Theo đó, sau quá trình điều tra vụ việc từ tháng 11/2019, trên cơ sở thông tin do Chính phủ Việt Nam cung cấp, Canada đã kết luận Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ, do đó sẽ không áp thuế chống trợ cấp với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong kết luận cuối cùng, Canada cũng điều chỉnh giảm thuế chống bán phá giá đáng kể so với quyết định sơ bộ. Cụ thể các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia hợp tác đầy đủ trong vụ việc (chiếm khoảng 97% tổng kim ngạch xuất khẩu tôn mạ từ Việt Nam sang Canada) có mức thuế chống bán phá giá giảm từ 36,3% - 91,8% trong giai đoạn sơ bộ xuống còn 2,3% - 16,2% trong kết luận cuối cùng.
Hiện nay, Canada đang đánh giá về thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, dự kiến sẽ ra kết luận cuối cùng vào ngày 13/11/2020. Trong trường hợp kết luận không có thiệt hại, Canada sẽ không áp thuế chống bán phá giá với tôn mạ của Việt Nam.
Trong vụ việc này, ngay từ khi Canada khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cung cấp đầy đủ thông tin cho các bản câu hỏi điều tra (chính thức và bổ sung) và hợp tác toàn diện với Canada trong toàn bộ quá trình điều tra chống trợ cấp, chống bán phá giá.
Sau khi Canada ban hành kết luận sơ bộ, Bộ Công Thương đã có ý kiến chính thức về kết luận này và đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Canada giữ nguyên kết luận về trợ cấp, tính toán lại biên độ phá giá trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng vệ thương mại của WTO và Canada.
Theo Bộ Công Thương, việc Canada không áp thuế chống trợ cấp và giảm thuế chống bán phá giá với tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam là kết quả tích cực, cho thấy hiệu quả của việc phối hợp giữa Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình xử lý vụ việc.