Tóm tắt: Đổi mới tư duy kinh tế để phát triển là cả một quá trình nhận thức lâu dài của Đảng ta nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Bài viết làm rõ tư duy kinh tế của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các kỳ Đại hội và kết quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện. Từ khóa: Đổi mới, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. |
1. Tư duy kinh tế của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các kỳ Đại hội
Trước những hạn chế của cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, làm "kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, gây rối loạn trong phân phối lưu thông và đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội"1 và trước những đòi hỏi của thực tiễn, Đảng ta đã đưa ra các quyết sách nhằm biến đổi tình hình, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, mà trước hết phải đổi mới tư duy kinh tế, xóa bỏ tư duy cũ lỗi thời, tháo gỡ các rào cản, ràng buộc để giải phóng sức sản xuất xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ta đã "thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa và kinh tế tư bản tư nhân"2.
Để đảm bảo triển khai thực hiện quan điểm trên một cách nghiêm túc, Đại hội VI của Đảng đã nhấn mạnh: "Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh... Song, về pháp luật phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng. Những người làm ra của cải và những việc có ích cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp và chính sách đều được tôn trọng, được hưởng thu nhập tương xứng với kết quả lao động, kinh doanh hợp pháp của họ"3.
Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết Trung ương 2, khóa VI (4-1987) về lưu thông phân phối; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VI về đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với xí nghiệp quốc doanh; Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (ngày 27-6-1991) và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa VII đều kế thừa quan điểm, tư tưởng của Đại hội VI và đều nhất quán là tập trung giải phóng sức sản xuất toàn xã hội, khuyến khích mọi người năng động, sáng tạo, sản xuất ra nhiều của cải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sử dụng nhiều hình thức phân phối, song phân phối theo lao động vẫn là chủ yếu.
Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, khẳng định "Tăng cường quản lý vĩ mô của Nhà nước nhằm định hướng và chỉ đạo phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội... khắc phục những tồn tại vốn có của nền kinh tế thị trường, làm cho thị trường thật sự trở thành công cụ quan trọng trong việc phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân, bảo đảm quan hệ tích lũy và tiêu dùng, điều tiết lợi ích giữa các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, ổn định vững chắc hơn, công bằng xã hội nhiều hơn"4.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ 26/6 đến 1/7/1996, báo cáo chính trị khẳng định "tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế bao gồm việc tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về kinh tế; tiếp tục đổi mới công tác kế hoạch hóa; đổi mới chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả, nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước"5.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, coi đổi mới tư duy kinh tế là nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Đại hội nhấn mạnh "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường"6.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, trong tiểu mục tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có đoạn viết: "Phát triển nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế"7.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, khẳng định "Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế"8.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong mục tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội, có đoạn viết: "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc"9.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành ngày 3-6-2017, nhấn mạnh "Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, thúc đẩy và hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến, hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ". Đây là lần đầu tiên Đảng ta nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Từ đó, cho chúng ta thấy rằng, hơn 30 năm đổi mới từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đến nay, Đảng ta luôn kiên định và từng bước hoàn thiện tư duy kinh tế về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình đó đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ tiếp tục hoàn thiện. Trên cơ sở tổng quan các tư tưởng, quan điểm cơ bản của đảng ta từ Đại hội VI đến Đại hội XII, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, Đảng ta luôn có nhận thức nhất quán về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Do đó, đổi mới tư duy kinh tế luôn đi trước một bước và được kết hợp chặt chẽ với đổi mới tư duy chính trị.
Hai là, Đảng ta chủ trương lấy đổi mới tư duy kinh tế làm trung tâm, đồng thời từng bước đổi mới tư duy chính trị cho phù hợp. Đổi mới tư duy kinh tế và tư duy chính trị đều cùng mục tiêu là tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, mà mục đích cuối cùng là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị, không chỉ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện nước ta, mà còn phù hợp với quy luật về sự phù hợp giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở.
