định khi ứng dụng KTQTCP. Từ mô hình nghiên cứu đề xuất, có 5 giả thuyết nghiên cứu. Kế tiếp, Nhóm tác giả lập bản khảo sát nháp.

- Bước 3: Tham khảo ý kiến chuyên gia.

Từ bản khảo sát nháp, nhóm tác giả tham khảo ý kiến các chuyên gia về những nhân tố (factors) và biến đo lường (measured variables). Sau góp ý của chuyên gia, nhóm tác giả hoàn thiện bảng câu hỏi.

- Bước 4: Khảo sát và phân tích dữ liệu.

Nhóm tác giả gửi bảng khảo sát để thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp sản xuất ở khu vực các tỉnh, thành miền Nam Việt Nam. Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS. Phân tích định lượng cho kết quả về thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố và phân tích hồi quy với mục đích kiểm định các giả thuyết.

- Bước 5: Kết quả và hàm ý.

Sau khi dữ liệu được xử lý, nhóm tác giả thu được kết quả về mức độ tác động của các nhân tố đến Việc ứng dụng KTQTCP tại các doanh nghiệp sản xuất. Từ đó, nhóm tác giả bàn luận và đưa các hàm ý nhằm giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả trong việc ứng dụng KTQTCP.

3. Kết quả

3.1. Thống kê mô tả

Nhóm tác giả lấy mẫu khảo sát đối với các đối tượng là nhà quản lý doanh nghiệp, người quản lý số liệu tài chính và kế toán,... trong các lĩnh vực sản xuất gồm: chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da, sản phẩm nhựa,... Trong tổng số phiếu khảo sát gửi đi, nhóm tác giả thu về 128 phiếu. Sau khi loại 5 phiếu không hợp lệ, còn lại 123 phiếu được dùng trong nghiên cứu.

Kết quả thống kê cho thấy mô hình KTQTCP được khảo sát có xu hướng tách rời KTTC và KTQT là 30.08%. Độ tuổi của nhóm đối tượng khảo sát giao động từ 25-30 tuổi chiếm 43.90% chủ yếu là chức vụ kế toán tổng hợp (36.59%) với số năm công tác dưới 5 năm trở lại chiếm đa số (49.59%). Các loại hình doanh nghiệp sản xuất tham gia khảo sát chiếm tỉ trọng lớn bao gồm sản xuất đồ uống (17.07%), sản xuất hóa chất (13.01%), sản xuất nhựa (10.57%). Hầu hết các doanh nghiệp khảo sát đang ứng dụng KTQTCP (53.66%).

Theo thang đo Likert, các biến quan sát đều có giá trị nhỏ nhất là 1.0 và giá trị lớn nhất là 5.0. Giá trị trung bình giao động từ biến quan sát có giá trị trung bình nhỏ nhất là 3.24 đến biến quan sát KTCNTT1 có giá trị trung bình lớn nhất là 4.43.

3.2. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Trọng và Mộng Ngọc (2008), tiêu chuẩn chọn thang đo là khi có độ tin cậy Cronbach’s Alpha lớn hơn (>) 0.6. Đồng thời, hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho nhân tố đạt sẽ lớn hơn (>) 0.3 (Hair et al., 2005).

Bảng 1. Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Bảng 1 cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của Quy mô doanh nghiệp (0.724), Người sử dụng (0.845), Kỹ thuật ứng dụng CNTT (0.803), Cạnh tranh (0.871), Việc tổ chức KTQTCP (0.768) đều lớn hơn 0.6. Hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đo lường cho các nhân tố đa phần đều lớn hơn 0.3, đạt tiêu chuẩn cho phép, trừ biến NSD6 bị loại do có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3.

3.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi loại biến NSD6, còn lại 23 biến quan sát của các nhân tố độc lập và phụ thuộc được đưa vào phân tích nhân tố.

