TÓM TẮT:
Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ đang tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và thị trường kế toán nói riêng. Những tác động đa chiều từ cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam mang tính tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức trong ngắn hạn và trung hạn. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thị trường dịch vụ này trong thời gian tới.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán, thị trường, dịch vụ kế toán.
1. Tổng quan về thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam
Kể từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng.
Thứ nhất, môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam được hình thành tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện trong nước và những thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực cải cách hệ thống pháp luật kế toán, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường dịch vụ kế toán. Cụ thể: Quốc hội đã ban hành Luật Kế toán (2003), Luật Kế toán sửa đổi (2015), Luật Kế toán (2019) với nhiều nội dung quy định cụ thể về hành nghề kế toán đối với các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”, với mục tiêu: “Xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp” [4]. Đây là điều kiện thúc đẩy thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ.
Thứ hai, hệ thống doanh nghiệp dịch vụ kế toán được hình thành, phát triển nhanh chóng với đa dạng loại hình dịch vụ. Từ 18 doanh nghiệp, với hơn 30 kế toán viên chuyên nghiệp năm 2008, đến nay thị trường dịch vụ kế toán đã có sự tham gia của hơn 160 doanh nghiệp và hơn 260 kế toán viên chuyên nghiệp [3]. Các doanh nghiệp dịch vụ kế toán đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về pháp luật, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của Nhà nước, cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chính. Chất lượng dịch vụ kế toán cũng không ngừng được nâng cao, ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp của kế toán viên ngày càng được tăng cường. Nhiều kế toán viên chuyên nghiệp đã trưởng thành và có thể thực hiện nhiều loại dịch vụ, cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng cho thấy, những năm gần đây, nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ kế toán của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp nhận nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư từ các công ty, tập đoàn danh tiếng trên thế giới.
Thứ ba, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Hiện nay, việc đào tạo nhân lực kế toán được thực hiện ở rất nhiều trường đại học trên cả nước đa dạng về hình thức đào tạo (từ tại chức, đào tạo từ xa cho đến chính quy) và đa dạng về cấp trình độ đào tạo (từ cao đẳng, liên thông đại học, đại học chính quy, thạc sĩ cho đến tiến sĩ). Bên cạnh đó, còn có hàng trăm cơ sở dạy nghề về kế toán do các trung tâm, doanh nghiệp tổ chức dưới mọi hình thức. Nhiều cơ sở không có thế mạnh về đào tạo kế toán, thậm chí chủ yếu thiên về đào tạo các ngành kỹ thuật cũng tham gia vào hoạt động này. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có khoảng 553 cơ sở đào tạo với 203 trường đại học và học viện, 208 trường cao đẳng, 142 trường trung học chuyên nghiệp, trong đó trên 50% đăng ký đào tạo ngành Kế toán [1]. Nhiều sinh viên học tại Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực qua các kỳ tuyển dụng và quá trình công tác, không thua kém với các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài... Hiện nay, Việt Nam có gần 5.000 người có chứng chỉ kế toán, kiểm toán quốc tế.
2. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhận định là sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam. Các công nghệ số sẽ ngày càng phổ biến, làm thay đổi cách thức thực hành nghiệp vụ tài chính, kế toán cũng như đặt ra những đòi hỏi nhất định về năng lực đối với đội ngũ các chuyên gia tài chính.
Đối với môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường dịch vụ kế toán. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kế toán trong môi trường tin học hóa. Nhờ đó, các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kế toán được thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp có cơ hội tiếp cận với các mô hình hoạt động dịch vụ kế toán hiệu quả từ các nước phát triển trên thế giới, từ đó, góp phần nâng cao năng lực quản trị, quản lý, đồng thời góp phần giúp Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp lý, chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm quen với các thông lệ chung của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế.
