Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác Châu Mỹ 2020 do Bộ Công Thương tổ chức sáng (25/9) tại Hà Nội.
Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực châu Mỹ, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua Diễn đàn, Ban tổ chức mong muốn, các doanh nghiệp Việt Nam xác định được cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực châu Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi, xu hướng dịch chuyển chuỗi ứng toàn cầu và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Thị trường đầy tiềm năng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây.
Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.
Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8% trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn chứng, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan theo nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, hầu hết các thị trường có suy giảm về xuất khẩu. Dù vậy, xuất khẩu sang châu Mỹ từ tháng 4 đến tháng 7 tăng khá nhanh.
Đây là điểm khá tích cực, một trong những nguyên nhân chính được đánh giá là do tác động từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đền này, bà Đỗ Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Canada so với trước. Do Chính phủ Canada những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại tới Châu Á. Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Canada.
Theo bà Đỗ Thu Hương, dịch Covid-19 cũng lộ mặt trái cũng chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ. Bởi vậy, châu Á vẫn được doanh nghiệp Canada quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, giữa Việt Nam và Canada là nền kinh tế mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt với nông sản, thực phẩm. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá có chiến lược chống dịch bệnh tốt, có tình hình chính trị, an ninh ổn định, có dân số trẻ. Đây là những nhận định của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Canada mà thương vụ nhận được trong quá trình tiếp xúc.
Đáng lưu ý, gần đây số lượng doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, cơ sở đặt nhà máy tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam và Canada sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai.
Nhưng vô cùng khó tính
Chia sẻ bên lề Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin. Đặc biệt, tác động của dịch Covid-19 khiến trao đổi thương mại hai chiều bị ảnh hưởng.
“Khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công hàng sang châu Mỹ, đặc biệt là thị trường Mỹ, ông Phạm Hoàng Việt - Phó chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings (APH) nói, thách thức lớn là sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng, an toàn cho sức khoẻ và môi trường.
Ông Việt dẫn chứng, để được thị trường Mỹ đón nhận, sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn của APH phải đạt loạt chứng chỉ như BPI Compostable (về khả năng phân hủy), Food Contact (chứng nhận an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm). Hay đối với sản phẩm sàn nhựa công nghệ cao, doanh nghiệp này cũng phải đảm bảo chứng chỉ FloorScore (tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm đảm bảo lượng phát thải thấp nhất và không gây hại, phù hợp chất lượng không khí trong nhà).
Chưa kể, một số đối tác, nhất là tại Mỹ thường đưa ra những yêu cầu riêng về nhà xưởng phải đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn cải tiến quy trình sản xuất... Tất cả những điều này doanh nghiệp phải chứng minh thực tế năng lực của mình với đối tác nếu muốn vượt và đạt các tiêu chuẩn xuất hàng.
"Châu Mỹ là thị trường lớn, được xem là khách hàng khó tính bậc nhất và có nhiều tiêu chuẩn riêng cho các doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu. Vì thế không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi đưa hàng sang khu vực này", ông bình luận.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thúy Hằng, đại diện Công ty TNHH Hạt Điều Vàng chia sẻ, từng xuất khẩu hạt điều thành công sang các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ... nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là chi phí logistics và quy chuẩn xuất khẩu hàng hóa của từng quốc gia.
"Tại châu Âu và thị trường Mỹ, khách hàng ưa chuộng các sản phẩm dạng snack, do vậy, bao bì xuất khẩu sang thị trường này thường nhỏ hơn, và không chuộng sản phẩm hút chân không. Không còn cách nào khác, để xuất khẩu thành công, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ thị trường, đáp ứng những quy chuẩn khó tính bậc nhất của thị trường đó", bà Hằng chia sẻ.
Ở khía cạnh này, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam tại Mỹ lưu ý, doanh nghiệp cần điều chỉnh năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường như khi cải thiện bao bì đóng gói, thiết kế mẫu mã hàng hoá... phù hợp với giao hàng trực tuyến đang bùng nổ sau Covid-19.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để chinh phục được thị trường châu Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đến những mặt hàng có thế mạnh về xuất khẩu, như: hàng điện tử, linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông sản, hàng may mặc, da giày...
Ngoài ra, tiếp tục tìm kiếm thêm những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam để giới thiệu, đưa sang thị trường châu Mỹ. Người dân ở thị trường này rất chuộng mặt hàng thực phẩm, đồ uống, trái cây... của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm dịch.
Thứ trưởng cũng lưu ý, lĩnh vực về công nghệ thông tin, máy tính, linh kiện điện tử cũng là những mặt hàng tiềm năng. Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực về công nghệ thông tin cần chủ động và thúc đẩy mạnh hơn nữa trong các hoạt động của mình để tăng lượng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực này.
Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác Châu Mỹ 2020 có sự tham dự của gần 200 đại biểu là Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Sở Công Thương, các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại - công nghiệp giữa Việt Nam và các nước khu vực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, Diễn đàn có sự kết nối và tham gia phát biểu trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Uruguay Francisco Bustillo và 8 Tham tán thương mại của Việt Nam tại các quốc gia Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Brazil, Chile, Cuba, Argentina.