Bảng 2. Kiểm định KMO và Bartlett’s Test

Kiểm định KMO và Bartlett’s Test

Kết quả kiểm định EFA cho thấy:

- Kiểm định hệ số KMO = 0.758 thỏa điều kiện (0.5 < 0.758 < 1), do đó phân tích nhân tố khám phá là thích hợp đối với mẫu dữ liệu thu thập từ thực tế.

- Kiểm định tính tương quan giữa các biến - kiểm định Bartlett Test có Sig. = 0.000 < 0.05, do đó các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.

- Kiểm định phương sai trích với phương sai trích 61.762% > 50%. Điều này có nghĩa là 61,761% thay đổi của các nhân tố được được giải thích bởi các biến quan sát.

- Giá trị Eigenvalue là 1.817 > 1, do đó đủ tiêu chuẩn để phân tích nhân tố.

* Phương pháp xoay: nhóm áp dụng phương pháp xoay nhân tố phổ biến là Varimax thông qua việc xoay nguyên góc các nhân tố thành phần nhằm để tối thiểu hóa số lượng biến quan sát có hệ số lớn tại cùng một thành phần và làm tăng khả năng giải thích các nhân tố thành phần (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Kết quả cho thấy biến quan sát bị loại là CTRANH3, do có hệ số tải (Factor loading) = 0.381< 0.55 (Hair et al., 2005).

3.4. Kết quả phân tích hồi quy   

Với giá trị Sig. của các nhân tố độc lập đều rất nhỏ (0.000 < 5%), cho thấy hệ số hồi quy riêng của từng nhân tố có ý nghĩa trong mô hình, đạt độ tin cậy 95%.

Bảng 3. Thống kê từng nhân tố

Thống kê từng nhân tố

Bảng 4. Mức độ giải thích của mô hình

Mức độ giải thích của mô hình

Từ kết quả của Bảng 4, hệ số R2 = 0.690. Điều này có nghĩa là 69% sự biến động của biến phụ thuộc TCKTQTCP sẽ được giải thích bởi các nhân tố độc lập được chọn đưa vào mô hình nghiên cứu của nhóm bao gồm QMDN, NSD, KTCNTT và CTRANH.

Hệ số hồi quy của các nhân tố NSA (0.433), KTCNTT (0.418), QMDN (0.316), CTRANH (0.302) đều mang dấu (+), do đó có mối quan hệ cùng chiều với TCKTQTCP.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy 4 nhân tố có tác động đến việc tổ chức KTQTCP theo mức độ ảnh hưởng giảm dần: nhân tố Người sử dụng (0.433 tỷ lệ 29.48%), nhân tố Kỹ thuật ứng dụng CNTT (0.418, tỷ lệ 28.45%), nhân tố Quy mô doanh nghiệp (0.316, tỷ lệ 21.51%), nhân tố Cạnh tranh (0.302, tỷ lệ 20.56%). Các nhân tố độc lập được chọn giải thích được 68.2% sự biến động của Việc ứng dụng KTQT CP. Dựa vào kết quả nghiên cứu về các nhân tố tác động, chúng ta có thể phân nhóm - nhóm nhân tố định hình có tác động đến tổ chức hệ thống: người sử dụng hệ thống KTQTCP và ứng dụng CNTT; một nhóm thuộc về các nhân tố tổng quan bao gồm quy mô doanh nghiệp và cạnh tranh. Đóng góp về giá trị tham khảo cho các doanh nghiệp trong tổ chức HTTTKT, nhóm tác giả đưa ra khuyến nghị với các nhân tố định hình nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất đạt hiệu quả trong Việc ứng dụng KTQTCP:

- Về nhân tố người sử dụng: Các DN cần phải tăng cường hoạt động đào tạo để nâng cao kỹ năng, tay nghề về KTQTCP cho các kế toán viên. Ngoài ra, ban quản lý cần xem trọng công tác KTQTCP cũng như giá trị số liệu do hệ thống KTQTCP cung cấp. Điều này có tác động đến việc nâng cao nhận thức của người sử dụng hệ thống KTQTCP trong doanh nghiệp.