Mặc dù, cách tiếp cận và ngôn từ sử dụng trong các Văn kiện của các kỳ Đại hội có khác nhau, song nội dung cốt lõi, cơ bản của đổi mới tư duy kinh tế là không thay đổi. Các Nghị quyết, chính sách đều nhất quán từ tư duy lý luận đến hành động thực tiễn và biện pháp thực hiện. Sự nhất quán đó chính là tiền đề cho mọi thành công của nước ta trong hơn 30 năm qua.
2. Những kết quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới tư duy kinh tế ở nước ta
Thứ nhất, về tốc độ tăng trưởng kinh tế
Trong hơn 30 năm qua (1986-2017), tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta, tuy có sự dao động nhất định, song vẫn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới với mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Nếu như giai đoạn 1986-1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta chỉ đạt 4,4%/năm, thì đến giai đoạn 1991-1995 là 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000 là 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 là 7,34%; giai đoạn 2006-2010 là 6,32%/năm; năm 2016 là 6,21% và năm 2017 là 6,81% 10.
Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, trình độ công nghệ trong sản xuất được nâng lên. Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2001-2005 đạt 21,4%, giai đoạn 2006-2010 đạt 17,2%, đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 28,94%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ công có xu hướng giảm dần, dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức an toàn. Thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 100 USD/người/năm vào năm 1986, lên 471 USD/người/năm vào năm 2003. Năm 2015, quy mô nền kinh tế nước ta đạt 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2300 USD/người/năm. Năm 2017, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người khoảng 2385 USD/người/năm11.
Thứ hai, về kết quả huy động nguồn vốn đầu tư
Giai đoạn 1986-2017, để tạo nguồn lực tài chính cho phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức chính trị, xã hội, các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển kinh tế. Kết quả là tổng vốn đầu tư toàn xã hội của nước ta ngày càng tăng. Nếu như giai đoạn 1998-2000, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 117,9 nghìn tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 1667,4 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 14 lần so với giai đoạn 1998-2000. Cơ cấu vốn đầu tư theo thành phần kinh tế cũng có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, thể hiện ở chỗ: vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước đã giảm xuống; khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn ĐTNN tăng lên. Nếu như giai đoạn 1986-2000, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 54,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; khu vực kinh tế là 24,1%; khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là 21,6% thì đến năm 2017, cơ cấu vốn đầu tư theo thành phần lần lượt là: 35,6%; 40,6% và 23,8% 12.
Thứ ba, về tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu
Từ năm 1986, nước ta thực hiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập với khu vực và quốc tế, nhờ đó sức sản xuất trong nước được giải phóng, các thành phần kinh tế phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng. Nhu cầu tiêu thụ, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế không ngừng mở rộng. Do đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến, nếu năm 1986 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt 2.944 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 789 triệu USD, nhập khẩu 2.155 triệu USD, thì năm 2017, tức là sau 31 năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 213,96 tỷ USD, nhập khẩu đạt 211,04 tỷ USD, xuất siêu hơn 2,9 tỷ USD13.
Thứ tư, về các vấn đề an sinh xã hội
Với mục tiêu định hướng XHCN, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, các vấn đề về an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi cho mọi người đều phát triển khá đồng bộ và ngày càng được cải thiện.
Vấn đề lao động việc làm, năng suất lao động và tỷ lệ thất nghiệp đều phát triển theo hướng tích cực. Cụ thể: Số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tăng từ 37.975 nghìn người vào năm 2000, lên 53.718 nghìn người vào năm 2017 tăng 41,4%, bình quân mỗi năm tăng 2,4%/năm; năng suất lao động xã hội năm 2005 đạt 21,4 triệu đồng/người, đến năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/người. Như vậy, trong vòng 12 năm, năng suất lao động xã hội tăng 3,35 lần, bình quân tăng 27,9%/năm; tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta thấp và có xu hướng giảm dần từ 2,88% năm 2010, xuống 2,24% vào năm 201714.
Vấn đề xóa đói, giảm nghèo là một trong nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chu đáo, từ khâu xác định chuẩn nghèo cho từng giai đoạn phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và mức sống bình quân của dân cư. Các chương trình, dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn để mọi người tham gia sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả, nên hộ nghèo cả nước đã giảm dần qua các giai đoạn phát triển. Nếu xét theo chuẩn nghèo qua các giai đoạn từ 1993-1995 và 1997-2000 thì tỷ lệ hộ nghèo năm 1993 là 58%, giảm xuống 37,4% vào năm 1998. Áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2001-2005, năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo là 28,9%, năm 2004 là 23,2%. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010, năm 2007 tỷ lệ hộ nghèo là 14,8%, năm 2009 là 11% và năm 2010 là 9,45%. Căn cứ chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 11,76%, năm 2014 là 8,4%, năm 2015 là 7,1%. Năm 2015, Chính phủ có quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, theo tiêu chuẩn đó thì tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 8,93%, năm 2017 là 6,72% 15. Chương trình xóa đói giảm nghèo ở nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá là thành công và đó là do sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội, của toàn dân và đặc biệt là nỗ lực thoát nghèo của bản thân các hộ nghèo.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm như: Tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm quá tải bệnh viện; Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến cuối. Đội ngũ cán bộ y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng đối với cả y tế công lập và tư nhân. Riêng đối với y tế công lập, số cơ sở khám chữa bệnh năm 1986 là 11.600 cơ sở, năm 2016 là 13.591 cơ sở, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1986-2016 là 0,6%/năm; số giường bệnh tăng bình quân 47,2%/năm; số bác sĩ tăng bình quân 9,8%/năm16.
Tuổi thọ trung bình của nước ta tăng, đạt 73,3 tuổi vào năm 2015; năm 2016 là 73,4 tuổi; năm 2017 là 73,5 tuổi, vượt xa các nước có thu nhập thấp (58 tuổi) và cao hơn các nước có thu nhập trung bình (71 tuổi)17.
Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, theo báo cáo của Viện dinh dưỡng trước cơ quan truyền thông ngày 12-10-2018 thì suy dinh dưỡng thể thấp còi là 23,8%, thể nhẹ cân là 13,4% và đang có xu hướng giảm dần.
3. Những vấn đề đặt ra
Những kết quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới của nước ta là rất to lớn, toàn diện, song cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu hoàn thiện:
- Đổi mới chính trị đôi khi chưa bắt kịp đổi mới kinh tế, nên tạo ra nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Nhiều chính sách hiện không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, song chất lượng tăng trưởng chưa cao, tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP còn thấp.
- Mặc dù Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo nghề, hướng nghiệp để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ kinh tế cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lên làm giàu, xích lại gần với nhóm trung lưu, giầu có trong xã hội. Song, khoảng cách giữa nhóm người giầu và nhóm người nghèo về thu nhập vẫn không giảm, mà có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2002, mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người giầu và nhóm người nghèo là 8,1 lần, năm 2004 là 8,3 lần, năm 2006 là 8,4 lần, năm 2008 là 8,9 lần và năm 2010 là 9,4 lần18. Như vậy, mức độ bất bình đẳng về thu nhập ở nước ta có xu hướng tăng dần.
- Giáo dục - đào tạo và chăm sóc y tế không được Nhà nước bao cấp như cơ chế cũ, nên phần đông số người nghèo không đủ tiền chữa bệnh, con em không có tiền đóng học phí phải bỏ học. Như vậy, sẽ dẫn đến tình trạng một bộ phận khá lớn lực lượng lao động trong tương lai sẽ không đủ sức khỏe, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẽ rất khó tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, gây áp lực lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm.
