Theo đó, từ ngày 30/9 - 01/10/2024, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại một số hoạt động chính thức: dự lễ đón cấp Nhà nước, Hội đàm với Tổng thống Mông Cổ, Hội kiến Thủ tướng Mông Cổ, Dự chương trình Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ, Thăm Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đó, ngày 01/10/2024, tại thủ đô Ulan Bato, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi gặp gỡ các tổ chức kinh tế tiêu biểu của Mông Cổ.
Đây là sự kiện do Bộ Công Thương Việt Nam được giao làm cơ quan đầu mối, phối hợp với Bộ Ngoại giao Mông Cổ, Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Mông Cổ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và các cơ quan hữu quan của hai nước tổ chức.
Về phía Việt Nam có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh; lãnh đạo Bộ Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Trợ lý Tổng bí thư, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía Mông Cổ có sự tham dự của ông Dorjkhand Togmidyn, Phó Thủ tướng Mông Cổ; ông Munkhtushig Lhanaajav, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Mông Cổ, ông Duuren Tumenjargal, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Mông Cổ; ông Jigjee Sereejav, Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu (thực phẩm, đồ uống, sản phẩm gia dụng, hàng tiêu dùng), năng lượng, khoáng sản, vận tải, logistics, du lịch, giáo dục, lao động, nông nghiệp, ngân hàng…
Phát biểu tại buổi gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực đạt được trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, khẳng định việc hai nước tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ” đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác song phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm quý báu của Mông Cổ dành cho Việt Nam, đánh giá cao Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và khẳng định Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương với Mông Cổ phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả và lâu dài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hai nước cần tiếp tục đồng hành, gắn bó, hợp tác toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển của hai nước cũng như để đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Dorjkhand Togmidyn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, trong đó có Lãnh đạo Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành của Việt Nam đã thu xếp, dành thời gian tiếp các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ.
Ông Dorjkhand Togmidyn nhấn mạnh, sự kiện gặp gỡ là dịp quý báu để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ trình bày, báo cáo Lãnh đạo cấp cao của hai Bên về nhu cầu, nguyện vọng và những khó khăn trong hợp tác kinh doanh với Việt Nam, từ đó tìm ra những cơ hội mở rộng, tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Phó Thủ tướng Dorjkhand Togmidyn cho rằng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ là một trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Phía Mông Cổ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như khai khoáng, dầu khí, chăn nuôi, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm, năng lượng xanh, năng lượng sạch, vận tải hàng không, du lịch...
Phó Thủ tướng Dorjkhand Togmidyn thông tin, trong thời gian tới Chính phủ Mông Cổ có kế hoạch triển khai 14 dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Mông Cổ luôn hoan nghênh, chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tham gia, hợp tác triển khai những dự án này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao việc các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ đã quan tâm đến thị trường Việt Nam, mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam, cũng như những đề xuất cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong hợp tác kinh tế, thương mại. Nhận định những khó khăn này chủ yếu là vấn đề kỹ thuật, liên quan đến vận chuyển hàng hóa giữa hai nước phải quá cảnh qua nước thứ ba.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định về mặt chủ trương, chính sách, Chính phủ hai nước đã nỗ lực tạo điều kiện hết sức thuận lợi. Tháng 11/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelssukh, hai Bên đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông; Bản ghi nhớ hợp tác thương mại gạo bền vững.
Việt Nam cũng đang nghiên cứu tham gia hợp tác đường sắt chung 3 nước Trung Quốc, Mông Cổ, Nga để góp phần tháo gỡ khó khăn trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mông Cổ. Việt Nam hoan nghênh Hãng hàng không quốc gia MIAT hợp tác với các hãng hàng không của Việt Nam để mở thêm các đường bay thẳng giữa hai nước và hợp tác khai thác các chặng bay quá cảnh ở mỗi nước để đến nước thứ ba.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã mời các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng của các Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư phát biểu thảo luận, phản hồi cụ thể các mối quan tâm, đề xuất của các doanh nghiệp Mông Cổ.
Phát biểu kết thúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn chào đón và hoan nghênh các doanh nghiệp Mông Cổ mở rộng hợp tác với Việt Nam. Các Bộ, ngành phía Việt Nam luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mông Cổ hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã chỉ ra 05 nhóm lĩnh vực phía Việt Nam quan tâm thúc đẩy hợp tác với Mông Cổ, cụ thể bao gồm: (i) hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi; (ii) khai khoáng mỏ và khoáng sản; (iii) xây dựng hạ tầng, công trình nhà cửa; (iv) vận tải, logistics, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa hai nước; (v) phát triển chuyển đổi số, năng lượng xanh, năng lượng sạch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc các doanh nghiệp Mông Cổ không ngừng phát triển và đạt nhiều thành công trong hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh với Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.