- Và đối với nhân tố ứng dụng công nghệ thông tin: Trong môi trường kinh tế đầy cạnh tranh và chịu tác động của CMCN 4.0, cơ sở dữ liệu và hệ thống phần mềm kế toán trong doanh nghiệp được các nhà quản lý đánh giá cao và cần chú trọng để tổ chức hệ thống KTQTCP được hiệu quả. Các doanh nghiệp cần phải chú ý đến việc đầu tư phần mềm phù hợp và có những ứng dụng hỗ trợ khai thác dữ liệu, các công cụ làm báo cáo KTQTCP nhằm giúp nhà quản lý có cơ sở số liệu, cách nhìn trung thực về mô hình chi phí thể hiện quan việc trực quan hóa dữ liệu trên bảng biểu, mô hình vẽ nhằm đưa ra quyết định kịp thời cho định hướng kinh doanh n

* Nội dung bài báo công bố dựa trên kết quả nghiên cứu thuộc đề tài “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm học 2020 - 2021” của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Colmenares L. (2009). Benefits of ERP systems for accounting and financial management. Proceedings of the Academy of Information and Management Sciences, 13(1), 3-7.
  2. Gordon L. A. and Miller D. (1976). A contingency framework for the design of accounting systems. Accounting, Organizations and Society Journal, 1(1), 59-69.
  3. Hansen, D. R. and Mowen, M. M. (2006). Managerial Accounting (8th ed.). USA: Thomson South-Western Publication.
  4. Quốc hội (2015). Luật số 88/2015/QH13: Luật Kế toán, ban hành ngày 20/11/2015.
  5. Mullins L. (2013). Management and Organizational Behaviour 10th edn. USA: FT Publishing International.
  6. Otley D. T. (1980). The Contingency Theory of Management Accounting: Achievement and Prognosis. Accounting, Organizations and Society Journal, 5 (4), 413-428.
  7. Raphael G. and Artus K., G. (2018). Business Intelligence and Analytics Cost Accounting: A Survey on the Perceptions of Stakeholders. International Journal of Systems and Service-Oriented Engineering, 8(3), 37-59.
  8. Topor D. I. (2013). New dimensions of cost type information for decision making in wine industry. Hyperion Economic Journal, Faculty of Economic Sciences, Hyperion University of Bucharest, Romania, 1(4), 109-127.
  9. A.V/VOV.VN (2018). Chỉ số hoạt động ngành sản xuất Việt Nam nhảy vọt dẫn đầu ASEAN. Truy cập tại https://vov.vn/kinh-te/chi-so-hoat-dong-nganh-san-xuat-viet-nam-nhay-vot-dan-dau-asean-781996.vov
  10. Waterhouse, J. H. and Tiessen, P. (1978). A Contingency Framework for Management Accounting Systems Research. Accounting, Organisations and Society Journal, 2 (4), 65-76.

FACTORS AFFECTING THE COST MANAGEMENT

ACCOUNTING METHODS OF MANUFACTURING FIRMS

LOCATED IN HO CHI MINH CITY

• NGUYEN THI TU NHI

Faculty of Special Training, Department of Accounting

Ho Chi Minh City Open University

Master. LE THI XUAN OANH

Chief accountant, Ho Phat Sand Cloth Trading Services Co.,Ltd

Ph.D VU QUOC THONG

Senior Lecturer, Faculty of Accounting and Auditing,

Ho Chi Minh City Open University  

ABSTRACT:

It is quie difficult to determine the factors affecting cost management accounting methods of manufacturing firms. By using the qualitative approach, this study proposes a research model with four hypotheses. The study surveyed 123 manufacturing enterprises located in Ho Chi Minh City. The research model was tested by using the Cronbach’s Alpha, then the Exploratory Factor Analysis was conducted to explain the above-mentioned hypotheses. The study’s results show that there are 18 variables based on the views of managers. These variables are categorized into 4 groups of factors, including the user, the application of information technology (IT), the firm size and the competition. The study’s findings sugget further research directions to identify more factors affecting the cost management accounting methods.

Keywords: cost management accounting, manufacturing firms, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]