Thu hút vốn đầu tư vào các huyện nghèo, khó khăn và giải pháp

TS. HỒ NGỌC MINH (Chủ biên) - TS. VŨ TRỰC PHỨC - ThS. TRẦN QUANG CẢNH - ThS. DƯƠNG VĂN HỢP (Viện Kinh doanh và Quản lý, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)

TÓM TẮT:

Từ năm 2015, Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần giảm tải cho các thành phố lớn. Bài viết nghiên cứu về thu hút vốn đầu tư vào các huyện nghèo, khó khăn, từ đó đưa ra một số giải pháp giúp một số doanh nghiệp triển khai các dự án và mang lại kết quả cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Đó là cách mà các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội bằng hành động thực tế.

Từ khóa: thu hút vốn đầu tư, doanh nghiệp, huyện nghèo, việc làm, thu nhập.

1. Đặt vấn đề

Trung Quốc hiện đang theo đuổi chương trình "thịnh vượng chung", nghĩa là 1.000 công ty lớn nhất nước này sẽ được giao nhiệm vụ phát triển 1.000 huyện nghèo nhất nước. Công ty coi huyện đó như là một bộ phận của doanh nghiệp, giám đốc công ty kiêm phó chủ tịch danh dự huyện. Công ty có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế ở huyện đó, lập khu công nghiệp, nhà máy, đồn điền, trang trại, trường học, bệnh viện,... tại huyện để giải quyết lao động, việc làm, phát triển huyện về mọi mặt. Đây được xem như là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Việt Nam cũng cần có chính sách tương tự cho các công ty lớn thay cho các chương trình từ thiện. Nhà nước giao cho họ doanh nghiệp tại một huyện nghèo để phát triển và xem đây là trách nhiệm của một doanh nghiệp uy tín. Hàng năm sẽ tổng kết, vinh danh những công ty đã giúp các huyện thoát nghèo. Thành quả này mới thật sự có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chân chính.

Làm được việc này, nghĩa là địa phương sẽ có được tiền thuế để xây dựng bệnh viện, trường học, đường sá,… Cha, mẹ  hạnh phúc vì được sống gần con cháu. Các đô thị lớn cũng giảm tải do di dân tìm việc làm và giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện tại Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và địa phương. Tuy nhiên, các dự án đầu tư quy mô chưa lớn, địa phương thoát nghèo phần lớn nhờ vào kinh tế tư nhân.

2. Các dự án thiết thực của nhà đầu tư ở các huyện nghèo

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, các nhà đầu tư đã mạng dạn đầu tư vào các huyện nghèo. Nhiều dự án đạt được kết quả khả quan, tạo tiền đề thu hút thêm nhiều dự án cho các huyện.

Tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, Công ty TNHH Một thành viên Kế Duy Kon Tum làm chủ đầu tư xây dựng dự án khu sinh thái nghỉ dưỡng Epic Spa đã được khởi công. Tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, gồm: khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái dịch vụ tắm dược thảo, khu chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, khu vui chơi dành cho trẻ em,... Tuy vốn đầu tư không lớn, nhưng dự án thể hiện tầm nhìn của nhà đầu tư về tiềm năng phát triển du lịch của huyện. Ngoài ra, còn có các dự án khác như: Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại xã Đăk Pne, Dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Đăk Ruồng,... Huyện tạo điều kiện thuận lợi và áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước để thu hút đầu tư. Đối với doanh nghiệp thành lập mới, mức thuế suất ưu đãi 10% được áp dụng trong thời gian 15 năm. Các hợp tác xã được hưởng thuế suất ưu đãi 20% trong suốt thời gian hoạt động. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền sử dụng đất và miễn tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án nông nghiệp thuộc diện ưu đãi đầu tư được giảm 70% tiền sử dụng đất trong quy hoạch đã phê duyệt. Dự án nông nghiệp thuộc diện khuyến khích đầu tư được giảm 50% tiền sử dụng đất, nếu được Nhà nước giao đất để đầu tư dự án đó,… Huyện cũng miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo cho doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nhờ sự quan tâm của tỉnh Kon Tum,ngày càng có nhiều các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội khai thác tiềm năng của vùng đất này.

Tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2015 đến nay có hơn 213 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có nhiều dự án với mức đầu tư lớn, như: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực suối cá Cẩm Lương, Nhà máy Chế biến đá ốp lát và đá nhân tạo Vũ Gia, Nhà máy Sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại xã Cẩm Tú, Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Cẩm Thủy,... Huyện Cẩm Thủy đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, vận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt tại huyện Ngọc Lặc, từ năm 2016 - 2020, có 65 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 6.382 tỷ đồng. Trên địa bàn Huyện, một số dự án có vốn đầu tư lớn, như: Nhà máy May Việt Pan Pacific, Nhà máy May Cẩm Hoàng, Nhà máy Phân bón hữu cơ Phúc Thịnh, Cụm trang trại liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao tại 2 xã Minh Tiến và Lam Sơ,... Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Đài Loan,... với các dự án như: Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử Delta E&C Electrolux, Dự án Nhà máy Giầy HWAYIN,... Đảng bộ huyện Ngọc Lặc đã cải cách bộ máy chính quyền địa phương, cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát huy tối đa năng lực sản xuất.

Tỉnh Trà Vinh vào đầu những năm 2000 là 1 trong 3 tỉnh nghèo nhất cả nước. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như: IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics, sở hữu 200 bằng phát minh, sáng chế đã quyết định từ Canada trở về vùng đất hẻo lánh thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành xây dựng Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan. Ông đã cho áp dụng công nghệ quang điện tử hiện đại để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như vật liệu hữu cơ, phát quang, tạo hình 3 chiều, bản kẽm nhiệt CTP,… và xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan theo mô hình của Viện Nghiên cứu Almaden ở Mỹ, nhằm tạo không gian mở kết hợp giữa làm việc và giải trí, giúp nhân viên có môi trường làm việc thoải mái, tăng cường tính sáng tạo.

Thành công với việc xây dựng Mỹ Lan Group thành một "thung lũng quang điện tử" công nghệ cao bậc nhất trên thế giới tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Cuối năm 2015, ở tuổi ngoài 60, ông Mỹ quyết định về Cù lao Long Trị, một vùng đất hoang vắng, biệt lập, thành lập Công ty Rynan - chuyên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để giải quyết các vấn đề thực phẩm bẩn. Chứng kiến cuộc sống khốn khổ của người dân khi nước bị nhiễm mặn, ông đã sáng tạo ra đồng hồ nước thông minh, kết nối với điện toán đám mây, điện thoại di động giúp người nông dân hòa nhập với khí hậu, giảm được sự thất thoát nước trong hoạt động sản xuất.

Các doanh nghiệp như Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tổng công ty Viễn thông Quân đội,… tiếp tục triển khai các dự án mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các huyện nghèo, tạo nhiều cơ hội việc làm giúp đỡ các hộ nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hiện nay, cả nước có hơn 41 doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ các huyện nghèo đã cam kết hỗ trợ trị giá gần 1.400 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề,…

Các dự án đã ra đời nhờ vào sự quyết tâm của các nhà đầu tư với khát vọng đưa các vùng quê nghèo của đất nước trở nên phát triển trù phú, giúp đời sống người dân vùng sâu, vùng xa được cải thiện. Các công trình này đã giải quyết đầu ra cho nông sản tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Bộ mặt nông thôn Việt Nam ngày càng thay đổi, nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc.

3. Khó khăn của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào các huyện nghèo

Đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước là việc doanh nghiệp chân chính nào cũng muốn làm. Nhưng ngoài chính sách ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn, các nhà đầu tư còn e ngại đầu tư vào các huyện nghèo vì một số lý do như sau:

Một là, giao thông kết nối giữa các vùng sản xuất hàng hóa với các xã, thôn, bản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, khó lưu thông đến các thành phố lớn, đặc biệt là các huyện miền núi, vị trí địa lý hiểm trở.

Hai là, nguồn lao động của các huyện còn nhiều hạn chế, thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, phần lớn là lao động phổ thông.

