Trong nửa đầu năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam phân khúc siêu thị chứng kiến sự thay đổi thị phần khi doanh nghiệp bán lẻ nội liên tục mở rộng độ phủ thông qua hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập.
Ngày 2/4/2019, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+, công bố việc sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá… 1 USD.
Mới đây nhất, Sài Gòn Co.op đã mua lại hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 18 cửa hàng cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan tại Việt Nam. Với thương vụ này, lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, sau những thương vụ trên có thể thấy, thời gian qua các doanh nghiệp trong nước đã rất nỗ lực để nâng cao thị phần. “Nếu như trước đây hoạt động mua bán, sáp nhập trong ngành bán lẻ chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài mua lại thì giờ đây doanh nghiệp Việt nam đã rất tích cực để đảo ngược tình thế”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tích cực hơn trong các thương vụ ở cả 2 phía mua và bán. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng. Điều này nó chứng tỏ sức mạnh cũng như sự cố gắng vươn lên của các doanh nghiệp bán lẻ nội.
Thực tế có thể thấy, trong những năm qua thị phần ngành bán lẻ đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu thời điểm năm 2016, 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã về tay doanh nghiệp ngoại thì sau 3 năm các con số mới nhất cho thấy các nhà bán lẻ nội đã có phần nhỉnh hơn về độ phủ thị trường.
Ở mảng siêu thị, nhà bán lẻ Việt đang chiếm tới 70% số điểm bán, trong đó riêng hệ thống của VinCommerce đã chiếm hơn 60% điểm bán.
Kết quả kinh doanh cho thấy, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại như Lotte, Aeon có doanh thu khiêm tốn thì các nhà bán lẻ nội có kết quả khả quan hơn. Năm 2017, doanh thu của Lotte Việt Nam là 5.268 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng, nhưng Lotte Mart báo lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Mặc dù tăng so với năm 2016, năm 2017, doanh thu của Aeon cũng chỉ khiêm tốn ở mức 5.136 tỷ đồng.
Trong khi đó, Saigon Co.op đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng tăng 7% so với 2016, còn lợi nhuận đạt 100% kế hoạch đề ra. Cùng với đó, tổng doanh thu mà mảng siêu thị đem lại cho Vingroup cũng đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2016.
Theo ông Tuấn Phạm, giám đốc nghiên cứu thị trường Asia Plus, các nhà bán lẻ nội đang có những lợi thế nhất định so với chuỗi bán lẻ ngoại. Thứ nhất, là do họ có khả năng phủ song rộng khắp cả nước. Thứ hai, họ hiểu về hành vi tiêu dùng của người việt nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.
Theo bà Loan, mặc dù sở hữu độ phủ ít hơn nhưng các doanh nghiệp ngoại nổi trội hơn về khả năng áp dụng các phương thức bán lẻ mới, hiện đại để thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, những doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao.
Trong khi đó, bà Lan cho biết, Việt Nam có thị trường tiêu dùng rộng lớn với sức mua đang tăng lên nhanh chóng. Những tập đoàn lớn về phân phối như Aeon, Lotte và các chuỗi khác đều nhằm vào Việt Nam. Do đó, họ đều đưa ra những chiến lược mở thêm cửa hàng bên cạnh những cửa hàng lớn của họ. Như vậy là họ đi bằng cả 2 chân, vừa làm siêu thị lớn, vừa mở cửa hàng tiện lợi nhỏ. Chính điều này đã gây ra thách thức lớn yêu cầu hệ thống bán lẻ của Việt Nam phải đưa ra được những chiến lược tốt để cạnh tranh.