Đóng góp trực tiếp, to lớn
Trong bài phát biểu hơn 1 giờ đồng hồ, mở đầu Thủ tướng nêu hàng loạt thành tựu ấn tượng của Việt Nam: Năm thứ hai GDP tăng trên 7%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất toàn cầu; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR đang dần được cải thiện, từ mức 6,42 năm 2016 giảm xuống còn 6,07 năm 2019; tỷ lệ nghèo giảm xuống 1,45%, được bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar coi là “thần kỳ”… ,
Trong thành quả toàn diện của năm 2019, Thủ tướng khẳng định có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của toàn ngành Công Thương, của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, khi 80% đóng góp vào GDP đến từ công nghiệp và dịch vụ.
Nhắc đến thành tích ấn tượng nữa là chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng Việt Nam liên quan đến ngành Công Thương, nơi đóng góp 80% vào GDP đất nước…
4 lần nhắc đến con số 80% đóng góp vào GDP, hiển nhiên, trước hết Thủ tướng muốn nói đến vai trò của ngành. Nhưng cùng với đó, trong hàm ý sâu xa hơn, Thủ tướng đề cập đến trách nhiệm của một ngành có nhiều trụ cột đóng góp trên nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
Trong số 4 triệu tỷ đồng doanh nghiệp bỏ vào kinh doanh và tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm năm 2019, có một phần đến từ các quyết định đột phá, là Bộ đầu tiên hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa trên một nửa điều kiện kinh doanh, tiết kiệm hơn 122 nghìn ngày công mỗi năm;
Bộ Công Thương cũng là bộ đầu tiên ban hành Quyết định Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh lần thứ 2 cho giai đoạn 2019 – 2020.
Trong số trên 263 tỷ USD xuất khẩu, có một phần đến từ quyết định xóa bỏ 420 mã HS phải kiểm tra trước thông quan (58,3%); triển khai 166 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương…
Bộ Công Thương còn là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện việc thí điểm kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp để đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp khai báo dưới hình thức trực tuyến trong những năm vừa qua đối với các nhóm thủ tục này.
Kỳ vọng là bộ đi đầu cải cách thể chế
Chính với trách nhiệm to lớn như vậy, Thủ tướng muốn Bộ Công Thương là bộ đi đầu trong cải cách thể chế: “Ngành Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành”.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ tạo lập nên hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Thủ tướng ví dụ: Ngành điện đưa 12 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, góp phần giúp chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Asean, thứ 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế, giúp hệ thống điện phủ lưới trên 98%.
Thể chế tạo đà nâng cao năng suất nội ngành của ngành công nghiệp; giảm phụ thuộc vào lợi thế nguồn tài nguyên, chuyển sang nền công nghiệp chế biến dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và cạnh tranh, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thể chế cũng tạo đà đón bắt thời cơ thu hút các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam.
Nói cách tổng quát, thể chế chính là nguồn lực cho phát triển bền vững ngành Công Thương, từ đó lan tỏa ra nền kinh tế.
Đó là thông điệp mạnh mẽ nhất của người đứng đầu Chính phủ gửi gắm vào ngành Công Thương.