Ba là, trình độ của cán bộ địa phương còn thấp chưa giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, khó khăn của doanh nghiệp khi làm việc với người dân ở các huyện nghèo là tính kỷ luật kém, nhận thức về hợp đồng lao động còn hạn chế, chưa nghiêm túc thực hiện đúng các cam kết đã ký. Đặc biệt, các doanh nghiệp hợp tác với nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm hay gặp tình trạng, mặc dù đã ký hợp đồng, nhận vật tư, vốn ứng trước và kỹ thuật nuôi trồng của doanh nghiệp, nhưng khi giá sản phẩm trên thị trường tăng thì họ lại bán sản phẩm cho nơi khác hoặc các doanh nghiệp khác mà không nghĩ đến trách nhiệm đối với hợp đồng đã thỏa thuận. Khi thị trường rớt giá, họ mới quay lại bán cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó. Để khắc phục tình trạng này, một số doanh nghiệp đã soạn thảo bộ hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, quy định rõ các điều kiện để ràng buộc quyền và nghĩa vụ gắn với lợi ích giữa các đối tượng tham gia. Để nông dân an tâm sản xuất và doanh nghiệp đảm bảo được nguồn cung, doanh nghiệp đưa ra giá sàn tối thiểu theo hướng có lợi cho nông dân, nếu tại thời điểm thu mua, giá sản phẩm thị trường cao hơn giá sàn, doanh nghiệp mua theo giá thỏa thuận, còn thấp hơn thì mua theo giá sàn. Mỗi địa phương, mỗi sản phẩm doanh nghiệp có những hợp đồng khác nhau phù hợp với thực tế dựa trên quyền và lợi ích của các bên liên quan. 

Mặc dù Chính phủ đã có đầy đủ ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai và tín dụng, nhưng đầu tư vào các huyện nghèo là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp. Ngoài có sự dồi dào về nguồn lực tài chính, công nghệ hiện đại và nhận ra tiềm năng của huyện, nhà đầu tư còn cần sự ủng hộ của chính quyền các cấp và sự đồng lòng của người dân địa phương, với quyết tâm đưa huyện mình vươn lên một bước phát triển mới.

4. Giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư vào các huyện nghèo

Để thu hút vốn đầu tư ở các huyện nghèo khởi sắc, Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường vận động các tập đoàn kinh tế, các công ty ở trong và ngoài nước nhận giúp đỡ các huyện nghèo khảo sát xây dựng chương trình, huy động nguồn lực và triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp phong tục, tập quán vùng miền để người dân dễ dàng thích nghi, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án, chính quyền địa phương cần:

Thứ nhất, tích cực đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, quy hoạch chung về phát triển logistics, bảo đảm sự kết nối giao thông và thông tin truyền thông giữa các thành phố lớn.

Thứ hai, tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao chất lượng và số lượng lao động chất lượng cao, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Huyện cần có chính sách lương thưởng, đãi ngộ, điều kiện sống và làm việc hấp dẫn để thu hút nhân tài, cũng như tạo động lực cho các sinh viên sau khi học tập ở các thành phố lớn trở về quê hương làm việc.

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, tạo lợi thế so sánh giữa các địa phương. Lãnh đạo huyện tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp khi triển khai hoạt động, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và địa phương.

Thứ tư, cải cách, đơn giản hóa các thủ tụ chành chính, xây dựng website của tỉnh để đăng những thông tin, hoạt động liên quan đến doanh nghiệp; Cử cán bộ địa phương đi đào tạo để nâng cao chất lượng chuyên môn và tác phong làm việc chuyên nghiệp.                                                

Thứ năm, tăng cường phát triển các khu thương mại. Thương mại phát triển sẽ thu hút các nhà đầu tư, từ đó kết nối với các yếu tố cung cầu thu hút đầu tư vào huyện. Mặc khác, cần liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho nông dân.

Thứ sáu, tăng cường những ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai và tín dụng chính là động lực thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn triển khai các dự án.

Thứ bảy, giáo dục ý thức cho người dân địa phương tôn trọng kỷ luật lao động và nghiêm túc thực hiện các hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.

Điều quan trọng nhất đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã giúp các huyện thoát nghèo vươn lên, giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao dân trí, tiếp cận công nghệ hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Thế hệ trẻ Việt Nam được học hành, đào tạo bài bản ở các trường đại học, cộng với năng lực sáng tạo, nhạy bén với thị trường, hãy thử sức kinh doanh từ những sản phẩm của địa phương để giúp bà con có việc làm. Thực tế đã có nhiều bạn trẻ ở nhiều làng quê khởi nghiệp thành công và là niềm tự hào cho giới trẻ Việt Nam. Cụ thể như dự án sản phẩm ống hút, hộp đựng tăm, cốc uống nước,… được chế tạo bằng mây, tre đang được một số người trẻ Vân Kiều sống tại các xã phía Bắc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sản xuất. Anh Hồ Văn Giỏi (28 tuổi) sau khi được cử đi tập huấn và đào tạo để chế tác các sản phẩm từ mây tre đã mở hợp tác xã Trăng Tà Puồng giúp tăng sinh kế cho bà con vùng sâu vùng xa; hay dự án “Nuôi cá lóc trong vườn dừa” của Dương Minh Châu, “Chuối sấy trong nhà kính” của Nguyễn Thị Ngọc Ân, “Dịch vụ du lịch sinh thái Farmstay” của Võ Văn Huy, “Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường” của Nguyễn Thị Ngọc Như,... Các dự án đều triển khai khá tốt, có yếu tố sáng tạo khoa học công nghệ cao.

 5. Kết luận

Nhờ sự “chung tay” của các doanh nghiệp có tâm, có tầm ở trong và ngoài nước, đến nay số tỉnh nghèo của Việt Nam giảm đáng kể, năm 2021 chỉ còn 10 tỉnh. Chính phủ luôn khẳng định vai trò chủ lực của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đất nước nói chung và các huyện nghèo nói riêng. Với tinh thần tương thân, tương ái, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân sẽ tiếp tục  đồng lòng để “không ai bị bỏ lại phía sau”.  

                                     

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Thị Lý (2016). Kinh tế phát Triển. NXB Đại học Thái Nguyên.
  2. Bùi Nhật Quang,Trần Thị Lan Hương (2019). Lợi thế đặc thù trong phát triển kinh tế Tây Nguyên. NXB Khoa học Xã hội.
  3. Bảo Trung ( 2021). Huyện nghèo ở Đắk Lắk tổ chức kêu gọi đầu tư các dự án đến 4000 tỉ đồng. Truy cập tại: https://laodong.vn/xa-hoi/huyen-ngheo-o-dak-lak-to-chuc-keu-goi-dau-tu-cac-du-an-den-4000-ti-dong-899290.ldo
  4. Xuân Anh (2021). Thu hút đầu tư ở miền núi nhiều khởi sắc. Truy cập tại: https://baothanhhoa.vn/kinh-te/thu-hut-dau-tu-o-mien-nui-nhieu-khoi-sac/135150.htm

 

ATTRACTING INVESTMENT INTO POOR AND DISADVANTAGED DISTRICTS: CHALLENGES AND SOLUTIONS

PhD. HO NGOC MINH 1

PhD. VU TRUC PHUC 1

Master. TRAN QUANG CANH 1

Master. DUONG VAN HOP 1

1 Institute of Business and Management, Hong Bang International University

ABSTRACT:

Since 2015, the Government of Vietnam has focused on amending and supplementing policies to encourage businesses to invest in poor districts, create jobs and help people living in difficult areas to increase their income, contributing to reducing the urban-rural development gap and lowering social pressures on big cities. This paper studies on attracting investment to poor and disadvantaged districts, thereby proposing some solutions to help enterprises effectively carry out their projects, improving the material and spiritual life of local people. It also helps enterprises fulfill their social responsibilities.

Keywords: attract investment, enterprise, poor district, job, income.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 23, tháng 10 năm 2021]