Sáng 6/8/2019, Ban chỉ đạo phát triển điện lực thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Báo cáo kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm, đại diện Ban chỉ đạo phát triển điện lực thành phố Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty điện lực thành phố huy động các nguồn lực bảo đảm các chỉ tiêu cung cấp điện phục vụ nhân dân, với tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 9,1 tỷ kWh (tăng 8,32% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 46,5% so với kế hoạch cả năm).
Cùng với đó, 6 tháng đầu năm, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành cải tạo nâng cấp 5 trạm biến áp với tổng dung lượng công suất tăng thêm 292MVA; hạ ngầm 2 tuyến cáp và xây dựng mới 1 đường dây không với tổng khối lượng tăng thêm 16km đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải liên tục tăng cao của thành phố.
Tuy nhiên, song hành cùng kết quả đã đạt được, Tổng công ty cũng bị chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm cấp điện, đặc biệt tại vùng lõi trung tâm của thành phố.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết, một số trường hợp đã phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực để xây dựng công trình điện như các trạm biến áp 110kV Công viên Thủ Lệ, Bắc Thành Công, Đại Kim.
Bên cạnh đó, việc thi công trạm biến áp 110kV Minh Khai, Phú Xuyên, Tây Hồ Tây, cáp ngầm 110kV Tây hồ - Yên Phụ... kéo dài thời gian, nhiều lần phải điều chỉnh thời hạn nhưng vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
Chỉ ra những nguyên nhân, đại diện Tổng Công ty cho biết, vướng mắc chủ yếu xuất phát từ việc địa phương kiến nghị ưu tiên bố trí quỹ đất cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội nên phải thay đổi vị trí xây dựng trạm biến áp so với vị trí ban đầu. Ngoài ra, tâm lý của người dân lo ngại trạm biến áp ở gần nơi sinh sống có thể ảnh hưởng đến môi trường, an toàn cộng đồng nên phản đối, các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng phải xin ý kiến của nhiều Bộ, ngành...
Đây đều là những công trình trọng điểm, cấp bách có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống lưới điện của Thủ đô, đại diện Tổng Công ty nhấn mạnh.
Cũng trong thời gian này, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội đã đóng điện 162 công trình lưới điện trung, hạ thế với tổng khối lượng tăng thêm là 478 trạm biến áp, 483 máy biến áp, 228,4 MVA (mega Volt-Ampere) và 1.192,6 km dây dẫn trung, hạ thế.
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn điện cho các xã nông thôn mới, các cụm điểm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã khảo sát nhu cầu gửi Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội lập kế hoạch và bố trí vốn đầu tư xây dựng.
Đến nay, Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội đã giao các Công ty điện lực huyện, thị xã đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây phân phối tại các khu vực đang bán điện, đã đưa vào vận hành được 619 trạm biến áp, tổng công suất 645.078kVA, với tổng kinh phí 1.050,6 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho thành phố trong những tháng cuối năm 2019, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phát triển điện lực thành phố Hà Nội đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình tiến độ các công trình trọng điểm để chủ động giải quyết những tồn tại có thể xử lý ngay.
Đồng thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo Ban chỉ đạo xem xét chỉ đạo, tháo gỡ giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Ưu tiên tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng công trình điện, tạo điều kiện để chủ đầu tư nhanh chóng tiếp nhận mặt bằng thi công.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành các dự án cải tạo lưới điện khu vực Tây Hà Nội, nam Hà Nội giai đoạn 2, đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ dự án Re2, bổ sung nguồn kinh phí đầu tư cải tạo đáp ứng tiêu chí số 4 về điện cho các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, phục vụ nhu phát triển sản xuất tại các vùng chuyên canh, vật nuôi; xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh.