Các đề án khuyến công được xây dựng, triển khai đúng quy trình, đúng đối tượng, phù hợp với nội dung hoạt động khuyến công. Qua đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu
Năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã được UBND tỉnh Thái Bình và Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình đã phối hợp với phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương tổ chức 5 Hội nghị tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và chương trình tiết kiệm năng lượng tại một số xã làng nghề trên địa bàn các huyện. Các hội nghị đã thu hút được hơn 600 đại biểu là các hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang hoạt động trong các xã làng nghề trên địa bàn các huyện tham dự.
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với phòng Quản lý Năng lượng của Sở Công Thương, Công ty Điện lực Thái Bình tổ chức 02 “Hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về an toàn điện năm 2023” cho các cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Đồng thời, từ nguồn kinh phí của chương trình khuyến công quốc gia năm 2023, Trung tâm cũng đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 08 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024; Phối hợp với Trung tâm Khuyến công vùng 1 (Bộ Công Thương) hỗ trợ 02 cơ sở công nghiệp nông thôn phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và số hóa các sản phẩm để quảng bá trên môi trường không gian mạng.
Bên cạnh đó, chương trình tiết kiệm năng lượng Trung tâm triển khai đã đạt được một số kết quả như: tổ chức 02 “Khoá đào tạo Người quản lý năng lượng” cho 45 học viên là cán bộ của 39 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Tổ chức 02 Hội nghị tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hưng và huyện Kiến Xương; Hỗ trợ cơ sở sử dụng năng lượng có mức tiêu thụ năng lượng dưới 1.000 TOE thuộc ngành công nghiệp nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng cho Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng, CCN Tân Minh, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Đặc biệt, phong trào thi đua trong năm qua cũng được Trung tâm triển khai và phát huy tốt. Các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra từ đầu năm được hoàn thành tốt và đạt chất lượng hiệu quả cao, đúng tiến độ. Các phong trào thi đua đã tạo nên sức mạnh rõ rệt, động viên ý chí sáng tạo, quyết tâm, năng lực hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tổ chức giao.
Bà Trần Thị Diễn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình đánh giá: Việc thực hiện các chương trình, đề án khuyến công được Trung tâm xây dựng, triển khai đúng quy trình, đúng đối tượng, phù hợp với nội dung hoạt động khuyến công, quy định về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của Trung ương và của tỉnh.
Các chương trình, đề án khuyến công được tổ chức thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại hóa, cơ khí hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; góp phần đào tạo lao động có tay nghề, phân công lại lao động trong khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề và làng nghề trong nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Cùng với đó, việc thực hiện một số hoạt động tư vấn, đã hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT triển khai thuận lợi các chương trình, dự án khuyến công, các hoạt động đầu tư, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, theo Bà Trần Thị Diễn bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng các chương trình, đề án và kinh phí khuyến công còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo ra được những bước đột phá, những cú hích để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển, chuyển giao, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Việc triển khai các hoạt động tư vấn công nghiệp còn hạn chế, chủ yếu dựa trên cơ sở các chương trình, dự án khuyến công, chưa có nguồn thu từ hoạt động tư vấn công nghiệp.
Nhiệm vụ và giải pháp năm 2024
Trước những một số tồn tại và hạn chế nêu trên, để hoạt động khuyến công tiếp tục phát huy hiệu quả, năm 2024, Trung tâm đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như:
Thứ nhất, việc quản lý, điều hành hoạt động khuyến công địa phương: Cần chủ động, phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động khuyến công, thẩm định, kiểm tra các dự án, tăng cường việc giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án khuyến công tại các đơn vị, thực hiện thanh quyết toán đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, đối tượng trên cơ sở nâng cao hiệu quả, chất lượng các đề án và kết quả thực hiện của các đề án theo quy định.
Thứ hai, về việc triển khai và phối hợp thực hiện các chương trình dự án khuyến công, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn: Tích cực, chủ động tổ chức và triển khai các chương trình, dự án trên cơ sở tranh thủ sự giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ về chuyên môn của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương. Tăng cường sự phối hợp với UBND các huyện, thành phố và phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố để triển khai các chương trình, kế hoạch đề ra. Chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc thực hiện các đề án, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới.
Thứ ba, bố trí viên chức vào các vị trí công việc phù hợp với sở trường công tác và chuyên môn được đào tạo.
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo đội ngũ cán bộ, viên chức trung tâm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động khuyến công, nâng cao kỹ năng và kiến thức để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.