4. Những giải pháp tháo gỡ các vấn đề đang đặt ra
- Nhà nước và chính quyền các cấp cần kiểm tra, rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành. Nếu cơ chế, chính sách nào không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của các cơ sở kinh tế, doanh nghiệp thì nên bãi bỏ. Bởi vì, mọi hoạt động quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp là nhằm kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh tế, các doanh nghiệp được tự do phát huy tính năng động sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, công nghiệp vật liệu mới và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới công nghệ, tạo ra động lực phát triển mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế và khu vực. Đồng thời, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nâng cao tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP. Chú trọng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
- Để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, lãnh thổ; giữa đồng bằng với Trung du miền núi; giữa thành phố và nông thôn, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế quản lý phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, nhưng họ vẫn thu được lợi nhuận ít nhất là bằng đầu tư vào các nơi gần đô thị có điều kiện thuận lợi hơn. Khi các công trình công nghiệp được hình thành sẽ thu hút nhiều lao động, việc làm cho người dân, tạo thu nhập cho địa phương, các cụm dân cư đô thị được hình thành, từng bước được cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của dân cư trong vùng và sẽ rút ngắn dần khoảng cách với vùng đồng bằng. Đồng thời, cũng làm giảm khoảng cách về bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm dân cư. Đó cũng là một trong các nội dung của tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
- Nhà nước cần thay đổi toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, gắn dạy và học với sự vận động phát triển của kinh tế, xã hội. Phương châm là dạy cho học sinh biết làm người, dạy cho sinh viên biết làm việc, giảm bớt kinh viện, sách vở. Song, Nhà nước cũng cần đầu tư cho giáo dục và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả xã hội hóa giáo dục, nhưng vẫn có thể hỗ trợ, giúp đỡ con em người nghèo được đi học. Nghiên cứu tiến tới xóa bỏ học phí cho hệ mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở trên phạm vi cả nước để mọi người đều được đi học, đi học không chỉ là quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ, từng bước thực hiện mục tiêu xã hội học tập và học tập suốt đời.
- Nhà nước cần đầu tư đúng mức cho y tế dự phòng, thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, đầu tư thỏa đáng cho y tế tuyến xã, huyện để giảm áp lực cho các tuyến trên và tránh lãng phí về cơ sở vật chất kỹ thuật ở các tuyến xã, huyện mà không sử dụng hết công suất.
Tóm lại, đổi mới tư duy kinh tế về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đã được thể nghiệm qua hơn 30 năm đổi mới. Quá trình đổi mới tư duy kinh tế đã đạt được những kết quả to lớn, khá toàn diện, từng bước thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Thành công của hơn 30 năm đổi mới đã làm tăng tiềm lực kinh tế, quốc phòng, tăng vai trò uy tín nước ta trên trường quốc tế, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
1, 2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.61 và 62.
3. Văn kiện Đại hội VI của Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.61.
4. Văn kiện Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.35.
5. Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc VII ngày 28-6-1996.
6. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc IX của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.162.
7. Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc X của Đảng (ngày 10-4-2006).
8. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc XI của Đảng (ngày 19/1/2011).
9. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc XII của Đảng (25/1/2016).
10. Niên giám thống kê Việt Nam qua các năm và Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội các năm trên trang website của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
11, 15. Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội các năm trên trang website của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
12, 13, 14, 16, 17. Kinh tế 2017 - 2018 Việt Nam và Thế giới, Nxb Thông tin và Truyền thông.
18. Đào Ngọc Lâm: Nhóm hộ giàu nhất có thu nhập gấp 9,4 lần nhóm nghèo nhất, https://tinnhanhchungkhoan.vn, truy cập ngày 17/3/2014.
ACHIEVEMENTS OF THE PARTY IN DEVELOPING THE SOCIALIST -ORIENTED MARKET ECONOMY AFTER 30 YEARS OF THE “DOI MOI” PROCESS Ph.D Tran Thi Tuyet Lan Abstract: |