Tuy nhiên, mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước phải đối diện với những thách thức liên quan đến kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh dịch vụ kế toán, xử lý các bất đồng và tranh chấp về kết quả hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, các chuyên gia trình độ cao làm việc tại Việt Nam. Về mặt cơ sở pháp lý của dịch vụ kế toán Việt Nam, có những chuẩn mực, nội dung chưa thể thay đổi theo thông lệ quốc tế, do đó cần có thời gian và lộ trình để thay đổi.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các loại đối tượng khách hàng khác nhau. Việc xuất hiện những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng có nhiều thuận lợi. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, từ đó góp phần giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực giúp các doanh nghiệp dịch vụ kế toán trong nước phát triển và cạnh tranh với các công ty, tập đoàn tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng điểm mạnh về năng lực tài chính, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật công nghệ, kết hợp với tính minh bạch hóa về tài chính, nhu cầu của khách hàng để phát triển đa dạng các sản phẩm trong quá trình tiến hành dịch vụ kế toán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế phát triển mới, đòi hỏi phải gia tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ kế toán, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán sẽ gặp khó khăn khi giữ chân nhân viên chủ chốt, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những người có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu các tổ chức và tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Cùng với đó, cách doanh nghiệp dịch vụ kế toán Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong việc tăng cường niềm tin của công chúng, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chất lượng dịch vụ, cũng như việc duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với nguồn nhân lực hoạt động trong dịch vụ kế toán. Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến nhận thức và hành động, đặt ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật thông tin, văn bản mới để thích ứng với bối cảnh mới. Mặt khác, cuộc cách mạng này đòi hỏi phải không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng, cơ cấu cán bộ, nhân viên hành nghề kế toán. Tại Việt Nam, công tác kế toán hiện nay đang chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Vì vậy, nếu kế toán viên không am hiểu về công nghệ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các công việc chuyên môn. Để giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc hợp lý cho nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với cách doanh nghiệp dịch vụ kế toán Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
3. Một số giải pháp cần thực hiện
Một là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về kế toán. Theo đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật kế toán theo hướng tiếp cận tối đa nguyên tắc quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Trên cơ sở đó rà soát, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán nhà nước, kế toán doanh nghiệp, bao gồm cả kế toán tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ và các quỹ tài chính nhà nước, quỹ đầu tư thuộc các loại hình kinh tế, các tổ chức tài chính có hoạt động đặc thù,… Xây dựng Nghị định về xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kế toán theo quy định Luật. Cập nhật và xây dựng mới các chuẩn mực kế toán doanh nghiệp. Cùng với đó, phải tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể cung cấp dịch vụ trên thị trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý thị trường dịch vụ kế toán. Thúc đẩy phát triển các tổ chức nghề nghiệp kế toán trong nước theo hướng từng bước mở rộng và xem xét để chuyển giao các công việc thuộc chức năng quản lý của Nhà nước cho các tổ chức nghề nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế. Hai là, phát triển số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán một cách hợp lý; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp kế toán có quy mô lớn, có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng tới cung cấp dịch vụ tại các thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nhằm tăng năng suất nghề nghiệp; tăng cường hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói và toàn diện cho khách hàng. Đồng thời, đa dạng hóa dịch vụ kế toán. Phát triển thị trường dịch vụ kế toán phải gắn với việc đa dạng hóa dịch vụ, hướng tới các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tích hợp dịch vụ kế toán với các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế, quản trị rủi ro, tư vấn xây dựng hệ thống quản trị.
Ba là, nâng cao chất lượng kế toán viên thông qua việc đẩy mạnh tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức theo các hình thức phù hợp trên cơ sở tiếp thu thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đổi mới mô hình đào tạo thi, cấp chứng chỉ kế toán viên hành nghề theo hướng đào tạo, thi theo tín chỉ để cấp chứng chỉ kế toán viên hành nghề; đồng thời mở rộng và tăng cường số lượng các kỳ thi kế toán viên hành nghề, kế toán viên công chứng. Tăng cường áp dụng các phương pháp và công nghệ thông tin hiện đại, tiêu chuẩn hóa chuyên môn và chuyên nghiệp hóa. Có cơ chế thích hợp để tuyển dụng các chuyên gia, người có kinh nghiệm về kế toán vào các cơ quan quản lý, giám sát hành nghề kế toán; cơ quan ban hành Chuẩn mực kế toán và cơ quan nghiên cứu.
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển thị trường dịch vụ kế toán. Tăng cường mối quan hệ với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi về nội dung, phương thức quản lý nhà nước về kế toán. Nghiên cứu các mô hình của các nước phát triển để vận dụng vào Việt Nam về xây dựng kỹ thuật nghiệp vụ kế toán; phát triển dịch vụ kế toán; mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ hành nghề về kế toán. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán; của các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ các dự án triển khai nghiên cứu và thực hiện cải cách kế toán. Trong những năm tới, sau khi hoàn thành việc công bố khuôn khổ pháp lý về kế toán cần tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, hỗ trợ các hội nghề nghiệp thực hiện đầy đủ vai trò thành viên của các tổ chức Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Hiệp hội Kế toán ASEAN (AFA) và thành viên Hiệp hội Kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trần Thu Hằng (2018), Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kế toán Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 48 (2018).
- Đặng Văn Thanh (2017), Chặng đường 10 năm dịch vụ kế toán Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 6/2017.
- Chu Thị Thảo (2020), Một số vấn đề về phát triển dịch vụ kế toán tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 04/2020.
- Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 18/3/2013.
- Văn phòng Quốc hội (2019), Luật Kế toán, số 14/VBHN-VPQH, ngày 04/7/2019.
THE IMPACTS OF INDUSTRY 4.0
ON VIETNAM’S ACCOUNTING SERVICES MARKET
Master. HOANG KIM OANH
Hanoi University of Home Affairs
ABSTRACT:
The rapid development of Industry 4.0 has impacts on all social aspects in general and the accounting market in particular. The Industry 4.0’s multidimensional impacts will facilitate the accounting market development in the long term but create many difficulties in the short and medium-terms. This article analyzes some impacts of the Industry 4.0 on the accounting services market. Based on the article’s results, some solutions are proposed to develop this market in the coming time.
Keywords: Industry 4.0, accounting, market, accounting services.