Bát tràng là 1 làng nghề truyền thống lâu đời chuyên sản xuất và kinh doanh gốm sứ. Hiện tại, Bát Tràng có trên 1000 chủ thể tham gia sản xuất trong đó có 200 mô hình là Doanh nghiệp và Hợp tác xã. Ở những thập kỷ 90 Bát Tràng sản xuất với các công nghệ truyền thống thô sơ từ các khâu quan trọng như: Chế biến nguyên liệu, tạo hình sản phẩm, và các công đoạn hàng mộc đều làm bằng thủ công, lò nung chủ yếu là lò hộp và nguyên liệu đốt bằng củi và than cám tạo nên môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương tới địa phương đã giúp Bát Tràng tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để thay đổi toàn diện nền sản xuất gốm sứ Bát Tràng với các giải pháp như: Tổ chức liên tục các khóa đào tạo nghề cho ngành gốm sứ Bát Tràng, khuyến khích xây dựng nhiều mô hình điển hình nhằm ứng dụng đầu tư thiết bị công nghệ mới cho các khâu chế biến nguyên liệu, tạo hình, đặc biệt là lò nung từ than sang công nghệ lò gas cải thiện ô nhiễm môi trường, ứng dụng máy CNC cho thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Từ những mô hình thí điểm tiên tiến đã giúp cho công nghệ sản xuất sứ Bát Tràng sang trang mới. Có thể thấy từ cuối thập kỷ 90 cho đến nay, các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng liên tục được cải tiến tạo nên những dòng sản phẩm vô cùng đa dạng và tinh xảo. Nền sản xuất Bát Tràng ngày nay phải khẳng định sầm uất nhất so với các làng nghề gốm sứ trong cả nước, các dòng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại nguồn kim ngạch đáng kể cho Hà Nội.
Theo bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chia sẻ: Để Bát Tràng phát triển bền vững như hiện tại là cả quá trình phát triển không ngừng trong đó có sự tham gia, hỗ trợ vô cùng to lớn từ chương trình khuyến công của Trung ương và địa phương, trong đó có chương trình khuyến công thành phố Hà Nội đã luôn sâu sát, đồng hành giúp các chủ thể khai thác được nguồn kinh phí rất đáng kể cho công tác đào tạo nghề, ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến vào trong quá trình sản xuất đem lại hiệu quả vô cùng to lớn.
Bên cạnh đó, cùng với các Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA) Việt Nam đã ký kết mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Tuy nhiên, cũng theo bà Vinh ngành sản xuất gốm sứ của Bát Tràng nói riêng và Việt Nam nói chung cũng đang phải cạnh tranh gay gắt tại chính trên sân nhà với nhiều dòng gốm rất tốt của Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Để tìm giải pháp nhằm phát triển nghề bền vững và đưa được sản phẩm vào thị trường trong nước và nước ngoài thì các dòng sản phẩm gốm sứ cần có sự khác biệt hơn nữa trong chất lượng, mẫu mã thiết kế và cả kỹ thuật. Đồng thời, cần cải thiện lò nung nhằm tiết kiệm nhiên liệu hơn nữa, sản phẩm nung đốt đạt chất lượng cao và tỷ lệ thu hồi cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài. Vì thế Bát Tràng rất cần cơ chế chính sách của Nhà nước quan tâm hơn nữa về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế... để các cơ sở sản xuất có cơ hội thuận lợi phát triển mở rộng quy mô sản xuất.