Tận dụng các cơ hội, lợi thế
Sau những tháng đầu năm bị sụt giảm do ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Anh, các tháng gần đây xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có xu hướng tăng trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Anh đạt 460,1 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Hiện nay hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều thuận lợi để gia tăng xuất khẩu sang Vương quốc Anh.
Thuận lợi đầu tiên là thị trường Anh khá lớn với khoảng 68 triệu dân, nhu cầu đa dạng (trong đó cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người); quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Đặc biệt, với lợi thế ưu đãi thuế quan theo Hiệp định UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: giấy và các sản phẩm từ giấy, cao su, rau quả thực phẩm, giày da,… sang Anh. Hiện nay Anh vẫn có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi chuỗi cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ucraina. Trong khi đó, với những cam kết từ Hiệp định UKVFTA, các nhà xuất khẩu của Vương quốc Anh hay Việt Nam đều được hưởng lợi. Hiện nay, 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh. Đến năm 2027, con số này sẽ nâng lên mức 99,2%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
Việc Ấn Độ - nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường Anh đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ từ ngày 20/7/2023 dự báo thị trường Anh thiếu nguồn cung gạo. Diễn biến này được dự báo sẽ tạo thêm cơ hội thị trường mới cho gạo của Thái Lan và Việt Nam cả về khối lượng, thương hiệu và giá cả.
Gần đây nhất là việc Vương quốc Anh trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau khi Chính phủ Anh hoàn tất các bước cần thiết để Hiệp định có hiệu lực thực thi từ năm 2024, dự báo một số sản phẩm có tiềm năng lớn của Việt Nam như: gạo thơm, cá ngừ, mật ong… sẽ gia tăng thị phần tại Anh nhờ được cấp thêm nhiều hạn ngạch miễn thuế.
Thích ứng với những thay đổi, thách thức mới của thị trường Anh
Bên cạnh những cơ hội, thị trường Anh cũng xuất hiện không ít thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu, thích ứng.
Thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang, nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu. Biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Thị trường Anh yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Việc thực hiện sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.
Về thị hiếu, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng tại Anh đang trở nên phổ biến hơn như: ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng tăng cường xuất khẩu sang thị trường Anh trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh tiếp tục thúc đẩy mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam. Cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh; phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh đối tác tại Anh, hỗ trợ giải chấp thương mại, đồng thời tiếp tục làm việc với các hệ thống siêu thị Anh nhằm gia tăng đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị sở tại…